ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2007/UBTVQH12 | Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2007 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Bộ luật hình sự số 32/1999/QH10;
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11;
Căn cứ Nghị quyết số 04/2007/QH12 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007;
Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù.
Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thi hành án phạt tù:
1. Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 1.
Thi hành án phạt tù là buộc người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân chấp hành hình phạt tại trại giam nhằm giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới.”
2. Bổ sung Điều 1a như sau:
“Điều 1a.
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ yêu cầu quản lý đối với việc giam giữ người bị tạm giam, tạm giữ để quyết định người bị kết án tù có thời hạn từ 5 năm trở xuống chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam. Số lượng người chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam được tính theo tỷ lệ trên tổng số người bị tạm giam, tạm giữ nhưng tối đa không vượt quá mười lăm phần trăm.
Người chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam có nghĩa vụ và quyền lợi như người chấp hành hình phạt tù tại trại giam.
Giám thị trại tạm giam chịu trách nhiệm về việc quản lý, giam giữ, giáo dục người chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành án phạt tù.”
3. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 10.
Trại giam là nơi chấp hành hình phạt của người bị kết án tù. Tổ chức bộ máy quản lý của trại giam gồm có Giám thị, Phó giám thị, quản giáo, chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên và sĩ quan, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang bảo vệ.
Giám thị trại giam chỉ huy cán bộ, chiến sỹ và chịu trách nhiệm về việc quản lý, giam giữ, giáo dục người chấp hành hình phạt tù ở trại giam theo quy định của pháp luật.”
4. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 11.
1. Căn cứ tính chất tội phạm, mức án của người chấp hành hình phạt tù, trại giam tổ chức giam giữ như sau:
a) Khu giam giữ đối với người bị kết án tù trên 15 năm, tù chung thân, người bị kết án tù thuộc loại tái phạm nguy hiểm;
b) Khu giam giữ đối với người bị kết án tù từ 15 năm trở xuống.
2. Người chấp hành hình phạt tù là nữ, người chưa thành niên được giam giữ riêng.”
5. Bãi bỏ Điều 12 và Điều 13.
6. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 15.
1. Khi đưa người bị kết án tù vào trại giam để chấp hành hình phạt phải có đủ các giấy tờ sau đây:
a) Bản sao bản án đã có hiệu lực pháp luật; trường hợp xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì có bản án sơ thẩm kèm theo;
b) Quyết định thi hành án;
c) Danh bản xác định căn cước của người bị kết án tù;
d) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ khác chứng minh quốc tịch đối với người bị kết án tù là người nước ngoài;
đ) Quyết định của cơ quan quản lý trại giam đưa người bị kết án tù vào trại giam.
2. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tiếp nhận người bị kết án tù vào trại giam, Giám thị trại giam phải thông báo bằng văn bản cho Toà án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan quản lý trại giam và thân nhân người bị kết án. Trường hợp người bị kết án tù là người nước ngoài thì Giám thị trại giam phải gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan lãnh sự của Bộ Ngoại giao Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người bị kết án mang quốc tịch.”
7. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 17.
1. Việc hoãn chấp hành hình phạt tù phải theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật hình sự và Điều 261 của Bộ luật tố tụng hình sự. Chánh án Toà án đã cho hoãn chấp hành hình phạt tù phải ra quyết định thi hành án để khi hết thời hạn được hoãn, người bị kết án tù phải vào ngay trại giam để chấp hành hình phạt tù.
Việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải theo quy định tại các điều 58, 59 và 76 của Bộ luật hình sự, Điều 268 và Điều 269 của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù phải theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật hình sự và Điều 262 của Bộ luật tố tụng hình sự. Chánh án Toà án đã cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù phải ra quyết định thi hành án đối với phần hình phạt còn lại để khi hết thời hạn, người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt phải vào ngay trại giam để tiếp tục chấp hành hình phạt tù.”
8. Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 18.
1. Khi người bị kết án tù đã chấp hành xong hình phạt thì đúng ngày đó, Giám thị trại giam phải trả tự do cho họ, cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù và giới thiệu họ về Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc; đồng thời phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý trại giam và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự nơi người đó cư trú hoặc làm việc trong trường hợp người đó phải chấp hành hình phạt tiền, nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định của Tòa án về hình sự.
2. Người nước ngoài đã chấp hành xong hình phạt tù được lưu trú tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý trong thời gian làm thủ tục xuất cảnh.”
9. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 20.
1. Người chấp hành hình phạt tù được Nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn ăn. Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của người chấp hành hình phạt tù trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại trại giam, Chính phủ quy định cụ thể định mức ăn hàng tháng phù hợp với điều kiện kinh tế, ngân sách và biến động của giá cả thị trường.
2. Người chấp hành hình phạt tù được ở theo buồng giam tập thể; chỗ nằm tối thiểu của mỗi người là 2 (m2).”
10. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 21.
1. Định kỳ, người chấp hành hình phạt tù được Nhà nước cấp phát quần, áo, chăn, chiếu, màn, các đồ dùng thiết yếu khác và quần, áo, phương tiện bảo hộ lao động căn cứ vào giới tính, điều kiện khí hậu và tính chất công việc mà họ phải làm. Chế độ cấp phát và mẫu quần, áo do Chính phủ quy định.
2. Người đã chấp hành xong hình phạt tù được trả lại đầy đủ tiền và tài sản khác mà họ ký gửi ở trại giam; được cấp tiền tàu xe, tiền ăn trên đường về nơi cư trú hoặc nơi làm việc.”
11. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 22.
1. Ngoài thời gian học tập, học nghề, người chấp hành hình phạt tù phải lao động và được nghỉ các ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật theo quy định của pháp luật. Mọi khoản thu, chi từ hoạt động lao động, dạy nghề của người chấp hành hình phạt tù phải được thể hiện qua hệ thống tài vụ - kế toán của trại giam theo chế độ kế toán, thống kê hiện hành của Nhà nước.
2. Kết quả lao động của người chấp hành hình phạt tù sau khi trừ chi phí hợp lý được sử dụng như sau:
a) Chi bổ sung mức ăn cho người chấp hành hình phạt tù;
b) Bổ sung vào Quỹ phúc lợi của trại giam;
c) Thưởng cho người chấp hành hình phạt tù có kết quả lao động vượt chỉ tiêu kế hoạch, tăng năng suất lao động;
d) Đầu tư trở lại cho trại giam, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, công cụ lao động và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức lao động, dạy nghề cho người chấp hành hình phạt tù.”
12. Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 25.
Trong thời gian chấp hành hình phạt tù, người bị kết án được gửi, nhận thư, bưu kiện, bưu phẩm, gặp thân nhân, liên lạc bằng điện thoại với thân nhân và nhận quà theo quy định của Chính phủ.”
13. Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 27.
1. Người chấp hành hình phạt tù được hưởng chế độ phòng, chống dịch bệnh, khám và chữa bệnh ở bệnh xá của trại giam. Trường hợp mắc bệnh nặng phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh khác của Nhà nước thì Giám thị trại giam thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị.
Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng người đang chấp hành hình phạt tù mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình thì theo đề nghị của Giám thị trại giam, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Toà án quân sự quân khu nơi người bị kết án chấp hành hình phạt tù phải trưng cầu giám định pháp y.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Toà án quân sự quân khu nơi người bị kết án chấp hành hình phạt có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở chuyên khoa y tế để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do để miễn chấp hành hình phạt.
2. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính tổ chức việc phòng, chống dịch bệnh, khám và chữa bệnh cho người đang chấp hành hình phạt tù; tổ chức các cơ sở chuyên khoa y tế để bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành hình phạt tù mắc bệnh tâm thần.
Kinh phí để phòng, chống dịch bệnh, khám và chữa bệnh cho người đang chấp hành hình phạt tù do ngân sách nhà nước cấp.”
14. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 28.
1. Khi người đang chấp hành hình phạt tù chết trong trại giam, Giám thị trại giam có trách nhiệm báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan y tế cấp huyện hoặc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quân sự quân khu và bệnh viện quân khu nơi có trại giam đến xác định nguyên nhân chết và lập biên bản, có chứng kiến của đại diện những người đang chấp hành hình phạt tù và làm thủ tục khai tử với chính quyền địa phương. Trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù chết khi đang điều trị tại các cơ sở chữa bệnh của Nhà nước thì cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm thông báo và gửi giấy chứng tử cho trại giam.
Ngay sau khi người đang chấp hành hình phạt tù chết, Giám thị trại giam có trách nhiệm thông báo cho thân nhân người chết trước khi làm thủ tục an táng, sau đó thông báo bằng văn bản cho Toà án đã ra quyết định thi hành án. Trường hợp người nước ngoài đang chấp hành hình phạt tù chết thì Giám thị trại giam phải gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan lãnh sự của Bộ Ngoại giao Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch.
Sau 24 giờ, kể từ khi thông báo cho thân nhân người chết và các cơ quan nói trên, Giám thị trại giam có trách nhiệm tổ chức an táng và tùy theo điều kiện địa lý, phong tục, tập quán để quyết định hỏa táng hay địa táng. Kinh phí an táng người đang chấp hành hình phạt tù chết do ngân sách nhà nước cấp.
2. Trong trường hợp thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết có đơn đề nghị được nhận thi thể để tự an táng thì Giám thị trại giam có thể xem xét, quyết định cho nhận thi thể, trừ trường hợp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường.
3. Người đang chấp hành hình phạt tù chết hoặc bị thương tật do tai nạn lao động thì được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Chính phủ.”
Sửa đổi, bổ sung từ ngữ của Pháp lệnh thi hành án phạt tù như sau:
1. Cụm từ “Bộ Nội vụ” tại các điều 5, 9 và 23 được thay bằng cụm từ “Bộ Công an”.
2. Cụm từ “đã ký kết hoặc tham gia” tại Điều 36 được thay bằng cụm từ “là thành viên”.
3. Bỏ cụm từ “Nhà nước” tại Điều 36.
1. Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.
2. Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.
CHỦ TỊCH |
- 1 Lệnh công bố Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 2007
- 2 Lệnh công bố Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004
- 3 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003
- 4 Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 do Quốc hội ban hành
- 5 Bộ Luật Hình sự 1999
- 6 Hiến pháp năm 1992