HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 289-CP | Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1977 |
Hội đồng Chính phủ trong phiên họp cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 1977 đã thảo luận và quyết định những việc chính phải làm nhằm quán triệt của Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng vào việc xây dựng kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980) và kế hoạch Nhà nước năm 1978, cũng như trong việc chỉ đạo thực hiện các kế hoạch đó. Đây là những việc mở đầu cho cả quá trình thực hiện nghị quyết của trung ương, giải quyết những vấn đề cấp bách nhằm tạo ra những điều kiện cơ bản để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lương thực, đồng thời tạo ra thế chủ động cho các năm sau, góp phần xây dựng nề nếp quản lý tốt. Những việc đó phải được chỉ đạo với tinh thần tập trung và khẩn trương nhất ngay từ IV năm 1977 và 6 tháng đầu năm 1978. Cuối quý II năm 1978, trên cơ sở kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết này, Hội đồng Chính phủ sẽ quyết định chương trình hành động tiếp theo, đi sâu hơn vào những nhiệm vụ lớn mà nghị quyết này mới đề cập một phần, như quản lý kinh tế nông nghiệp, quản lý khoa học và kỹ thuật nông nghiệp, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, con người mới, v.v… Riêng về hải sản, Thường vụ Hội đồng Chính phủ sẽ có kế hoạch làm việc chuyên đề.
Để tập trung cao độ lực lượng cả nước thực hiện bằng được các mục tiêu phát triển nông nghiệp mà nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng và nghị quyết của Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng đã đề ra, Hội đồng Chính phủ đòi hỏi các ngành, các cấp có sự chuyển biến cách mạng trên mọi lĩnh vực công tác của mình nhằm chỉ đạo và phục vụ tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp. Các ngành, các cấp phải quán triệt mấy quan điểm lớn sau đây :
a) Tư tưởng chiến lược của kế hoạch 5 năm mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra là phải tận dụng và phát huy đến mức cao nhất tiềm lực sẵn có của đất nước ta, trước hết là tiềm lực rất to lớn về lao động và đất đai. Để làm việc đó, phải có quy hoạch và kế hoạch phân bố lại lực lượng sản xuất, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn cả nước theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; đồng thời, phải gắn liền phát triển lực lượng sản xuất với cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam (cả về nông nghiệp, công thương nghiệp tư doanh) và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Tư tưởng chiến lược đó phải được quán triệt trong mọi lĩnh vực, trước hết là trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, vì ở đây tiềm lực về lao động và đất đai là vốn to lớn nhất, quý nhất, nhưng hiện nay phân bố không hợp lý. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo ra những điều kiện cơ bản để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác.
Đây chính là con đường để đồng thời tiến hành ba cuộc cách mạng, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, kết hợp kinh tế và quốc phòng, xây dựng đất nước giàu mạnh.
b) Theo phương châm đã được xác định qua Đại hội lần thứ IV của Đảng: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Hội đồng Chính phủ cũng như các ngành, các cấp phải thấy rõ trách nhiệm rất lớn của mình trong việc quản lý nền nông nghiệp và đưa nền nông nghiệp phát triển theo đường lối của Đảng. Từ nhận thức đó, trong phiên họp này, Hội đồng Chính phủ bàn kỹ vấn đề tổ chức thực hiện nghị quyết 2, chính là để thực hiện trách nhiệm to lớn của mình. Trong những phiên họp sau, Hội đồng Chính phủ sẽ bàn tiếp những vấn đề cụ thể để từng bước triển khai khẩn trương và vững chắc việc thực hiện nghị quyết 2 của Ban chấp hành trung ương Đảng (khi bàn về kế hoạch Nhà nước, Hội đồng Chính phủ cũng cần bàn kỹ và sâu thêm về nông nghiệp, bởi lẽ nông nghiệp là trung tâm của kế hoạch Nhà nước trong thời gian trước mắt của nước ta).
c) Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng và nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng đề ra những mục tiêu rất to lớn của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc tổ chức thực hiện những nghị quyết ấy trong tình hình chúng ta đang có những khó khăn trong nền kinh tế hiện nay, nhất là khó khăn về lương thực, vật tư, nguyên vật liệu, nhiên liệu; trong điều kiện thời gian (thời vụ nông nghiệp) còn lại không nhiều; trong khi bộ máy quản lý Nhà nước đang sắp xếp lại, tổ chức ở địa phương - nhất là cấp huyện – còn yếu (nhất là ở các địa phương ở miền Nam nước ta)… đòi hỏi sự nổ lực vượt bậc của các ngành, các cấp cho đến cơ sở, đòi hỏi chúng ta phải hết sức đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, sử dụng có hiệu quả nhất tiềm lực hiện có về sức lao động, thiết bị, phương tiện, vật tư.
Hội đồng Chính phủ phải chỉ đạo rất tập trung và kiên quyết, huy động toàn bộ lực lượng có thể huy động được, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả nền kinh tế quốc dân, của bộ máy Nhà nước đi đôi với phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tạo nên những bước tiến vượt bậc trong nông nghiệp, quyết đạt và vượt các mục tiêu do Đại hội Đảng đã đề ra, Hội đồng Chính phủ yêu cầu các thành viên của Hội đồng Chính phủ, các thủ trưởng các ngành trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp làm tốt những công việc rất quan trọng sau đây :
I. PHÂN VÙNG, QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH
1. Công tác phân vùng và quy hoạch của ta lúc này nhằm thực hiện một bước cơ bản việc xây dựng phương án phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến (bước đầu có tính toán cân đối với các ngành công nghiệp lớn, với nhu cầu của các trung tâm công nghiệp...) và phát thảo sự phân bố các ngành công nghiệp lớn.
Quy hoạch các ngành và công tác phân vùng, quy hoạch các vùng gắn với nhau một cách hữu cơ: quy hoạch của mỗi ngành cần được thể hiện trên các vùng, các tiểu vùng cả nước, và phần quy hoạch của mỗi vùng là một bộ phận hợp thành của quy hoạch toàn ngành. Đây là công tác to lớn, phức tạp đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các ngành kinh tế và văn hóa, nội chính và xã hội, đòi hỏi sự tham gia thiết thực và với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cấp chính quyền địa phương nhằm xây dựng cho được phương án phân vùng trên phạm vi cả nước trong từng tỉnh.
Trước mắt, để phục vụ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, các tỉnh, thành phố phải khẩn trương làm ngay một bước việc quy hoạch huyện. Phải căn cứ trên phương án phân vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản và những dự kiến về phân bố các ngành công nghiệp lớn trong những năm trước mắt ở huyện, mà bố trí trên địa bàn huyện những cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống trạm, trại của nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp (chủ yếu là thủy lợi, giao thông vận tải, cơ khí, điện xây dựng v.v… ) đồng thời quy hoạch những khu dân cư gắn với các cơ sở sản xuất sẽ xây dựng trên địa bàn huyện.
Để tiến hành một cách cụ thể việc phân vùng và quy hoạch, cần tập trung cán bộ của các ngành kinh tế, nhất là cán bộ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí v.v… giúp các tỉnh, các huyện thiết kế các nông trường, lâm trường, các vùng kinh tế mới.
Muốn làm phân vùng được tốt, phải quán triệt đường lối của Đảng, xử lý tổng hợp các tài liệu điều tra cơ bản và các kết luận về khoa học - kỹ thuật, hiểu biết thực tiễn của sản xuất và yêu cầu trước mắt và lâu dài của nền kinh tế quốc dân. Hiện nay, tài liệu điều tra cơ bản của ta có những mặt còn bị hạn chế mà ta phải tiếp tục bổ sung. Trên cơ sở tài liệu điều tra cơ bản được bổ sung, chúng ta sẽ điều chỉnh từng bước việc phân vùng ngày càng hợp lý. Điều đặc biệt quan trọng là phải tính toán và chỉ ra các bước cụ thể, thiết thực để vừa thực hiện được phương án phân vùng, vừa đáp ứng ngay các nhu cầu bức thiết của nền kinh tế quốc dân, trước hết là lương thực và các loại nông sản xuất khẩu, phù hợp với các điều kiện lao động, vốn, thiết bị, vật tư hiện có và sẽ có trong từng thời kỳ kế hoạch 5 năm. Khi đã vạch được bước đi cho từng vùng, phải thể hiện các bước đi đó bằng các chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch 5 năm về kế hoạch hàng năm, phải ban hành các chính sách và đề ra các biện pháp nhằm bảo đảm việc xây dựng các vùng đó thành hiện thực.
Để xúc tiến công tác phân vùng và quy hoạch theo tinh thần nói trên. Hội đồng Chính phủ quyết định:
a) Bắt đầu từ tháng 10 năm 1977, Hội đồng Chính phủ xét duyệt và ban hành phương án phân vùng chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, hải sản của cả nước và của từng tỉnh (có tính đến phục vụ và cân đối với các ngành công nghiệp, các khu công nghiệp, v.v… ) công tác này phải hoàn thành trong năm 1977. Trong thời gian đó sẽ đồng thời tiến hành việc lập quy hoạch các huyện trọng điểm.
b) Trên cơ sở phân vùng chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, hải sản của cả nước và của từng tỉnh, Ủy ban phân vùng kinh tế của Hội đồng Chính phủ phối hợp với các ngành chỉ đạo các tỉnh, thành phố và các huyện khẩn trương và có trọng điểm làm quy hoạch huyện, chủ yếu là quy hoạch nông-lâm nghiệp hoặc ngư nghiệp (có tính đến công nghiệp và các ngành khác, đồng thời tính đến việc xây dựng nông thôn mới, đến sự phát triển văn hóa giáo dục, xã hội của huyện).
Ở các tỉnh miền Bắc, phải làm xong một bước cơ bản quy hoạch của tất cả huyện vào giữa năm 1978.
Ở các tỉnh miền Nam, phải làm xong một bước cơ bản quy hoạch của các huyện thuộc vùng đất thuộc ở đồng bằng và các huyện trọng điểm thuộc vùng kinh tế mới vào giữa năm 1978; hoàn thành quy hoạch của tất cả các huyện ở miền Nam trong năm 1978.
Trong khi quy hoạch huyện chưa được duyệt, các tỉnh và các huyện có thể căn cứ vào phương án phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến của cả nước và của từng tỉnh đã được Chính phủ xét duyệt mà bố trí lực lượng sản xuất.
c) Ủy ban phân vùng kinh tế của Hội đồng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch các vùng kinh tế; trên cơ sở đó xây dựng phương án phân vùng kinh tế của cả nước trình Hội đồng Chính phủ xét vào cuối năm 1979.
d) Căn cứ vào kiến nghị của Ban chỉ đạo phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp trung ương, trong quý IV năm 1977 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải vạch ra kế hoạch và bước đi của các vùng nông nghiệp trọng điểm và trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt. Các kế hoạch và bước đi này phải nhằm giải quyết các yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, nông sản xuất khẩu, nguyên liệu cho công nghiệp.
2. Cải tiến công tác kế hoạch theo tinh thần mới.
Toàn bộ nội dung nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng phải được thể hiện cụ thể và đồng bộ trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm 1976-1980 và kế hoạch năm 1978 của Nhà nước cũng như của từng ngành, từng địa phương.
Để xây dựng tốt kế hoạch 5 năm 1976-1980 và kế hoạch năm 1978, Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp quán triệt phương châm tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo, sớm khai thác và sử dụng tốt mọi khả năng tiềm tàng của đất nước, trước hết là tiềm lực về lao động và đất đai, rừng, biển, sử dụng cao nhất công suất các xí nghiệp, các phương tiện, thiết bị sử dụng tốt nhất và tiết kiệm nhấ nguồn vốn và vật tư hiện có. Cần khắc phục các khuynh hướng chờ đợi, ỷ lại vào máy móc hoặc vào giúp đỡ của nước ngoài, kiên quyết sửa đổi cách suy nghĩ và phương pháp lập kế hoạch của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở. Phải thực hiện một bước chuyển hướng mới trong công tác kế hoạch hóa thích ứng với nhiệm vụ mới và hoàn cảnh của nước ta. Phải tập trung những phương tiện có thể để sử dụng tốt nhất sức lao động dồi dào và tài nguyên phong phú chưa được khai thác nhằm tạo ra giá trị sử dụng mới, tạo ra sản phẩm nhiều để thỏa mãn nhu cầu của đời sống nhân dân. Đó là hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, phải nhằm hiệu quả kinh tế của toàn xã hội; hiệu quả kinh tế của từng đơn vị là rất quan trọng, nhưng không thể cục bộ chỉ tính đến hiệu quả kinh tế nhỏ hẹp của từng ngành, từng vùng, từng xí nghiệp.
Hội đồng Chính phủ đòi hỏi các ngành và các cấp đặt vấn đề cân đối sử dụng sức lao động và đất đai vào vị trí trung tâm trong toàn bộ hệ thống cân đối của kế hoạch. Mọi phương án phát triển và mọi mặt cân đối của kế hoạch Nhà nước của các ngành và của địa phương đều phải xoay quanh trung tâm cân đối này, đều phải nhằm giải quyết cân đối sử dụng sức lao động và đất đai, rừng, biển trong phạm vi cả nước.
Nhà nước tạo mọi điều kiện cho người lao động có đủ công việc làm và làm việc thuận lợi, tìm mọi cách cải thiện đời sống của nhân dân, đồng thời Nhà nước đòi hỏi mỗi người lao động trong nông nghiệp cũng như trong tất cả các ngành khác phải làm việc có năng suất cao.
Trên đây là tư tưởng chủ đạo, là phương hướng chủ yếu phải quán triệt trong việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1978 và kế hoạch Nhà nước năm 5 năm (1976-1980).
Riêng đối với việc xây dựng kế hoạch nông nghiệp, Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở quán triệt sâu sắc các phương hướng sau đây:
a) Phải sử dụng tốt nhất sức lao động và đất đai là hai yếu tố cơ bản nhất trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời là hai tiềm lực to lớn nhất, quan trọng nhất cần khai thác nhanh để mau vượt qua tình trạng khó khăn về lương thực và tình trạng mất cân đối trên nhiều mặt của nền kinh tế quốc dân vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt.
Ở toàn bộ nông thôn nước ta, cũng như ở khắp nơi ở nước ta, mọi người phải làm việc, phải lao động sản xuất, trực tiếp hay gián tiếp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đó là nghĩa vụ và lợi ích của mọi người. Các cấp có thẩm quyền (nhất là cấp huyện) phải có kế hoạch huy động toàn bộ lực lượng lao động có thể huy động được để sử dụng một cách hợp lý vào sản xuất, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, làm cho năng suất lao động xã hội từ đó mà tăng lên một cách đáng kể. Phải kết hợp chặt chẽ việc đề cao kỷ luật với khuyến khích vật chất và động viên chính trị để thực hiện các định mức lao động ngàt càng tiên tiến. Nói chung, mỗi người phải làm việc 8 giờ một ngày cho tập thể (hoặc Nhà nước, ngoài ra phải làm thêm cho phúc lợi xã hội và kinh tế phụ gia đình. Trong nông nghiệp, một người lao động – nói chung - phải làm một hecta đất nông nghiệp; trong từng ngành, từng địa phương và cơ sở cần xác định các định mức này một cách vững chắc, và lấy đó làm căn cứ để tính toán các chỉ tiêu của kế hoạch.
Để sử dụng tốt lao động và đất đai, nhanh chóng giải quyết được vấn đề lương thực, phải dành ưu tiên cho việc xây dựng thủy lợi nhằm cung ứng nước cho trồng trọt ở tất cả các vùng và cho sinh hoạt ở các vùng kinh tế mới.
b) Một trong các nhiệm vụ phải thực hiện cho được là bảo đảm cân đối lương thực và thực phẩm đủ để duy trì và bồi dưỡng sức khỏe của nhân dân, đáp ứng nhu cầu của việc phân bố lại lực lượng lao động (khai hoang và mở rộng các ngành nghề khác), nhu cầu về thủy lợi, trồng rừng, trồng cây công nghiệp và xuất khẩu. Lương thực vừa là mục tiêu, vừa là một điều kiện để thực hiện kế hoạch.
Muốn thế, đi đôi với việc tích cực thâm canh lúa và làm thủy lợi để mở rộng diện tích ruộng lúa và tăng vụ lúa ở những nơi có điều kiện, phải đẩy mạnh đến mức cao nhất việc sản xuất các loại hoa màu, đồng thời phải phát triển sản xuất mạnh mẽ các nông sản, lâm sản, hải sản làm nguyên liệu cho công nghiệp và cho xuất khẩu. Từng tỉnh, từng huyện phải tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm đến mức cao nhất, đồng thời phát huy hết ưu thế của mình, làm tốt các nhiệm vụ khác của kế hoạch Nhà nước. Trong khi xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, cấp huyện phải giải quyết cho được lương thực cho nhân dân trong huyện đồng thời làm nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước (trừ những huyện chuyên canh cây công nghiệp hoặc có quá đông nhân khẩu phi nông nghiệp). Huyện nào chưa làm tốt lương thực phải noi gương các huyện đã làm tốt, phấn đấu làm cho kỳ được. Trong trường hợp đặc biệt, huyện nào chưa cân đối được lương thực, thì phải có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất ở những huyện có điều kiện phát triển lương thực để điều hòa giữa các huyện, bảo đảm lương thực trong tỉnh mình.
c) Trong nông nghiệp cũng như trong các ngành khác, việc xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch phải dựa trên các định mức kinh tế - kỹ thuật đúng đắn, tiến bộ, nhất là định mức về năng suất lao động, về sử dụng thiết bị, vật tư, …
Kế hoạch tốt phải được xây dựng trên cơ sở quản lý tốt, và chỉ có thể quản lý tốt trên cơ sở kế hoạch tốt. Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, phải soát lại các cân đối, các yêu cầu của ngành mình cho phù hợp với khả năng kinh tế của cả nước; phải quán triệt quan điểm tiết kiệm triệt để ngoại tệ, vật tư, thiết bị, tiền vốn… và sử dụng các yếu tố đó với hiệu quả cao nhất. Các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở mỗi khi đề ra yêu cầu đầu tư thiết bị, vật tư, tiền vốn đều phải tính toán cụ thể hiệu quả các mặt của việc đầu tư đó.
d) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, các Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, huyện có trách nhiệm chủ trì việc làm kế hoạch nông nghiệp.
Đi đôi với kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về phát triển sản xuất nông nghiệp, ở mỗi cấp từ cơ sở đến trung ương đều phải có kế hoạch phát triển khoa học - kỹ thuật và thực hiện tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp chủ động cần bàn với các ngành có liên qua đến sản xuất nông nghiệp (nhất là các ngành cung ứng kỹ thuật và các ngành tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch có tính chất liên ngành được vững chắc, thiết thực.
Để xây dựng kế hoạch nông nghiệp tốt, Bộ Nông nghiệp phải cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường bộ môn làm kế hoạch ở các Ty, Sở nông nghiệp và cơ quan nông nghiệp huyện, chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan này trong việc xây dựng kế hoạch, bảo đảm kế hoạch được xây dựng từ cơ sở lên.
Theo đường lối, chủ trương phát triển nông nghiệp của Đảng và Chính phủ, mỗi ngành mỗi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần sớm bổ sung các dự án kế hoạch năm 1978 và kế hoạch 5 năm 1976-1980 của mình nộp lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp vào cuối tháng 10 năm 1977.
Trong quá trình xây dựng và tổng hợp kế hoạch, Thường vụ Hội đồng Chính phủ trực tiếp nghe và chỉ đạo một số ngành trọng điểm: nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, cơ khí, điện, than, hóa chất, giao thông vận tải, v.v…
II. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP QUAN TRỌNG ĐỂ THÚC ĐẨY SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Nhà nước ta quản lý nền kinh tế quốc dân theo nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và theo vùng lãnh thổ”.
Xuất phát từ nguyên tắc đó, Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị định số 172-CP (quy định Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế) và nghị định số 24-CP (quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế)
Trong tháng 11 năm 1977, Hội đồng Chính phủ sẽ ban hành các quy định về xây dựng cấp huyện.
Những văn kiện này là một tổng thể hợp thành hệ thống tổ chức bộ máy quản lý kinh tế của ta, làm cho ngành và cấp, cấp trên, cấp dưới khớp vào nhau, điều hòa phối hợp với nhau, quy tụ vào đầu mối chỉ đạo thống nhất và đồng bộ của Hội đồng Chính phủ.
Phải tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện và tăng cường cấp huyện, cấp trực tiếp quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, một cấp Nhà nước quản lý kế hoạch toàn diện và có ngân sách, một cấp quản lý sản xuất, quản lý lưu thông và đời sống nhân dân ở trong huyện.
Trong quý IV năm nay, Ban nghiên cứu quản lý kinh tế trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ kế hoạch về các bước đi cụ thể trong việc tổ chức lại sản xuất ở huyện và tăng cường cấp huyện.
Tháng 11 năm 1977 Bộ Tài chính Thừơng vụ Hội đồng Chính phủ vấn đề phân cấp quản lý tài chính cho cấp huyện, trong đó quy định cụ thể về ngân sách huyện để kịp vận dụng vào việc xây dựng kế hoạch và ngân sách năm 1978.
2. Khẩn trương xây dựng kết cấu hạ tầng ở các huyện thuộc vùng kinh tế mới, nhất là xây dựng các công trình thủy lợi cho sản xuất, cho sinh hoạt, các đường giao thông.
Bộ Nông nghiệp, Bộ Thủy lợi, Bộ Xây dựng cùng với các tỉnh có vùng kinh tế mới xác định các điểm dân cư, xác định quy hoạch và kế hoạch xây dựng thủy lợi cho sinh hoạt, cho sản xuất ở các vùng này và chỉ đạo thực hiện các quy hoạch và kế hoạch ấy khớp với kế hoạch đưa lao động đến và kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp cùng với Bộ Giao thông vận tải, với từng tỉnh có vùng kinh tế mới xác định các trục đường cần làm thêm và có kế hoạch thi công sớm, kịp phục vụ việc đưa lao động đến khai thác đất đai theo kế hoạch Nhà nước đã duyệt.
Bộ Thủy lợi và Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chặt chẽ việc kết hợp giữa thủy lợi và giao thông vận tải; cùng các địa phương có liên quan xây dựng đề án để trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ trong tháng 12 năm 1978.
3. Tổ chức lại sản xuất và quản lý ở đơn vị cơ sở
a) Ở các tỉnh miền Bắc, phải đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết số 61-CP của Hội đồng Chính phủ về tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Bộ Nông nghiệp cùng Ban Nông nghiệp trung ương nghiên cứu hoàn chỉnh Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời chuẩn bị đế án phân cấp quản lý các nông trường, để quý I năm 1978 trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ.
Cần xúc tiến dự thảo Điều liệu hợp tác xã nông, lâm nghiệp để trình Hội đồng Chính phủ vào quý I năm 1978. Để làm việc này, thành lập một Tiểu ban gồm Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Ban Nông nghiệp trung ương, Ban nghiên cứu quản lý kinh tế…
b) Ở các tỉnh và thành phố miền Nam, phải chỉ đạo chặt chẽ và phối hợp tốt việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng cấp huyện với việc cải tạo nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Ban cải tạo nông nghiệp miền Nam trình Ban bí thư và thường vụ Hội đồng Chính phủ một chương trình cụ thể về vấn đề này vào tháng 12 năm 1977.
c) Đối với kinh tế mới
Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ duyệt danh mục các nông trường, lâm trường, các khu vực sẽ nhận lao động của các hợp tác xã đến khai hoang. Căn cứ vào sự bố trí ấy cần sớm chỉ định cán bộ phụ trách các nông trường, lâm trường, giao nhiệm vụ điều tra, thiết kế cụ thể cho từng đơn vị.
Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Ủy ban dân tộc của Chính phủ chỉ đạo các tỉnh làm tốt công tác định canh, định cư, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ này với nhiệm vụ xây dựng các hợp tác xã, các nông trường, lâm trường quốc doanh, phấn đấu hoàn thành về cơ bản vào năm 1980 việc định canh, định cư đồng bào các vùng núi.
Trong việc xây dựng các vùng kinh tế mới, các cơ quan chủ quản các đơn vị sản xuất phải phối hợp với địa phương và các ngành có liên quan xây dựng các làng mới, các thị trấn mới theo quy hoạch chung, sớm đưa sinh hoạt của các điểm dân cư này đi vào nề nếp, quy củ.
Bộ Nông nghiệp (hoặc Bộ Lâm nghiệp) cùng với tỉnh sở tại và Tổng cục Xây dựng kinh tế (Bộ quốc phòng) phải làm xong việc vạch ranh giới cho từng nông trường (hoặc lâm trường) do quân đội quản lý trong năm 1977.
4. Xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp.
Căn cứ kế hoạch phát triển nông nghiệp trong 5 năm 1976-1980 các ngành phải có kế hoạch phục vụ việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho nông nghiệp, trong đó có phân biệt những vấn đề lớn cần trình Hội đồng Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ. Sau đây là một vấn đề chính cần giải quyết sớm:
a) Thủy lợi
Công tác thủy lợi phải đi trước một bước, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Nhiệm vụ của công tác thủy lợi trong 3 năm tới (1978-1980) là bảo đảm các mục tiêu chủ yếu sau đây:
- Tưới cho lúa, từ 1 triệu 45 vạn ha lên 2 triệu 60 vạn ha (tăng 1 triệu 15 vạn ha), trong đó ở miền Bắc 1,090 triệu ha, ở miền Nam 1,510 triệu ha;
- Tưới cho hoa màu và cây công nghiệp 63,5 vạn ha;
- Diện tích tiêu úng, tăng thêm 27 vạn ha ở miền Bắc.
Để thực hiện các mục tiêu ấy, phải tập trung sức xây dựng thủy lợi trong 3 mùa khô tới. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải tăng cường chỉ đạo rất chặt chẽ và tập trung của Thường vụ Hội đồng Chính phủ và của chính quyền các cấp, phải huy động tiềm lực của các ngành, các địa phương, của Nhà nước và của nhân dân. Phải ưu tiên giải quyết các nhu cầu về thiết bị, vật tư kỹ thuật, điện, giao thông vận tải và lao động cho công tác này. Bộ Thủy lợi phải bảo đảm kỹ thuật và hiệu quả của các công trình, đồng thời tăng cường quản lý tốt lao động, thiết bị và vật tư để bảo đảm thời gian hoàn thành các công trình theo kế hoạch.
Phó thủ tướng Võ Chí Công sẽ họp các ngành có liên qian giải quyết vấn đề nói trên.
b) Cơ khí
Phải huy động năng lực cơ khí của tất cả các ngành (kể cả Bộ Quốc phòng) phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thủy lợi. Bộ Cơ khí và luyện kim có nhiệm vụ chủ trì phối hợp các ngành, các địa phương có sản xuất cơ khí (kể cả cơ khí quốc phòng) xây dựng kế hoạch cụ thể của toàn ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp. Kế hoạch này cần trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ vào đầu năm 1978.
Bộ Cơ khí và luyện kim chủ trì bàn với Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông vận tải và các ngành, các địa phương có liên quan xây dựng đề án tổ chức mạng lưới xí nghiệp sửa chữa các loại máy kéo, xe vận tải… trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ vào quý I năm 1978; trước mắt, phải chú ý đầy đủ những vùng nông nghiệp có tốc độ cơ giới hóa nhanh. Quy hoạch mạng lưới sửa chữa cơ giới dùng cho nông nghiệp phải kết hợp với yêu cầu sửa chữa cơ giới dùng trong các ngành khác.
Trong tháng 11 năm 1977, Bộ Nông nghiệp và Bộ Cơ khí và luyện kim phải lập kế hoạch về nhu cầu và khả năng sản xuất phụ tùng trong nước.
Đối với những thứ có thể sản xuất ở trong nước. Bộ Cơ khí và luyện kim cố gắng bảo đảm sản xuất. Đối với thứ không thể sản xuất trong nước, Bộ Ngoại thương có kế hoạch nhập khẩu; Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần ưu tiên dành ngoại tệ cho việc nhập khẩu các loại phụ tùng này.
Đối với các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp đang sử dụng ở Miền Nam do các nước tư bản sản xuất, Bộ Ngoại thương cần tìm nhiều biện pháp để nhập phụ tùng, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng. Bộ Nông nghiệp và các địa phương phải quản lý hết sức chặt chẽ việc phân phối và sử dụng số phụ tùng này. Bộ Cơ khí và luyện kim kết hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp và các địa phương giải quyết nhanh yêu cầu công cụ cầm tay cho nông nghiệp.
Phó thủ tướng Võ Chí Công chỉ đạo các Bộ Nông nghiệp, Bộ Cơ khí và luyện kim, Bộ Ngoại thương và Ủy ban kế hoạch Nhà nước làm đề án về vấn đề nói trên trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ vào tháng 12 năm 1977.
c) Hệ thống giống cây trồng và con chăn nuôi.
Bộ Nông nghiệp hoàn chỉnh đề án tổ chức các hệ thống giống (cây trồng gia súc) trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ vào quý I năm 1978. Phải khẩn trương tổ chức mạng lưới này trong năm 1978 ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ, các tỉnh có vùng đất thuộc lớn ở miền Nam (đối với các tỉnh miền núi thì phải tổ chức xong trong năm 1979).
Bắt đầu từ vụ Đông – Xuân này, Bộ Nông nghiệp phải có kế hoạch mở rộng kết quả của các thí điểm về giống lúa ngắn ngày và các giống hoa màu tốt ra địa bàn cả nước.
d) Phân bón và thuốc trừ sâu .
Trong tháng 11 năm 1977, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Nông nghiệp và các ngành ngoại thương, hóa chất, xây dựng, giao thông vận tải trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ đề án giải quyết một cách đồng bộ vấn đề sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng phân khoáng (gồm đạm, lân, a-pa-tit nghiền, vôi và đá vôi) và thuốc trừ sâu).
c) Điện và than
Bộ Điện và than phải có kế hoạch và giải quyết kịp thời các việc sau đây:
- Ở miền Nam : Xây dựng mạng lưới điện và trạm biến thế điện phục vụ nông nghiệp, trước hết là cho thủy lợi, nhằm đẩy mạnh thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích canh tác, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.
- Ở miền Bắc : Bảo đảm nguồn điện chủ động chống hạn và chống úng, bảo đảm điện cho sản xuất công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
- Bảo đảm than cho nông nghiệp theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
Bộ Điện và than cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thủy lợi phối hợp giải quyết các vấn đề nói trên trong tháng 11 năm 1977.
h) Giao thông - vận tải :
Bộ Giao thông vận tải và các ngành có liên quan phải có kế hoạch bảo đảm các yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, nhất là:
- Bốc dỡ và vận chuyển phân bón và thiết bị, vật tư nông nghiệp cho kịp thời vụ; vận chuyển kịp thời lao động, và lương thực đến các nơi cần thiết để phát triển nông nghiệp.
- Phát triển giao thông ở nông thôn và miền núi.
- Phục vụ công tác khai hoang, công tác thủy lợi.
i) Xây dựng
Bộ Xây dựng phải có kế hoạch bảo đảm :
- Cung cấp vôi, đá vôi dùng làm phân bón; cung cấp vật liệu cho nông nghiệp, thủy lợi.
- Ưu tiên nhận thầu và bảo đảm thi công đúng thời hạn những công trình do Bộ Nông nghiệp yêu cầu.
- Hoàn thành nhanh chóng các công trình khác trực tiếp phục vụ nông nghiệp.
- Giúp Bộ Nông nghiệp phát triển năng lực xây dựng quốc doanh của ngành nông nghiệp kết hợp với việc tổ chức và huy động lực lượng xây dựng của các hợp tác xã nông nghiệp.
k) Lương thực và thực phẩm
Bộ Lương thực và thực phẩm có trách nhiệm:
- Kết hợp với Bộ Cơ khí và luyện kim và Bộ Nông nghiệp lập kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nhất là hoa màu, ngay từ vụ Đông – Xuân này (Bộ Nông nghiệp phụ trách hướng dẫn các hợp tác xã hoặc nông dân sơ chế nông sản tại các hợp tác xã).
- Cung ứng lương thực theo kế hoạch cho các nhu cầu của nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp của việc định canh định cư; cùng với Bộ Nội thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Vật tư v.v… tổ chức tốt việc thu mua lương thực.
l) Sắt thép, xăng dầu.
Bộ Vật tư bảo đảm cung ứng kịp thời và đúng quy cách cho nông nghiệp và thủy lợi các mặt hàng phục vụ nông nghiệp, các loại sắt thép, xăng dầu và các loại vật tư kỹ thuật khác do Bộ được phân công quản lý.
5. Cần bổ sung các chính sách đối với nông nghiệp.
Trong điều kiện chế độ sở hữu tập thể đã chiếm phần lớn trong nền sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc, còn ở miền Nam thì chúng ta chưa tổ chức được nhiều hợp tác xã, các chính sách về thu mua, giá cả có tác dụng quan trọng đối với việc bảo đảm sản xuất và lưu thông, phân phối.
Để phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và yêu cầu huy động nông sản của Nhà nước, những chính sách lớn sau đây cần được bổ sung:
- Chính sách sử dụng ruộng đất;
- Nghĩa vụ lao động;
- Chính sách thu mua lương thực;
- Chính sách thu mua cây công nghiệp và nông sản, lâm sản, hải sản xuất khẩu;
- Chính sách thu mua thịt lợn, cá biển;
- Chính sách giá cả nông sản, lâm sản, hải sản, đặc biệt là giá thu mua thóc, hoa màu và thịt lợn.
Các bộ có trách nhiệm quản lý việc thực hiện các chính sách nói trên cần nghiên cứu và có những đề nghị trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xem xét để kịp thời ban hanh vào cuối năm 1977 và đầu năm 1978.
Khi soát xét lại và nghiên cứu để bổ sung hoặc điều chỉnh các chính sách này, cần chú ý đến vài trò của cấp huyện, đến vị trí của cấp huyện là một đơn vị để tính toán cân đối về sản xuất và lưu thông phân phối, đồng thời phải chú trọng đầy đủ đến việc chống đầu cơ buôn lậu.
a) Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cùng Bộ Nông nghiệp, Bộ Đại học trung học chuyên nghiệp, Viện Khoa học Việt Nam lập kế hoạch nghiên cứu và ứng dụng khoa học và kỹ thuật nông nghiệp. Để thực hiện các kế hoạch này, phải có sự tập hợp cán bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ cho nông nghiệp. Trước mắt, cần chuẩn bị tốt để họp hội nghị khoa học phục vụ nông nghiệp và cuối năm nay. Phải tăng cường cán bộ và đầu tư thích đáng cho các chương trình nghiên cứu Nhà nước, phải tạo điều kiện cho các cơ sở nghiên cứu thí nghiệm và quản lý khoa học kỹ thuật phục vụ tốt nông nghiệp, lâm nghiệp. Đề án này phải trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ vào đầu năm 1978. Cần sớm tổ chức Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp và hệ thống các viện chuyên ngành, chuyên đề, các phân viện tổng hợp ở một số vùng và các trạm trại nghiên cứu ở các địa phương. Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước có kế hoạch cùng các Bộ làm tốt công tác quản lý kỹ thuật và nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, vào các ngành phục vụ nông nghiệp, như thủy lợi, chế tạo máy, sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc phòng và chữa bệnh cho cây trồng và chăn nuôi v.v… Bộ Nông nghiệp có đề án tăng cường hệ thống quản lý kỹ thuật toàn ngành từ trung ương đến các địa phương cho đến cơ sở để trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xem xét.
Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chủ trì bàn với Bộ Nông nghiệp, Ban tổ chức của Chính phủ và các ngành có liên quan về các vấn đề nói trên.
b) Các ngành điều tra cơ bản, như đo đạc - bản đồ, khí tượng - thủy văn, địa chất, thống kê phải có kế hoạch và biện pháp phục vụ tốt các khâu công tác: Phân vùng quy hoạch, khảo sát thiết kế cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi. Tổng cục Địa chất phải đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò các khoáng sản trực tiếp phục vụ nông nghiệp (chú ý vấn đề nước ngầm).
c) Bộ Tài chính cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Vật giá Nhà nước và các ngành có liên quan khác có kế hoạch giúp các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi trong công tác quản lý nhằm đạt các yêu cầu : vừa bảo đảm phát triển sản xuất, bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa ngăn ngừa lãng phí, tham ô.
d) Ngân hàng Nhà nước sớm cải tiến chế độ và các thủ tục cho vay nông nghiệp.
e) Bộ Ngoại thương có kế hoạch và biện pháp xuất khẩu nông sản, lâm sản, hải sản và nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
g) Bộ Công nghiệp nhẹ và liên hợp tác xã thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp có kế hoạch và biện pháp thu mua nguyên liệu nông sản, lâm sản và sản xuất những mặt hàng phục vụ cho nông thôn, đặc biệt chú ý các vùng kinh tế mới.
h) Bộ Nội thương có kế họach và biện pháp thu mua nông sản, lâm sản và cung ứng hàng tiêu dùng.
i) Bộ Lao động trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt chế độ tổ chức lao động và quản lý lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp, gắn liền với tổ chức lại sản xuất trong các ngành đó; chế độ bảo hộ lao động trong nông nghiệp.
k) Tổng cục Thống kê và Tổng cục Bưu điện có kế hoạch và biện pháp nâng cao công tác thông tin phục vụ chỉ đạo nông nghiệp trong cả nước.
l) Các cơ quan báo chí, thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban phát thanh và truyền hình có trách nhiệm góp phần vào việc tuyên truyền phục vụ nông nghiệp.
m) Các ngành khác : Bộ Nội vụ, Ủy ban pháp chế, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, Ủy ban Khoa học xã hội, Hội đồng trọng tài kinh tế, Bộ Thương binh và xã hội v.v… có kế hoạch nông nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của ngành mình.
a) Về văn hóa, thông tin truyền thanh
Sử dụng tốt các hình thức hoạt động văn hóa, thông tin và truyền thanh để tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách và những biện pháp cơ bản của Đảng và Nhà nước, và biểu dương những điển hình tiên tiến về sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, về tổ chức lại sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện : đẩy mạnh việc xây dựng tư tưởng làm chủ tập thể, cổ vũ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sản xuất và xây dựng; tăng cường việc phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật và quản lý trong nhân dân lao động.
Kết hợp chặt chẽ việc tăng cường công tác văn hóa và thông tin chuyên nghiệp với việc mở rộng công tác văn hóa và thông tin quần chúng để nâng cao dần đời sống văn hóa ở nông thôn, đồng thời có kế hoạch từng bước xây dựng mạng lưới hợp lý những công trình văn hóa và thông tin trên địa bàn huyện, nhằm phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới và con người mới.
Đẩy mạnh phong trào quần chúng xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa mới, trên cơ sở tổng kết và phổ biến kinh nghiệm của những điển hình tiên tiến ở nông thôn.
b)Về giáo dục.
Căn cứ phương hướng chung của cải cách giáo dục, cần cải tiến nội dung và phương pháp dạy và học những môn kỹ thuật và quản lý nông, lâm, ngư nghiệp ở các trường phổ thông và trường, lớp bổ túc văn hóa.
- Tổ chức tốt lực lượng giáo viên và học sinh (cấp II và những năm cuối của cấp II) tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, để vừa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, vừa góp phần phát triển sản xuất. Lao động sản xuất phải có kế hoạch cụ thể, có tính sư phạm vững chắc, và phải đạt hiệu quả thiết thực về giáo dục và kinh tế.
- Nghiên cứu và từng bước xây dựng mạng lưới trường học (mẫu giáo, phổ thông vừa học vừa làm, bổ túc văn hóa) hợp lý và hoàn chỉnh trên địa bàn huyện, phù hợp với yêu cầu xây dựng huyện nông – công nghiệp. Đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo các đơn vị tiên tiến về giáo dục.
c) Về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ
- Xây dựng và thực hiện một bước quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng độ ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ, đội ngũ công nhân kỹ thuật, công nhân nông, lâm ngư nghiệp và nhân viên nghiệp vụ.
- Tăng cường các trường đại học nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, hải sản hiện có; từng bước xây dựng và tăng cường mạng lưới các trường cao đẳng và trường trung học chuyên nghiệp về kỹ thuật và kinh tế nông, lâm nghiệp ở các tỉnh; từng bước xây dựng mạng lưới các trường, lớp nghiệp vụ và kỹ thuật ở các huyện. Cải tiến và mở rộng công tác đào tạo và bồi dưỡng tại chức. Đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo các đơn vị tiên tiến trong giáo dục đại học và chuyên nghiệp. Ban hành mới hoặc bổ sung các chính sách thích hợp để thu hút ngày càng nhiều xã viên trẻ, ưu tú và học sinh là con em nông dân tập thể vào các loại trường kỹ thuật và kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp.
- Tổ chức tốt lực lượng cán bộ và học sinh các trường đại học và chuyên nghiệp tham gia lao động sản xuất theo ngành nghề, thực nghiệm và nghiên cứu khoa học phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp.
d) Về y tế
- Đẩy mạnh phong trào vệ sinh thể dục yêu nước theo nội dung 3 sạch (ăn sạch, uống sạch, ở sạch), 3 diệt (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột) và 2 tốt (vệ sinh tốt, thể dục tốt), thực hiện dứt điểm xây dựng 3 công trình (hố xí, giếng nước nhà tắm), kết hợp với việc phòng, chống có hiệu quả các bệnh dịch và thanh toán dần các bệnh xã hội, trước hết là bệnh sốt rét phải được thanh toán về cơ bản trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai.
- Tăng cường công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch trong cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố miền Nam, phấn đấu đến năm 1980 hạ mức phát triển số dân bình quân xuống 2%.
- Phát triển nuôi, trồng và chế biến dược liệu từ nông, lâm nghiệp, nâng cao khả năng tự lực về thuốc men ở hai tuyến huyện và xã. Động viên các gia đình, trường học, trạm y tế và hợp tác xã trồng 25 cây thuốc chữa các bệnh thông thường, đi đôi với việc đẩy mạnh nuôi, trồng theo quy mô lớn 96 cây và 5 con dược liệu, bảo đảm nguyên liệu sản xuất thuốc cho trong nước và một phần cho xuất khẩu.
- Tập trung xây dựng mạng lưới y tế trên địa bàn huyện, làm cho hai tuyến xã và huyện từng bước bảo đảm yêu cầu cơ bản về y tế ở địa phương. Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo những đơn vị y tế tiên tiến.
đ) Về thể dục, thể thao
Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới nhà trẻ trên địa bàn huyện, cần phát triển mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các loại nhà trẻ ở nông thôn và ở các cơ sở nông, lâm, ngư nghiệp quốc doanh. Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo huyện Diễn Châu. Mở rộng công tác đào tạo và bồn dưỡng cô nuôi dạy trẻ cho nông thôn.
Mùa khô năm 1977-1978 có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Đây là thời gian thuận lợi nhất cho sản xuất và xây dựng, mở đầu cho việc thực hiện những nhiệm vụ của 3 năm còn lại trong kế hoạch 5 năm về nông nghiệp. Thực hiện tốt các kế hoạch mùa khô này, như sản xuất vụ đông, vụ xuân, chuẩn bị cho vụ hè thu và vụ mùa 1978, vận động và tổ chức phong trào khai hoang, phong trào làm thủy lợi, là tạo thêm điều kiện vật chất và kỹ thuật, tiếp thêm sức mạnh cho việc thực hiện các chỉ tiêu mà Đại hội lần thức IV của Đảng đã đề ra. Các ngành, các địa phương phải có kế hoạch cụ thể và phấn đấu với tinh thần rất tích cực và khẩn trương tạo những điều kiện tốt, hỗ trợ có hiệu quả cho phong trào quần chúng đang tiến quân mạnh mẽ trên mặt trận sản xuất và xây dựng.
Trước mắt, trong tháng 10, Bộ Nông nghiệp và Bộ Thủy lợi trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ kế hoạch sản xuất vụ đông 1977, vụ xuân, vụ hè thu 1978 và chuẩn bị vụ mùa 1978.
Hội đồng Chính phủ lưu ý các ngành, các cấp:
a) Ngô: Phải tranh thủ làm tốt cả vụ ngô đông và ngô xuân, chú ý các vùng chuyên canh tập trung trên các bãi thuộc hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình, các sông khu IV cũ.
Đối với các tỉnh miền Nam, phải tạo nên những vùng chuyên canh ngô rộng lớn hàng chục hécta, ở nơi chưa có thủy lợi thì làm theo mưa. Ngoài phần đất mà quy hoạch phân vùng đã dành cho ngô, cần trồng ngô cả trên phần đất dành cho các cây khác (như cao su, cà phê) mà trong một vài năm chưa có kế hoạch khai thác. Do việc cung cấp lương thực tại các vùng còn có khó khăn, Bộ Nông nghiệp phải có kế hoạch tích cực điều động lực lượng cơ giới đến khai thác. Phấn đấu đến năm 1980 sản lượng ngô đạt ít nhất 1,170 triệu tấn.
b) Sắn : Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực và thực phẩm, các Ủy ban nhân dân tỉnh phải nắm lại số sắn đã trồng trong năm nay và sẽ thu hoạch trong quý IV. Tổng cục Thống kê ước lượng gần 2,5 triệu tấn sắn tươi (khoảng hơn 60 vạn tấn lương thực quy thóc). Bộ Lương thực và thực phẩm cùng Bộ Nông nghiệp phải có kế hoạch thu hoạch, chế biến, thu mua tạo một nguồn bổ sung quan trọng vào lực lượng lương thực của Nhà nước. Phải dấy lên một phong trào tận dụng đất đai hoang hóa để trồng sắn; đến 1980 diện tích sắn phải đưa lên 65 vạn hécta trở lên. Phải tích cực thâm canh sắn ở những nơi có điều kiện và thực hiện các biện pháp chống xói mòn đất.
Tháng 11 năm 1977, Thường vụ Hội đồng Chính phủ sẽ bàn chuyên đề về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn.
c) Khoai tây : Năm nay, tại miền Bắc, nhiều tỉnh trong vụ đông này đã đưa diện tích trồng khoai tây lên gần gấp hai lần năm ngoái. Bộ Nông nghiệp và các ngành phải có kế hoạch thiết thực giúp đỡ ngay các địa phương giải quyết kịp thời những vấn đề cụ thể nhằm mở rộng hơn nữa diện tích khoai tây, đi đôi với thâm canh.
Bộ Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cùng Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch mở rộng cơ sở làm giống khoai tây ở Lâm Đồng để chuẩn bị nhiều giống cho phát triển khoai trong vụ đông 1978-1979. Phấn đấu đến năm 1980 sản lượng khoai tây phải vượt mức 2,4 triệu tấn trong cả nước.
d) Cao lương : Tích cực phát triển cao lương ngay trong vụ đông xuân này ở nhiều nơi để tạo thêm giống và kinh nghiệm gieo trồng chăm sóc nhằm mở rộng nhanh chóng diện tích gieo trồng trong hai mùa khô tới. Phấn đấu đến năm 1980 sản lượng cao lương đạt khoảng 30-40 vạn tấn.
e) Khoai lang, rau, đậu các loại : Phải làm mạnh trong nhân dân ở bất kỳ nơi nào có điều kiện để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người và thức ăn cho gia súc.
g) Giống rau : Ngay từ bây giờ, Bộ Nông nghiệp và các tỉnh phải có kế hoạch cụ thể sản xuất giống các loại rau, nhất là bắp cải, su hào, củ cải v.v… để từ năm 1978 ta tự túc giống rau.
Những chỉ tiêu về sản xuất lương thực nói trên đây là mức tối thiểu; Bộ Nông nghiệp cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải làm việc với các tỉnh, thành phố để có kế hoạch đạt mức cao nhất như đã phổ biến trong hội nghị nông nghiệp tháng 10 năm 1977; chú trọng đưa tỷ trọng hoa màu quy thóc vượt 30% tổng sản lượng lương thực.
- Phải mau chóng phục hồi đàn lợn và gia cầm, đưa số lợn có mặt ngày 1 tháng 4 năm 1977 là 10 triệu con lên trên 11,5 triệu con vào ngày 1 tháng 4 năm 1978; đưa đàn trâu lên 2,3 triệu con, tăng 9 vạn so với ngày 1 tháng 4 năm 1977, đưa đàn bò lên 1,65 triệu con, tăng 11 vạn con so với ngày 1 tháng 4 năm 1977. Phải đẩy mạnh phong trào chăn nuôi để tăng nhanh khối lượng phân hữu cơ, nhất là ở miền Nam. Phải rất coi trọng phát triển đàn bò và trâu sữa.
- Tháng 11 năm 1977 Bộ Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Ban Nông nghiệp trung ương, Bộ Lương thực và thực phẩm và các ngành có liên quan nghiên cứu và trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ đề án hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ hai và dành tỷ lệ 15% đất đai cho sản xuất thức ăn gia súc. Yêu cầu là phải vừa đảm bảo phát triển chăn nuôi, vừa bảo đảm tăng năng suất và sản lượng, tăng phần lương thực huy động cho Nhà nước.
6. Về khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới.
Chúng ta đang đi vào thời vụ hàng năm của công tác khai hoang, phải tập trung để hoàn thành kế hoạch khai hoang năm 1977 và chuẩn bị cho kế hoạch khai hoang năm 1978. Các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Quốc phòng cùng các ngành và các địa phương có liên quan phải xác định kế hoạch xây dựng và sản xuất trên từng địa bàn nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp bách về sản xuất lương thực, nông sản xuất khẩu và nông sản nguyên liệu cho công nghiệp; kế hoạch này phải phù hợp với điều kiện cụ thể về cung cấp lương thực, vật tư, thiết bị của ta hiện nay, phải rất coi trọng mau làm ra sản phẩm trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch kinh doanh lâu dài. Phải đặc biệt quan tâm tăng năng suất lao động và công suất máy móc, bố trí hợp lý, làm 3 ca, tăng cường sửa chữa, chống lãng phí lao động công suất thiết bị. Trong tháng 10 năm 1977, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Nông nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ cụ thể về giao đất, giao rừng cho hợp tác xã kinh doanh, ngăn ngừa nạn phá rừng, tự ý khai thác gỗ, củi trái với những quy định của Nhà nước và vì lợi ích riêng.
Cần mau chóng tăng cường bộ máy khai hoang ở các cấp : Bộ Nông nghiệp, Ban tổ chức của Chính phủ phối hợp với Ban tổ chức trung ương bổ sung cán bộ cho Tổng cục khai hoang và vùng kinh tế mới, tổ chức các bộ khung mạnh cho các nông trường, hợp tác xã sắp thành lập. Các tỉnh có công tác khai hoang phải chọn cán bộ tốt vào tổ chức quản lý khai hoang. Các Bộ quản lý tổng hợp như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng, Bộ Lao động Ủy ban Vật giá, v.v… phải giúp Tổng cục khai hoang và vùng kinh tế mới kinh nghiệm và cán bộ để ngay từ đầu quản lý chặt chẽ và có nề nếp mọi khâu kế hoạch, lao động, vật tư, thiết bị, tiền vốn v.v…
Hội đồng Chính phủ đòi hỏi các ngành, các cấp đề cao trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân, hết lòng chăm lo sức khỏe và đời sống của đồng bào đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Các Bộ Xây dựng, Lâm nghiệp, Vật tư v.v… phải giải quyết cho được vật liệu xây dựng nhà ở cho các vùng kinh tế mới, ngay từ đầu phải bảo đảm nước sinh hoạt. Các Bộ Lương thực và thực phẩm, Nội thương, Y tế, Văn hóa, Giáo dục v.v… phải cử cán bộ có thẩm quyền đi xuống tìm hiểu và giải quyết tại chỗ những yêu cầu tối thiểu của cơ sở. Bộ Giao thông vận tải, ngoài nhiệm vụ vận chuyển cho sản xuất và xây dựng, phải làm chu đáo trách nhiệm đưa đồng bào đến quê hương mới; các tỉnh và thành phố có đồng bào đi qua phải thiết thực giúp đỡ, ân cần săn sóc đồng bào.
7. Về thủy lợi : Bộ Thủy lợi cần có đề án trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ kế hoạch triển khai xây dựng thủy lợi trong mùa khô 1977-1978
IV. TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Phải tăng cường sự chỉ đạo, phải đổi mới cách làm việc của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, các ngành, các cấp.
1. Tăng cường sự chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng Chính phủ
a) Thường vụ Hội đồng Chính phủ, cần dành thời gian thích đáng để giải quyết các vấn đề về nông nghiệp và các vấn đề sản xuất công nghiệp, lưu thông phân phối… phục vụ nông nghiệp, thủy lợi.
b) Cải tiến sự phân công của các Phó thủ tướng theo hướng mỗi đồng chí Phó thủ tướng được phân công phụ trách một lĩnh vực công việc mà không phải chỉ là phân công phụ trách một khối Bộ. Phụ trách một lĩnh vực, Phó thủ tướng theo các chủ trương, kế hoạch đã có, đôn đốc các ngành có liên quan thực hiện. Đối với vấn đề quan trọng và có liên quan đến lĩnh vực khác, Phó thủ tướng phụ trách trao đổi thống nhất với các Phó thủ tướng khác hoặc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.
Kiện toàn tổ chức của Văn phòng Phủ thủ tướng, chú ý tăng cường bộ phận nông nghiệp của Văn phòng Phủ thủ tướng.
2. Tăng cường hệ thống bộ máy nông nghiệp từ trung ương đến địa phương: Tăng cường bộ máy (tổ chức và cán bộ) Bộ Nông nghiệp, tăng cường cơ quan nông nghiệp huyện, xác định nhiệm vụ của cấp tỉnh đối với nông nghiệp, và tăng cường Tổng cục khai hoang và vùng kinh tế mới.
Trong quý IV năm 1977, Bộ Nông nghiệp bàn với các ngành có liên quan và trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét Điều lệ tổ chức và hoạt động của bộ máy nông nghiệp từ trung ương đến địa phương; trong đề án này phải đề cập đến những vấn đề có tính chất thời sự hiện nay, như cách làm kế hoạch nông nghiệp, sự phân công giữa Ủy ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Nông nghiệp, việc tổ chức cung ứng vật tư cho các đơn vị cơ sở.
3. Tăng cường sự chỉ đạo của các Bộ có liên quan đến sản xuất nông nghiệp, như cơ khí, điện lực, giao thông, vận tải v.v… ở mỗi Bộ, Thủ trưởng đích thân chỉ đạo những công tác thuộc lĩnh vực phục vụ cho nông nghiệp.
Phải tăng cường các bộ máy phục vụ nông nghiệp ở các Bộ, Tổng cục, Các Bộ, Tổng cục cùng Ban tổ chức của Chính phủ thực hiện việc này trong quý IV năm 1977. Trong khi thực hiện phải theo nguyên tắc “Thiết thực, có việc mới đặt người, bộ máy gọn nhẹ”, không được để bộ máy tổ chức vừa phình ra, vừa ít hiệu lực.
