Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 75/2024/NQ-HĐND

Quảng Bình, ngày 25 tháng 10 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ DÂN CƯ CÁC VÙNG: THIÊN TAI, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, BIÊN GIỚI, DI CƯ TỰ DO, KHU RỪNG ĐẶC DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XVIII KỲ HỌP THỨ 18

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ về Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 1866/TTr-UBND, ngày 10 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật; giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII, kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 25 tháng 10 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 05 tháng 11 năm 2024./.

 


 Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
 - Chính phủ;
 - Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
 - Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
 - Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
 - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
 - Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
 - Các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh;
 - Các sở, ban, ngành và đoàn thể cấp tỉnh;
 - Thường trực HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
 - Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình;
 - Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
 - Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Hải Châu

 

QUY ĐỊNH

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ DÂN CƯ CÁC VÙNG: THIÊN TAI, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, BIÊN GIỚI, DI CƯ TỰ DO, KHU RỪNG ĐẶC DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
 (Kèm theo Nghị quyết số 75/2024/NQ-HĐND ngày 25 tháng 10 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với Chương trình thực hiện bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; ô nhiễm môi trường; các làng chài trên sông nước, đầm phá); biên giới (gồm cả Khu kinh tế - quốc phòng); vùng dân di cư tự do đến đời sống còn khó khăn và khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Các nội dung khác không quy định tại Nghị quyết này được thực hiện theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định khác có liên quan.

2. Đối tượng áp dụng

a) Hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

- Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng.

- Hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường.

- Hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, Khu kinh tế - quốc phòng.

- Hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến trên địa bàn tỉnh không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn; hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu rừng đặc dụng cần phải bố trí, ổn định lâu dài.

- Cộng đồng dân cư nơi tiếp nhận người dân tái định cư tập trung, xen ghép.

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tại Quy định này.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Ưu tiên chính sách hỗ trợ thực hiện ở nơi bị thiên tai, vùng có nguy cơ cao về thiên tai.

2. Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng định mức, đúng đối tượng, kịp thời và quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Việc xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ được thực hiện cùng với kỳ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách hằng năm; thực hiện quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư.

1. Nội dung và mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ di dời nhà ở: Hỗ trợ để di dời nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ thiên tai: 30 triệu đồng/hộ.

b) Hỗ trợ nhà ở: Hỗ trợ làm nhà mới đối với những hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển đến nơi ở mới; Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở do thiên tai hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng không thể di chuyển, sửa chữa, khôi phục lại: 40 triệu đồng/hộ.

c) Hỗ trợ nước sinh hoạt: Hỗ trợ để xây dựng hoặc mua bể chứa, đào giếng đối với những nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung: 03 triệu đồng/hộ.

d) Hỗ trợ khai hoang đất sản xuất: Hỗ trợ đối với những nơi có điều kiện khai hoang, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, khai hoang đồng ruộng 15 triệu đồng/ha, khai hoang tạo nương cố định 08 triệu đồng/ha.

đ) Hỗ trợ lương thực: Hỗ trợ lương thực trong thời gian đầu tại nơi tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất sản xuất do thiên tai: 15 kg gạo/khẩu/tháng, hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo tại thời điểm hỗ trợ.

e) Hỗ trợ bố trí ổn định tại chỗ: Hộ gia đình đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển phải bố trí ổn định tại chỗ, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để nâng cấp nhà ở và vật dụng phòng, chống thiên tai thiết yếu khác.

2. Phương thức hỗ trợ

a) Hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân được thực hiện thông qua người đại diện của gia đình là chủ hộ hoặc người đại diện cho hộ gia đình (là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự).

b) Nội dung hỗ trợ nhà ở và di dời nhà ở: Tạm ứng ban đầu 50% kinh phí hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện; 50% kinh phí còn lại hỗ trợ sau khi hoàn thành.

c) Hỗ trợ nước sinh hoạt, khai hoang đất sản xuất, bố trí ổn định tại chỗ: Hỗ trợ 100% kinh phí sau khi đã hoàn thành việc dựng hoặc mua bể chứa nước, đào giếng, khai hoang, nâng cấp nhà ở và vật dụng phòng, chống thiên tai thiết yếu khác.

d) Hỗ trợ lương thực: Hỗ trợ 100% thời gian đầu tại nơi tái định cư bằng gạo tẻ thường theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về gạo dự trữ Quốc gia hiện hành, hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị gạo tại thời điểm hỗ trợ, thời gian hỗ trợ 9 tháng.

Điều 4. Kinh phí, nguồn vốn thực hiện

Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn Kinh phí sự nghiệp ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và địa phương) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 5. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Nghị quyết này có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới./.