UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 287/2002/NQ-UBTVQH10 | Hà Nội, ngày 29 tháng 1 năm 2002 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH VIỆC THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỂM CỦA NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIẾN PHÁP NĂM 1992
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002;
QUYẾT NGHỊ:
1. Kể từ ngày Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực, các cơ quan thuộc Chính phủ đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ giao cho thành viên Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện việc quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực do các cơ quan thuộc Chính phủ đang quản lý.
Các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan thuộc Chính phủ ban hành trước ngày Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực vẫn có giá trị thi hành cho đến khi văn bản đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền huỷ bỏ hoặc thay thế bằng văn bản khác.
2. Kể từ ngày Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức lại bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ, bảo đảm thực hiện tốt quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Các hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đã được tiến hành từ trước ngày Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực mà vẫn chưa kết thúc thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự tiếp tục thực hiện, nhưng phải kết thúc chậm nhất vào ngày 15 tháng 04 năm 2002. Sau ngày 15 tháng 04 năm 2002, nếu còn các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì tuỳ theo tính chất, nội dung của từng vụ việc và căn cứ vào pháp luật, các cơ quan này có trách nhiệm chuyển giao các kháng nghị, kiến nghị đó cùng với hồ sơ, tài liệu liên quan cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, đơn vị vũ trang nhân dân để các cơ quan, đơn vị này tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sắp xếp, lưu trữ hồ sơ kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo đúng quy định của pháp luật về lưu trữ.
3. Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có biện pháp tăng cường hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật theo quy định của Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác; Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có biện pháp tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, bảo đảm để Hiến pháp và pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
4. Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan của Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
Nguyễn Văn An (Đã ký) |
- 1 Lệnh công bố Nghị quyết năm 2001 sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992
- 2 Luật Tổ chức Quốc hội 2001
- 3 Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 do Quốc hội ban hành
- 4 Hiến pháp năm 1992
- 1 Nghị quyết về việc thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi và bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Quốc hội ban hành
- 2 Nghị quyết số 43/2001/NQ-QH10 về việc thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 do Quốc Hội ban hành
- 3 Lệnh công bố Nghị quyết năm 2001 sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992