CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1502/QC-HĐKT | Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2009 |
QUY CHẾ
KIỂM TRA CẤP GIẤY PHÉP VÀ NĂNG ĐỊNH CHUYÊN MÔN CHO NHÂN VIÊN AN NINH HÀNG KHÔNG
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG KIỂM TRA
- Căn cứ Quyết định số 19/2007/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về nhân viên hàng không và cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không;
- Căn cứ Quyết định số 4044/QĐ-CHK ngày 24/12/2008 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam về việc thành lập Hội đồng kiểm tra cấp giấy phép nhân viên hàng không nhóm “ An ninh hàng không ”;
- Căn cứ Quyết định số 4045/QĐ-CHK ngày 24/12/2008 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam về việc ban hành “ Quy chế làm việc của Hội đồng kiểm tra cấp giấy phép nhân viên hàng không ”.
Để thực hiện việc cấp giấy phép và năng định chuyên môn cho nhân viên an ninh hàng không đạt chất lượng,
QUY ĐỊNH:
Điều 1. Thủ tục hồ sơ tham dự kiểm tra
1. Cấp giấy phép lần đầu như quy định tại Quyết định số 19/2007/QĐ-BGTVT ngày 04/4/2007 của Bộ trưởng Bộ GTVT (Danh sách tại Phụ lục 1; Đơn đề nghị tại Phụ lục 2; Sơ yếu lý lịch tại Phụ lục 3; 2 ảnh cỡ 4x6cm).
2. Cấp năng định chuyên môn
a) Công văn đề nghị của đơn vị kèm theo danh sách nhân viên an ninh hàng không (Phụ lục 1);
b) Giấy khám sức khỏe hoặc danh sách kết quả khám sức khỏe.
Điều 2. Nội dung và hình thức kiểm tra
1. Nội dung kiểm tra:
a) Nội dung kiểm tra phải phù hợp với vị trí công tác và chuyên ngành của người tham dự kiểm tra.
b) Nội dung kiểm tra bao gồm:
- Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 về an ninh hàng không.
- Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam 2007, chương trình an ninh hàng không của cảng hàng không, hãng hàng không.
- Tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO về an ninh hàng không.
- Các văn bản khác về an ninh hàng không như tài liệu chuyên ngành, tiêu chuẩn, tài liệu khai thác thiết bị, các hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ được phê chuẩn và các tài liệu liên quan đến an ninh hàng không.
2. Hình thức kiểm tra
a) Kiểm tra lý thuyết bằng các câu hỏi trắc nghiệm.
b) Kiểm tra thực hành trên thiết bị an ninh hàng không hoặc phần mềm giả định đối với nhân viên an ninh soi chiếu; vấn đáp đối với nhân viên an ninh kiểm soát, an ninh cơ động, an ninh trên không.
3. Đề kiểm tra
a) Tổ kiểm tra chuyên môn của Hội đồng kiểm tra nhóm an ninh hàng không biên soạn đề kiểm tra gồm 02 phần: lý thuyết và thực hành.
b) Biên soạn đề kiểm tra phải bám sát tài liệu chuyên ngành, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ.
Kiểm tra lý thuyết
- Mỗi đề kiểm tra có 100 câu hỏi trắc nghiệm trong đó có 80 câu hỏi của lĩnh vực chuyên ngành phù hợp với từng đối tượng, 20 câu hỏi của các lĩnh vực khác liên quan. Đối với đề kiểm tra của an ninh soi chiếu, có 20 câu hỏi bằng tiếng Anh.
- Thời gian làm bài: 90 phút.
d) Kiểm tra thực hành
- Đối với nhân viên soi chiếu: Tổ chức kiểm tra trên thiết bị an ninh hàng không (cổng từ, máy soi, máy dò kim loại cầm tay, máy dò chất nổ) hoặc tổ chức kiểm tra trên thiết bị huấn luyện, giả định hoặc kết hợp cả hai hình thức trên.
- Đối với nhân viên an ninh kiểm soát, an ninh cơ động, an ninh trên không: Tổ chức kiểm tra vấn đáp bằng các câu hỏi xử lý tình huống và tùy từng loại đối tượng mà kết hợp thực hành việc sử dụng các công cụ hỗ trợ được trang bị và võ thuật.
- Thời gian kiểm tra mỗi thí sinh không quá 15 phút.
- Tổ chức kiểm tra trên thiết bị an ninh hàng không thật thì thực hiện trong thời gian thiết bị không khai thác, phải có kế hoạch cụ thể.
đ) Mỗi đối tượng kiểm tra có 01 đề chính thức và 01 đề dự bị khi đề kiểm tra chính thức bị lộ đề sẽ được thay thế bằng đề dự bị.
Điều 3. Thang điểm và tiêu chuẩn đánh giá kết quả kiểm tra
1. Thang điểm
a) Phần lý thuyết: Chấm theo thang điểm 100 cho mỗi bài kiểm tra, sau đó quy về các mức đạt và không đạt;
b) Phần thực hành: Chấm theo thang điểm 100 cho mỗi bài kiểm tra, sau đó quy về các mức đạt và không đạt.
2. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả kiểm tra
Đối tượng | Lý thuyết | Thực hành | Đánh giá |
Nhân viên | từ 70 điểm trở lên | từ 70 điểm trở lên | Đạt |
dưới 70 điểm | dưới 70 điểm | Không đạt | |
Kíp trưởng, kíp phó, Tổ trưởng, tổ phó | từ 80 điểm trở lên | từ 80 điểm trở lên | Đạt |
dưới 80 điểm | dưới 80 điểm | Không đạt |
3. Điểm liệt
Người dự kiểm tra thực hành sẽ bị cho điểm liệt (0 điểm) trong trường hợp không phát hiện được chất nổ, thiết bị nổ, lựu đạn, bom, mìn, súng quân dụng, súng thể thao, súng kíp, súng tự tạo hoặc khi phát hiện được nhưng xử lý không đúng quy trình.
Điều 4. Nội quy phòng thi
1. Đối với người tham dự kiểm tra
a) Có mặt tại phòng kiểm tra tối thiểu 15 phút trước giờ kiểm tra.
b) Mặc trang phục an ninh hàng không. Đeo thẻ kiểm soát an ninh hàng không hoặc thẻ dự thi khi tham dự kiểm tra.
c) Ngồi đúng số báo danh đã được cán bộ coi thi bố trí, không được thay đổi vị trí chỗ ngồi hoặc đi lại tự do trong phòng thi. Không được ra ngoài trong thời gian làm bài thi (trường hợp có lý do đặc biệt, chỉ được phép ra ngoài khi được giám thị chấp thuận và thời gian ra ngoài không quá 5 phút).
d) Chỉ được sử dụng giấy viết và giấy nháp do Hội đồng kiểm tra cung cấp, đã có chữ ký của cán bộ coi thi hoặc dấu treo.
đ) Không được đem vào phòng kiểm tra bất kỳ loại tài liệu nào. Tắt điện thoại di động trong suốt thời gian làm bài kiểm tra.
e) Không được đưa bài cho người khác chép hoặc trao đổi trong phòng kiểm tra dưới bất kỳ hình thức nào.
g) Trong khi làm bài, nếu trong đề thi có điểm nào chưa rõ ràng, người dự kiểm tra được quyền hỏi cán bộ coi thi để được giải thích.
h) Làm bài và nộp bài kiểm tra đúng giờ quy định. Chỉ được phép nộp bài kiểm tra sau khi kết thúc hai phần ba thời gian kiểm tra.
i) Khi nộp bài phải ký và ghi rõ họ tên vào danh sách theo yêu cầu của cán bộ coi thi.
2. Đối với cán bộ coi thi
a) Phải đeo thẻ kiểm soát an ninh hàng không hoặc thẻ giám thị do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra cấp trong thời gian làm nhiệm vụ coi thi.
b) Không làm việc riêng, không rời phòng thi, tắt điện thoại di động trong thời gian coi thi, không nhắc bài cho người dự kiểm tra.
3. Đối với cán bộ giám sát thi
a) Phải đeo thẻ kiểm soát an ninh hàng không hoặc thẻ giám sát thi do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra cấp trong thời gian làm nhiệm vụ giám sát thi;
b) Không làm việc riêng, không rời phòng thi, tắt điện thoại di động trong thời gian giám sát thi, không nhắc bài cho người dự kiểm tra.
Điều 5. Tổ chức kiểm tra, chấm bài và công bố kết quả kiểm tra
1. Trách nhiệm của Hội đồng kiểm tra
a) Thông qua kế hoạch kiểm tra, đề, đáp án kiểm tra lý thuyết và thực hành trình Cục trưởng phê duyệt;
b) Báo cáo kết quả kiểm tra trình Cục trưởng ra Quyết định công nhận những người đủ điều kiện được cấp giấy phép, năng định chuyên môn;
c) Giải quyết các đơn yêu cầu phúc tra, khiếu nại và xử lý các vi phạm xẩy ra trong quá trình kiểm tra.
2. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng kiểm tra
a) Chỉ đạo việc lập và tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra, đề, đáp án kiểm tra sau khi được Hội đồng kiểm tra thông qua. Cử cán bộ giám sát kiểm tra;
b) Thông báo lịch kiểm tra và các yêu cầu liên quan cho đơn vị, cá nhân đề nghị kiểm tra;
c) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ kiểm tra chuyên môn và cơ quan thường trực của Hội đồng trong việc xây dựng sao in đề và đáp án; tổ chức kiểm tra, coi thi, giám sát thi và chấm bài.
3. Trách nhiệm của Tổ trưởng tổ kiểm tra chuyên môn:
a) Chỉ đạo tổ kiểm tra chuyên môn chuẩn bị phòng thi, phương tiện trang thiết bị phục vụ kiểm tra thực hành. Niêm yết danh sách thí sinh dự kiểm tra (Phụ lục 4), số phòng thi (Phụ lục 5). Thông báo cho những người kiểm tra tham dự đầy đủ.
b) Tổ chức tốt việc kiểm tra, phân công cán bộ coi thi lý thuyết, thực hành; đánh số phách, rọc phách, khớp phách; chấm thi;
c) Bảo quản an toàn bảo mật đề, đáp án sau khi được bàn giao từ Hội đồng kiểm tra cho tới khi giao cho cán bộ coi thi tại phòng thi; bài kiểm tra do cán bộ coi thi, chấm thi giao nộp sau khi kiểm tra, chấm thi.
d) Báo cáo kết quả kiểm tra (Phụ lục 11). Lập danh sách tổng hợp kết quả kiểm tra (Phụ lục 12) gửi Chủ tịch Hội đồng kiểm tra.
đ) Niêm yết công khai kết quả kiểm tra sau khi được Hội đồng kiểm tra công nhận và tiếp nhận đơn khiếu nại về kết quả kiểm tra gửi Hội đồng kiểm tra xem xét, giải quyết.
4. Trách nhiệm của cán bộ coi thi
a) Đánh số báo danh. Gọi người dự kiểm tra vào phòng thi; kiểm tra thẻ, trang phục của thí sinh và hướng dẫn người dự thi ngồi đúng số báo danh trong phòng thi.
b) Phổ biến nội quy phòng thi và các vấn đề khác có liên quan. Giải đáp các thắc mắc của người dự kiểm tra. Ký tên vào phiếu trả lời; giấy nháp (nếu có);
c) Yêu cầu 02 người dự kiểm tra xem để xác nhận tình trạng niêm phong của túi đựng đề kiểm tra. Phát đề kiểm tra cho từng người dự kiểm tra;
d) Duy trì nội quy và trật tự phòng thi. Lập biên bản vi phạm đối với người dự kiểm tra vi phạm nội quy phòng thi;
đ) Thu bài kiểm tra, yêu cầu người tham dự kiểm tra ký vào Danh sách nộp bài kiểm tra lý thuyết (Phụ lục 6) làm Biên bản phòng thi (Phụ lục 7), Biên bản vi phạm nếu có (Phụ lục 8); giao lại đầy đủ bài kiểm tra đã niêm phong cho Tổ trưởng Tổ kiểm tra chuyên môn và lập Biên bản bàn giao (Phụ lục 10);
e) Chấp hành nội quy phòng thi quy định tại khoản 2 Điều 4.
5. Trách nhiệm của cán bộ giám sát thi
a) Giám sát việc thực hiện nội quy phòng thi quy định tại Điều 4 đối với người tham dự kiểm tra và cán bộ coi thi;
b) Ngăn chặn người không có trách nhiệm vào phòng thi. Lập biên bản đối với cán bộ coi thi vi phạm nội quy phòng thi quy định tại khoản 2 Điều 4 hoặc không làm đúng trách nhiệm như quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Viết báo cáo kết quả giám sát thi gửi Chủ tịch Hội đồng kiểm tra.
6. Trách nhiệm của người chấm thi
a) Trung thực, khách quan khi chấm bài kiểm tra. Sau khi chấm bài xong gửi kết quả chấm thi (Phụ lục 9A, 9B, 9C) cho Tổ trưởng tổ kiểm tra;
b) Không tiết lộ kết quả cho người dự kiểm tra, bảo quản không để thất lạc, mất mát, hư hỏng và bảo mật bài kiểm tra do mình chấm kể từ khi nhận cho tới khi giao lại cho Tổ trưởng tổ kiểm tra và lập biên bản bàn giao (Phụ lục 10).
7. Bảo mật đề kiểm tra, đáp án, bài kiểm tra
a) Đề kiểm tra, đáp án sau khi xây dựng xong phải để trong túi dán kín, có niêm phong bằng chữ ký của Chủ tịch Hội đồng tại mép dán của túi. Cơ quan thưởng trực của Hội đồng kiểm tra chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản cho tới khi bàn giao cho tổ kiểm tra. Tổ trưởng tổ kiểm tra chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản cho tới khi bàn giao cho cán bộ coi thi;
b) Bài kiểm tra sau khi thu về, cán bộ coi thi phải để trong túi dán kín, có niêm phong bằng chữ ký của cán bộ coi thi tại mép dán của túi và bàn giao cho Tổ trưởng tổ kiểm tra quản lý, bảo quản cho tới khi tổ chức rọc phách bài kiểm tra;
c) Khi bàn giao túi đề, đáp án, bài thi, người giao và người nhận phải xác định sự nguyên vẹn của phong bì đựng và ký vào biên bản bàn giao.
8. Chấm bài kiểm tra
a) Chấm bài kiểm tra lý thuyết căn cứ vào đáp án, thang điểm đã được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, theo nguyên tắc 02 lần chấm do 02 cán bộ chấm thi độc lập để đảm bảo tránh nhầm lẫn, sai sót;
b) Chấm bài kiểm tra thực hành theo nguyên tắc chấm điểm độc lập của 02 cán bộ kiểm tra. Kết quả kiểm tra là điểm trung bình cộng của 02 người chấm;
c) Trong khi chấm phát hiện bài kiểm tra có dấu hiệu nhận biết riêng phải lập biên bản báo cáo Hội đồng kiểm tra xem xét, kết luận và xử lý.
9. Tổ chức kiểm tra lại, thời gian bảo lưu kết quả
a) Người dự kiểm tra kết quả không đạt sẽ được tổ chức kiểm tra lại khi đơn vị chủ quản của người đó có công văn đề nghị. Việc tổ chức kiểm tra lại chỉ thực hiện sau 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả kiểm tra. Trường hợp kiểm tra lại (lần 2) không đạt thì phải chờ đợt kiểm tra thường niên của năm sau;
b) Kết quả kiểm tra cấp giấy phép và năng định chuyên môn của người dự kiểm tra đã đạt yêu cầu của lần kiểm tra trước được bảo lưu nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày kiểm tra.
Điều 6. Phúc tra, giải quyết khiếu nại
1. Mọi cá nhân tham dự kiểm tra có quyền yêu cầu phúc tra kết quả kiểm tra của mình. Đơn yêu cầu phúc tra, khiếu nại gửi về Hội đồng kiểm tra. Thời gian tiếp nhận đơn phúc tra, khiếu nại không quá 07 ngày kể từ khi công bố kết quả kiểm tra chính thức.
2. Kết quả giải quyết đơn phúc tra, khiếu nại phải thông báo cho người đề nghị phúc tra, khiếu nại bằng văn bản. Người có đơn yêu cầu phúc tra, khiếu nại không nhất trí với kết quả phúc tra thì có quyền kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Điều 7. Xử lý vi phạm
1. Cán bộ coi thi, cán bộ giám sát thi và chấm thi vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
a) Cảnh cáo đối với các trường hợp
- Chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra nhưng không phát hiện hoặc cố tình cho phép người dự kiểm tra mang tài liệu vào phòng kiểm tra;
- Làm thất lạc, mất bài kiểm tra trong tất cả các công đoạn thu bài, bàn giao, vận chuyển, rọc phách, chấm bài và lưu trữ bài kiểm tra;
- Cộng sai điểm kiểm tra.
b) Đình chỉ nhiệm vụ trong các trường hợp:
- Làm lộ đề kiểm tra;
- Đánh tráo bài;
- Có hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng kiểm tra;
- Không thực hiện đúng đề kiểm tra hoặc có dấu hiệu gây mất an ninh, an toàn cho các hoạt động hàng không trong khi kiểm tra.
c) Hình thức xử lý vi phạm đối với cán bộ coi thi, giám sát thi do tập thể Hội đồng kiểm tra quyết định. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Cục trưởng quyết định. Tổ trưởng tổ kiểm tra và cán bộ giám sát thi tiến hành lập biên bản đối với cán bộ coi thi vi phạm. Tổ trưởng tổ kiểm tra tiến hành lập biên bản đối với cán bộ giám sát thi vi phạm. Biên bản phải gửi về Hội đồng kiểm tra.
2. Người dự kiểm tra vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
a) Trừ 05 điểm đối với phần kiểm tra bị vi phạm
- Mang tài liệu vào phòng kiểm tra;
- Có hành động và phát ngôn có tính chất phá rối làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra hoặc xúc phạm cán bộ kiểm tra, giám sát.
b) Cảnh cáo không công nhận kết quả kiểm tra trong các trường hợp:
- Đã được nhắc nhở nhưng cố tình vi phạm trong khi dự thi;
- Gây rối và có những hành động phản ứng làm ảnh hưởng đến kết quả đợt kiểm tra.
c) Đình chỉ thi trong các trường hợp:
- Trao đổi bài trong khi kiểm tra đã bị nhắc nhở nhưng vẫn cố tình tái phạm, chuyển bài kiểm tra cho người khác chép;
- Trong kiểm tra thực hành, có hành vi cố ý gây mất an toàn, an ninh, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
d) Hình thức xử lý vi phạm đối với người dự kiểm tra do Hội đồng kiểm tra quyết định. Cán bộ coi thi lập biên bản vi phạm tại phòng kiểm tra và gửi Hội đồng kiểm tra.
Điều 8. Chế độ lưu trữ hồ sơ, tài liệu kiểm tra, báo cáo
Tất cả các hồ sơ, tài liệu, biên bản, bài kiểm tra, kết quả kiểm tra có liên quan được lưu trữ, bảo quản tại Ban An ninh hàng không tối thiểu là 03 năm (36 tháng) ./.
Nơi nhận: | TL.CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 339/VPCP-NC năm 2019 về nhân viên an ninh hàng không sân bay Nội Bài bị hành hung do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 5946/TCHQ-GSQL năm 2015 tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên hàng không do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Hướng dẫn 899/HD-CHK thực hiện Thông tư 61/2011/TT-BGTVT quy định về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không do Cục Hàng không Việt Nam ban hành
- 4 Quyết định 19/2007/QĐ-BGTVT về nhân viên hàng không và cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006
- 1 Công văn 339/VPCP-NC năm 2019 về nhân viên an ninh hàng không sân bay Nội Bài bị hành hung do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 5946/TCHQ-GSQL năm 2015 tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên hàng không do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3 Hướng dẫn 899/HD-CHK thực hiện Thông tư 61/2011/TT-BGTVT quy định về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không do Cục Hàng không Việt Nam ban hành