4. Tăng cường cán bộ nông nghiệp cho các tỉnh miền Nam
Ban tổ chức của Chính phủ phối hợp với Ban tổ chức trung ương phải gấp rút tăng cường cán bộ nông nghiệp cho các tỉnh miền Nam bằng cách tích cực bồi dưỡng cán bộ địa phương và đưa thêm cán bộ kinh tế và kỹ thuật ở trung ương vào.
Ban tổ chức của Chính phủ phối hợp với Ban tổ chức trung ương và Ban nghiên cứu quản lý kinh tế trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ duyệt đề án “Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và cấp huyện ở miền Nam” trong tháng 11 năm 1977 và tổ chức các lớp này vào đầu năm 1978.
Hội đồng Chính phủ quyết định điều động từ 30% đến 50% cán bộ của các Ty thủy lợi, Ty nông nghiệp, Ty tài chính ở các tỉnh miền Bắc tăng cường cho các tỉnh miền Nam Cán bộ được điều đi phải là cán bộ tốt, có trình độ chuyên môn và kỹ thuật khá.
Hội đồng Chính phủ giao nhiệm vụ cho thủ trưởng các ngành kinh tế tài chính bàn với các Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh trung du và đồng bằng miền Bắc ở điều ở mỗi Ty ở tỉnh một Trưởng Ty hoặc Phó Ty có năng lực vào tăng cường cho các tỉnh miền Nam.
Ban tổ chức của Chính phủ cùng Bộ Lao động phối hợp với Ban tổ chức trung ương xây dựng ngay chính sách đối với những cán bộ được điều động vào tăng cường cho các tỉnh, các huyện, các nông trường, lâm trường và vùng kinh tế mới ở miền Nam và trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét trong quý IV năm 1977.
5. Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp như nghị quyết Đại hội IV của Đảng đã đề ra, phải có sự tập trung chỉ đạo, có cách tổ chức làm việc mới nhằm thực hiện cho được những công tác trọng tâm, xây dựng cho được các vùng sản xuất trọng điểm.
Đối với những công việc lớn tiến hành trong khu vực hợp tác xã và trong nhân dân, khi cần thiết Ủy ban nhân dân của tỉnh, các huyện cần mở những chiến dịch để động viên đông đảo quần chúng góp sức giải quyết dứt điểm những công trình quan trọng hoặc để bảo đảm thời vụ của mùa màng. Khi làm những đợt động viên như vậy cần chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch huy động hợp lý, không lãng phí sức dân, tiết kiệm lương thực, vật tư, tiền vốn.
6. Chế độ làm việc và kỷ luật làm việc có vai trò rất quan trọng để bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Cần phải qua việc thực hiện sự chỉ đạo tập trung, khẩn trương đối với nông nghiệp mà chấn chỉnh công việc của bộ máy quản lý Nhà nước. Hội đồng Chính phủ giao đồng chí Bộ trưởng Phủ thủ tướng chủ trì nghiên cứu việc chấn chỉnh chế độ và phương pháp làm việc của Hội đồng Chính phủ, cũng như các ngành và các cấp trên tinh thần soát lại để loại trừ những cái lỗi thời, củng cố lại chế độ làm việc và kỷ luật của bộ máy Nhà nước nhằm làm cho giữa các ngành ở trung ương và giữa các ngành với các cấp ở địa phương có sự phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo và phục vụ tốt các đơn vị cơ sở có hiệu quả hơn, và trình Hội đồng Chính phủ xét trong quý I năm 1978. Trước mắt, các thủ trưởng cơ quan phải khắc phục ngay những điều bất hợp lý, trì trệ ảnh hưởng đến thời vụ nông nghiệp.
7. Về những việc cần làm ngay và những vấn đề giải quyết sớm nói trong nghị quyết của Hội đồng Chính phủ kỳ này, Hội đồng Chính phủ giao cho Văn phòng Phủ thủ tướng sắp xếp vào chương trình nghị sự và chương trình chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, đồng thời đôn đốc các ngành, các cấp chuẩn bị cho việc xét giải quyết cũng như cho việc thực hiện.
Trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của nước, có những thuận lợi rất cơ bản nhưng cũng có nhiều khó khăn to lớn phải vượt qua bằng sức sáng tạo và lao động không mệt mỏi của toàn thể cán bộ của ngành, các cấp và của toàn dân ta, nhất là ra sức vượt các khó khăn trong những năm trước mắt này.
Phải phát động được phong trào toàn dân ra sức làm nông nghiệp và tích cực phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp, nuôi dưỡng cho được phong trào đó, tổ chức phong trào thi đua sâu rộng và sôi nổi trên cả nước. Quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, góp phần rất quan trọng vào phong trào lâm nông nghiệp của toàn dân.
Nông nghiệp là lĩnh vực rất rộng lớn, đòi hỏi thực hiện nhiều việc mới mẻ đối với quần chúng, nhất là làm ba cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Phải làm cho nông dân lao động thật sự làm chủ tập thể từ lao động sản xuất, đến phân phối tiêu dùng, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, xây dựng cuộc sống vật chất và văn hóa mới ở nông thôn. Vì vậy trong mỗi thời vụ trồng cấy, thậm chí trong mỗi việc đề ra dù lớn hay nhỏ cũng đều phải phát động phong trào quần chúng. Như vậy ở khắp mọi nơi đâu đâu cũng phải có phong trào quần chúng rộng rãi, liên tục, phong phú.
Phải động viên cả quần chúng phi nông nghiệp tiến quân vào nông nghiệp. Cả nước tiến lên xây dựng đất nước, thanh toán nghèo nàn lạc hậu bắt đầu từ lâm nông nghiệp. Tất cả mọi người dân, từ nông dân, công nhân, cán bộ cho đến quân đội, học sinh, nhân dân thành thị đều phải được thu hút vào mặt trận trung tâm này.
Phải tổ chức phong trào thi đua trong quần chúng, với những nội dung thiết thực và phong phú : Thi đua sản xuất lương thực, thi đua làm hoa màu, thi đua làm thủy lợi, thi đua làm nông sản xuất khẩu, thi đua thâm canh tăng vụ, đẩy mạnh chăn nuôn gia súc, cho đến trong thiếu niên cũng có thể tổ chức thi đua nuôi trâu béo, nuôi gà, lợn, làm phân xanh, làm kế hoạch nhỏ v.v…
Đi đôi với động viên, phải cải tiến nhiều mặt công tác của Nhà nước như đã nói trên và phải có sự phối hợp chặt chễ hoạt động giữa bộ máy chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Phải bằng các hành động cụ thể, thiết thực mà thể hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ tập thể, Nhà nước quản lý. Đó chínhh là động lực của mọi phong trào.
Chúng ta có đường lối đúng đắn của Đảng, nước ta có nguồn lao động dồi dào, có tài nguyên phong phú, nhất định nhân dân ta mau chóng khắc phục được các khó khăn hiện nay, thực hiện đạt và vượt mức các mục tiêu về nông nghiệp do Đại hội IV của Đảng đề ra. Công việc to lớn đó đòi hỏi phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức và quản lý của Hội đồng Chính phủ, của từng ngành, từng cấp. Mọi người trong bộ máy Nhà nước, trước hết là các thủ trưởng các ngành và các địa phương phải có những nổ lực vượt bật, phải cải tiến công việc của mình, bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng theo đường lối mà đại hội IV đã vạch ra.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
- 1 Quyết định 81/2001/QĐ-TTg triển khai Chỉ thị 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá giai đoạn 2001-2005 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2 Nghị Quyết số 61-CP Về cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp từ cơ sơ theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 3 Nghị định 24-CP năm 1976 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 4 Nghị định 172-CP năm 1973 về Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.
- 1 Nghị quyết số 37-CP về những chủ trương và biện pháp lớn nhằm tổ chức thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng và Nghị quyết tháng 1/1980 của Bộ chính trị Trung ương Đảng, bảo đảm hoàn thành thắng lợi kế hoạch và ngân sách Nhà nước năm 1980 do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 81/2001/QĐ-TTg triển khai Chỉ thị 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá giai đoạn 2001-2005 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành