Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/LCT

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 1962

PHÁP LỆNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT NHÂN DÂN NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Để tăng cường lực lượng giữ gìn trật tự an ninh của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi của nhân dân;
Căn cứ vào điều 53 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà,
Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân như sau:

Điều 1

Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và những kẻ phạm tội khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân nhằm góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi.

Điều 2

Cảnh sát nhân dân phải tuyệt đối trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, dũng cảm trong công tác, luôn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng, trình độ chính trị, quân sự và nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 3

Cảnh sát nhân dân trong khi tiến hành công tác phải căn cứ vào pháp luật của Nhà nước, phải dựa vào nhân dân, liên hệ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải tích cực phòng ngừa ngăn chặn những hành vi phạm tội và vi phạm trật tự trị an.

Điều 4

Cảnh sát nhân dân có những nhiệm vụ sau đây:

1. Phát hiện, ngăn ngừa và trấn áp những hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng, bằng các biện pháp quản lý hành chính về trị an;

2. Đấu tranh chống bọn lưu manh, côn đồ, trộm cắp, tham ô, đầu cơ, buôn lậu và những kẻ phạm tội khác;

3. Truy nã bọn tội phạm trốn tránh pháp luật;

4. Thi hành việc quản chế, giáo dục, cải tạo bọn phản cách mạng và những kẻ phạm tội khác.

5. Giữ trật tự trị an ở các nơi công cộng và ở những cuộc họp công cộng; ngăn chặn những hành vi gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân;

6. Phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong việc bảo quản tài sản công cộng, góp ý kiến về những biện pháp đề phòng trộm cắp, tham ô;

7. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận tải đường bộ, quản lý các loại xe và những người lái xe; phối hợp với cơ quan giao thông vận tải kiểm tra an toàn giao thông đường sông, đường biển;

8. Tuyên truyền trong nhân dân về tinh thần cảnh giác cách mạng, về ý thức tôn trọng và tuân theo pháp luật của Nhà nước, động viên và tổ chức nhân dân tham gia giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, giữ gìn vệ sinh chung.

9. Quản lý hộ khẩu, cấp giấy chứng minh, giấy thông hành; cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đi nước ngoài về việc tư;

10. Quản lý việc xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài theo pháp luật quy định;

11. Quản lý các máy và phụ tùng máy vô tuyến điện; quản lý các cơ sở sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy vô tuyến điện; quản lý các loại vũ khí; chất nổ, chất cháy, chất độc mạnh; quản lý nghề chứa trọ, nghề khắc con dấu, nghề in, đúc, khắc chữ in và những nghề kinh doanh đặc biệt khác theo pháp luật quy định;

12. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành những biện pháp bài trừ những tệ nạn xã hội do xã hội cũ để lại;

13. Tham gia các công tác phòng cháy và chữa cháy, phòng và chống bão lụt, phòng và chống các bệnh dịch, v.v...;

14. Tìm những người mất tích, giúp nhân dân tìm địa chỉ những người thân thuộc và tìm trẻ em bị lạc, cứu giúp người bị tai nạn và người bị bệnh cần cấp cứu;

15. Và thi hành những công tác khác thuộc chức năng của Công an nhân dân theo chỉ thị của Bộ Công an.

Điều 5

Cảnh Sát nhân dân có những quyền hạn sau đây:

1. Bắt, tạm giữ, tạm tha, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật và thư tín, tạm giữ tang vật, theo pháp luật quy định;

2. Kiểm soát giấy chứng minh, giấy thông hành hoặc giấy chứng nhận khác của công dân, đòi hỏi mọi người nghiêm chỉnh tuân theo thể lệ về quản lý trật tự trị an;

3. Phạt hoặc thi hành những biện pháp cưỡng chế khác theo thể lệ quản lý trật tự trị an đối với những người vi phạm thể lệ quản lý trật tự trị an;

4. Trong khi làm nhiệm vụ khẩn cấp:

a) Ngăn chặn hành động phá hoại,

b) Đuổi bắt kẻ phạm tội,

c) Cấp cứu người bị nạn, được quyền mượn các loại phương tiện giao thông vận tải và phương tiện thông tin liên lạc của cơ quan, đoàn thể hoặc tư nhân (trừ của Đoàn ngoại giao) và những người điều khiển các phương tiện đó;

5. Được quyền đi lại trong thành phố, thị xã, thị trấn, bằng các phương tiện giao thông công cộng mà không phải trả tiền trong khi đang làm nhiệm vụ;

6. Được sử dụng vũ khí trong những trường hợp khẩn cấp, như phải đối phó với những kẻ dùng vũ khi bạo động, tập kích, chống cự khi bị bắt, phá hoại trị an xã hội, những kẻ phạm tội nguy hiểm đang chạy trốn, nếu những kẻ ấy không chịu nghe lệnh ngăn cấm của cảnh sát;

7. Được mang vũ khí và trang phục theo chế độ do Bộ Công an định;

8. Và những quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6

Cảnh sát nhân dân có kỷ luật nghiêm minh, đội ngũ chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tổ chức Cảnh sát nhân dân do Hội đồng Chính phủ quy định.

Điều 7

Chế độ cấp bậc Của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân sẽ quy định bằng một pháp lệnh riêng.

Điều 8

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nào thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc phạm sai lầm khuyết điểm trong công tác thì bị kỷ luật, nếu phạm tội thì bị truy tố trước pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân có thành tích xuất sắc thì được khen thưởng.

Pháp lệnh này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua ngày 16 tháng 7 năm 1962.

Hoàng Văn Hoan

(Đã ký)