THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2005/NQ-CP | Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2005 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NGĂN CHẶN DỊCH CÚM GIA CẦM (H5N1) VÀ ĐẠI DỊCH CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI
I- ÐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH DỊCH CÚM GIA CẦM
Bệnh cúm gia cầm chủng độc lực cao (HPAI) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong lịch sử, virus cúm gia cầm đã từng gây ra đại dịch ở nhiều nước trên thế giới, đại dịch cúm năm 1918 - 1919, chỉ sau một thời gian ngắn đã làm tử vong gần 40 triệu người.
Từ cuối năm 2003 đến nay, tại nhiều nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), thế giới đang đứng trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A (H5N1) ở người.
Ở nước ta, bệnh dịch cúm gia cầm H5N1 và cúm A (H5N1) trên người đã xảy ra ba đợt chính, phải tiêu hủy gần 50 triệu con gia cầm và có 91 người mắc bệnh, trong đó có 41 người tử vong. Hiện nay chưa có vaccine và thuốc đặc hiệu đề phòng cúm A (H5N1) ở người, thuốc kháng virus Tamiflu để điều trị và dự phòng cúm A (H5N1) chưa được xác định rõ ràng, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ; chưa được sản xuất ở nước ta; giá đắt, nhu cầu sử dụng lớn và việc cung cấp có nhiều khó khăn. Ðại dịch có nguy cơ xảy ra nếu mọi người không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của ngành y tế và ngành thú y.
II- MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH
1. Thông qua Kế hoạch hành động khẩn cấp khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tiếp thụ ý kiến các thành viên Chính phủ, bổ sung, hoàn chỉnh trong đó lưu ý thêm một số nội dung về: kinh phí, dự trữ trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất... quy định trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện.
2. Căn cứ vào kế hoạch hành động khẩn cấp này, các bộ, ngành, UBND các cấp, cơ quan, đơn vị phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của mình để triển khai thực hiện.
Việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải được coi là một nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của các cấp ủy đảng, chính quyền, trách nhiệm của mỗi người dân và phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện.
3. Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết và huy động toàn lực để phòng, chống dịch cúm A (H5N1) ở người. Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan, các địa phương chỉ đạo tất cả các đơn vị, cơ sở y tế từ Trung ương (kể cả lực lượng quân đội, công an) đến tỉnh, thành phố, huyện, xã phải chủ động, chuẩn bị lực lượng và phương tiện chuyên môn, có biện pháp phòng, chống cụ thể. Ðối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tất cả các khoa lây đều phải chuẩn bị giường bệnh, cơ sở điều trị cúm, máy móc, trang thiết bị, thuốc. Ðối với hệ thống y tế dự phòng, các Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Paster Trung ương chuẩn bị diễn tập, dự trữ cơ số thuốc cúm, vật tư, hóa chất chống dịch, tổ chức các đội lưu động, đề phòng khi đại dịch xảy ra. Các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh phải thực hiện tốt việc phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, có kế hoạch để điều hành các hoạt động khi phát hiện có ca bệnh đầu tiên từ cơ sở.
4. Kiên quyết xóa bỏ mầm bệnh, khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên gia cầm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và bộ, ngành có liên quan tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo và thực hiện kịp thời các biện pháp sau:
a) Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về y tế, thú y và Chỉ thị số 53-CT/TƯ ngày 28-10-2005 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người; tập trung chỉ đạo kiên quyết, đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc-xin và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về thú y; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vắc-xin tiêm phòng và tình hình dịch cúm đến hộ gia đình, xóm, thôn, ấp, bản, cụm, tổ dân cư. Nếu phát hiện có gia cầm nhiễm bệnh hoặc có gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân phải áp dụng ngay các biện pháp tiêu hủy gia cầm, tiêu độc khử trùng, khống chế bao vây ổ dịch, cấm vận chuyển gia cầm ra khỏi ổ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch khác theo quy định của pháp luật về thú y, không để dịch lây lan.
b) Quy hoạch và tổ chức lại các cơ sở chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và cơ sở giết mổ, buôn bán gia cầm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Cấm nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị ở các thành phố, thị xã, thị trấn, nhất là thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các khu đô thị mới, khu công nghiệp; hạn chế nuôi gia cầm ở nơi có nguy cơ cao về dịch bệnh; có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, người buôn bán, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ chuyển sang ngành nghề khác hoặc di chuyển cơ sở chăn nuôi đến địa điểm được quy hoạch. Hướng dẫn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm không để dịch xảy ra, giữ vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng. Phải có các biện pháp kiên quyết bảo vệ đàn gia cầm giống gốc, giống gia cầm quý hiếm ở các địa phương và cơ sở giống của Trung ương.
c) Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không giết mổ gia cầm hoặc ăn, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, chưa qua kiểm dịch. Trong nội thành, nội thị chỉ được buôn bán gia cầm sau khi đã giết mổ hoặc chế biến và nghiêm cấm buôn bán gia cầm sống hoặc giết mổ gia cầm tại các chợ, các điểm không đúng theo quy định của pháp luật về thú y.
Nghiêm cấm việc chế biến và bán tiết canh gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
d) Tạm dừng nhập khẩu gia cầm (kể cả chim cảnh), sản phẩm gia cầm tươi sống và lông vũ chưa qua xử lý hóa chất. Nếu phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu thì tịch thu, tiêu hủy và xử lý nghiêm khắc đối với chủ hàng.
5. Bộ Văn hóa-Thông tin và các địa phương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan thông tin đại chúng có hình thức thông tin tuyên truyền, vận động, giáo dục phù hợp với yêu cầu, nội dung phòng chống dịch đến tận cơ sở thôn, bản, cụm, tổ dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học và hộ gia đình để mọi người dân có nhận thức đúng, đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dịch, nguy cơ lây truyền dịch bệnh, có biện pháp tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng; đồng thời chủ động tham gia tích cực các biện pháp phòng, chống dịch.
6. Thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến về dịch cúm gia cầm và dịch cúm A (H5N1) ở người trên thế giới. Hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học nước ngoài nhằm ngăn chặn không để dịch xảy ra và dập dịch có hiệu quả nếu xảy ra dịch.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các loại thiết bị, vật tư, thuốc đặc trị, hóa chất... theo yêu cầu bảo đảm phòng, chống dịch.
b) Hướng dẫn cụ thể các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người.
2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư có trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm triển khai phòng chống dịch thuộc phạm vi của bộ, ngành và địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kế hoạch hành động khẩn cấp của bộ, ngành và địa phương mình đã phê duyệt.
4. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp SARS và cúm ở người thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của các bộ, ngành và địa phương, định kỳ báo Thủ tướng Chính phủ.
TM. CHÍNH PHỦ |
- 1 Công điện 90/CĐ-TTg về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- 2 Chỉ thị 29/2006/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 4414/2005/QĐ-BYT thành lập Ban quản lý Dự án mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư hóa chất, phương tiện bảo hộ phòng chống đại dịch cúm A (H5N1) ở người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4 Chỉ thị 53/CT-TW năm 2005 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 1 Công điện 90/CĐ-TTg về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- 2 Chỉ thị 29/2006/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 4414/2005/QĐ-BYT thành lập Ban quản lý Dự án mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư hóa chất, phương tiện bảo hộ phòng chống đại dịch cúm A (H5N1) ở người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4 Chỉ thị 53/CT-TW năm 2005 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Ban Chấp hành Trung ương ban hành