HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78/2016/NQ-HĐND | Ninh Thuận, ngày 19 tháng 12 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các cơ quan hữu quan và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
I. Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016
Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, với nhiều rủi ro; kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Trong tỉnh ảnh hưởng hạn hán khốc liệt từ cuối năm 2014 kéo dài đến nay, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì ổn định. Đã hoàn thành và vượt 11/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực, nhất là ngành dịch vụ tăng khá; nông nghiệp và thủy sản được phục hồi và có tăng trưởng; công tác quản lý đất đai được tập trung triển khai, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt kết quả tốt; tài nguyên khoáng sản được tăng cường kiểm tra, kiểm soát; tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước đạt kết quả khá; thu, chi ngân sách đạt kết quả tốt; hoạt động tín dụng của ngân hàng ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống chính quyền các cấp được kiện toàn; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, công tác cải cách hành chính được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được chú trọng. lĩnh vực Văn hóa - Xã hội đạt kết quả tích cực, công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động triển khai có chuyển biến tích cực; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh được triển khai đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện; trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế - xã hội năm 2016 còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa thực sự bền vững trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh; phân cấp nhiệm vụ quản lý khai thác thủy sản chưa hiệu quả, tình trạng đánh bắt hải sản bằng lưới vây rút mùng và chất nổ tăng. Công tác trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch giao; chưa thật sự huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực lao động, đào tạo nghề, phát triển du lịch chưa được khắc phục hiệu quả.
II. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2017
1. Mục tiêu tổng quát: tạo chuyển biến rõ rệt trong khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế các nhóm ngành trụ cột; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá khai thác lợi thế về kinh tế biển và năng lượng tái tạo. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trọng tâm là giảm nghèo bền vững; phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch năm 2017
- Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10 - 11%;
- GRDP bình quân đầu người đạt 33 - 34 triệu đồng;
- Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 36 - 37%, công nghiệp - xây dựng chiếm 22 - 23%, dịch vụ chiếm 39 - 40%;
- Thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.140 tỷ đồng;
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD;
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8.800 tỷ đồng;
- Mức giảm tỷ lệ sinh 0,4 - 0,5‰; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 1%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT chiếm 80% dân số;
- Giải quyết việc làm mới cho 15,5 ngàn lao động; đào tạo nghề cho 8.200 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,5%, riêng huyện Bác Ái giảm ít nhất 4%;
- Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 74%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy chế biến có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 90%.
III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1. Chủ động thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và của tỉnh, để tạo sự đồng thuận thống nhất cao của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh trong triển khai thực hiện các chủ trương, quyết sách lớn về kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời giao cho các sở, ngành, địa phương xây dựng chương trình trọng tâm, nhiệm vụ đột phá của ngành, địa phương trong năm 2017 để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.
2. Huy động tốt nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển: tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết; thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là các nguồn vốn: hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nguồn thu sử dụng đất và nguồn vốn các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong thực hiện các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn; tích cực huy động các nguồn vốn ODA.
3. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 318/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và các kết luận, chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận.
4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước: tiếp tục kiện toàn các cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính; nâng cao tính chủ động trong tham mưu đề xuất, trách nhiệm người đứng đầu, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.
5. Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, cập nhật thông tin về diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để nâng cao chất lượng phân tích, dự báo; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng và cả nước để khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương; tăng cường quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc thù, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường; đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ công chức làm công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư.
6. Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: có giải pháp đồng bộ trong triển khai các Chương trình, Đề án đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai các chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước đầu tư thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh.
7. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển theo mô hình kinh tế xanh, sạch để phát triển bền vững; đẩy mạnh hợp tác liên kết với các tổ chức khoa học có uy tín trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án về xây dựng môi trường xanh, sạch nhằm chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
8. Tăng cường đối thoại trực tiếp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại kéo dài, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
IV. Tổ chức thực hiện
Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết theo quy định pháp luật.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội được thành lập theo quy định pháp luật có trách nhiệm giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi nghị quyết của HĐND tỉnh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa X Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2016./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Nghị quyết 44/2016/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 do tỉnh Yên Bái ban hành
- 2 Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 3 Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND9 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 4 Thông báo 318/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 6 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 1 Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 2 Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND9 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 3 Nghị quyết 44/2016/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 do tỉnh Yên Bái ban hành