Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 196-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 1972 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BỔ SUNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã thu được những thắng lợi vô cùng to lớn và vẻ vang. Đó là kết quả của sự chiến đấu anh dũng kiên cường và tinh thần hy sinh vì cách mạng của toàn thể nhân dân ta, trong đó thương binh, bệnh binh là những người đã góp phần rất xứng đáng.

Để có lòng biết ơn thương binh, bệnh binh đã có công đối với Tổ quốc, để động viên các chiến sĩ quyết tâm chiến đấu đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với anh chị em. Thông tư số 51-TTg ngày 17-5-1965 của Hội đồng Chính phủ và tổng kết những kinh nghiệm và vạch phương hướng và chính sách cơ bản về công tác thương binh, bệnh binh.

Nhìn chung trong những năm qua, các cấp, các ngành đã chú trọng thực hiện tốt những chính sách đó. Nhiều địa phương đã đưa công tác thương binh, bệnh binh vào nề nếp thường xuyên, thành phong trào quần chúng rộng rãi. Nhờ vậy mà đời sống anh chị em thương binh, bệnh binh đã chuyển ra ngoài quân đội dần dần được ổn định, anh chị em thương binh, bệnh binh đã tích cực tham gia sản xuất, công tác, nhiều người đã trở thành cốt cán trong các phong trào ở địa phương. Tuy nhiên, phong trào thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh chưa đều, còn một số ngành, một số địa phương chưa thực sự quán triệt đầy đủ ý nghĩa của các chính sách, chế độ của Đảng và Chính phủ đối với thương binh, bệnh binh, thậm chí có nơi đã không thi hành đầy đủ lại còn vi phạm các chính sách, chế độ đã có, làm ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng và đời sống của anh chị em và làm cho nhân dân thắc mắc về việc chấp hành chính sách của Đảng, của Chính phủ. Mặt khác bản thân các chế độ, chính sách đã ban hành cũng chưa được bổ sung cho kịp sự phát triển của tình hình; trách nhiệm của các ngành cũng chưa rõ ràng, nên việc chấp hành còn có những lúng túng và thiếu sót.

Vì vậy Hội đồng Chính phủ trong phiên họp của Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 23-6-1972, sau khi nghe Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ báo cáo, đã quyết định bổ sung một số vấn đề sau đây.

A. PHƯƠNG HƯỚNG CƠ BẢN CỦA CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH

Phương hướng để giải quyết những vấn đề đối với thương binh, bệnh binh như đã ghi trong Thông tư số 51-TTg ngày 17-5-1965 của Hội đồng Chính phủ, đến nay vẫn còn đúng đắn và thích hợp. Nội dung cơ bản của phương hướng ấy là phục hồi nhanh chóng sức khỏe và khả năng lao động của anh, chị em thương binh, bệnh binh, đào tạo, bồi dưỡng anh chị em thành những người có chuyên môn kỹ thuật, sắp xếp công việc làm thích hợp với sức khỏe của anh, chị em, giúp anh, chị em giải quyết tốt những vấn đề thuộc hạnh phúc riêng và nhanh chóng thích nghi với mọi hoạt động trong xã hội.

Phương châm giải quyết là vừa đề cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan Đảng và Nhà nước, vừa phải dựa vào nhân dân, động viên nhân dân hết lòng chăm sóc thương binh, bệnh binh, đồng thời phải động viên anh, chị em thương binh, bệnh binh nêu cao tinh thần tự lực, cánh sinh, phát huy tinh thần tiến công cách mạng, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng đời sống của mình và tiếp tục phục vụ sự nghiệp cách mạng.

B. NHỮNG CHÍNH SÁCH CỤ THỂ 

Căn cứ vào phương hướng trên và tình hình thực tế hiện nay, nay quy định và bổ sung chính sách cụ thể như sau:

I. ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH CÒN KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG.

1. Đối với thương binh, bệnh binh còn khả năng lao động thì phải sắp xếp để anh, chị em tham gia sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp hoặc tùy theo yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa mà sắp xếp anh, chị em vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, nhất thiết không để một anh, chị em nào không có việc làm. Nói chung những anh, chị em thương binh, bệnh binh trước khi tòng quân ở đâu thì nay được về nơi cũ để tiếp tục sản xuất, công tác, học tập. Vì bị thương, bị bệnh, sức khỏe của anh chị em bị giảm sút, vì trình độ văn hóa, nghề nghiệp của phần đông anh chị em còn thấp, hoặc có người bỏ nghề lâu ngày hoặc nghề cũ không còn thích hợp với thương tật và sức khỏe của anh chị em, nên nhiệm vụ trước hết của quân đội, của các ngành ở trung ương, của các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố là phải đầu tư cán bộ, tài chính vào việc bồi dưỡng thêm về văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật cần thiết cho anh chị em trước khi đưa anh chị em về sản xuất, công tác ở hậu phương. Ngay khi anh chị em còn ở trong các trại điều dưỡng của quân đội, hoặc của ngành thương binh xã hội, các cơ quan quản lý các trại đó phải tranh thủ thời gian bồi dưỡng văn hóa và nghề nghiệp cho anh chị em.

Các lớp bổ túc văn hóa cho thương binh, bệnh binh trước mắt do ngành thương binh xã hội quản lý, kinh phí do ngân sách Nhà nước đài thọ. Các lớp bổ túc văn hóa trong các trại điều dưỡng của quân đội thì do quân đội quản lý và đài thọ kinh phí. Ngành giáo dục phải cung cấp giáo viên, sách giáo khoa và chỉ đạo về nghiệp vụ.

Những anh chị em còn trẻ, đủ điều kiện thì cần xét chọn cho đi học theo thông tư số 243-TTg ngày 04-9-1971 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các trường đào tạo dài hạn, cần dành một tỷ lệ nhất định để tiếp nhận thương binh, bệnh binh vào học ở các lớp chuyên môn, nghiệp vụ sẵn có của các ngành ở trung ương và của các địa phương. Nơi nào có điều kiện thì mở các lớp ngắn hạn chuyên đào tạo ngành nghề cho thương binh, bệnh binh.

Sau khi anh chị em thương binh, bệnh binh đã được đào tạo, căn cứ vào sự phân phối của các cơ quan có trách nhiệm, các ngành ở trung ương. Ủy ban hành chính các địa phương, các đơn vị cơ sở phải tiếp nhận và sắp xếp công việc cho phù hợp với sức khỏe của anh chị em, cố gắng trang bị công cụ lao động thích hợp và tiếp tục bồi dưỡng thêm về nghề nghiệp cho anh chị em.

Việc tiếp nhận anh chị em thương binh, bệnh binh về làm việc trong đơn vị mình là một nghĩa vụ, một vinh dự, các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã… phải hết sức lo lắng giải quyết, nhất là các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì phải tiếp nhận những thương binh, bệnh binh nguyên là công nhân, viên chức của mình trở về và những thương binh, bệnh binh được phân phối về, sắp xếp công việc cho anh chị em cho phù hợp với sức khỏe, thương tật của từng người, không nhất thiết sắp xếp ngành nghề cũ, và phải đảm bảo bình quân các cơ quan, xí nghiệp nhận 5% trong biên chế hành chính, sự nghiệp là thương binh, bệnh binh như các chỉ thị số 51-TTg ngày 17-5-1965, chỉ thị số 71-TTg ngày 30-7-1968 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tùy theo tính chất công việc nặng nhọc của từng loại cơ quan, xí nghiệp mà giao chỉ tiêu cụ thể.

Để đưa việc bồi dưỡng đào tạo văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật cho thương binh, bệnh binh và việc sắp xếp việc làm cho thương binh, bệnh binh đi vào nề nếp, hàng năm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ lập kế hoạch phân phối thương binh và bệnh binh cho các nhu cầu của các ngành ở trung ương và các địa phương.

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp phải hướng dẫn cụ thể những ngành nghề thích hợp cần dành để đào tạo thương binh, bệnh binh và có biện pháp tích cực tạo điều kiện cho anh chị em được việc học tập.

