Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46-L/CTN

Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 1996

LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 46L/CTN NGÀY 24 THÁNG 2 NĂM 1996

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 78 của Luật tổ chức Quốc hội;

NAY CÔNG BỐ:

Pháp lệnh về giám sát và hướng dẫn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 15 tháng 2 năm 1996.

PHÁP LỆNH

VỀ GIÁM SÁT VÀ HƯỚNG DẪN CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI, HƯỚNG DẪN VÀ KIỂM TRA CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Căn cứ vào Điều 91 và Điều 112 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 8 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi);
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 8 về công tác xây dựng pháp luật từ này đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX;
Pháp lệnh này quy định về việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân và việc Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Điều 2

Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn về tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân, hướng dẫn hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 3

Chính phủ hướng dẫn Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Điều 4

Chính phủ kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện Hiến pháp, Luật và các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên để bảo đảm sự quản lý thống nhất của trung ương và phát huy quyền chủ động, sáng tạo của địa phương.

Điều 5

Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ phối hợp trong hoạt động giám sát, hướng dẫn, kiểm tra đối với Hội đồng nhân dân.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội dựa vào sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Chính phủ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Điều 6

Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và chịu sự giám sát, hướng dẫn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và hướng dẫn, kiểm tra của Chính phủ theo quy định tại Pháp lệnh này.

Chương 2:

GIÁM SÁT VÀ HƯỚNG DẪN CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Mục 1: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 7

Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát các kỳ họp Hội đồng nhân dân, giám sát việc ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân, hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 8

Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân bằng các hình thức sau đây:

1- Xem xét các nghị quyết và các báo cáo của Hội đồng nhân dân;

2- Tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân;

3- Yêu cầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp báo cáo về những vấn đề mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội, quan tâm;

4- Xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức và công dân đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 9

Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Hội đồng dân tộc và của Uỷ ban của Quốc hội, thực hiện các nhiệm vụ giám sát khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao.

Điều 10

Uỷ ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi đối với nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 11

Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp hoạt động của Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội tham khảo ý kiến của Chính phủ trong việc phê chuẩn nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc giải tán Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 12

Trong trường hợp Hội đồng nhân dân ở một địa phương bị giải tán, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ấn định và công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân mới ở địa phương đó; Thủ tướng Chính phủ chỉ định Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Uỷ ban nhân dân lâm thời cấp dưới; các Uỷ ban nhân dân lâm thời đảm nhiệm công tác cho đến khi Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân mới được bầu ra.

Mục 2: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 13

Uỷ ban thương vụ Quốc hội hướng dẫn Hội đồng nhân dân tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Điều 14

Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn Hội đồng nhân dân trong các hoạt động sau đây:

1- Giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;

2- Tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật, pháp lệnh;

3- Tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Điều 15

Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân chuẩn bị chương trình, nội dung kỳ họp Hội đồng nhân dân;

2- Kiểm tra Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan nhà nước khác ở địa phương thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân;

3- Điều hoà, phối hợp hoạt động của các ban của Hội đồng nhân dân;

4- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân quyết định việc đưa ra Hội đồng nhân dân hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân phạm sai lầm theo đề nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

5- Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16

Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, phường, thì trấn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân chuẩn bị chương trình, nội dung kỳ họp Hội đồng nhân dân;

2- Kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân;

3- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân quyết định việc đưa ra Hội đồng nhân dân hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân phạm sai lầm theo đề nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

4- Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 17

Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của các ban của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thẩm tra các báo cáo và đề án trình Hội đồng nhân dân xem xét;

2. Giúp Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát theo quy định của pháp luật;

3. Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 18

Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Tiếp xúc với cử tri tại đơn vị bầu cử ở địa phương để thu thập ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và báo cáo về kết quả kỳ họp Hội đồng nhân dân; phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật;

2. Thực hiện quyền chất vấn, quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân thi hành pháp luật và chấm dứt những việc làm trái pháp luật;

3. Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

HƯỚNG DẪN VÀ KIỂM TRA CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CẤP TRÊN

Mục 1: CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CẤP TRÊN

Điều 19

Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Hội đồng nhân dân thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

Điều 20

Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ hướng dẫn Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Điều 21

Chính phủ hướng dẫn Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương.

Điều 22

Chính phủ tổ chức bồi dưỡng về chính sách, pháp luật và kiến thực quản lý nhà nước cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hướng dẫn việc tổ chức bồi dưỡng về chính sách, pháp luật và kiến thức quản lý nhà nước cho đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, xã, phường, thị trấn.

Điều 23

Chính phủ hướng dẫn Hội đồng nhân dân thực hiện những quy định về tổ chức, biên chế bộ máy giúp việc; chế độ tiền lương của các chức danh Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân; chế độ sinh hoạt phí của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Mục 2: CHÍNH PHỦ KIỂM TRA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CẤP TRÊN

Điều 24

Chính phủ kiểm tra nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 25

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ ra các quyết định, chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả ngành, các địa phương và cơ sở.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có quyền kiến nghị với thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước hoặc của Bộ, cơ quan ngang bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ phụ trách.

Điều 26

Chính phủ kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên bằng các hình thức sau đây:

1. Xem xét các nghị quyết và các báo cáo của Hội đồng nhân dân;

2. Tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân;

3. Yêu cầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp báo cáo về những vấn đề mà Chính phủ quan tâm;

4. Xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức và công dân, phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 27

Chính phủ kiểm tra các nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Điều 28

Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên của Hội đồng nhân dân. Trong trường hợp đoàn kiểm tra phát hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân có sai trái thì báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đồng thời kiến nghị với Hội đồng nhân dân xem xét lại nghị quyết đó. Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu kiến nghị của đoàn kiểm tra.

Điều 29

Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành các nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi các nghị quyết sai trái đó.

Chương 4:

MỐI QUAN HỆ GIỮA BAN UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ TRONG VIỆC GIÁM SÁT, HƯỚNG DẪN, KIỂM TRA ĐỐI VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Điều 30

Uỷ ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức hội nghị về hoạt động của Hội đồng nhân dân, quyết định các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Điều 31

Chính phủ tổ chức hội nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hướng dẫn triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết khác của Quốc hội khi xem xét thấy cần thiết.

Điều 32

Uỷ ban thường vụ Quốc hội mời đại diện của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hoạt động giám sát của mình đối với Hội đồng nhân dân. Thủ trướng Chính phủ mời đại diện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hoạt động kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày công bố.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Chính phủ hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh này.

Ngày 15 tháng 2 năm 1996

Lê Đức Anh

(Đã ký)