Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 1989

 

PHÁP LỆNH

HỢP ĐỒNG KINH TẾ CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 24-LCT/HĐNN8

Để bảo đảm các quan hệ kinh tế được thiết lập và thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế nhằm đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hoá;
Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, đề cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ kinh tế; giữ vững trật tự, kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động kinh tế;
Căn cứ vào Điều 34 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định chế độ hợp đồng kinh tế.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.

Điều 2

Hợp đồng kinh tế được ký kết giữa các bên sau đây:

a) Pháp nhân với pháp nhân;

b) Pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 3

Hợp đồng kinh tế được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản và không trái pháp luật.

Điều 4

Ký kết hợp đồng kinh tế là quyền của các đơn vị kinh tế. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được áp đặt ý chí của mình cho đơn vị kinh tế khi ký kết hợp đồng. Không một đơn vị kinh tế nào được phép lợi dụng ký kết hợp đồng kinh tế để hoạt động trái pháp luật.

Thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng kinh tế đã ký kết là nghĩa vụ của đơn vị kinh tế. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật việc thực hiện hợp đồng kinh tế.

Điều 5

Các bên ký kết hợp đồng kinh tế có quyền thoả thuận áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế: thế chấp tài sản, cầm cố, bảo lãnh tài sản theo quy định của pháp luật.

Điều 6

Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp được thể hiện trong hợp đồng kinh tế của các bên ký kết.

Các bên ký kết có quyền yêu cầu làm chứng thư hợp đồng kinh tế tại cơ quan công chứng.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký một số loại hợp đồng kinh tế theo quy định của pháp luật.

Điều 7

Các tranh chấp phát sinh khi thực hiện hợp đồng kinh tế được giải quyết bằng cách tự thương lượng giữa các bên với nhau hoặc đưa ra Trọng tài kinh tế.

Điều 8

1- Những hợp đồng kinh tế sau đây bị coi là vô hiệu toàn bộ:

a) Nội dung hợp đồng kinh tế vi phạm điều cấm của pháp luật;

b) Một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thoả thuận trong hợp đồng;

c) Người ký hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền hoặc có hành vi lừa đảo.

2- Hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm điều cấm của pháp luật, nhưng không ảnh hưởng đến nội dung các phần còn lại của hợp đồng.

3- Việc kết luận hợp đồng kinh tế là vô hiệu toàn bộ hoặc từng phần thuộc thẩm quyền của Trọng tài kinh tế.

Chương 2:

KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Điều 9

Người ký hợp đồng kinh tế phải là đại diện hợp pháp của pháp nhân hoặc người đứng tên đăng ký kinh doanh.

Đại diện hợp pháp của pháp nhân hoặc người đứng tên đăng ký kinh doanh có thể uỷ quyền bằng văn bản cho người khác thay mình ký hợp đồng kinh tế.

Người được uỷ quyền chỉ được ký hợp đồng kinh tế trong phạm vi được uỷ quyền và không được uỷ quyền lại cho người thứ ba.

Điều 10

Các căn cứ để ký kết hợp đồng kinh tế:

a) Định hướng kế hoạch của Nhà nước, các chính sách, chế độ, các chuẩn mức kinh tế - kỹ thuật hiện hành;

b) Nhu cầu thị trường, đơn đặt hàng, đơn chào hàng của bạn hàng;

c) Khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, chức năng hoạt động kinh tế của mình;

d) Tính hợp pháp của hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng bảo đảm về tài sản của bên cùng ký hợp đồng.

Điều 11

Hợp đồng kinh tế được ký kết bằng văn bản, tài liệu giao dịch: công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng.

Hợp đồng kinh tế được coi là đã hình thành và có hiệu lực pháp lý từ thời điểm các bên đã ký vào văn bản hoặc từ khi các bên nhận được tài liệu giao dịch thể hiện sự thoả thuận về tất cả những điều khoản chủ yếu của hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác đối với từng loại hợp đồng kinh tế.

Điều 12

1- Hợp đồng kinh tế bao gồm các điều khoản sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ký hợp đồng kinh tế; tên, địa chỉ, số tài khoản và ngân hàng giao dịch của các bên, họ, tên người đại diện, người đứng tên đăng ký kinh doanh;

b) Đối tượng của hợp đồng kinh tế tính bằng số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thoả thuận;

c) Chất lượng, chủng loại, quy sách, tính đồng bộ của sản phẩm, hàng hoá hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc;

d) Giá cả;

đ) Bảo hành;

e) Điều kiện nghiệm thu, giao nhận;

g) Phương thức thanh toán;

h) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh tế;

i) Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế;

k) Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế;

l) Các thoả thuận khác.

2- Các điều khoản quy định tại các điểm a, b, c, d, khoản 1, Điều này là điều khoản chủ yếu của các hợp đồng kinh tế. Các điều khoản khác liên quan trực tiếp đến đặc điểm của từng loại hợp đồng kinh tế cũng là điều khoản chủ yếu của loại hợp đồng kinh tế đó.

Điều 13

Những thoả thuận về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, công việc trong hợp đồng kinh tế phải phù hợp với quy định về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước (TCVN, TCN) hoặc tiêu chuẩn chất lượng của đơn vị đã đăng ký tại cơ quan tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng theo đúng quy định về đăng ký chất lượng và nhãn hiệu hàng hoá.

Đối với sản phẩm, hàng hoá mới chưa đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hoặc công việc không thể hiện được bằng các tiêu chuẩn chất lượng cụ thể thì nhất thiết phải ghi rõ trong hợp đồng kinh tế sự thoả thuận về chất lượng sản phẩm, hàng hoá hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc.

Điều 14

Những quy định hiện hành của Nhà nước về bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công việc phải được tuân thủ khi ký kết hợp đồng kinh tế.

Đối với những sản phẩm, hàng hoá, công việc chưa có quy định của Nhà nước về bảo hành, các bên được quyền thoả thuận và ghi rõ trong hợp đồng kinh tế về phạm vi, nội dung và thời hạn bảo hành.

Các bên có quyền thoả thuận những quy định về việc sửa chữa hoặc xử lý các sai sót khi có vi phạm chất lượng sản phẩm, hàng hoá, công việc trong thời hạn bảo hành.

Điều 15

Các bên có quyền thoả thuận và ghi giá cả cụ thể vào hợp đồng kinh tế, có quyền thay đổi giá trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế.

Đối với sản phẩm, hàng hoá do Nhà nước định giá thì giá ghi trong hợp đồng kinh tế phải phù hợp với giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Điều 16

Các bên có quyền thoả thuận lịch nghiệm thu, giao nhận, địa điểm và phương thức giao nhận sản phẩm, hàng hoá, công việc là đối tượng của hợp đồng kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, thuận tiện và có lợi cho các bên.

Trong trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau thì địa điểm và phương thức giao nhận phải theo các quy định của pháp luật đối với từng loại hợp đồng kinh tế.

Nếu trong hợp đồng kinh tế không có sự thoả thuận của các bên và không có quy định của pháp luật đối với loại hợp đồng kinh tế đó, thì địa điểm giao nhận là kho chính của bên giao hàng, bán hàng và giao trên phương tiện vận chuyển của bên đặt hàng, mua hàng.

Điều 17

Phương thức thanh toán do các bên thoả thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 18

Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế do các bên thoả thuận.

Điều 19

Các bên được quyền thoả thuận về tiền thưởng để khuyến khích thực hiện tốt hợp đồng kinh tế.

Tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế do các bên thoả thuận trong khung phạt đối với từng loại hợp đồng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có quy định của pháp luật, các bên có quyền thoả thuận về mức tiền phạt.

Điều 20

Các bên có quyền đưa vào hợp đồng kinh tế những thoả thuận khác không trái pháp luật.

Điều 21

Các bên có quyền ký các bản phụ lục hợp đồng để chi tiết và vụ thể hoá các điều khoản của hợp đồng kinh tế. Nội dung phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung hợp đồng kinh tế.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, các bên có quyền ký biên bản bổ sung những điều mới thoả thuận vào hợp đồng kinh tế. Biên bản bổ sung có giá trị pháp lý như hợp đồng kinh tế.

Chương 3:

THỰC HIỆN, THAY ĐỔI, ĐÌNH CHỈ THANH LÝ HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Điều 22

Các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ cam kết trong hợp đồng kinh tế trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lợi ích của nhau.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, nếu một bên gặp khó khăn có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng thì phải thông báo ngay cho bên kia biết, đồng thời phải tìm mọi biện pháp khắc phục. Bên nhận được thông báo, tuỳ theo khả năng của mình góp phần khắc phục khó khăn đó và tìm mọi biện pháp hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra.

Điều 23

Chỉ được lập hoá đơn, giấy đòi tiền phù hợp với việc thực hiện từng phần hay toàn bộ hợp đồng kinh tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện theo phương thức và thời hạn thanh toán đã thoả thuận trong hợp đồng kinh tế. Nếu trong hợp đồng không ghi thời hạn, thì thời hạn trả tiền là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hoá đơn, giấy đòi tiền. Nghĩa vụ trả tiền được coi là hoàn thành từ khi chuyển đủ tiền trên tài khoản của mình tại Ngân hàng cho bên đòi hoặc khi bên đòi trực tiếp nhận đủ số tiền mặt theo hoá đơn.

Điều 24

Khi một bên chuyển giao toàn bộ hay từng phần nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cho một pháp nhân hay cá nhân khác có đăng ký kinh doanh thì phải chuyển giao cả việc tiếp tục thực hiện hợp đồng kinh tế có liên quan. Trong thời hạn ba mươi ngày trước khi chuyển giao, bên chuyển giao phải thông báo bằng văn bản cho các bên có quan hệ hợp đồng kinh tế biết nội dung của hợp đồng kinh tế phải chuyển giao và người nhận chuyển giao.

Người nhận chuyển giao có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng kinh tế được chuyển giao. Trong trường hợp người nhận chuyển giao không đủ điều kiện thực hiện hợp đồng kinh tế được chuyển giao thì yêu cầu bên chuyển giao phải thanh lý hợp đồng kinh tế trước khi nhận chuyển giao.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bên có quan hệ hợp đồng kinh tế với bên chuyển giao có quyền yêu cầu thanh lý hợp đồng kinh tế bằng văn bản. Trong thời hạn đó, nếu không có yêu cầu thanh lý hợp đồng kinh tế thì việc chuyển giao hợp đồng kinh tế coi như đã được chấp nhận.

Điều 25

Khi một bên ký kết hợp đồng kinh tế là pháp nhân phải giải thể thì trước khi giải thể ba mươi ngày, bên bị giải thể phải thông báo bằng văn bản cho các bên có quan hệ hợp đồng kinh tế biết và tiến hành thanh lý hợp đồng kinh tế.

Điều 26

Hợp đồng kinh tế đã có hiệu lực pháp lý có thể được huỷ bỏ, sửa đổi theo sự thoả thuận bằng văn bản của các bên.

Điều 27

Khi một bên thừa nhận hoặc đã có kết luận của Trọng tài kinh tế là có vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế đó, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không có lợi cho mình. Thông báo đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng phải bằng văn bản và được gửi cho bên vi phạm trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày bên vi phạm thừa nhận hoặc có kết luận của Trọng tài kinh tế. Nếu hợp đồng kinh tế có làm chứng thư hoặc đăng ký thì bên bị vi phạm phải gửi thông báo đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng đến cơ quan đã làm chứng thư hoặc đăng ký hợp đồng cùng ngày gửi cho bên vi phạm.

Điều 28

Các bên phải cùng nhau thanh lý hợp đồng kinh tế trong trường hợp:

1- Hợp đồng kinh tế được thực hiện xong;

2- Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế đã hết và không có sự thoả thuận kéo dài thời hạn đó;

3- Hợp đồng kinh tế bị đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ;

4- Khi hợp đồng kinh tế không được tiếp tục thực hiện theo quy định tại đoạn 2, đoạn 3 Điều 24 hoặc Điều 25 của Pháp lệnh này.

Chương 4:

TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÀ XỬ LÝ HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÔ HIỆU

Điều 29

1- Các bên phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với nhau về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng kinh tế.

2- Bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm tiền phạt vi phạm hợp đồng và trong trường hợp có thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định sau đây:

a) Mức tiền phạt vi phạm hợp đồng từ 2% đến 12% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm. Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết mức tiền phạt theo loại vi phạm đối với từng loại hợp đồng kinh tế.

b) Tiền bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị số tài sản mất mát, hư hỏng, số chi phí để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do vi phạm gây ra; tiền phạt vi phạm hợp đồng và tiền bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải trả cho bên thứ ba là hậu quả trực tiếp của sự vi phạm này gây ra.

Điều 30

Bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán phải bị phạt vi phạm hợp đồng. Mức phạt có thể bằng mức lãi suất tín dụng quá hạn theo quy định của pháp luật.

Điều 31

Khi sản phẩm, hàng hoá không đúng chất lượng, công việc không đúng yêu cầu kỹ thuật đã thoả thuận trong hợp đồng kinh tế thì bên bị vi phạm có quyền không nhận; nếu nhận, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu giảm giá hoặc sửa chữa sai sót trước khi nhận. Trong trường hợp do phải sửa chữa sai sót mà hợp đồng không được thực hiện đúng thời hạn thì bên vi phạm bị phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại do việc không thực hiện hợp đồng kinh tế đúng thời hạn gây ra.

Điều 32

Trong thời hạn bảo hành, nếu bên nhận sản phẩm, hàng hoá phát hiện có sai sót về chất lượng thì phải thông báo kịp thời bằng văn bản cho bên kia biết để cùng nhau xác minh. Việc xác minh sai sót về chất lượng phải được tiến hành không chậm quá mười lăm ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Việc xác minh phải được lập thành biên bản.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu bên nhận thông báo không trả lời thì coi như đã chấp nhận có sai sót.

Bên bảo hành có nghĩa vụ phải sửa chữa các sai sót về chất lượng. Các bên có quyền thoả thuận thay thế việc sửa chữa sai sót bằng cách giảm giá hoặc đổi lấy sản phẩm, hàng hoá khác.

Nếu sai sót không được sửa chữa hoặc việc sửa chữa bị kéo dài dẫn đến việc sản phẩm, hàng hoá không thể sử dụng đúng theo mục đích của hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền đòi phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại như trường hợp không thực hiện hợp đồng quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh này.

Nếu bên nhận sản phẩm, hàng hoá tự sửa chữa sai sót về chất lượng theo sự thoả thuận của bên vi phạm thì có quyền đòi bên vi phạm trả tiền chi phí sửa chữa.

Trong thời hạn bảo hành bắt buộc theo quy định của pháp luật, nếu xảy ra thiệt hại do chất lượng của sản phẩm, hàng hoá không đúng thoả thuận trong hợp đồng kinh tế thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm.

Điều 33

Khi một bên thực hiện hợp đồng kinh tế chậm so với thời hạn ghi trong hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền không nhận sản phẩm, hàng hoá dù đã hoàn thành; có quyền đòi phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hai.

Trong trường hợp từng phần hoặc toàn bộ hợp đồng kinh tế được thực hiện trước thời hạn, bên đặt hàng có quyền không nhận, nếu trong hợp đồng không có quy định khác.

Điều 34

Khi một bên không hoàn thành sản phẩm, hàng hoá, công việc một cách đồng bộ theo thoả thuận trong hợp đồng kinh tế, thì bên bị vi phạm có quyền không nhận sản phẩm, hàng hoá, công việc đó cho đến khi được hoàn thành đồng bộ. Bên vi phạm bị phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm do việc không thực hiện hợp đồng đúng thời hạn gây ra.

Điều 35

Khi một bên từ chối tiếp nhận sản phẩm, hàng hoá công việc đã hoàn thành theo đúng hợp đồng thì bên kia có quyền đòi phạt vi phạm hợp đồng, đòi bồi thường các phí tổn bảo quản, chuyên chở và thiệt hại khác do việc không tiếp nhận gây ra.

Điều 36

Khi một bên đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế không đúng với quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này thì bên đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bị phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại như trường hợp không thực hiện hợp đồng quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh này.

Điều 37

Bên nào đã ký hợp đồng kinh tế mà không thực hiện thì bị phạt vi phạm hợp đồng ở mức cao nhất của khung phạt theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại do việc không thực hiện hợp đồng gây ra.

Điều 38

Khi xảy ra vi phạm hợp đồng kinh tế, bên bị vi phạm có quyền gửi giấy đòi tiền phạt vi phạm hợp đồng cho bên vi phạm.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy đòi tiền phạt, bên vi phạm phải trả tiền phạt vi phạm hợp đồng cho bên bị vi phạm; nếu quá hạn, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền phạt theo quy định của pháp luật.

Khi có thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh tế thì bên bị vi phạm có quyền đưa yêu cầu bồi thường thiệt hai. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hai, nếu bên vi phạm không trả lời hoặc không chấp nhận yêu cầu đó thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu Trọng tài kinh tế giải quyết.

Bên đòi bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ phải chứng minh việc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế thiệt hại ngay sau khi được biết có vi phạm.

Thời hạn trả tiền bồi thường thiệt hại là ba mươi ngày, kể từ ngày chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc ngày có quyết định của Trọng tài kinh tế; nếu quá hạn, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 39

1- Việc xử lý hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ theo quy định như sau:

a) Nếu nội dung công việc trong hợp đồng chưa được thực hiện thì các bên không được phép thực hiện;

b) Nếu nội dung công việc trong hợp đồng đã được thực hiện một phần thì các bên phải chấm dứt việc tiếp tục thực hiện và bị xử lý về tài sản;

c) Nếu nội dung công việc trong hợp đồng đã được thực hiện xong, thì các bên bị xử lý tài sản.

2- Việc xử lý tài sản quy định tại điểm b, điểm c khoản 1, Điều này tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

a) Các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau tất cả tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền, nếu tài sản đó không bị tịch thu theo quy định của pháp luật;

b) Thu nhập bất hợp pháp phải nộp vào ngân sách Nhà nước;

c) Thiệt hại phát sinh, các bên phải chịu.

3- Người nào ký hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ, người nào cố ý thực hiện hợp đồng đã bị coi là vô hiệu toàn bộ thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng của vi phạm pháp luật mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu từng phần thì các bên phải sửa đổi các điều khoản trái pháp luật, khôi phục các quyền và lợi ích ban đầu và bị xử lý theo các quy định khác của pháp luật.

Điều 40

Bên vi phạm hợp đồng kinh tế được xét giảm hoặc miễn hoàn toàn trách nhiệm tài sản trong các trường hợp sau đây:

1- Gặp thiên tai, địch hoạ và các trở lực khách quan khác không thể lường trước được và đã thi hành mọi biện pháp cần thiết để khắc phục.

2- Phải thi hành lệnh khẩn cấp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3- Do bên thứ ba vi phạm hợp đồng kinh tế với bên vi phạm nhưng bên thứ ba không phải chịu trách nhiệm tài sản trong các trường hợp quy định tại điểm 1 và điểm 2, Điều này.

4- Việc vi phạm hợp đồng kinh tế của một bên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự vi phạm hợp đồng của bên kia.

Điều 41

Những hợp đồng kinh tế mà các bên đã thoả thuận phương thức thanh toán bằng ngoại tệ và phù hợp với pháp luật, thì tiền phạt hợp đồng và tiền bồi thường thiệt hại cũng được tính bằng ngoại tệ tương ứng.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 42

Các quy định của Pháp lệnh này có thể được áp dụng trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế giữa các pháp nhân với người làm công tác khoa học - kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể.

Điều 43

Các quy định của Pháp lệnh này được áp dụng trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa pháp nhân Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 44

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 45

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này và ban hành các quy định về các loại hợp đồng kinh tế.

Đối với việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh, Hội đồng bộ trưởng có thể ban hành quy định khác.

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 1989

 

 

Võ Chí Công

(Đã ký)