Bộ Lao động phối hợp cùng Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt gấp danh sách những ngành nghề ở các cơ quan, xí nghiệp mà thương binh, bệnh binh có thể làm được để sắp xếp thương binh, bệnh binh và dần dần thay thế những người khỏe mạnh đi làm việc khác.

2. Cùng với việc xắp sếp đưa thương binh, bệnh binh vào làm việc trong các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, cần căn cứ vào điều kiện, khả năng phát triển kinh tế, số lượng thương binh, bệnh binh trong từng địa phương và khả năng nghề nghiệp của anh chị em, mà tích cực xây dựng các cơ sở sản xuất thích hợp dành cho thương binh, bệnh binh lao động sản xuất theo như chỉ thị số 51-TTg ngày 17-5-1965 của Hội đồng Chính phủ. Các cơ sở sản xuất này gọi là xí nghiệp sản xuất của thương binh nên tổ chức theo quy mô vừa và nhỏ, làm các nghề thủ công, nửa cơ khí, phục vụ đời sống hoặc làm các mặt hàng xuất khẩu mà các địa phương có thể tự trang bị máy móc, cung cấp nguyên liệu, vật liệu và tiêu thụ sản phẩm. Các xí nghiệp này do anh, chị em thương binh, bệnh binh tự quản lý lấy, có cán bộ của Nhà nước hướng dẫn về các mặt quản lý sản xuất, quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và hoạt động theo phương thức hạch toán kinh tế.

Về chế độ ưu đãi đối với các xí nghiệp này thì trước mắt vẫn áp dụng như quy định trong thông tư số 51-TTg ngày 17-5-1965 của Hội đồng Chính phủ. Cụ thể là:

- Nhà nước sẽ cấp vốn để xây dựng ban đầu (nhà sản xuất, nhà ở, mua sắm trang thiết bị…) và cho vay vốn dài hạn, ngắn hạn theo như chế độ quy định với mức lãi thấp nhất.

- Hàng năm Nhà nước sẽ giao chỉ tiêu sản xuất, giao mặt hàng, cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm (nếu bảo đảm chất lượng, quy cách của hàng hóa) như các ngành sản xuất quốc doanh và được chiếu cố trong việc đóng thuế.

Bộ Nội vụ bàn với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đề cử cán bộ đi nghiên cứu việc tổ chức sản xuất cho thương binh, bệnh binh và trình Hội đồng Chính phủ quy định hình thức tổ chức, quản lý và chính sách toàn diện đối với sản xuất của thương binh, bệnh binh như việc cung cấp nguyên liệu, vật liệu, trang bị vật tư, kỹ thuật, cấp vốn, tiêu thụ sản phẩm v.v… và các quyền lợi của thương binh, bệnh binh trong các xí nghiệp sản xuất của thương binh, bệnh binh.

Để việc khám và xác định thương tật cho anh chị em thương binh, bệnh binh (và cả cho cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước bị thương, mất sức lao động) được kịp thời và chính xác, phục vụ cho việc sắp xếp nghề nghiệp cho anh chị em được thích hợp, Bộ Y tế cùng với Bộ Nội vụ và các ngành có liên quan cần xúc tiến gấp việc xây dựng Viện giám định y khoa và khả năng lao động để trình Hội đồng Chính phủ quyết định sớm.

II. ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH NẶNG

Đối với thương binh thương tật nặng và những bệnh binh không còn khả năng lao động hoặc còn ít khả năng lao động không thể về gia đình và tự lao động để bảo đảm đời sống, thì Bộ Nội vụ có trách nhiệm tiếp nhận vào các trại do Bộ và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố quản lý, trừ những anh chị em có điều kiện, tự nguyện xin về và gia đình anh, chị em có thể đảm bảo được đời sống cho anh, chị em. Đối với các trại này cần xúc tiến ngay những việc sau đây:

a) Việc cải tiến chế độ sinh hoạt phí (ăn, mặc, tiêu vặt…) của anh chị em theo hướng thống nhất chế độ giữa thương binh, bệnh binh qua các thời kỳ nhằm nâng cao hơn một bước đời sống của anh chị em ở trại.

b) Cấp thêm một số trang bị và phương tiện cần thiết như sách báo, đài loa, phương tiện câu lạc bộ, phương tiện rèn luyện sức khỏe, khôi phục cơ năng lao động, phương tiện vận chuyển (xe vận tải, xe cứu thương), phương tiện đi lại của anh, chị em, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để khi có điều kiện cho phép thì xúc tiến việc xây dựng nhà cứu để anh, chị em có chỗ ăn ở chu đáo;

c) Quy định cụ thể biên chế người phục vụ đối với từng loại thương binh, bệnh binh cho thích hợp;

d) Tổ chức lao động sản xuất cho anh, chị em để vừa điều trị vừa có điều kiện cải thiện đời sống.

đ) Đối với những thương binh thương tật nặng, những bệnh binh mất sức lao động từ 60% trở lên về địa phương thì được hưởng chế độ cung cấp lương thực, thực phẩm, vải mặc như những cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước hưởng chế độ mất sức lao động.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm bàn với các ngành có liên quan như Tài chính, Lao động, Nội thương Lương thực và thực phẩm, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để quy định cụ thể các chế độ trên đây để kịp thi hành từ đầu năm 1973, đồng thời nghiên cứu những yêu cầu cụ thể về trang bị cho các trại thương binh nặng, để trình Chính phủ xét duyệt.

III. ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH GÁI.

Nói chung chị em thương binh, bệnh binh thường gặp nhiều khó khăn hơn những thương binh, bệnh binh nam. Vì vậy cần phải hết sức quan tâm giải quyết sức khỏe, văn hóa, việc làm, hạnh phúc riêng cho chị em, giúp chị em giải quyết một số khó khăn trong đời sống. Trước mắt Bộ Nội vụ cùng với Bộ Tài chính quy định một số chế độ cho chị em thương binh, bệnh binh ở các trường, trại, xí nghiệp sản xuất của thương binh như vấn đề phòng bệnh, chữa bệnh, vệ sinh phụ nữ, thai sản, vườn trẻ, v.v…

IV. VỀ VIỆC BỔ SUNG CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ, đối với thương binh, bệnh binh quân nhân xuất ngũ, chính sách đối với gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân. Đây là một vấn đề rất lớn, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cần phối hợp với các ngành có liên quan như Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức trung ương, Tổng Công đoàn Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp với tình hình trước mắt và lâu dài để trình Hội đồng Chính phủ quyết định.

C. VẤN ĐỀ TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Công tác thương binh, bệnh binh trong tình hình của nước ta hiện nay là một công tác rất lớn, rất quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đều có nhiệm vụ giải quyết tốt. Đây là nghĩa vụ, là tình cảm, là lòng chung thủy của mọi người dân đối với những người đã có công lao đối với Tổ quốc. Giải quyết tốt công tác thương binh, bệnh binh sẽ có ảnh hưởng tốt đến các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, có ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của chiến sĩ ở tiền phương cũng như đến việc củng cố sự nhất trí về tư tưởng và chính trị, sự đoàn kết ở hậu phương. Thủ trưởng các Bộ, các ngành, các đoàn thể ở trung ương, Ủy ban hành chính các cấp, các đơn vị quân đội cần phải thống nhất quan điểm về nhận thức ấy và chuyển quan điểm nhận thức ấy đến toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, quân đội và nhân dân. Chỉ có trên cơ sở thống nhất quan điểm nhận thức đó mới xác định được trách nhiệm của mình đối với anh, chị em thương binh, bệnh binh mà ra sức thực hiện các chính sách với tất cả nhiệt tình và khả năng của mình. Còn đối với anh, chị em thương binh, bệnh binh thì cần giáo dục để anh, chị em giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân; có thái độ khiêm tốn, đoàn kết với mọi người, có tinh thần kỷ luật cao, luôn luôn xứng đáng là người con trung hiếu của Đảng, của nhân dân, đồng thời thấy rõ những khó khăn chung của đất nước trong giai đoạn hiện nay mà tích cực sản xuất, công tác, học tập, tiếp tục cống hiến vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi hoàn toàn.

Để thực hiện tốt các chính sách, chế độ của Đảng và Chính phủ đối với thương binh, bệnh binh cần phải tăng cường việc tổ chức thực hiện ở các ngành và các cấp. Cụ thể là:

1. Thủ trưởng các Bộ, các ngành, các đoàn thể ở trung ương, Ủy ban hành chính các cấp cần tăng cường việc lãnh đạo và tổ chức việc thực hiện chính sách, hoàn thành đợt kiểm tra việc chấp hành chính sách theo chỉ thị của Ban bí thư trung ương Đảng và đưa việc kiểm tra vào nền nếp.

Đối với nhân dân thì các địa phương cần tổ chức giáo dục cho mọi người hiểu rõ chính sách và trách nhiệm của mình, vận động quần chúng thành phong trào đón tiếp thương binh, bệnh binh về địa phương và chăm sóc thương binh, bệnh binh, thực hiện đầy đủ chính sách đối với thương binh, bệnh binh.

2. Cấp xã và đơn vị cơ sở (cơ quan, xí nghiệp, công trường…) có vị trí hết sức quan trọng trong việc thực hiện các chính sách cụ thể đối với thương binh, bệnh binh. Muốn thực hiện tốt các chính sách, chế độ đã có, phát huy khả năng tiềm tàng trong nhân dân, Ủy ban hành chính xã và thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải có người chuyên trách và có những cán bộ tốt, có nhiệt tình làm công việc này và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các đoàn thể như Mặt trận, Công đoàn, Thanh niên, Hội mẹ chiến sĩ, Hội phụ lão v.v…

Ủy ban hành chính huyện có trách nhiệm chủ yếu là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành chính sách ở xã, kịp thời phát hiện những sai sót và uốn nắn sửa chữa.

Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo việc đào tạo bồi dưỡng văn hóa, nghề nghiệp, việc tổ chức sản xuất cho thương binh, bệnh binh, và kiểm tra việc chấp hành chính sách ở huyện và xã.

Ở trung ương, thì:

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng lập chỉ tiêu kế hoạch phân phối thương binh, bệnh binh cho các nhu cầu đào tạo, bổ sung vào các cơ quan Nhà nước, về các cơ sở và về xã.

Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ dựa vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước tiến hành chuyển giao cụ thể thương binh, bệnh binh cho các yêu cầu phù hợp với sức khỏe, văn hóa, ngành nghề của thương binh, bệnh binh.

- Các Bộ, các ngành như Bộ Lao động, Y tế, Tài chính, Giáo dục, Đại học và trung học chuyên nghiệp. Nội thương, Công nghiệp nhẹ, Ban Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp trung ương và các đoàn thể ở trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình có trách nhiệm chỉ đạo cấp dưới thực hiện các chính sách đối với thương binh, bệnh binh, và nghiên cứu gấp để ban hành hoặc trình Chính phủ xét những vấn đề đã phân công trên đây (phần B).

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ về công tác thương binh, bệnh binh, có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành chính sách thương binh, bệnh binh ở các ngành và các địa phương, nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ, bổ sung, sửa đổi các chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, hướng dẫn các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng thương binh, bệnh binh tổ chức sản xuất cho thương binh, bệnh binh theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước và từng thời kỳ báo cáo kết quả với Hội đồng Chính phủ.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng to lớn và khẩn trương của công tác thương binh, bệnh binh và các công tác hậu phương của quân đội, Bộ Nội vụ phải phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức trung ương để tăng cường cán bộ có năng lực, có phẩm chất, có nhiệt tình cho các bộ phận phụ trách công tác thương binh, xã hội ở trung ương và cho các cơ quan thương binh, xã hội ở các tỉnh, thành phố và ở các huyện.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị