Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 86/2019/QH14

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2019

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 39/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2019, Báo cáo số 483/BC-CP ngày 13/10/2019, Tờ trình số 537/TTr-CP ngày 29/10/2019 và Tờ trình số 558/TTr-CP ngày 04/11/2019 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 1748/BC-UBTCNS14 ngày 19 tháng 10 năm 2019 và Báo cáo thẩm tra số 1784/BC-UBTCNS14 ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 475/BC-UBTVQH14 ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quắc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

1. Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300.000 triệu đồng (một tỷ, năm trăm mười hai triệu, ba trăm nghìn triệu đồng).

2. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.747.100.000 triệu đồng (một tỷ, bảy trăm bốn mươi bảy triệu, một trăm nghìn triệu đồng).

3. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.800.000 triệu đồng (hai trăm ba mươi bốn triệu, tám trăm nghìn triệu đồng), tương đương 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm:

Bội chi ngân sách trung ương là 217.800.000 triệu đồng (hai trăm mười bảy triệu, tám trăm nghìn triệu đồng), tương đương 3,2%GDP;

Bội chi ngân sách địa phương là 17.000.000 triệu đồng (mười bảy triệu đồng), tương đương 0,24%GDP.

4. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488.921.352 triệu đồng (bốn trăm tám mươi tám triệu, chín trăm hai mươi mốt nghìn, ba trăm năm mươi hai triệu đồng).

(Kèm theo các phụ lục số 1, 2, 3 và 4)

Điều 2. Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019

1. Điều chỉnh cơ cấu vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của 02 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, tăng vốn ngoài nước và giảm vốn trong nước tương ứng là 3.580.200 triệu đồng.

2. Bổ sung 241.021 triệu đồng cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí số vốn tương ứng trong dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2020 để thu hồi vốn ứng trước.

3. Hòa chung số vốn 4.069.000 triệu đồng còn lại chưa phân bổ trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với nguồn dự phòng chung của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Giao Chính phủ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội.

4. Bổ sung 77.490 triệu đồng từ nguồn viện trợ của Chính phủ Cộng hòa Ai-len cho các tỉnh: Hà Giang: 18.000 triệu đồng; Hòa Bình: 20.900 triệu đồng; Quảng Trị: 9.490 triệu đồng; Kon Tum: 19.200 triệu đồng và Trà Vinh: 9.900 triệu đồng để đầu tư cho Dự án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

5. Bổ sung 36.611 triệu đồng từ nguồn viện trợ của Chính phủ Vương quốc Bỉ cho Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh.

6. Bổ sung 5.042 triệu đồng (225.000USD) từ nguồn viện trợ của Nhà nước Cô-Oét cho hai tỉnh: Hà Tĩnh 2.801 triệu đồng (125.000USD) và Quảng Bình 2.241 triệu đồng (100.000USD) để khắc phục hậu quả thiên tai.

Điều 3. Giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020

1. Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.

2. Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo các cam kết hội nhập; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Tăng cường quản lý thu, mở rộng cơ sở thuế, cải cách, hiện đại hóa ngành thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai.

3. Tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập, Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới; sau khi đã bố trí vốn bảo đảm hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên, được bố trí cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

4. Quy định cụ thể việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý và thực hiện phân chia nguồn thu này theo Nghị quyết số 73/2018/QH14 ngày 14 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

5. Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Sau khi đã bảo đảm các nhiệm vụ chi sự nghiệp theo quy định, được sử dụng kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp môi trường để thực hiện một số nội dung có tính chất đầu tư, gồm: hỗ trợ địa phương còn nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương để xây dựng nhà hỏa táng cho đồng bào Khmer, xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng thuộc khu vực công ích, nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường.

6. Hoàn thiện các văn bản quy định và đẩy mạnh tiến độ thực hiện về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời. Tiếp tục rà soát, tổ chức sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

7. Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.

Loại trừ thêm một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2019 và dự toán năm 2020 để tính nguồn cải cách tiền lương, gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do các địa phương quyết định theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

Sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.

Các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.

8. Tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu lại ngân sách trong từng lĩnh vực, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

9. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương; có biện pháp tích cực để giảm bội chi. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ nhằm bảo đảm không vượt quá giới hạn về nợ công.

10. Rà soát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính, ngân sách 03 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, bảo đảm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn và phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

Điều 4. Giám sát và kiểm toán việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc thực hiện các quy định của Nghị quyết này.

2. Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 12 tháng 11 năm 2019.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân