Hệ thống pháp luật

Nghĩa vụ chung khi ly hôn

Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL35603

Câu hỏi:

Chào Luật Sư! Xin Luật sư  tư vấn giúp tôi vấn đề sau: Chị tôi kết hôn từ năm 2003, sống cùng ba mẹ chồng và đến nay đã có 2 cháu, cháu lớn 12 tuổi và cháu nhỏ 9 tuổi. Trong 12 năm chung sống, vợ chồng anh chị tôi có mượn 3 sổ đất bên nhà tôi vay ngân hàng khoảng 2 tỉ đồng, ngoài ra còn khoản nợ tiền mặt và vàng khoảng 1 tỉ đồng để làm ăn. Cũng trong khoảng thời gian này, ba mẹ tôi có cho chị tôi 1 mảnh đất gần 2ha nhưng 2 người đã bán mảnh đất này và mua 1 mảnh đất khác có giá trị lớn hơn. Trong khoảng thời gian này thì tất cả các khoản tiền 2 vợ chồng đều biết. Từ ngày 20/6/2015 đến nay anh rể tôi đã mượn nợ khoảng 1,3 tỉ để buôn bán cám gia súc nhưng không cho chị tôi biết những khoản nợ này. Hiện tại tài sản trên giấy tờ của chị tôi khoảng 4 tỉ đồng (có 1 mảnh đất rộng khoảng 300m2 chưa làm được sổ) gồm có 1 mảnh đất 8ha do anh rể tôi đứng tên và 1 mảnh đất có 30m2 mặt tiền nhưng hùn 50% vốn làm ăn với người khác, còn 3 mảnh đất khác khoảng 1ha, 3 trại heo được xây dựng khoảng 1 tỉ đồng, khoảng 100 heo lớn nhỏ, 1 nhà kho chứa cám được xây dựng năm 2014 khoảng 70 triệu đồng và 2 xe máy cày có đầy đủ phụ kiện. Thưa Luật sư! Như sự việc tôi đã nêu ở trên thì bây giờ anh chị tôi li hôn thì các khoản nợ của anh chị tôi thiếu sẽ được chia như thế nào và các khoản nợ chị tôi không biết đến thì chị tôi có phải chi trả không? Và trong trường hợp hiện tại anh rể tôi không có đủ khả năng chi trả cho ngân hàng để lấy sổ đất trả lại cho gia đình tôi thì bên tôi có quyền yêu cầu anh rể tôi đảm bảo nợ bằng các tài sản anh rể tôi được chia sau khi li hôn với chị tôi không? Tôi xin chân thành cám ơn Luật sư đã xem qua, mong Luật sư sẽ cho tôi câu trả lời sớm nhất!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo như bạn trình bày, đến thời điểm hiện tại nếu anh chị bạn li hôn thì các khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân của anh chị bạn gồm:

a) Cả 2 vợ chồng cùng vay là 3 tỷ, trong đó có 2 tỷ vay ngân hàng. Theo khoản 1 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: 1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm. Khoản nợ 3 tỷ này (2 tỷ vay ngân hàng và 1 tỷ vay khác) do anh chị bạn cùng thỏa thuận vay để làm ăn nên là khoản nợ chung của hai vợ chồng.

b) Anh rể vay riêng 1,3 tỷ để buôn bán cám gia súc (chị bạn hoàn toàn không biết khoản vay này). Để xác định đây là nghĩa vụ chung hay riêng của vợ chồng cần xem việc vay tiền này của anh rể có nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình không (nhu cầu tối thiểu về ăn uống, sinh hoạt, học tập…). Nếu nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì theo Khoản 3 Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình 2014 khoản nợ 1,3 tỷ này là nghĩa vụ chung, nếu không vì nhu cầu thiết yếu thì theo Khoản 2 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014 khoản nợ 1,3 tỷ là nghĩa vụ riêng của anh rể.

1. Các khoản nợ của anh chị tôi thiếu sẽ được chia như thế nào và các khoản nợ chị tôi không biết đến thì chị tôi có phải chi trả không?

Về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, khoản 1 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Như vậy, trước hết các khoản nợ này sẽ do anh chị bạn thỏa thuận với nhau ai là người trả. Nếu không thỏa thuận được thì khoản nợ 3 tỷ là khoản vay chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, mỗi người chịu một nửa. Còn khoản nợ 1,3 tỷ do anh rể bạn tự vay, chị bạn không hay biết, nếu là nghĩa vụ chung (anh bạn vay vì nhu cầu thiết yếu của gia đình) thì được chia đôi, nếu không phải nghĩa vụ chung thì đây là khoản nợ riêng của anh rể.

Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định, vợ chồng có trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung, nghĩa là nghĩa vụ do anh chị bạn cùng thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu anh hoặc chị phải thực hiện. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu người kia thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

2. Anh rể tôi không có đủ khả năng chi trả cho ngân hàng để lấy sổ đất trả lại cho gia đình tôi thì bên tôi có quyền yêu cầu anh rể tôi đảm bảo nợ bằng các tài sản anh rể tôi được chia sau khi li hôn với chị tôi không?

Vì gia đình bạn đã đồng ý cho anh chị bạn thế chấp 3 sổ đỏ để vay ngân hàng nên khi đến hạn mà anh chị bạn chưa trả hết nợ, ngân hàng có quyền phát mãi tài ssanr để thu hồi nợ.

Trong trường hợp này gia đình bạn có thể thỏa thuận với anh rể về việc thay đổi tài sản thế chấp (thay 3 sổ đỏ của gia đình bạn bằng tài sản anh bạn được chia sau khi ly hôn) và thông báo với ngân hàng để làm thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp.

Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 024.6294.9155  để được giải đáp.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn