Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7483/BCT-XNK
V/v một số vấn đề liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất có vốn đầu tư nước ngoài

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2012

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Trả lời công văn số 2276/TCHQ-GSQL ngày 11 tháng 5 năm 2012 và số 3127/TCHQ-GSQL ngày 22 tháng 6 năm 2012 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

1. Về xuất khẩu, thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp chế xuất FDI).

a) Về nguồn hàng hóa xuất khẩu:

- Xuất khẩu hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất:

Căn cứ Điều 60 Luật Đầu tư năm 2005 và điểm 1 khoản II Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, theo đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), bao gồm doanh nghiệp chế xuất, được trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất, không phải đăng ký quyền xuất khẩu.

- Thực hiện quyền xuất khẩu:

Căn cứ khoản 2 phần I Thông tư số 09/2007/TT-BTM ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ, theo đó doanh nghiệp chế xuất FDI được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu được mua hàng hóa do doanh nghiệp khác (như thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nội địa, doanh nghiệp chế xuất khác …) sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu, nhưng không bao gồm hàng hóa có nguồn gốc sản xuất tại nước ngoài.

b) Về thực hiện quyền nhập khẩu:

- Theo Điều 3 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP nêu trên của Chính phủ, "Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam."

- Tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế quy định:

+ "Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu." (Điều 2);

+ "Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp xuất khẩu toàn bộ sản phẩm hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế." (Điều 2);

+ "Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, trừ khu phi thuế quan, là quan hệ xuất, nhập khẩu. (khoản 5 Điều 21);

- Tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định: Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa các hàng hóa "Sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất sản xuất và không thuộc diện cấm nhập khẩu; Sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất sản xuất mà thị trường nội địa có nhu cầu; Phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất không thuộc diện cấm nhập khẩu hoặc thuộc diện được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại và pháp luật có liên quan."

Căn cứ các quy định hiện hành nêu trên thì một số trường hợp thực hiện quyền nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất FDI (như Tổng cục Hải quan đề cập tại công văn số 2276/TCHQ-GSQL và số 3127/TCHQ-GSQL nêu trên) là không phù hợp như:

- Mua sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất khác sản xuất tại Việt Nam để bán vào nội địa;

- Mua hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu từ doanh nghiệp FDI trong nội địa;

- Nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài để bán trực tiếp, không trải qua quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm theo mục tiêu quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp, cho doanh nghiệp trong nội địa (gồm cả trường hợp doanh nghiệp nội địa có quyền phân phối) hoặc bán cho doanh nghiệp chế xuất khác không có quyền phân phối.

2. Về hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa đối với doanh nghiệp FDI (bao gồm cả doanh nghiệp chế xuất).

- Theo quy định tại điểm a khoản 3 phần II Thông tư số 04/2007/TT-BTM nêu trên, Bộ Công Thương đã quy định cụ thể một số hình thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp chế xuất nói riêng để thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.

- Tại Điều 29 Luật Thương mại (2005) quy định: "Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hóa được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam." Theo đó, tại công văn số 6321/BCT-XNK ngày 29 tháng 6 năm 2010 gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương đã nêu rõ: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả doanh nghiệp có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, không được tham gia kinh doanh dịch vụ tạm nhập, tái xuất hàng hóa và chuyển khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Việt Nam.

3. Đối với trường hợp Công ty TNHH Shimada Shoij là một doanh nghiệp FDI chế xuất được Ban quản lý Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore cấp Giấy chứng nhận đầu tư 463023000110 thực hiện mục tiêu là "Đặt hàng và thu mua tất cả các loại phụ liệu ngành may … từ các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp chế xuất để kiểm tra chất lượng, phân loại, kiểm đếm, đóng gói để xuất khẩu." (khoản 2 Điều 2):

- Căn cứ quy định tại Điều 29 Luật Thương mại (2005) nêu trên, mục tiêu nêu trên của Công ty TNHH Shimada Shoij không phải là kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa và cũng không thuộc loại hình gia công trong thương mại (Bộ Công Thương) đã có ý kiến tại công văn số 3238/BCT-XNK ngày 16 tháng 4 năm 2012);

- Mục tiêu hoạt động nêu trên của Công ty TNHH Shimada Shoij phù hợp với định nghĩa về Khu chế xuất nêu tại Điều 2 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP nêu trên của Chính phủ (thực hiện một số loại hình dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu), đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn cơ quan Hải quan địa phương xem xét giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với các quy định tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM nêu trên của Bộ Công Thương và pháp lệnh Hải quan.

Bộ Công Thương có một số ý kiến nêu trên để Tổng cục Hải quan tham khảo khi giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phù hợp với các quy định hiện hành.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các vụ KH, PC, ĐB;
- Lưu: VT, XNK.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thành Biên