HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/2006/NQ-HĐND7 | Biên Hòa, ngày 03 tháng 05 năm 2006 |
VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI; AN NINH QUỐC PHÒNG 5 NĂM 2006 - 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Khóa VII - Kỳ họp thứ 7 (chuyên đề)
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03/12/2004;
Xét tờ trình số 2759/TTr-UBND ngày 28/4/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai và báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và các ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại tổ và tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KTXH 5 NĂM 2001-2005
Điều 1. Nhất trí với báo cáo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 5 năm 2001-2005 và thống nhất khẳng định:
1.1 Thành tựu đạt được:
Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội:
- Kinh tế tăng trưởng bình quân 12,8%/năm; trong đó: công nghiệp xây dựng tăng 16%/năm; dịch vụ tăng 12,1%/năm; nông- lâm- thủy tăng 4,6%/năm.
- GDP bình quân đầu người đến năm 2005 đạt 785 USD, tăng 68,4% so năm 2000.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: năm 2005 tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 57%, dịch vụ 28%, nông, lâm, ngư nghiệp 15%.
- Thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài tăng mạnh, đến cuối năm 2005, có 4.050 doanh nghiệp dân doanh đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư là 9.400 tỷ đồng; 707 giấy phép đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 8,049 tỷ USD…
- Việc huy động các nguồn lực cho phát triển có nhiều tiến bộ. Trong 5 năm 2001-2005, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 46 ngàn tỷ đồng (tăng gấp 2,46 lần so thời kỳ 1996-2000); trong đó, vốn trong nước chiếm 47,6%. Cơ cấu đầu tư được thực hiện đúng định hướng, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ và hiệu quả.
- Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục- đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, quản lý tài nguyên, môi trường đạt nhiều thành tựu quan trọng, đạt và vượt hầu hết các mục tiêu Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
- An ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định và được giữ vững; triển khai có hiệu qủa các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc; khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố được củng cố vững chắc.
- Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn luôn được đổi mới, chất lượng được nâng cao; công tác dân vận của các cấp chính quyền được tăng cường, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, gắn với cuộc vận động dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
1.2 Một số mặt hạn chế như sau:
a. Lĩnh vực kinh tế: trình độ thiết bị công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn thấp; vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn nhỏ, hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh còn hạn chế.
Lĩnh vực dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá cả tiêu thụ nông sản không ổn định, chi phí sản xuất nông nghiệp còn cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập của nông dân.
Công tác qui hoạch, quản lý qui hoạch và quản lý đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng kỹ thuật một số đô thị còn hạn chế, chưa ngang tầm như thành phố Biên Hoà, Nhơn Trạch.
Vấn đề khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường chưa đảm bảo phát triển bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, các khu dân cư chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Huy động vốn đầu tư phát triển từ các nguồn xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao… còn hạn chế.
Công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh cá thể thực hiện chưa chặt chẽ.
b. Lĩnh vực xã hội: chưa có sự chuyển dịch rõ nét trong cơ cấu lao động giữa các ngành; khả năng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất kinh doanh; chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá chưa cao, công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá chưa phát triển mạnh. Đời sống của một bộ phận dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn. Chênh lệch đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân thành thị và nông thôn trong tỉnh vẫn còn khoảng cách đáng kể.
Tình trạng vi phạm luật giao thông, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.
MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KTXH 5 NĂM 2006-2010
Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội 5 năm qua của tỉnh và trước bối cảnh những thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen và hội nhập Quốc tế; đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp 5 năm 2006-2010 như sau:
2.1- Mục tiêu tổng quát: tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ hơn, phát huy cao độ mọi nguồn lực, tạo bước bứt phá về chất lượng và nhịp độ phát triển, xây dựng Đồng Nai thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
2.2- Các chỉ tiêu chủ yếu:
a. Về kinh tế:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 5 năm 2006-2010 tăng bình quân 14-14,5%/năm; trong đó: ngành công nghiệp và xây dựng tăng 16%-16,5%/năm, ngành dịch vụ tăng 15%-15,5%/năm, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4%-4,5%/năm.
GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt khoảng 1.400-1.450 USD (tăng gấp gần 2 lần so với năm 2005).
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đến năm 2010: tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 57%; ngành dịch vụ chiếm 34%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 9%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 20-22%/năm.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2006-2010 chiếm 42% GDP. Trong đó, huy động vốn đầu tư nước ngoài trên 50%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm chiếm 23-25% GDP.
b. Về văn hóa – xã hội:
Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2010 là 1,15%, quy mô dân số là 2,4 triệu người, trong đó dân thành thị chiếm trên 45% dân số.
Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 2,8%.
Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên phạm vi toàn tỉnh đến năm 2010 đạt 53%-55% (trong đó 40% được đào tạo nghề).
Trên 90% ấp, khu phố và hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa; 95% doanh nghiệp có đời sống văn hóa.
Hoàn thành phổ cập Trung học trên phạm vi toàn tỉnh.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4% (theo chuẩn mới).
Tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch trên 95%
c. Về bảo vệ môi trường:
Nâng độ che phủ cây xanh trên diện tích toàn tỉnh đến năm 2010 đạt 50%; trong đó, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 30%.
Thu gom và xử lý khoảng 70-80% các loại rác thải sinh hoạt khu đô thị, khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường.
Điều 3. Các giải pháp chủ yếu:
Tán thành các giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 tại tờ trình số 2759/TTr-UBND ngày 28/4/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai và chú trọng đến các giải pháp sau:
3.1. Công tác quy hoạch:
Tiến hành lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 gắn với quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quy hoạch Vùng miền Đông Nam bộ; rà soát điều chỉnh các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn phục vụ cho công tác quản lý.
3.2. Phát triển sản xuất kinh doanh:
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục cấp giấy phép đầu tư, đăng ký kinh doanh. Quan tâm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, để tham gia hội nhập kinh tế có hiệu quả.
- Tăng cường các biện pháp để thu hút các nhà đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở các huyện miền núi Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ.
- Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hợp lý, quản lý và bảo vệ rừng.
3.3. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh:
- Chú trọng và đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ như: dịch vụ đầu tư chứng khoán, dịch vụ tài chính, ngân hàng, kiểm toán, dịch vụ tư vấn, bưu chính viễn thông, khoa học và công nghệ, dịch vụ phục vụ ăn uống, dịch vụ nhà ở; dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát triển mạnh dịch vụ xã hội như dịch vụ y tế, giáo dục và dịch vụ văn hóa xã hội...
- Tổ chức khai thác có hiệu quả các tuyến, điểm du lịch theo quy hoạch.
3.4. Huy động vốn đầu tư phát triển:
- Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt thấp nhất 106 ngàn tỷ đồng cho cả thời kỳ 2006-2010. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm trên 47,6% tổng vốn.
- Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước: thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, tiếp tục cải cách thủ tục, phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng, lành mạnh hóa thị trường xây dựng, tích cực thu hút vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn khác nhau. Tăng cường công tác chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư và xây dựng. Tăng cường công tác giám sát đầu tư cộng đồng.
3.5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
- Thực hiện giai đoạn 2, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Phối hợp với các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam để có định hướng các cơ sở giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương phù hợp với định hướng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
3.6. Chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội:
- Tập trung đầu tư xây dựng các khu tái định cư thực hiện di dời giải phóng mặt bằng.
- Tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định về trình tự thủ tục hành chính; đồng thời thực hiện tin học hóa trong quản lý hành chính Nhà nước.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức; ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí, kết hợp với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường hoạt động kiểm tra công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
- Nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo kể cả đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tư pháp. Tích cực giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng. Tổ chức thi hành dứt điểm các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
- Tăng cường các biện pháp đấu tranh và phòng ngừa trong công tác phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các loại tội phạm: băng nhóm tội phạm hình sự, ma túy, mại dâm, tham nhũng, các tội phạm về kinh tế; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm pháp luật lao động, vi phạm các quy định của Nhà nước về đất đai; tổ chức thi hành tốt các bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án về thi hành án hình sự và dân sự.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa thực hiện các mục tiêu xã hội, phát triển các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học công nghệ; phát triển các vùng nghèo khó khăn, chính sách cho người nghèo, vùng đồng bào dân tộc.
- Tập trung thực hiện có hiệu qủa các vấn đề xã hội bức xúc như giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt quan tâm đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Giảm mạnh và hạn chế tối đa tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn.
3.7. Quản lý và bảo vệ môi trường:
- Mở rộng mạng lưới quan trắc và phân tích môi trường nhất là môi trường không khí, môi trường nước trong các sông Đồng Nai, La Ngà, Thị Vải, Lòng Tàu, Đồng Tranh…và các dòng chảy thoát nước thải của các khu công nghiệp và đô thị đồng thời mở rộng mạng lưới phân tích môi trường ra khu vực nông thôn. Phát hiện và cảnh báo kịp thời các trường hợp ô nhiễm môi trường.
- Xây dựng hệ thống xử lý chất thải trong toàn tỉnh, đến năm 2010 mỗi đô thị có từ 1-2 bãi đổ và xử lý rác thải; việc xử lý rác đối với các khu, cụm công nghiệp thực hiện theo quy hoạch vị trí xử lý rác thải và đảm bảo yêu cầu về môi trường.
- Đối với nước thải: các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đầu tư khu xử lý nước thải, đối với nhà máy, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp có chất thải lỏng độc hại phải xây dựng hệ thống xử lý cục bộ. Trường hợp nhà máy nằm riêng lẻ, phải đầu tư khu xử lý nước thải đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi đổ ra nguồn tiếp nhận.
- Xây dựng hệ thống thoát nước kiên cố ở các điểm tập trung dân cư và các điểm dịch vụ, du lịch. Đối với các đô thị: nâng cấp, cải tạo lại hệ thống thoát nước bẩn, phải xây tách riêng biệt hệ thống thoát nước thải và hệ thống thoát nước mưa.
3.8. Tăng cường mối liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế:
- Tăng cường hợp tác phát triển có hiệu quả với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Mở rộng và đẩy mạnh thực hiện giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng, lãnh thổ nước ngoài.
- Thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO.
3.9. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội:
Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch các ngành kinh tế xã hội và quy hoạch các huyện, thị xã, thành phố Biên Hòa phải gắn với chiến lược phát triển an ninh, quốc phòng. Các dự án phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, các cụm công nghiệpTTCN trên địa bàn phải có ý kiến của cơ quan quân sự.
3.10. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân:
Thực hiện đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo quyền bình đẳng và phát huy mọi nguồn lực của nhân dân; chú trọng phát huy vai trò của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, các doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, các dân tộc tôn giáo, đồng bào định cư ở nước ngoài; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, động viên sức mạnh toàn dân cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.
4.1- Giao Uỷ ban Nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được HĐND tỉnh thông qua, trong quá trình điều hành, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát và xây dựng nội dung các chương trình, giải pháp thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, các ngành, đặc biệt là đối với những lĩnh vực những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh như giải pháp về phát triển rừng, giải pháp về đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, giải pháp về thu hút đầu tư nước ngòai và lĩnh vực dịch vụ. Được cụ thể hoá bằng các kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm và báo cáo tại các kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh. Trước mắt trong quý II/2006, UBND tỉnh xây dựng đề án chuyên đề về công tác bồi thường, tái định cư, di dời theo Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 13/01/2006 về mục tiêu nhiệm vụ năm 2006 để sớm trình HĐND tỉnh xem xét quyết định vào kỳ họp gần nhất.
4.2- Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ động phối hợp với các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ nghiên cứu và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ mở rộng thị trường, chủ động hội nhập Quốc tế, bảo vệ an ninh quốc phòng…sử dụng có hiệu qủa các nguồn vốn thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.
4.3- Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND thực hiện chức năng đôn đốc, kiểm tra, giám sát theo luật định.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh 5 năm 2006-2010 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII với những yêu cầu tích cực, khẩn trương và nâng cao nhịp độ phát triển kinh tế xã hội, chất lượng cuộc sống, Hội đồng Nhân dân tỉnh kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường đoàn kết, mỗi người vì lợi ích của mình và của đất nước ra sức thi đua, đem hết khả năng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội - an ninh quốc phòng 5 năm 2006-2010.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa VII, kỳ họp thứ 7 (chuyên đề) thông qua ngày 03/5/2006.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 3568/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ hệ thống hóa đến ngày 31/12/2013 theo Nghị định 16/2013/NĐ-CP do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 2 Quyết định 3568/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ hệ thống hóa đến ngày 31/12/2013 theo Nghị định 16/2013/NĐ-CP do tỉnh Đồng Nai ban hành
- 1 Nghị quyết 14/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 2 Nghị quyết 188/2010/NQ-HĐND về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 05 năm 2011 - 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII, kỳ họp thứ 21 ban hành
- 3 Nghị quyết số 23/2007/NQ-HĐND về việc phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 do Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Báo cáo số 125/BC-UBND về việc tóm tắt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; an ninh quốc phòng 5 năm 2006-2010 tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 5 Tờ trình số 2759/TTr-UBND về việc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng 5 năm 2006-2010 tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 7 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 14/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 2 Nghị quyết 188/2010/NQ-HĐND về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 05 năm 2011 - 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII, kỳ họp thứ 21 ban hành
- 3 Nghị quyết số 23/2007/NQ-HĐND về việc phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 do Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Báo cáo số 125/BC-UBND về việc tóm tắt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; an ninh quốc phòng 5 năm 2006-2010 tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 5 Tờ trình số 2759/TTr-UBND về việc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng 5 năm 2006-2010 tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành