CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2001/NQ-CP | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2001 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 06/2001/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 2001 PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 5 NĂM 2001
Trong chiều ngày 31 tháng 5 và ngày 01tháng 6 năm 2001, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 năm 2001, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ đã nghe Chiến lược Cải cách hành chính giai đoạn 2001- 2010 do Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ trình.
Chính phủ nhất trí đánh giá, trong những năm qua, công tác cải cách hành chính đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nhiều việc tiến hành còn chậm, thiếu kiên quyết, hiệu quả thấp. Tình trạng tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ, nhiều tầng nấc trung gian, kỷ cương lỏng lẻo, thủ tục hành chính phiền hà, trách nhiệm tập thể và cá nhân không rõ ràng cùng với tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang là những cản trở sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và làm giảm động lực phát triển của đất nước.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, Chính phủ khẳng định quyết tâm đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình Cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 theo những bước đi phù hợp với việc đổi mới hệ thống chính trị. Trước mắt, cần tập trung chuẩn bị nội dung liên quan đến sửa đổi Hiến pháp 1992, sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, làm cơ sở cho việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; tập trung rà soát, bãi bỏ ngay những thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp; chấn chỉnh trật tự kỷ cương trong hệ thống hành chính.
Giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Chương trình Cải cách hành chính, trước mắt là những công việc cần làm ngay trong 2 năm 2001-2002, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 6 năm 2001.
2. Chính phủ thông qua Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 21/CP ngày 05 tháng 3 năm 1997 ban hành Quy chế tạm thời về thiết lập, quản lý và sử dụng mạng Internet do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trình. Giao Tổng cục Bưu điện phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, chỉnh lý Dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành trong tháng 6 năm 2001.
3. Chính phủ nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế đấu thầu dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định.
Chính phủ thông qua Dự thảo Nghị định này, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh Dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6 năm 2001.
4. Chính phủ nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Dự thảo "Nghị quyết về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2001 - 2005".
Từ khi Nhà nước ta ban hành Luật Đầu tư nước ngoài đến nay, hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã góp phần tích cực vào việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu, mở ra nhiều ngành nghề, sản phẩm, tạo thêm việc làm, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại và tạo điều kiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư. Hoạt động thu hút đầu tư năm 2000 và những tháng đầu năm 2001 đã có tiến bộ nhưng chưa vững chắc. Trong điều kiện cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, nhất là ở khu vực, hoạt động ĐTNN đã bộc lộ những yếu kém, hạn chế cần khẩn trương khắc phục như: quan điểm về ĐTNN chưa thật thông suốt ở các cấp, các ngành; cơ cấu đầu tư chưa thật hợp lý, hiệu quả chưa cao; môi trường pháp lý còn hạn chế, thủ tục hành chính còn phiền hà...
Chính phủ xác định, trong 5 năm tới cần thu hút khoảng 12 tỷ USD để đến năm 2005 khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 15% vào GDP. Tập trung khuyến khích ĐTNN vào các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, các ngành công nghệ cao, vật liệu mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử, dầu khí... Có chính sách ưu đãi tối đa cho các dự án ĐTNN vào những vùng và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đa dạng hơn các hình thức và lĩnh vực thu hút đầu tư.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý Dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Dự thảo Nghị định về ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê; Nghị định về phân loại và phân cấp quản lý hành chính đô thị; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về 2 Dự thảo Nghị định này.
Giao Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, khẩn trương chỉnh lý 2 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
6. Chính phủ nghe Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2001 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Đến nay, các địa phương đã cơ bản thực hiện xong việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo và 150 ngàn tấn cà phê. Sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng khá. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn ổn định được tốc độ tăng trưởng. Các hoạt động dịch vụ phát triển khá. Đầu tư nước ngoài tiếp tục được cải thiện, nguồn vốn đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân được khai thác tốt.
Tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,8% dự toán năm. Tổng chi ngân sách tính chung 5 tháng ước đạt gần 42 nghìn tỷ đồng
Các hoạt động văn hoá xã hội như giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hoá - thông tin, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và cứu trợ xã hội, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống tệ nạn xã hội có những tiến bộ nhất định.
Tuy nhiên, những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp rất bức xúc. Sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu tăng chậm lại, xuất hiện khó khăn về thị trường tiêu thụ. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá xuất khẩu thấp. Việc thực hiện vốn đầu tư phát triển đạt thấp, nhiều dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và tín dụng nhà nước giải ngân chậm, chi đầu tư phát triển đạt thấp.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 05/ 2001/ NQ- CP ngày 24 tháng 5 năm 2001 bổ sung một số giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện tốt nhất các giải pháp đã đề ra, vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước năm 2001.
Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |
- 1 Nghị quyết số 07/2001/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2001 do Chính Phủ ban hành
- 2 Nghị quyết số 04/2001/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2001 do Chính Phủ ban hành
- 3 Nghị quyết số 03/2001/NQ-CP về phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 3 năm 2001 do Chính Phủ ban hành