BỘ QUỐC HỘI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 873-NQ/TVQH | Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 1970 |
PHÊ CHUẨN ĐIỀU LỆ QUY ĐỊNH VIỆC THI HÀNH LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG KHU TỰ TRỊ TÂY-BẮC
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Căn cứ vào điều 95 của Hiến pháp nước Việt nam dân chủ cộng hòa,
Căn cứ vào điều 35 của luật hôn nhân và gia đình ngày 29 tháng 12 năm 1959,
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ,
Sau khi nghe Ủy ban dự án pháp luật, Ủy ban dân tộc và Ủy ban văn hóa và xã hội của Quốc hội báo cáo,
QUYẾT NGHỊ:
Phê chuẩn điều lệ quy định việc thi hành luật hôn nhân và gia đình trong khu tự trị Tây-bắc do Hội đồng nhân dân khu thông qua ngày 29 tháng 10 năm 1969.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
QUY ĐỊNH VIỆC THI HÀNH LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG KHU TỰ TRỊ TÂY BẮC
Căn cứ vào Điều 95 của Hiến pháp nước Việt nam dân chủ cộng hòa và điều 35 của luật hôn nhân và gia đình ngày 29 tháng 12 năm 1959,
Hội đồng nhân dân khu tự trị Tây bắc xác định:
Luật hôn nhân và gia đình của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa nhằm xây dựng những gia đình xã hội chủ nghĩa, hạnh phúc, dân chủ và hòa thuận là hoàn toàn phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của các dân tộc trong khu tự trị Tây bắc.
Những nguyên tắc cơ bản đã được nêu lên trong luật đó: hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, là những nguyên tắc rất cách mạng. Thi hành nghiêm chỉnh và triệt để những nguyên tắc đó, các dân tộc trong khu tự trị Tây bắc chẳng những xóa bỏ được những tàn tích của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến, một trong những nguyên nhân đã kìm hãm sự phát triển của các dân tộc miền núi nước ta từ bao đời nay, mà còn thực hiện chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, tạo thêm điều kiện cho mình tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước.
Để cho việc thi hành luật hôn nhân và gia đình sát với tình hình cụ thể của địa phương và đạt kết quả tốt, Hội đồng nhân dân khu tự trị Tây bắc quy định một số điểm cụ thể như sau:
Cha mẹ cần quan tâm giúp đỡ con cái trong việc xây dựng gia đình, nhưng không được ép buộc hoặc cản trở việc lấy vợ, lấy chồng của con cái.
Nay cấm việc “bắt cóc” phụ nữ để làm vợ bất cứ dưới hình thức nào.
Nay xóa bỏ tục ở rể.
Sau khi kết hôn, vợ chồng có quyền tự do lựa chọn chổ ở của mình; vợ chồng có thể ở riêng hoặc thỏa thuận với nhau về ở với gia đình bên chồng hay là gia đình bên vợ.
Nay cấm việc thách cưới như: đòi tiền công nuôi dưỡng, đòi thịt, rượu nhẫn cưới, bạc trắng, tiền mặt v.v…
Lễ cưới hỏi, việc tổ chức liên hoan nhân ngày cưới, việc mua sắm những vật kỷ niệm và đồ dùng để làm lễ cưới đều phải giản dị và tiết kiệm.
Nay cấm việc bắt buộc người đàn bà góa khi đi lấy chồng phải trả tiền cưới cho nhà chồng cũ; cấm việc bắt buộc người đàn bà góa phải lấy em chồng hoặc một người khác trong nhà chồng cũ.
Nay cấm lấy vợ lẽ.
Nhân dân các dân tộc trong khu cần thấm nhuần tính chất cách mạng sâu sắc của điều quy định đó mà ra sức phấn đấu thực hiện nghiêm chỉnh và triệt để.
Vợ chồng có nghĩa vụ quý trọng, săn sóc và giúp đỡ nhau tiến bộ, nuôi dạy con cái, lao động sản xuất, xây dựng gia đình hòa thuận và hạnh phúc.
Cha mẹ không được hành hạ con cái, bất cứ là con đẻ, con dâu, con nuôi hay là con riêng.
Con nuôi có quyền và nghĩa vụ như con đẻ.
Khi ly hôn cấm đòi trả của.
Ủy ban hành chính khu tự trị Tây-bắc hướng dẫn cụ thể để đảm bảo thi hành đúng điều lệ này.
Khu tự trị Tây-bắc, ngày 29 tháng 10 năm 1969
Điều lệ này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Hà nội, ngày 18 tháng 02 năm 1970.