Hệ thống pháp luật

Nhân viên kinh doanh bị ép trả thay công nợ của khách hàng

Ngày gửi: 12/08/2018 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38181

Câu hỏi:

Thưa luật sư, xin luật sư tư vấn giúp em vấn đề này Chồng em là nhân viên thị trường cho công ty phân bón A, chịu trách nhiệm giáo hàng và kí hợp đồng với các đại lí, làm được một thơì gian thì một số đại lí không trả tiền nên không thu được công nợ. Công ty ép chồng em kí số công nợ 190 triệu cho mình. Và công ty có kiện ra toà bắt chồng em trả, chồng em không chịu thì trong khi hoà giải chồng em bị lừa đã nhận số nợ đó. Khi toà xử thì bắt chồng em phải trả số tiền đó và yêu cầu trả trong vòng 3 tháng cho tới nay chồng em không trả toà đã chuyển qua thì hành án vậy luật sư cho em hỏi là bên thì hành án sẽ xử lí như thế nào? Trong khi 2 vợ chồng em không có bất kì tài sản nào để bên thì hành án cưỡng chế, trường hợp của chồng em có bị toà chuyển qua án hình sự và bị đi tù hay không? Chồng em có đứng giùm giấy phép kinh doanh cho em trai của chồng kinh doanh phân bón vậy thì vụ án của chồng em có bị ảnh hưởng gì tới của hàng đó không họ có tước giấy phép đó không? Mong luật sư sớm tư vấn cho em.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự năm 2015.

Luật thi hành án dân sự năm 2008

Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014

Nghị định 62/2015/NĐ-CP 

Bộ luật hình sự năm 2015

2. Nội dung tư vấn

Dựa theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay chồng bạn là nhân viên thị trường của một công ty, chịu trách nhiệm giao hàng và ký hợp đồng với các đại lý. Tuy nhiên, sau một thời gian thì một số đại lý không trả tiền, không thu được công nợ nên công ty đã ép chồng bạn phải ký số công nợ 190 triệu cho mình. Nay công ty đã khởi kiện ra Tòa án và đã chuyển sang thi hành án. Trong trường hợp này, để giải quyết vấn đề của bạn cần xem xét các phương diện sau:

Thứ nhất, về việc ký kết công nợ giữa chồng bạn với công ty nơi chồng bạn làm việc.

Theo thông tin, khi không lấy được nợ của các đại lí, phía bên công ty đã có hành vi ép chồng của bạn phải nhận trả số tiền 190 triệu cho công ty, tương ứng với khoản nợ mà khách hàng nợ công ty. Việc công ty ép chồng bạn phải ký công nợ 190 triệu, tức là ép chồng bạn ký xác nhận về việc chồng bạn nợ công ty số tiền này mặc dù trên thực tế chồng bạn không hề vay mượn, hay có nghĩa vụ tài chính gì với công ty liên quan đến số tiền 190 triệu này. Trường hợp này, bản chất giao dịch vay mượn theo giấy xác nhận mượn tiền giữa bạn và công ty là giao dịch mang tính chất giả tạo, không có thực trên thực tế.

Trường hợp này, nếu căn cứ vào giấy vay tiền hay xác nhận vay mượn tiền mà chồng bạn đã ký với công ty – chứng cứ, tài liệu mà công ty đang cung cấp khi khởi kiện vụ việc này thì cho thấy giữa chồng bạn và công ty đang phát sinh quan hệ vay tài sản. Căn cứ theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Đồng thời, theo quy định tại Điều 464, 465, 466 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bên cho vay (ở đây là công ty) phải có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay (ở đây là chồng bạn) đầy đủ, đúng chất lượng, đúng số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận. Bên vay sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Bên vay tài sản sẽ phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, nếu là tiền thì phải trả đủ tiền; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại, đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

Xem xét trong trường hợp của bạn, mặc dù có giấy tờ xác nhận công nợ (xác nhận việc vay nợ) giữa chồng bạn và công ty, tuy nhiên trên thực tế, chồng bạn không vay mượn, hay nhận được số tiền 190 triệu này. Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 463, 464, 465, 466 Bộ luật dân sự năm 2015 được trích dẫn ở trên, bên cho vay (công ty) đã không giao khoản tiền vay 190 triệu cho bên vay (chồng bạn) trên thực tế, do vậy, không phát sinh quan hệ vay tiền, vay tài sản giữa chồng bạn với công ty theo nội dung giấy xác nhận công nợ. Ngoài ra, theo thông tin, việc chồng bạn xác nhận vào giấy tờ vay nợ số tiền 190 triệu này hoàn toàn là do sự ép buộc từ phía công ty đối với chồng của bạn khi chồng bạn không thu được nơ từ khách hàng cho công ty. 

Từ những phân tích nêu trên, cho thấy, trên thực tế giữa chồng của bạn và công ty không có quan hệ vay nợ tiền, nên chồng bạn không có nghĩa vụ phải trả khoản tiền này.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình thế đang bất lợi cho người chồng của bạn. Bởi việc công ty có ép buộc chồng bạn ký vào văn bản xác nhận nợ, hay giấy vay nợ hay không thì không có chứng cứ, bằng chứng ghi nhận lại, nhưng trên thực tế có tồn tại giấy xác nhận vay nợ giữa chồng bạn với công ty, và hiện đang là bằng chứng mà công ty cung cấp khi khởi kiện ra Tòa. Đồng thời, theo thông tin, tại phiên hòa giải tại Tòa án, chồng bạn có nhận về số tiền nợ đó. Hiện tại, những bằng chứng, chứng cứ đang thể hiện việc vay nợ tiền của công ty của chồng bạn.

Trường hợp này, nếu không muốn thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi Tòa án sơ thẩm đã xét xử xong vụ việc này thì trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bạn cần làm thủ tục kháng nghị đối với bản án, hoặc quyết định của Tòa án. Kèm theo đơn kháng án, bạn cần cung cấp các chứng cứ ví dụ băng ghi âm, ghi hình, người làm chứng thể hiện nội dung xác nhận về việc chồng bạn không hề nhận số tiền 190 triệu, nhưng bị ép buộc về việc ký giấy xác nhận ở đây. Nếu không có căn cứ, bằng chứng chứng cứ cho thấy nội dung này thì.chồng bạn không thể kháng án được và buộc phải chấp nhận bản án này, buộc phải trả số tiền 190 triệu đồng. Trường hợp bạn không tự nguyện thi hành bản án thì có thể bị cưỡng chế thi hành bản án.

Thứ hai, về việc cưỡng chế thi hành án đối với bản án của chồng bạn.

Về mặt nguyên tắc, bản án đã có hiệu lực của pháp luật phải được tôn trọng và có giá trị bắt buộc thực hiện với các bên có liên quan. Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014 thì Tòa án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án. Đồng thời, theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008, trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Trong trường hợp của bạn, theo thông tin, khi chồng bạn không trả được số tiền 190 triệu đó theo Bản án thì Tòa án đã chuyển bản án sang cơ quan thi hành án. Trường hợp này, trong việc thi hành án, Công ty – bên tranh chấp với chồng bạn, và là tổ chức được hưởng quyền, lợi ích theo quyết định, bản án được thi hành được xác định là người được thi hành án. Còn chồng bạn – người phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo bản án được xác định là người phải thi hành án theo căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Luật thi hành án dân sự năm 2008 bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Quy trình thực hiện việc yêu cầu thi hành án dân sự được thực hiện như sau: Căn cứ theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bởi Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì:

– Khi có yêu cầu thi hành án, đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua đường bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.

– Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu về việc có tiếp nhận yêu cầu thi hành án. Trường hợp tiếp nhận yêu cầu thi hành án, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án.

-Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. 

Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

– Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập, và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ.  Trường hợp người được thông báo thi hành án mà vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự, cùng cư trú với người đó như vợ, chồng, con.. của đương sự theo đúng thủ tục mà pháp luật quy định.

 – Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án thì người phải thi hành án phải tự nguyện thi hành án.

– Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và trong trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

 – Việc thi hành án đương nhiên kết thúc khi đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình hoặc có quyết định đình chỉ thi hành án hoặc có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.

Xem xét trong trường hợp của bạn, khi bản án của Tòa án về vụ việc tranh chấp giữa bạn với công ty được gửi đến cơ quan thi hành án thì việc thi hành án sẽ được thực hiện theo đúng quy trình, trình tự được xác định như trên. Trường hợp này, khi xem xét việc thi hành án, đối với vấn đề của bạn cần giải quyết như sau:

  • Trường hợp hai vợ chồng bạn không có bất kỳ tài sản nào để cưỡng chế thi hành án thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì:

“Điều 44. Xác minh điều kiện thi hành án 

1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay. 

Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. 

2. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. 

…”

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 18 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 có bổ sung về việc xác định việc chưa có điều kiện thi hành án vào Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 với nội dung:

“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự: 
… 18. Bổ sung Điều 44a vào sau Điều 44 như sau: 
“Điều 44a. Xác định việc chưa có điều kiện thi hành án 
1. Căn cứ kết quả xác minh điều kiện thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án; 
b) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác; 
c) Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng. 
2. Thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành. …”.

Từ những căn cứ được trích dẫn ở trên, xem xét trong trường hợp của bạn, khi chồng bạn không tự nguyện thi hành án, thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành thủ tục xác minh điều kiện thi hành án. Trường hợp chồng bạn không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không đảm bảo cuộc sống tối thiểu của vợ chồng bạn và những người mà chồng bạn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng như cha, mẹ già yếu, con chưa thành niên, con đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự… hoặc không có tài sản hoặc có tài sản nhưng chỉ đủ thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án, thì trong trường hợp này, chồng bạn được xác định là chưa có điều kiện thi hành án. Chấp hành viên sẽ xác minh điều kiện thi hành án ít nhất 06 tháng một lần. 

Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ – CP, trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ về việc chưa có điều kiện thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án.

Trường hợp sau khi có quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, nếu người thi hành án mà có điều kiện thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án.

Cơ quan thi hành án dân sự sẽ chuyển trường hợp của chồng bạn sang sổ theo dõi riêng với việc chưa có điều kiện thi hành án trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ khi có đủ điều kiện:

 – Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; 

– Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự.

– Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Trường hợp, sau khi đã chuyển sang sổ theo dõi riêng mà người phải thi hành án (ở đây là chồng bạn) có phát sinh điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải tiếp tục thực hiện việc thi hành án.

Qua phân tích ở trên, cho thấy, trong quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và văn bản hướng dẫn có liên quan thì không có quy định nào cho thấy vợ chồng bạn không có tài sản để cưỡng chế thi hành án thì sẽ bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, trong quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì người phải thi hành án dân sự chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ điều kiện để chấp hành án nhưng không chấp hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của Tòa án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm theo quy định tại Điều 380 Bộ luật hình sự năm 2015.

Do vậy, khi thực hiện việc thi hành án, nếu vợ chồng bạn – người phải thi hành án không có bất kỳ tài sản nào thuộc quyền sở hữu của mình để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì vợ chồng bạn cũng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này của chồng bạn được xác định là chưa có điều kiện thi hành án. Việc thi hành án, hay cưỡng chế thi hành án chỉ thực hiện khi xác định được vợ chồng bạn đủ điều kiện để thi hành án.

  • Chồng bạn đứng tên giùm em trai trong giấy phép kinh doanh của một cửa hàng phân bón thì cửa hàng này có bị tước giấy phép kinh doanh.

Như đã phân tích, sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án. Theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba được xác định là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án. 

Trong trường hợp của bạn, nếu cửa hàng kinh doanh này là cửa hàng thuộc về quyền sở hữu của chồng bạn, thì tài sản này có thể bị kê biên để thi hành án. Tuy nhiên, xem xét thông tin bạn cung cấp, hiện tại chồng bạn đang đứng tên trong Giấy phép kinh doanh một cửa hàng kinh doanh phân bón thay cho người em trai. Tuy nhiên bạn không nói rõ, cửa hàng này được thành lập theo hình thức doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể, đồng thời việc thỏa thuận đứng tên hộ (nhờ đứng tên) giữa chồng bạn và người em trai có căn cứ gì ghi nhận lại. Do thông tin không nói rõ, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định. Tuy nhiên, nếu không có căn cứ xác định đây là tài sản của em trai chồng bạn, mà chồng bạn là người chủ sở hữu của hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp này theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các giấy tờ pháp lý có liên quan thì cửa hàng này có thể bị kê biên để thi hành án.

Như vậy, từ những căn cứ được phân tích ở trên, trường hợp vợ chồng bạn không có tài sản để kê biên thi hành án thì vợ chồng bạn cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc chồng bạn đứng tên trên Giấy đăng ký kinh doanh cửa hàng có ảnh hưởng đến cửa hàng hay không khi chồng bạn là người bị thi hành án phụ thuộc vào các căn cứ xác định cửa hàng này có thuộc về quyền sở hữu của chồng bạn hay không.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn