HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 73/2013/NQ-HĐND | Lai Châu, ngày 12 tháng 07 năm 2013 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 240/2013/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số: 681/TTr-UBND ngày 11/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 31/BC-HĐND ngày 01/7/2013 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm
- Phát triển hệ thống y tế Lai Châu phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống y tế Việt Nam; từng bước nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân trên địa bàn. Phấn đấu trở thành tỉnh có các chỉ số dịch vụ y tế đạt ở mức trung bình trong vùng Tây bắc.
- Phát triển hệ thống y tế Lai Châu theo hướng hiện đại và bền vững trong đó gắn y tế chuyên khoa, chuyên sâu với y tế phổ cập, kết hợp hài hòa giữa phòng bệnh với khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại.
- Phát triển hệ thống y tế gắn liền với các cụm dân cư nhằm tạo cơ hội cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách trong thụ hưởng các dịch vụ y tế của người dân trong tỉnh so với các địa phương khác trong cả nước.
- Phát triển hệ thống y tế theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần y tế cùng tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, trong đó y tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống y tế tỉnh Lai Châu đến năm 2020 theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương cũng như yêu cầu về đảm bảo an ninh biên giới của tổ quốc.
2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1. Tăng cường củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng.
2.2.2. Phát triển mạng lưới y tế dự phòng có đủ khả năng giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh dịch gây ra; đảm bảo công tác kiểm dịch y tế quốc tế; đẩy mạnh công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm giảm số ca mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
2.2.3. Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng tại các đơn vị y tế, đặc biệt là tại khu vực biên giới. Đảm bảo sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Từng bước phát triển hệ thống y tế ngoài công lập phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của địa phương.
2.2.4. Đẩy mạnh các hoạt động của chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình nhằm đảm bảo quy mô và cơ cấu dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chú trọng nâng cao chất lượng giống nòi đặc biệt là với các dân tộc thiểu số nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2.2.5. Phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc, chủ động cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định thị trường thuốc phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.
2.2.6. Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, bảo đảm trang thiết bị thiết yếu và từng bước đầu tư trang thiết bị hiện đại cho hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám chữa bệnh và phục hồi chức năng; phát triển hệ thống cung ứng, sửa chữa trang thiết bị và vật tư y tế.
2.2.7. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng nhằm từng bước khắc phục khó khăn về nhân lực cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở nhất là vùng núi cao, khu vực biên giới và các chuyên khoa đặc thù. Ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút và giữ chân nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao yên tâm công tác lâu dài tại địa phương.
2.2.8. Xây dựng nền tài chính y tế lành mạnh, bền vững, giúp cho người dân trên địa bàn tránh được đói nghèo khi mắc bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội…
2.2.9. Thiết lập và duy trì có hiệu quả mạng lưới thông tin y tế trong phạm vi toàn tỉnh và đảm bảo kết nối với thường xuyên, liên tục với các cơ quan trung ương, các địa phương trong cả nước.
STT | Chỉ tiêu | Năm 2012 | Năm 2015 | Năm 2020 | Năm 2030 |
| Chỉ tiêu đầu vào: |
|
|
|
|
1 | Số Bác sĩ/ vạn dân | 6,4 | 8,0 | 15,0 | >15,0 |
2 | Số Dược sĩ ĐH/vạn dân | 0,5 | 0,8 | 1,5 | >2 |
3 | Tỷ lệ thôn có NVYT hoạt động | 89,28 | >96 | >96 | 100 |
4 | Tỷ lệ TYT có bác sĩ làm việc tại trạm | 35,9 | 50 | 70 | 100 |
5 | Tỷ lệ xã có NHS/YSSN | 85,4 | >90 | 100 | 100 |
6 | Số GB/vạn dân (không kể TYT) | 27,38 | 29,6 | 37,09 | >40 |
| Chỉ tiêu hoạt động: |
|
|
|
|
7 | Tỷ lệ TE <1 tuổi được TC đầy đủ | 92,39 | 93 | 93,5 | >93,5 |
8 | Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế | 12,62 | 50 | 70 | 100 |
9 | Tỷ lệ dân số tham gia BHYT | 97 | 97 | >97 | >97 |
10 | Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng YHCT, kết hợp YHCT với y học hiện đại | 10 | 18 | 25 | 30 |
11 | Tỷ lệ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xử lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn | 7,5 | 25 | 50 | 90 |
| Chỉ tiêu đầu ra: |
|
|
|
|
12 | Tuổi thọ trung bình (tuổi) | 63,4 | 65 | 67 | 70 |
13 | Tỷ suất chết mẹ/100.000 trẻ đẻ ra sống | 93 | 85 | 75 | 70 |
14 | Tỷ suất chết TE<1 tuổi(1000 trẻ đẻ ra sống) | 36 | 34 | 30 | 25 |
15 | Tỷ suất chết TE<5 tuổi (1000 trẻ đẻ ra sống) | 56,47 | 52 | 47 | 40 |
16 | Quy mô dân số (triệu người) | 0,405 | 0,441 | 0,506 |
|
17 | Mức giảm tỉ lệ sinh (%0) | 0,45 | 0,5 | 0,5 | 0,3 |
18 | Tỷ lệ tăng dân số (%) | 2,94 | 2,90 | 2,70 | 2,60 |
19 | Tỷ lệ giới tính khi sinh (trai/100 gái) | 105,5 | 105 | 105 | 105 |
20 | Tỷ lệ TE<5 tuổi SDD cân nặng/tuổi | 26,1 | 23 | 20 | <20 |
21 | Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS | 0,45 | 0,38 | 0,35 | 0,33 |
1. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở
- Đến năm 2020, hoàn chỉnh việc xây dựng, nâng cấp các bệnh viện huyện; 100% các trạm y tế được kiên cố, đủ công trình phụ trợ, trang thiết bị y tế theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế;
- Đến năm 2015, Trung tâm y tế, Bệnh viện huyện đảm bảo thực hiện được trên 50% các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế, trên 70% vào năm 2020, 100% vào năm 2030;
- Đến năm 2015 trên 90% Trạm y tế xã có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi; 80% trạm y tế có cán bộ làm công tác dược, y học cổ truyền và 100% vào năm 2020; đến năm 2020, 100% trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có nhà công vụ.
- Đến năm 2015 trên 96% thôn bản có y tế bản hoạt động được đào tạo 9 tháng; 100% trường mầm non, tiểu học, trung học có cán bộ y tế trình độ trung học, mỗi trường trung cấp, cao đẳng có ít nhất 03 cán bộ y tế; đến năm 2030 mỗi trường Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học có trạm y tế.
- Đến năm 2020, thành lập 09 Phòng y tế, 09 Trung tâm y tế dự phòng trực thuộc Ủy ban nhân dân của 09 huyện, thị xã trong toàn tỉnh.
- Đến năm 2015 có 50% đơn vị y tế tuyến huyện (Phòng y tế, Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm DS-KHHGĐ) và 30% Trạm y tế xã sử dụng công nghệ thông tin, các tỷ lệ trên đến năm 2020 là 70% và 50%, đến năm 2030 đều là 100%.
2. Phát triển mạng lưới y tế dự phòng
2.1. Các chỉ tiêu chuyên môn
- Giảm 5% số người bị sốt rét hàng năm so với năm trước và không để xảy ra tử vong do sốt rét. Giảm tỷ lệ mắc sốt rét dưới 2/1000 người dân.
- Giảm tỷ lệ mắc lao mới trên 100.000 dân; 100% bệnh nhân phong được quản lý, điều trị và chăm sóc tàn tật.
- Đến năm 2020, thành lập mới 09 Trung tâm y tế thực hiện chức năng y tế dự phòng trên cơ sở tách các đội y tế dự phòng và đội chăm sóc sức khỏe sinh sản của 06 Trung tâm y tế huyện hiện nay, thành lập mới 02 Trung tâm y tế huyện của 02 huyện mới thành lập Nậm Tăm và Nậm Nhùn. Riêng Trung tâm y tế Dự phòng thị xã Lai Châu vẫn thực hiện hai chức năng do vậy sẽ đổi tên thành Trung tâm y tế.
- Sau năm 2020 thực hiện mô hình chỉ có một đầu mối là Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch tại tuyến tỉnh.
3. Phát triển mạng lưới khám chữa bệnh và hệ thống cấp cứu
3.1. Mạng lưới khám chữa bệnh, phục hồi chức năng
- Đến năm 2020 toàn tỉnh có 14 bệnh viện (06 bệnh viện tuyến tỉnh và 08 bệnh viện huyện), chưa bao gồm bệnh viện tư nhân.
- Củng cố, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh để có đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ của những đơn vị chuyên môn, kỹ thuật y tế đầu ngành của tỉnh. Nâng hạng bệnh viện đạt chuẩn quy định của Bộ Y tế đối với tất cả các bệnh viện trong tỉnh.
+ Tuyến tỉnh: Đến năm 2015 Bệnh viện Đa khoa tỉnh duy trì hạng II quy mô 340 giường bệnh, năm 2020 đạt hạng 1 quy mô 380 giường bệnh; Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền đến năm 2020 đạt hạng II, quy mô 100 giường bệnh. Thành lập mới Bệnh viện Sản nhi 100 giường bệnh, Bệnh viện Tâm thần 50 giường bệnh và Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng 100 giường bệnh, 100% bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám bệnh, chữa bệnh.
+ Tuyến huyện: Năm 2015 có 08 bệnh viện tuyến huyện, trong đó 07 bệnh viện đạt hạng III và 01 bệnh viện chưa xếp hạng theo quy định chuẩn của Bộ Y tế. Đến năm 2020 có 07 bệnh viện tuyến huyện đạt hạng II, 01 bệnh viện đạt hạng III; phấn đấu đến năm 2030, 100% các bệnh viện tuyến huyện đạt hạng II.
+ Phòng khám đa khoa khu vực: Đến 2015 toàn tỉnh có 15 Phòng khám đa khoa khu vực, mỗi Phòng khám đa khoa khu vực có ít nhất 10 giường bệnh và đảm bảo được đủ một số trang thiết bị thiết yếu như: X quang, siêu âm, điện tim, xét nghiệm.
3.2. Mạng lưới cấp cứu
- Đến năm 2015 các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện có đội vận chuyển cấp cứu 115. Đến năm 2020 thành lập Trung tâm Cấp cứu 115 của tỉnh và củng cố các đội vận chuyển cấp cứu 115 tại bệnh viện đa khoa các huyện. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dịch vụ vận chuyển cấp cứu bệnh nhân.
- Phát triển mạng lưới vận chuyển cấp cứu vệ tinh được bố trí trên các địa điểm thích hợp đảm bảo thời gian vận chuyển cấp cứu kịp thời.
4. Phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh thực phẩm
- Đến 2015, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh có từ 20 - 25 biên chế và thành lập khoa an toàn thực phẩm huyện, thị trực thuộc trung tâm y tế huyện, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm trực thuộc trạm y tế xã và duy trì những năm tiếp theo.
5. Phát triển y học cổ truyền
- Đến năm 2015, 100% các bệnh viện đa khoa huyện có khoa y học cổ truyền. Đến năm 2020, 100% các khoa y học cổ truyền, trung tâm y tế có bác sỹ chuyên khoa về y học cổ truyền, trong đó 50% bác sỹ y học cổ truyền có trình độ sau đại học, 100% nhân lực y, dược cổ truyền tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập có trình độ trung học trở lên và trình độ đại học vào năm 2020.
- Đến năm 2015, 60% trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực có bộ phận khám chữa bệnh y học cổ truyền; đến năm 2020 là 100%.
- Đến năm 2015, 100% các Bệnh viện y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn, trường trung cấp y tế có vườn cây thuốc nam và duy trì trong những năm tiếp theo.
6. Phát triển lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình
- Đến năm 2020, 100% các xã đều có cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình được đào tạo nghiệp vụ công tác dân số.
7. Lĩnh vực sản xuất, kiểm nghiệm và phân phối thuốc
- Năm 2015 phấn đấu đạt tỷ lệ 50% các khoa dược bệnh viện đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế và 80% vào năm 2020. Các khoa dược có dược sỹ đại học chuyên trách về dược lâm sàng trên 50% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.
8. Phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhu cầu sử dụng đất
8.1. Phát triển cơ sở vật chất
+ Tuyến tỉnh: Giai đoạn 2013-2020 tiếp tục đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các Trung tâm, Chi cục tuyến tỉnh, xây dựng mới Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, ký túc xá học sinh, nhà thư viện, khu giáo dục thể chất Trường Trung cấp y tế.
+ Tuyến huyện: Giai đoạn 2013-2020 đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Nậm Nhùn, Trung tâm y tế thị xã, Trung tâm y tế Sìn Hồ, Phong thổ, Mường Tè, Tam Đường, Than Uyên, Nậm Nhùn, Nậm Tăm tiếp tục đầu tư hoàn thiện và nâng cấp các bệnh viện (Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Tân Uyên, Nậm Tăm), Trung tâm Y tế Tân Uyên. Đầu tư xây dựng và nâng cấp 15 phòng khám đa khoa khu vực, các trạm y tế xã.
8.2. Phát triển trang thiết bị y tế
Đảm bảo đủ trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế:
+ Các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị y tế theo danh mục tiêu chuẩn hóa hiện hành của Bộ Y tế. Ưu tiên đầu tư cho các huyện mới thành lập,các huyện đã được đầu tư trang thiết bị nhưng sử dụng chưa hiệu quả, các xã thuộc vùng sâu, vùng xa.
+ Đến năm 2020 xây dựng 01 phân xưởng sửa chữa, sản xuất các thiết bị y tế thông thường.
8.3. Nhu cầu sử dụng đất đến 2020
Đến năm 2020, cần bố trí bổ sung thêm 43,02 ha, trong đó:
+ Nhu cầu bổ sung thêm cho các đơn vị Y tế tuyến tỉnh là: 19,4 ha.
+ Nhu cầu bổ sung thêm cho các đơn vị Y tế tuyến huyện là: 7,8 ha
+ Nhu cầu bổ sung thêm cho các Phòng khám ĐKKV là: 9,57 ha.
+ Nhu cầu bổ sung thêm cho các trạm Y tế xã là: 7,25 ha
9. Phát triển nguồn nhân lực y tế
- Đến năm 2015, 100% các cơ sở điều trị có ít nhất 1 dược sỹ đại học, số trạm y tế có cán bộ dược được đào tạo là 80%, đến năm 2020 là 100%.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, có khả năng sử dụng thành thạo các trang thiết bị y tế mới, hiện đại, bao gồm cả việc duy tu, bảo dưỡng.
- Tăng tỷ lệ bác sỹ được đào tạo có trình độ sau đại học cho tất cả các tuyến. Nâng tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học (TS, CKII, Ths, CKI) trong tổng số cán bộ y tế từ 11,2% năm 2012 lên 17% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Tỷ lệ cán bộ sau đại học trong số cán bộ có trình độ đại học trở lên tăng từ 19% năm 2012 lên 25% vào năm 2020.
Tiếp tục phát triển hệ thống y tế tỉnh theo hướng hiện đại hóa, vừa bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong hoạt động chuyên môn của từng tuyến và giữa các tuyến; phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, phát triển y tế phổ cập kết hợp y tế chuyên sâu, giữa y học hiện đại với y học cổ truyền, dự phòng và điều trị, giữa y tế công và tư. Các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi chức năng tiếp tục được phát triển hợp lý về chuyên khoa, quy mô; phù hợp với đặc điểm về mô hình bệnh tật, về địa lý và thực trạng phân bố mạng lưới khám chữa bệnh trên địa bàn nhằm bảo đảm cho mọi người dân tiếp cận một cách thuận lợi đối với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng thực hiện công bằng, hiệu quả và góp phần ổn định an ninh biên giới.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về cơ chế, chính sách
Thực hiện có hiệu quả Luật Bảo hiểm y tế, chính sách của Nhà nước về phát triển hệ thống y tế ngoài công lập, tạo điều kiện bình đẳng giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Khuyến khích các cơ sở y tế ngoài công lập đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong các đơn vị y tế công lập và giá dịch vụ khám chữa bệnh các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thu hút đầu tư nhằm duy trì và phát triển hệ thống y tế.
Lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cải thiện nâng cấp hệ thống thông tin y tế tại các đơn vị, thuộc các tuyến với việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ, chính xác và kịp thời nhu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành và giám sát thực hiện của ngành y tế tại địa phương.
Xây dựng kế hoạch kiện toàn về tổ chức mạng lưới, nhân lực, cấp ngân sách cho hoạt động thống kê tại các đơn vị trong toàn ngành y tế trên địa bàn tỉnh. Quy định rõ chức năng nhiệm vụ cho lãnh đạo, cán bộ thống kê tổng hợp từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã để đáp ứng nhu cầu thông tin y tế tránh chồng chéo hoặc quá tải về sổ sách, biểu mẫu nhất là với tuyến cơ sở đặc biệt là ở xã, phường. Thực hiện theo dõi giám sát, đánh giá thường kỳ để phát hiện các khó khăn, bất cập có giải pháp khắc phục.
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và phối hợp các cấp, các ngành trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ phát triển hệ thống y tế, nâng cao hiệu quả của hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân phải trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua việc xây dựng cơ chế phối hợp và thực hiện hợp đồng trách nhiệm với từng ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội…Vận động mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội chủ động và tích cực tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
3. Phát triển nguồn nhân lực y tế
Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế, cân đối nhu cầu nhân lực y tế phù hợp về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo các quy định. Nâng cao trình độ cán bộ theo hướng hoàn thiện các tiêu chuẩn về xếp hạng đơn vị, có tính tới sự kế thừa phát triển của các giai đoạn. Xây dựng đề án phát triển nhân lực y tế đề ra giải pháp mang tính đột phá nhằm chủ động tạo nguồn, thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi yên tâm công tác trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập cũng như trong lĩnh vực y tế dự phòng tại địa phương. Phát huy khả năng của Trường trung cấp Y tế Lai châu trong việc đào tạo nhân lực cho địa phương, để đảm bảo có đủ nhân lực cho các đơn vị chia tách, thành lập mới trong giai đoạn tới, tỉnh cần có cơ chế tăng cường số lượng biên chế và đào tạo nâng cao nhân lực cho các khoa, bộ phận chuyên môn của các đơn vị hiện có để điều động cán bộ sang các đơn vị thành lập mới khi cần thiết. Ban hành, thực hiện các chính sách ưu đãi trong đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ y tế đặc biệt là đối với y tế cơ sở nhất là vùng sâu, vùng xa. Tranh thủ sự hỗ trợ trong, ngoài nước đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.
4. Tăng cường quản lý nhà nước về Y tế
Nâng cao năng lực hoạch định chính sách và lập kế hoạch của các đơn vị y tế tại các tuyến từ tỉnh đến huyện, xã trên địa bàn tỉnh; khắc phục các yếu điểm thường gặp trong quy trình xây dựng chính sách y tế tại địa phương. Nâng cao năng lực xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng cho đội ngũ những người tham gia hoạch định chính sách y tế của địa phương. Chú trọng phân tích thông tin dữ liệu để phát hiện và nhận diện những vấn đề y tế mới phát sinh tại địa bàn, huy động sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu trong cung cấp bằng chứng, tư vấn cho quá trình xây dựng chính sách y tế của địa phương. Tổ chức thường xuyên hoạt động tham vấn các chuyên gia và các bên có liên quan trong quy trình xây dựng chính sách y tế. Xây dựng đề án tổng thể về đổi mới quản trị hệ thống y tế tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Thiết lập và duy trì hệ thống chỉ tiêu và thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động thực hiện chính sách, kế hoạch y tế trên địa bàn. Kiện toàn mạng lưới thanh tra y tế các tuyến theo quy định sao cho có đủ năng lực để thực hiện chức năng nhiệm vụ. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vào hoạt động theo dõi giám sát nhằm tăng cường tính độc lập, khách quan trong giám sát và đánh giá hệ thống y tế của địa phương.... Lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên trong theo dõi giám sát, đánh giá.
5. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn
Tăng tỷ trọng các nguồn tài chính công cho y tế: Đề xuất Trung ương tăng định mức đầu tư ngân sách nhà nước cho y tế đặc biệt là những vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút về tiền lương và phụ cấp đặc thù đối với cán bộ y tế làm việc trong các lĩnh vực khó khăn (y tế dự phòng, các chuyên khoa đặc thù…) và vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm mức chi thường xuyên của trạm y tế theo cơ cấu chi đạt mức tối thiểu là 10% tổng kinh phí chi cho con người/01 trạm y tế/năm vào năm 2015 và 15% /01 trạm y tế/năm vào năm 2020, đảm bảo mức chi tối thiểu cho y tế và tỷ lệ phân bổ cho y tế dự phòng theo chỉ tiêu đã được xác định, tăng cường cam kết chính trị và huy động sự tham gia của các ngành, các đoàn thể tổ chức xã hội và cộng đồng trong triển khai thực hiện lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân, tuân thủ thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ tài chính cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội, góp phần đảm bảo công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, tăng cường vận động, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế.
Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn tài chính y tế: Thử nghiệm và ứng dụng phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế trên địa bàn theo chỉ tiêu kết quả và hiệu quả hoạt động đối với cả lĩnh vực dự phòng và khám chữa bệnh, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị y tế trong tỉnh theo định hướng chung của toàn ngành trên cơ sở phân tích những đặc thù tại địa phương, đổi mới tài chính bệnh viện, tìm hiểu, nghiên cứu để tùng bước ứng dụng cơ chế chi trả dịch vụ y tế tại bệnh viện hiện đại song vẫn phù hợp với điều kiện thực tế, củng cố hệ thống báo cáo và phân tích số liệu quyết toán ngân sách nhà nước chi cho y tế để có bằng chứng chính xác cho việc lập kế hoạch tài chính y tế hàng năm. Thiết lập và vận hành hệ thống báo cáo về chi tiêu ngân sách nhà nước cho y tế theo ngành dọc trên địa bàn, thiết lập và duy trì thường xuyên cơ chế giám sát tính hiệu quả, công bằng trong phân bổ sử dụng nguồn ngân sách cho y tế.
Tăng cường kiểm soát chi phí y tế: Thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát chi phí y tế, đặc biệt là chi phí cho dịch vụ bệnh viện, giảm thiểu tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế nhất là các dịch vụ kỹ thuật cao, dịch vụ được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, ban hành và thực hiện các quy định về minh bạch hóa và chuẩn hóa việc xác định chi phí và giá thành dịch vụ y tế tại từng tuyến, từng hạng đơn vị. Tính chi phí cho dịch vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng để có cơ sở tính chi phí hiệu quả và ước tính nguồn lực cần thiết làm có sở cho phân bổ ngân sách y tế hàng năm, tăng cường kiểm tra giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án có sự tham gia góp vốn của tư nhân trong các cơ sở y tế công lập để điều chỉnh các biện pháp quản lý cho phù hợp….
Tổng nhu cầu kinh phí đầu tư cho ngành y tế trong toàn tỉnh đến năm 2020 là: 1.755,5 tỷ đồng được chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn 2013 - 2015: 487 tỷ đồng
- Giai đoạn 2016 - 2020: 1.268,5 tỷ đồng
Trong đó:
+ Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất là: 1.210 tỷ đồng
+ Kinh phí mua sắm trang thiết bị là: 515,5 tỷ đồng
+ Kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ là: 30 tỷ đồng
- Kinh phí trên được huy động từ các nguồn:
+ Nguồn ngân sách địa phương: 10%.
+ Nguồn ngân sách Trung ương: 70%
+ Kinh phí huy động từ các tổ chức quốc tế: 20%
6. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng
Tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khoẻ nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch; bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, loại trừ dần những tập tục, thói quen lạc hậu; xây dựng lối sống lành mạnh ở từng cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đa dạng hóa các kênh thông tin cũng như nội dung thông điệp và phương thức truyền thông, giáo dục sức khoẻ phù hợp với các cộng đồng dân cư, các nhóm dân cư thuộc nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi của các nhóm dân cư, tạo phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, chú trọng tăng cường hơn nữa hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong học đường…
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tổ chức, triển khai thực hiện.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua, ngày 12 tháng 7 năm 2013./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết 73/2013/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2 Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết 73/2013/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Lai Châu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 1 Nghị quyết 07/2015/NQ-HĐND bổ sung Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh Bình Định vào Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
- 2 Quyết định 977/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3 Nghị quyết 191/NQ-HĐND năm 2015 Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 4 Quyết định 240/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị quyết 31/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng năm 2030
- 6 Quyết định 2419/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020
- 7 Luật bảo hiểm y tế 2008
- 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 9 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 31/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng năm 2030
- 2 Quyết định 2419/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020
- 3 Nghị quyết 191/NQ-HĐND năm 2015 Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 4 Quyết định 977/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 5 Nghị quyết 07/2015/NQ-HĐND bổ sung Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh Bình Định vào Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020