Hệ thống pháp luật

Người sử dụng lao động giữ bản gốc văn bằng, chứng chỉ của người lao động là đúng hay sai?

Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL36974

Câu hỏi:

Em có vấn đề thắc mắc cần tư vấn như sau: Theo quy định của công ty em đang làm thì nhân viên trong công ty phải nộp bằng tốt nghiệp gốc (đại học, cao đẳng,…) cho công ty giữ trong thời gian làm việc tại công ty. Lúc bàn giao bằng tốt nghiệp sẽ có giám đốc công ty kí nhận và có biên bản bàn giao giữa hai bên. Trong Biên bản giao nhận Bằng có một điều với nội dung như sau: “Công ty phải có trách nhiệm cất giữ bằng một cách cẩn thận, và không sử dụng bằng vào mục đích vi phạm, như cho mượn hoặc cầm cố. Trong trường hợp bị thất lạc bất khả kháng (ví dụ : hỏa hoạn, thiên tai,..) công ty phải chịu mọi phí tổn liên quan tới  việc xin chứng nhận và cấp lại bằng.” Em được biết trường đại học chỉ cấp bằng tốt nghiệp gốc một lần, nếu bị mất không thể cấp lại bằng gốc. Vậy trường hợp doanh nghiệp làm mất bằng thì họ phải chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động năm 2012 thì khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không được “Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động”.
Khoản 2 Điều 5
Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;”

Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng lao động còn bị buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động (Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013NĐ-CP).

Để lấy lại hồ sơ gốc, bạn hãy đến trực tiếp yêu cầu công ty trả lại hồ sơ gốc cho mình. Nếu công ty không trả thì bạn hãy nhờ đến sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính công ty theo quy định trên và cơ quan có thẩm quyền sẽ buộc công ty đó trả lại hồ sơ gốc cho bạn. Cụ thể là bạn có thể làm đơn gửi đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở làm việc của công ty để xử phạt hành vi vi phạm hành chính của công ty.

Theo quy định của BLLĐ, trường hợp hợp đồng lao động, nội quy lao động, quy định của công ty có điều khoản trái với quy định của pháp luật thì điều khoản đó bị vô hiệu, các bên có nghĩa vụ phải sửa đổi quy định đó. Trong trường hợp bạn không làm Đơn gửi cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm, trong quá trình giữ Bằng của bạn, doanh nghiệp làm mất bằng thì pháp luật lao động không thể bảo vệ được bạn. Nếu trường hợp doanh nghiệp đồng ý bồi thường thì chỉ có thể bồi thường chi phí xin cấp lại bản sao Bằng của bạn, ngoài ra có thể tính đến những thiệt hại phát sinh do bạn không có Bằng gốc, hoặc bị chậm Bằng (bản sao), đương nhiên những khoản bồi thường này là do thỏa thuận, bởi pháp luật không có quy định về trách nhiệm bồi thường khi điều khoản này bị vô hiệu.

Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 024.6294.9155  để được giải đáp.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn