Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 05/2008/NQ-HĐND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN VÀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ NĂM 2009

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 14

(Từ ngày 02 đến ngày 05 tháng 12 năm 2008)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 2615/QĐ-BTC ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2009;
Sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình thực hiện ngân sách thành phố năm 2008 và dự toán ngân sách thành phố năm 2009, Báo cáo thẩm tra số 317/BC-KTNS ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Ban Kinh tế và ngân sách, ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về thực hiện ngân sách thành phố năm 2008:

Căn cứ Nghị quyết số 14/2007/NQ-HĐ ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Hội đồng nhân dân thành phố về dự toán và phân bổ ngân sách năm 2008 và việc tổ chức, điều hành ngân sách của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố ghi nhận:

Trong năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2008 và đã đạt những kết quả khả quan. Ước thu vượt dự toán, đảm bảo nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và nhiệm vụ chi thường xuyên, chi cải cách tiền lương, chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh. Ủy ban nhân dân đã có những biện pháp huy động vốn bằng nhiều hình thức và đẩy mạnh xã hội hóa để tập trung vốn cho các công trình trọng điểm của thành phố. Trong điều hành ngân sách thường xuyên kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, ngăn ngừa tiêu cực trong sử dụng ngân sách.

Điều 2. Thông qua dự toán phân bổ ngân sách năm 2009:

1. Về thu, chi ngân sách:

1.1. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 122.327 tỷ đồng tăng 24,73% dự toán năm 2008 và tăng 10,81% so ước thực hiện năm 2008.

Trong đó:

- Tổng thu ngân sách nhà nước phần nội địa: 63.127 tỷ đồng tăng 23,74% dự toán năm 2008.

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu:  46.500 tỷ đồng

- Thu từ dầu thô: 12.700 tỷ đồng

1.2. Tổng thu ngân sách địa phương: 21.898 tỷ đồng

Trong đó:

- Số thu phân chia cho ngân sách địa phương: 20.319,42 tỷ đồng

- Ghi thu ghi chi qua ngân sách: 700,000 tỷ đồng

- Bổ sung theo mục tiêu từ NS Trung ương: 878,562 tỷ đồng

+ Chi đầu tư từ vốn ngoài nước: 684,000 tỷ đồng

+ Chi thực hiện một số nhiệm vụ khác: 194,56 tỷ đồng

* Hội đồng nhân dân thành phố cho phép Ủy ban nhân dân thành phố huy động vốn bằng nhiều hình thức để chi đầu tư phát triển trong năm 2009 nhằm đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

1.3. Tổng chi ngân sách địa phương: 21.898 tỷ đồng

Bao gồm:

- Chi cân đối ngân sách: 20.319,42 tỷ đồng

- Ghi chi đầu tư phát triển từ nguồn thu của hoạt độngsổ xố kiến thiết và ghi chi duy tu thóat nước từ  nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: 700,000 tỷ đồng

- Chi từ nguồn bổ sung theo mục tiêu của ngân sách trung ương: 878,562 tỷ đồng

(Kèm theo Phụ lục số 01, 02, 03, 04)

2. Về phân bổ dự toán chi ngân sách:

2.1. Thông qua định mức phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2009.

(Kèm theo Phụ lục số 05)

2.2. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2009: 21.898 tỷ đồng

Cụ thể như sau:

- Chi đầu tư phát triển : 7.222, tỷ đồng

Trong đó: chi trả vốn gốc và lãi vay: 2.314 tỷ đồng

- Chi thường xuyên: 12.482,080 tỷ đồng

Trong đó dự phòng ngân sách: 745,000 tỷ đồng

- Nguồn cải cách tiền lương: 1.250,000 tỷ đồng

- Chi bổ sung quỹ Dự trữ tài chính: 65,000 tỷ đồng

- Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu của NSTW: 878,562 tỷ đồng

2.3. Phân bổ dự toán chi thường xuyên từ ngân sách thành phố cho từng cơ quan, sở ban ngành (Kèm phụ lục số 06); mức bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu cho từng quận huyện (Kèm phụ lục số 07).

Điều 3. Trong quá trình điều hành thực hiện ngân sách, Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm các vấn đề sau:

1. Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố giao nhiệm vụ thu chi ngân sách cho từng cơ quan, ban ngành thành phố và các quận huyện theo đúng quy định;

2. Phấn đấu thu đạt và vượt kế hoạch để đảm bảo cân đối chi theo kế hoạch. Tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu và bồi dưỡng nguồn thu; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật, tập trung xử lý những khoản nợ đọng thuế.

3. Đa dạng phương thức huy động nguồn lực để đầu tư phát triển những dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Nguồn vốn vay, huy động phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, vệ sinh môi trường. Thực hiện đồng bộ cơ chế khoán chi, đấu thầu trong duy tu giao thông, công viên cây xanh, vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng để giảm dần việc chi từ ngân sách.

5. Đảm bảo sử dụng dự phòng ngân sách đúng nội dung quy định của Luật ngân sách nhà nước; báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố hàng quý và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

6. Việc điều hành sử dụng ngân sách phải theo đúng dự toán được duyệt và đúng Luật Ngân sách; nâng cao vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị khi xây dựng dự toán năm.

Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố, các Tổ đại biểu và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện ngân sách đảm bảo đúng Luật Ngân sách và các quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VII, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2008./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Ngân sách của QH;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính;
- Thường trực Thành ủy; Thường trực HĐND. TP;
- Ủy ban nhân dân TP; Ban TT UBMTTQVN TP;
- Đại biểu HĐND TP; Đại biểu Quốc hội TP;
- Giám đốc Sở Tài chính; Cục trưởng Cục thuế TP;
- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP;
- Thường trực HĐND, UBND các Quận huyện
- Văn phòng Thành ủy;
- VPHĐ-UB: CPVP; các Phòng CV; TTCB;
- Lưu: VT, (Ban KT-NS, THHĐ) H.

CHỦ TỊCH




Phạm Phương Thảo