Những điều cần biết về quản chế và thời hạn quản chế?
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Quản chế là một trong những hình phạt bổ sung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 Bộ luật hình sự 1999.
Căn cứ Điều 38 Bộ luật hình sự 1999 thì quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 của Bộ luật hình sự 1999 và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật hình sự năm 1999 quy định.
Hình phạt quản chế chỉ thực hiện khi Điều 92 hoặc điều luật quy định về tội phạm và hình phạt của Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định hình phạt bổ sung là quy chế, thì mới được áp dụng loại hình phạt bổ sung này.
Như thế, quản chế là biện pháp nhằm hạn chế tự do cư trú của người phạm tội với mục đích thực hiện việc cải tạo và kiểm soát cho người phạm tội.
Thời hạn quản chế là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Căn cứ khoản 1 Điều 89 Luật thi hành án hình sự 2010 thì hình phạt quản chế được thực hiện theo thủ tục sau:
– Giám thị trại giam có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú để chấp hành án quản chế vào thời điểm hai tháng trước khi hết hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là quản chế;
– Khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, trại giam phải giao người bị quản chế kèm theo bản sao bản án, quyết định thi hành án, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, nhận xét kết quả chấp hành án phạt tù và tài liệu liên quan cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải giao ngay người đó cho Ủy ban nhân dân cấp xã để kiểm soát, giáo dục.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được giao người chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải lập hồ sơ thi hành án quản chế để bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Hồ sơ gồm:
Bản sao bản án đã có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án phạt tù;
Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù;
Biên bản giao người bị quản chế;
Tài liệu về quá trình chấp hành án phạt tù và tài liệu khác có liên quan.
– Trước khi hết thời hạn quản chế 03 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã bàn giao hồ sơ thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt quản chế. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt quản chế có trụ sở.
Người chấp hành hình phạt quản chế có nghĩa vụ chịu sự kiểm soát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã và nhân dân địa phương, không được tự ý rời khỏi nơi quản chế. Người chấp hành hình phạt quản chế được tự do đi lại trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi quản chế.
Người chấp hành hình phạt quản chế khi rời khỏi phạm vi xã, phường, thị trấn phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Cụ thể:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp huyện nơi quản chế;
– Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế;
– Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cấp giấy phép đi ra ngoài phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế.
Thời hạn người chấp hành hình phạt quản chế được phép đi khỏi nơi quản chế mỗi lần tối đa không quá 10 ngày. Trường hợp người chấp hành án phạt quản chế phải đi chữa bệnh thì thời gian đi khỏi nơi quản chế theo thời gian điều trị của cơ sở chữa bệnh.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691