Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 87/NQ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2011

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 7 NĂM 2011

Ngày 24 tháng 7 năm 2011, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 năm 2011, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Chính phủ thảo luận Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2011 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

Chính phủ nhất trí đánh giá, nhờ triển khai thực hiện nhất quán, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ, kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng giá tiêu dùng tiếp tục được kiềm chế; thu ngân sách tăng khá, bội chi ngân sách nhà nước giảm; thị trường ngoại hối, vàng từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng; kim ngạch xuất khẩu tăng cao, vượt kế hoạch đề ra; nhập siêu có xu hướng giảm mạnh. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh vẫn phát triển ổn định, vững chắc; các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong điều kiện cắt giảm đầu tư công, nhưng đầu tư cho lĩnh vực xóa đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội vẫn tiếp tục được chú trọng và tăng cường. Nhiều chính sách xã hội tiếp tục được triển khai, góp phần giảm bớt khó khăn và từng bước cải thiện đời sống của người dân; công tác giải quyết việc làm, bảo đảm ổn định đời sống của người lao động được quan tâm; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân Ngày Thương binh, liệt sỹ 27 tháng 7 được chú trọng triển khai; kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 được tổ chức tốt. Công tác cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tiếp tục đẩy mạnh. Đối ngoại và hợp tác quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng. Quốc phòng được tăng cường. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, những biến động khó lường từ các yếu tố bên ngoài và nhiều khó khăn trong nước vẫn tiếp tục tác động bất lợi đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Khu vực sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn do tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ và kiềm chế lạm phát, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tai nạn giao thông, tội phạm, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường vẫn còn gây nhiều bức xúc xã hội. Đời sống người lao động, người có thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp tập trung còn nhiều khó khăn.

Để phấn đấu đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, từ nay đến cuối năm và thời gian tiếp theo, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 nhằm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó, cần tập trung một số giải pháp sau đây:

- Về chính sách tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP, đặc biệt chú ý bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng. Tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất dần theo diễn biến của mức giảm lạm phát.

- Về chính sách tài khóa: Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, phối hợp hài hòa với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách, kiểm soát việc cắt giảm đầu tư công vào các công trình, dự án không hiệu quả, chưa thật sự cần thiết, tiến độ chậm, kéo dài; nghiêm túc thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, phấn đấu giảm bội chi ngân sách thấp hơn mức Quốc hội quyết định.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng xuất khẩu nông sản, lúa gạo, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực trong nước; chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, cung cấp đủ thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; chủ động phòng, chống và ứng phó có hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục nhanh sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

- Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; thực hiện các giải pháp mở rộng và tổ chức tốt hoạt động thị trường trong nước theo hướng khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, tiết giảm chi phí lưu thông; triển khai khởi công các công trình, dự án lớn quan trọng. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến vùng nghèo, địa bàn huyện, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khó khăn trong xã hội. Các bộ, cơ quan, địa phương phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần chủ động quan tâm, có biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội nảy sinh đối với người lao động trong các doanh nghiệp; vận động, hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, yên tâm làm việc; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là công đoàn trong công tác bảo vệ quyền lợi của người lao động.

- Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, đặc biệt quan tâm xử lý bảo đảm an toàn giao thông tại các ‘‘điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn.

- Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước để xử lý tốt những diễn biến phức tạp, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng vùng biên giới, hải đảo; tăng cường sự chủ động của các địa phương trong việc xây dựng tiềm lực kinh tế kết hợp với quốc phòng.

- Các thành viên Chính phủ khóa XII tiếp tục chỉ đạo và điều hành công việc, chuẩn bị và làm tốt công tác bàn giao khi các thành viên Chính phủ khóa XIII được phê chuẩn và bổ nhiệm, bảo đảm để Chính phủ triển khai hoạt động liên tục, thông suốt.

2. Chính phủ thảo luận Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình.

Chính phủ thống nhất nhận định, mặc dù trong bối cảnh kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII có nhiều khó khăn, phức tạp do tác động bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế nội tại trong nước, nhưng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập thể Chính phủ đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Thực hiện đúng, nghiêm túc Quy chế làm việc, hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khóa XII đã có nhiều đổi mới và tiến bộ; phát huy cao trí tuệ của tập thể Chính phủ kết hợp với đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Chính phủ; từng thành viên Chính phủ đều nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; các quy trình, thủ tục giải quyết công việc được thực hiện theo hướng nhanh gọn hơn; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh để phục vụ có hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Tuy nhiên, hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn có những hạn chế do việc phân định chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành vẫn còn chồng chéo, trùng lắp, còn những lĩnh vực chưa có đơn vị quản lý rõ ràng; một số lĩnh vực quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu cao trong chỉ đạo, điều hành; một số quy định còn bất cập, khó thực hiện; kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành Quy chế làm việc trong một số trường hợp chưa nghiêm, trong khi chưa có chế tài xử lý; việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện Quy chế chưa đủ quyết liệt và có hiệu quả cao...

Để phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ máy hành chính các cấp, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương rà soát bổ sung, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm làm rõ vai trò quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong quy chế làm việc, bảo đảm tổ chức tốt hơn và nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, đáp ứng được yêu cầu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn khi cần thiết; tổ chức tốt công tác phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô bảo đảm thống nhất, nâng cao chất lượng dự báo; tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp nhà nước, năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường trách nhiệm phối hợp công tác trong xử lý công việc; nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải trình của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, nhân dân; tăng cường chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin ra công chúng, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng định hướng, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân, doanh nghiệp.

Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Quy chế làm việc nhằm khắc phục những mặt hạn chế, cải tiến lề lối, chế độ làm việc, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khóa XIII./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo, Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, TH (5b).Nh

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng