Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
-------

Số: 08/2008/NQ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2008

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 3 NĂM 2008

Trong ba ngày, từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 3 năm 2008, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Báo cáo những vấn đề lớn nổi lên trong Quý I năm 2008 và các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định chính trị-xã hội và duy trì tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 3 và Quý I năm 2008, do Bộ trưởng Bộ Công Thương trình; Báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp đầu năm 2008 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình; Báo cáo tình hình giá cả thị trường và biện pháp bình ổn giá, do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình; Báo cáo về tình hình thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát năm 2008, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình.

Chính phủ thống nhất nhận định: Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngay từ đầu năm chúng ta đã gặp nhiều khó khăn, tình hình kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, tỷ giá đồng Đô la Mỹ suy giảm, giá cả thế giới tăng cao, có dấu hiệu lạm phát tăng trên phạm vi toàn cầu. Ở trong nước, hậu quả thiên tai nặng nề của năm trước chưa khắc phục xong, đến năm nay thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh về gia súc, gia cầm và cây trồng tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Để khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2008 được đề ra trong Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP, tập trung điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế tăng giá, chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người nghèo và các đối tượng gặp khó khăn. Do vậy, trong 3 tháng đầu năm, kinh tế nước ta đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao (7,4%), xuất khẩu và vốn huy động cho đầu tư phát triển, nhất là vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển có dấu hiệu giảm sút, nhất là trong tháng 3 năm 2008. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, chỉ số lạm phát tăng cao, nhập siêu lớn, chỉ số thị trường chứng khoán giảm mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây xáo trộn các cân đối vĩ mô. Dư luận xã hội, nhìn chung là đồng thuận và tin tưởng vào sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng cũng đã xuất hiện tâm lý băn khoăn, lo lắng về khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Từ những nguyên nhân khách quan, chủ quan và thực tế của tình hình hiện nay; dự báo về khả năng tăng trưởng của kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đánh giá tiềm năng và lợi thế tăng trưởng của nền kinh tế nước ta là rất lớn, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang trong xu thế mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên khó tránh khỏi những tác động hệ lụy của kinh tế khu vực và thế giới. Chính phủ xác định mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội hiện nay là: tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; duy trì các tiềm năng phát triển kinh tế đất nước để chuẩn bị cho sự phát triển cao hơn trong các năm sau:

Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Chính phủ thông qua tám nhóm giải pháp được đề cập trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó, tập trung vào các vấn đề sau:

a) Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động và linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, kiềm chế lạm phát và góp phần duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.

b) Phấn đấu tăng thu, thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tăng cường tiết kiệm điện, xăng dầu; cắt giảm các hạng mục, công trình đầu tư chưa bức thiết; tập trung vốn cho các công trình có hiệu quả.

c) Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa thật thiết yếu.

d) Các Bộ ngành chức năng xây dựng và tổ chức triển khai phương án bảo đảm giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

đ) Các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ triển khai các biện pháp quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại trên mọi địa bàn.

e) Khẩn trương rà soát, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, đẩy mạnh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động các công trình tạo ra những sản phẩm quan trọng, thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống.

g) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân, tiếp tục trợ giúp các đối tượng thuộc hộ nghèo, có thu nhập thấp bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sản xuất của nông dân.

h) Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền bảo đảm khách quan, trung thực, tạo sự đồng thuận cao trong tất cả các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo Chính phủ để trình Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội.

2. Chính phủ nghe Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006 do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình; nghe Tổng kiểm toán nhà nước báo cáo về kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2006.

Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006. Giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ; thảo luận với Kiểm toán Nhà nước về các nội dung chưa thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh việc thực hiện các kết quả kiểm toán và thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách tài khóa, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2008.

3. Chính phủ đã thảo luận, tham gia ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuẩn bị và xin ý kiến.

Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo của Chính phủ tham gia ý kiến vào dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

4. Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến vào các dự án Luật Công nghệ cao; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi).

Giao Bộ trưởng các Bộ: Khoa học, công nghệ, Nội vụ, Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp theo trách nhiệm được phân công chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh các dự án Luật và thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

5. Về dự án Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ thống nhất: Từ nay đến năm 2010 giữ mô hình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như hiện nay để vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngân hàng vừa thực hiện chức năng là Ngân hàng Trung ương. Vì vậy, trước mắt, việc sửa đổi Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần tập trung vào hai nội dung là sửa các quy định để phù hợp với các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các quy định mà nếu không sửa thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thể thực hiện tốt được chức năng, nhiệm vụ của mình.

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh các nội dung sửa đổi dự án Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng theo phương án trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì nghiên cứu xây dựng dự án Luật về Ngân hàng Trung ương theo định hướng phát triển ngành ngân hàng đến năm 2020 đúng tinh thần kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

6. Chính phủ thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị định.

Chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập của Nhà nước trong thời gian qua đã có tác dụng huy động được nguồn lực xã hội để phát triển các cơ sở ứng dụng dịch vụ ngoài công lập, đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc cần phải được sửa đổi và quy định rõ hơn. Chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa trong thời gian tới cần tạo được cơ chế khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa mạnh hơn, thu hút được các nguồn đầu tư trong và ngoài nước tham gia để đáp ứng nhu cầu của xã hội với chất lượng và số lượng ngày càng cao; đồng thời,khắc phục được những vấn đề còn vướng mắc về đối tượng điều chỉnh, tiêu chí về loại hình, quy mô, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ...

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Giao các Bộ khẩn trương xây dựng Danh mục các loại hình và tiêu chí về quy mô, chất lượng, tiêu chuẩn đối với các cơ sở được ưu đãi theo chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa của Nhà nước, gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Thủ tướng ban hành đồng thời với Nghị định này.

7. Chính phủ nhất trí thông qua việc thu phí khai thác tư liệu đo đạc bản đồ.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về mức thu và chế độ quản lý, sử dụng tiền phí thu được theo đúng quy định của pháp luật về phí, lệ phí hiện hành.

8. Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 3 năm 2008, do Bộ Nội vụ trình; Báo cáo tình hình thực hiện chương trình công tác, các quyết nghị của Chính phủ từ phiên họp tháng 02 năm 2008, do Văn phòng Chính phủ trình.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan rà soát toàn bộ chương trình công tác, kịp thời điều chỉnh, bổ sung chương trình cả năm 2008, cụ thể hóa thành các chương trình công tác hàng Quý, hàng tháng bảo đảm tính khả thi theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ; khẩn trương hoàn thành các dự thảo Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 4 năm 2008; đặc biệt sớm hoàn thành việc xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành các Luật đã ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TH (5b). 305

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng