Hệ thống pháp luật

Người thực hiện trợ giúp pháp lý không khách quan khi làm nhiệm vụ

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL30390

Câu hỏi:

Chào Luật sư! Trường hợp nào người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý và bị từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý. Cảm ơn Luật sư! 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật trợ giúp pháp lý

2. Nội dung tư vấn

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Người thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật trợ giúp pháp lý bao gồm trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý, có thể là cộng tác viên; luật sư; tư vấn viên pháp luật làm việc trong các tổ chức tư vấn pháp luật. Những người này có trách nhiệm thực hiện việc trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho người được trợ giúp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rang những người này có thể không khách quan trong quá trình thực hiện.

Thứ nhất, đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là một bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp hòa giải, giải đáp pháp luật. Việc người trợ giúp pháp lý cùng tham gia trợ giúp cho hai bên có quyền và nghĩa vụ khác nhau trong cùng một vụ việc sẽ gây ảnh hưởng đến tính khách quan cho một trong hai bên; người trợ giúp pháp lý không thể bảo đảm được tính công bằng, từ đó, trợ giúp ở mức tối đa cho các bên, đặc biệt là trong hoạt động tư vấn hoặc tố tụng

Thứ hai: Có quyền, lợi ích hợp pháp hoặc có người thân thích liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;

Mối quan hệ thân thích trong trường hợp này có thể là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh/chị/em ruột, nuôi, vợ, chồng,… những người này có quan hệ tình cảm nhất định thông qua mối quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, hôn nhân,… với người trợ giúp pháp lý, điều này vô hình chung tạo ra sự thiếu công bằng trong việc giải quyết, trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Hoặc bản thân người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ liên quan trong chính vụ việc trợ giúp đó, thì điều này sẽ tự nhiên tạo ra xu hướng nghiêng quyền lợi về phía bên của mình hơn.

Thứ ba: Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã từng là người giải quyết vụ việc đó; Đây là những người đã tham gia vào việc giải quyết vụ việc được trợ giúp pháp lý thông qua các hoạt động khác nhau, nên bản thân người trợ giúp đã có những ý kiến, nhận định riêng về vụ việc đó, điều này sẽ dẫn đến việc đưa ra sự trợ gíup khách quan khi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Thứ tư: Có căn cứ khác cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý. Căn cứ này được thể hiện thông qua nhiều các khác nhau, ví dụ như thông qua mối quan hệ kinh tế, thân thích, công việc,…sẽ dẫn đến việc người thực hiện trợ giúp pháp lý không thể khách quan trong việc thực hiện trợ giúp, nếu thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp không được bảo đảm tốt nhất.

Trường hợp từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn