UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: Không số | Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 1981 |
PHÁP LỆNH
SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỦA PHÁP LỆNH NĂM 1961 QUY ĐỊNH THỂ LỆ BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Căn cứ vào Nghị quyết ngày 18 tháng 12 năm 1980 của Quốc hội quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Sau khi xét đề nghị của Hội đồng Chính phủ về việc sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Pháp lệnh năm 1961 quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp cho phù hợp với Hiến pháp mới và tình hình, nhiệm vụ mới;
Sau khi nghe ý kiến của Uỷ ban dự án pháp luật của Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của pháp lệnh quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 1961 như sau:
Điều 1: Thay Điều 2, Điều 3 và Điều 4 bằng Điều 2 mới như sau:
Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biết dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, và từ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Hội đồng nhân dân các cấp, trừ những người mất trí và những người bị pháp luật hoặc Toà án nhân dân tước các quyền đó.
Công dân đang ở trong quân đội nhân dân có quyền bầu cử và có thể được bầu vào Hội đồng nhân dân các cấp.
Điều 2: Sửa đổi Điều 11 như sau:
1- Hội đồng nhân dân xã, phường và thị trấn.
Xã, phường và thị trấn miền xuôi có từ 2. 000 người trở xuống được bầu cử 20 đại biểu; có trên 2.000 người thì cứ thêm 200 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không được quá 50 đại biểu.
Các xã dưới 300 người được bầu từ 15 đến 20 đại biểu.
2- Hội đồng nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh và thị xã.
Huyện miền xuôi và quận có từ 50.000 người trở xuống được bầu cử 40 đại biểu; có trên 50.000 thì cứ thêm 4.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không được quá 70 đại biểu.
Huyện miền núi và hải đảo có từ 20.000 người trở xuống được bầu cử 40 đại biểu; có trên 20.000 người được thì cứ thêm từ 1.500 người đến 2.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không được quá 70 đại biểu.
Thành phố thuộc tỉnh có từ 60.000 người trở xuống được bầu cử 50 đại biểu; có trên 60.000 người thì cứ thêm 5.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không được quá 80 đại biểu.
Thị xã có từ 20.000 người trở xuống được bầu cử 40 đại biểu; có trên 20.000 người thì cứ thêm 2.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không được quá 70 đại biểu.
3- Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đặc khu Vũng tàu - Côn đảo.
Tỉnh miền xuôi có từ 500.000 người trở xuống được bầu cử 70 đại biểu; có trên 500.000 người thì cứ thêm 20.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không được quá 140 đại biểu.
Tỉnh miền núi có từ 250.000 người trở xuống được bầu cử 70 đại biểu; có trên 250.000 người thì cứ thêm 10.000 người được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không được quá 140 đại biểu.
Thành phố trực thuộc trung ương có từ 600.000 người trở xuống được bầu cử 70 đại biểu; có trên 600.000 người thì cứ thêm 20.000 người được bầu thêm 1 đại biểu.
Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được bầu không quá 160 đại biểu.
Thành phố Hải phòng được bầu không quá 140 đại biểu.
Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được bầu 50 đại biểu.
Điều 3: Sửa Điều 25 như sau:
ở mỗi đơn vị bầu cử, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương kết hợp việc tham khảo ý kiến của tập thể nhân dân lao động ở cơ sở với việc hiệp thương với các chính đảng, các đoàn thể nhân dân để giới thiệu danh sách những người ứng cử.
Điều 4: Sửa Điều 28 như sau:
Chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương phải nộp tại Hội đồng bầu cử:
1- Giấy giới thiệu người ứng cử;
2- Đơn ứng cử của những người được giới thiệu có ghi tên, tuổi, nghề nghiệp, nguyên quán địa chỉ, nơi ra ứng cử;
3- Giấy chứng nhận người ứng cử có đủ điều kiện ứng cử nói ở Điều 1.
Khi nhận các giấy tờ nói trên, Hội đồng bầu cử phải cấp giấy biên nhận.
Điều 5: Sửa Điều 31 như sau:
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương, các chính đảng, các đoàn thể nhân dân, cũng như công dân Việt Nam, theo quy định của pháp luật, có quyền cổ động bằng mọi hình thức để giới thiệu người ứng cử.
Người ứng cử có quyền cổ động cho bản thân mình, theo quy định của pháp luật.
Điều 6: Sửa tên Chương X như sau: Chương X: Việc xử lý những hành động vi phạm Pháp lệnh bầu cử.
Điều 7: Sửa Điều 61 như sau:
Người nào dùng các thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử và bãi miễn đại biểu Hội đồng nhân dân, thì có thể bị phạt tù đến hai năm.
Điều 8: Sửa Điều 62 thành Điều 62a như sau:
Thành viên Hội đồng bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử, hội đồng giám sát việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường và thị trấn và nhân viên các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các đơn vị bộ đội và mọi công dân có trách nhiệm trong công tác bầu cử phạm tội giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng mọi thủ đoạn khác để làm sai lạc kết quả bầu cử hoặc bãi miễn đại biểu Hội đồng nhân dân, thì có thể bị phạt tù đến ba năm.
Điều 9: Thêm Điều 62b mới như sau:
Trong những trường hợp vi phạm Pháp lệnh bầu cử vì mục đích phản cách mạng, thì người phạm tội bị trừng trị theo pháp luật hiện hành về tội phản cách mạng.
Điều 10: Sửa Điều 63 như sau:
Mọi người có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật trong lúc bầu cử hoặc bãi miễn đại biểu Hội đồng nhân dân. Ai cản trở hoặc trả thù người tố cáo thì có thể bị phạt tù đến ba năm.
Điều 11: Hội đồng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.
| Trường Chinh (Đã ký) |