Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: Không số

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1992

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NĂM 1993

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội Việt Nam, Điều 62 và Điều 63 của Luật tổ chức Quốc hội;
Sau khi nghe tờ trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng pháp luật năm 1993; xem xét đề nghị của các tổ chức và cá nhân có quyền trình Dự án và kiến nghị về Luật;

QUYẾT NGHỊ

1. Quốc hội tán thành đánh giá của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 1992 và nhận thấy rằng: năm 1992, công tác xây dựng pháp luật đã hướng trọng tâm vào việc thông qua Hiến pháp và các Luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Kết quả này đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc đổi mới hệ thống chính trị nước nhà, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 1992, Quốc hội ghi nhận cố gắng lớn của tất cả các cấp, các ngành, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam , các đoàn thể và nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt trong dịp toàn dân tham gia thảo luận, xây dựng Dự thảo Hiến pháp năm 1992.

Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng pháp luật chưa hoàn thành do chương trình đặt ra vượt quá khả năng thực hiện. chất lượng văn bản dự thảo của nhiều dự án còn thấp; việc chỉ đạo tổ chức thực hiện trong nhiều việc thiếu kiên quyết. Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật chưa kịp thời . Công tác giám sát, kiểm tra thi hành pháp luật làm chưa tốt. Pháp luật chậm đi vào cuộc sống nên chưa phát huy tốt hiệu quả điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội.

2. Nhiệm vụ công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá IX là tiếp tục thể chế hoá Cương lĩnh và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, định kế hoạch xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản đã ban hành, làm cho hệ thống pháp luật phù hợp với Hiến pháp mới; đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Trước mắt, căn cứ Nghị quyết về nhiệm vụ năm 1993, Quốc hội xác định trọng tâm công tác xây dựng pháp luật năm 1993 là tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật phục vụ cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, mở rông quan hệ kinh tế đối ngoại; củng cố quốc phòng - an ninh; cải cách bộ máy Nhà nước theo tinh thần đổi mới của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân và thông qua chương trình xây dựng pháp luật năm 1993 gồm 14 luật, 4 văn bản khác của Quốc hội và 16 pháp lệnh (có danh mục kèm theo).

3. Để đảm bảo thực hiện chương trình xây dựng pháp luật đã đề ra trong năm 1993, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ phải dành nhiều thời gian, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể và coi công tác xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình. Trước mắt, triển khai những biện pháp đảm bảo chính sau đây:

- Tổ chức kỳ họp Quốc hội chuyên đề về xây dựng pháp luật vào tháng 6/1993; thời gian các kỳ họp trong năm dài hơn để có thể xem xét thông qua các dự án luật trong chương trình; Uỷ ban thường vụ Quốc hội cần dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội và thông qua được nhiều pháp lệnh.

- Giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội, trong tháng 1/1993 lập kế hoạch phân công soạn thảo và thẩm tra; tiến độ chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh; giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình theo đúng tiến độ đã đề ra. Định kỳ 6 tháng 1 lần, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông báo đến đại biểu Quốc hội tình hình thực hiện chương trình xây dựng pháp luật và trình Quốc hội phương án điều chỉnh, bổ sung.

Quốc hội giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân đối với một số dự án Luật xét thấy cần thiết.

- Giao cho Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh ghi trong chương trình, đảm bảo để các dự án được trình đúng tiến độ và có chất lượng. Trong tháng 1/1993, Chính phủ quyết định một khoản ngân sách thích đáng và phân bổ để tài trợ kịp thời cho các dự án.

- Giao cho Uỷ ban pháp luật, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính theo chức năng của mình có kế hoạch phối hợp, theo dõi, giúp đỡ và thúc đẩy tiến trình chuẩn bị các dự án. Cần có kế hoạch đào tạo, tuyển chọn cán bộ pháp lý có năng lực và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để tăng cường cho các cơ quan làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật, trước hết là các cơ quan giúp việc cho Quốc hội.

- Các cơ quan chủ trì dự thảo các dự án được sử dụng cán bộ pháp lý và cán bộ các ngành khoa học, thu hút đội ngũ chuyên gia, kể cả chuyên gia nước ngoài vào quá trình xây dựng các dự án. Các dự án ghi trong chương trình phải được trình đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Các dự án luật trình Quốc hội phải kèm theo văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đổi mới một bước quy trình làm luật, đảm bảo việc soạn thảo, thẩm tra, cho ý kiến, thông qua các dự án theo một trình tự chặt chẽ, hợp lý và đúng pháp luật.

4. Quốc hội giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khoa IX trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (6/1993). Trước mắt, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định danh mục một số dự án luật, pháp lệnh cần nghiên cứu soạn thảo trong năm 1993.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 22 tháng 12 năm 1992

CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NĂM 1993 CỦA QUỐC HỘI

A. CÁC DỰ ÁN LUẬT VÀ CÁC VĂN BẢN KHÁC CỦA QUỐC HỘI

a. Các dự án luật:

Thông qua tại kỳ họp thứ 3 (6/1993):

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai

2. Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp

3. Các luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế (doanh thu, tiêu thụ đặc biệt, xuất khẩu, nhập khẩu và lợi tức).

4. Luật xuất bản

5. Luật dầu khí

6. Luật doanh nghiệp Nhà nước

7. Luật phá sản doanh nghiệp

8. Luật về thẩm quyền và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thông qua tại kỳ họp thứ 4 (12/1993):

9. Bộ luật dân sự

10. Bộ luật lao động

11. Luật ngân sách Nhà nước

12. Luật bảo vệ môi trường

13. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi)

14. Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi)

b. Các văn bản khác của Quốc hội (thông qua tại kỳ họp thứ 3):

15. Quy chế đại biểu Quốc hội

16. Quy chế Đoàn đại biểu Quốc hội

17. Quy chế làm việc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

18. Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

B. QUỐC HỘI GIAO CHO UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI BAN HÀNH CÁC PHÁP LỆNH:

1. Pháp lệnh về quy chế thẩm phán và hội thẩm nhân dân

2. Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự (sửa đổi)

3. Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự (sửa đổi)

4. Pháp lệnh về quy chế kiểm sát viên

5. Pháp lệnh thi hành án dân sự (sửa đổi)

6. Pháp lệnh về quy chế công chức

7. Pháp lệnh thi hành án phạt tù

8. Pháp lệnh về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án quyết định của Toà án nước ngoài

9. Pháp lệnh về thủ tục công nhận và thi hành tại Việt Nam các quyết định của Trọng tài nước ngoài

10. Pháp lệnh hành nghề y dược

11. Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam với người nước ngoài.

12. Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật

13. Pháp lệnh thú y

14. Pháp lệnh phòng chống lụt bão

15. Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ đối với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam

16. Pháp lệnh về quy chế hoạt động của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)