BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9078/BKHĐT-NHNN-BTC-BCT | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2014 |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH KINH TẾ VĨ MÔ
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 11 năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 12 năm 2013 quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23 tháng 12 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 02 năm 2012 ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương (sau đây gọi tắt là “bốn cơ quan”) thống nhất ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô (sau đây gọi tắt là “Quy chế”) giữa các cơ quan như sau:
Chương I
MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC
Điều 1. Mục đích của Quy chế
1. Góp phần thực hiện tốt Quy chế làm việc của Chính phủ; tăng cường tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước trong từng thời kỳ.
2. Tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tăng khả năng dự đoán được để góp phần tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Điều 2. Yêu cầu, nguyên tắc phối hợp
1. Phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô theo mục tiêu nhằm đạt được các cân đối kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và trung hạn, bao gồm tăng trưởng kinh tế, lạm phát, cân đối thu chi ngân sách, cán cân thương mại và tiêu dùng.
2. Phối hợp chủ động, kịp thời, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa bốn cơ quan trong toàn bộ quy trình nghiên cứu đề xuất, triển khai, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư và phát triển, thương mại và giá cả.
3. Đối với mỗi chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, có một cơ quan trong phạm vi chức năng, thẩm quyền hiện có chủ trì phối hợp với các cơ quan khác để đạt được mục tiêu điều hành, bảo đảm sự cân đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác.
4. Bảo đảm thống nhất với các chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến điều hành các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư và phát triển, thương mại và giá cả.
Chương II
PHẠM VI, NỘI DUNG, QUY TRÌNH PHỐI HỢP
Điều 3. Phạm vi, nội dung phối hợp
1. Phối hợp xây dựng, đề xuất định hướng các mục tiêu kinh tế vĩ mô hàng năm, trung - dài hạn và điều hành thực hiện các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thu chi ngân sách nhà nước, cán cân thương mại và tiêu dùng.
2. Phối hợp, tham vấn lấy ý kiến, chia sẻ thông tin trong soạn thảo, thực hiện, theo dõi, đánh giá, giải trình kết quả thực hiện chính sách đầu tư và phân bổ nguồn lực, tiền tệ và tín dụng, tài khóa, thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và tiêu dùng.
3. Phối hợp trong việc nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo tác động của các chính sách: đầu tư và phát triển, tiền tệ, tín dụng, tài khóa, thương mại và giá cả đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Điều 4. Quy trình phối hợp
1. Đối với từng chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cơ quan chủ trì phối hợp đề xuất mục tiêu, giải pháp chính sách, biện pháp điều hành; đề xuất các nội dung mà cơ quan phối hợp có ý kiến tham gia và loại thông tin cơ quan phối hợp phải cung cấp, thời hạn và hình thức tham gia và cung cấp thông tin.
2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ do Chính phủ quy định và trách nhiệm của các Bộ quy định tại Quy chế này, Cơ quan phối hợp có trách nhiệm cung cấp thông tin, tham gia ý kiến theo yêu cầu.
3. Trong quá trình thực hiện, Cơ quan chủ trì và Cơ quan phối hợp có trách nhiệm theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách và mục tiêu kinh tế vĩ mô thuộc phạm vi phối hợp của Quy chế này. Trường hợp Cơ quan phối hợp phát hiện có vấn đề trong nội dung hoặc thực thi chính sách và mục tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan, thì thông báo ngay bằng văn bản hoặc các hình thức khác với Cơ quan chủ trì để báo cáo Ban chỉ đạo xử lý hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
4. Đối với từng chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cơ quan chủ trì tổng hợp tình hình và kết quả phối hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan phối hợp khác; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG TỪNG NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 5. Phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tập trung vào: tốc độ tăng trưởng GDP; tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bao gồm: đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn trái phiếu Chính phủ), vốn tín dụng nhà nước, đầu tư của các loại hình doanh nghiệp, đối tác công - tư; và tiêu dùng xã hội.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các nội dung thuộc chức năng thẩm quyền của mình như sau:
a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin về tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, lãi suất, ưu đãi tín dụng cho các ngành, lĩnh vực và các vấn đề cần thiết khác; có ý kiến về mục tiêu tăng trưởng GDP, tốc độ tăng tín dụng phát triển, quy mô phát hành vốn trái phiếu Chính phủ, v.v...
b) Bộ Tài chính cung cấp thông tin về dự toán và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; công tác huy động vốn qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và các kênh huy động khác; kế hoạch và tình hình thực hiện vốn tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng; ưu đãi khác của Nhà nước; diễn biến huy động và kết quả huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán; dự kiến thay đổi các chính sách, chế độ về thu, chi ngân sách hàng năm.
c) Bộ Công Thương cung cấp thông tin về định hướng điều hành xuất nhập khẩu; điều hành thương mại, quản lý thị trường trong nước và các vấn đề cần thiết khác; sản xuất trong nước, trong đó lưu ý đến sản lượng khai thác dầu thô, than, v.v...; có ý kiến về tăng trưởng của các ngành công nghiệp, thương mại, tiêu dùng xã hội, v.v...
3. Định kỳ hàng quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Điều 6. Phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát, trong đó tập trung vào: tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế, tổng phương tiện thanh toán, lãi suất, cán cân thanh toán, tỷ giá.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong các nội dung thuộc chức năng thẩm quyền của mình như sau:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nhu cầu vốn đầu tư, khả năng huy động và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn tín dụng nhà nước; có ý kiến về điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng, lãi suất, tỷ giá, tổng phương tiện thanh toán, cán cân thanh toán và các vấn đề cần thiết khác.
b) Bộ Tài chính chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin về điều hành giá; cung cấp thông tin về thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá, vốn huy động qua thị trường chứng khoán, quản lý nợ nước ngoài; có ý kiến về điều hành tỷ giá, lãi suất, tổng phương tiện thanh toán và các vấn đề cần thiết khác.
c) Bộ Công Thương cung cấp thông tin về điều hành xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, điều hành thị trường trong nước, bảo đảm cung cầu hàng hóa; có ý kiến về điều hành tỷ giá, cán cân thanh toán và các vấn đề cần thiết khác.
3. Định kỳ hàng quý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phối hợp xây dựng và điều hành mục tiêu lạm phát.
Điều 7. Phối hợp điều hành cân đối thu - chi Ngân sách Nhà nước
1. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và thực hiện chính sách tài khóa, bao gồm cân đối thu, chi, bội chi Ngân sách Nhà nước; quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong các nội dung thuộc chức năng thẩm quyền của mình như sau:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, tình hình phát triển của các thành phần kinh tế, tổng chi đầu tư toàn xã hội, các cân đối lớn của nền kinh tế, bao gồm: cân đối tích lũy - tiêu dùng, cân đối đầu tư - tiết kiệm; có ý kiến về cơ cấu chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, cân đối thu chi ngân sách, nợ công, chính sách thuế, phí.
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin về lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, cán cân thanh toán, v.v...; có ý kiến về xác định lãi suất trái phiếu chính phủ, bố trí ngoại tệ cho chi trả nợ nước ngoài và viện trợ, kết nối hệ thống thanh toán phục vụ hoạt động thu thuế, phí.
c) Bộ Công Thương cung cấp thông tin về điều hành xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, điều hành thị trường trong nước, lộ trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế, v.v...; có ý kiến về điều hành chính sách thuế.
3. Định kỳ hàng quý, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phối hợp cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước.
Điều 8. Phối hợp xây dựng và điều hành thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và cán cân thương mại
1. Bộ Công Thương chủ trì điều hành thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và cán cân thương mại, trong đó tập trung vào: phát triển thị trường trong nước; xuất nhập khẩu, cán cân thương mại.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong các nội dung thuộc chức năng thẩm quyền của mình như sau:
a) Bộ Tài chính cung cấp thông tin về chính sách thuế xuất nhập khẩu, chính sách thuế đối với các ngành sản xuất gắn với hoạt động xuất nhập khẩu; có ý kiến về điều hành xuất nhập khẩu, điều hành sản xuất và thương mại trong nước và các vấn đề cần thiết khác; cung cấp thông tin tổng hợp, dự báo về thị trường chứng khoán trong nước và một số nước, khu vực chính.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin tổng hợp, dự báo về kinh tế thế giới, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của một số nước và khu vực chính; cung cấp thông tin trong nước về tăng trưởng kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, v.v...; có ý kiến về điều hành xuất nhập khẩu và thị trường trong nước, v.v...
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin về tỷ giá, tín dụng cho thương mại, tín dụng cho tiêu dùng; có ý kiến về điều hành cán cân thương mại; cung cấp thông tin tổng hợp, dự báo tình hình lạm phát của một số nước và khu vực chính.
3. Định kỳ hàng quý, Bộ Công Thương chủ trì tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả phối hợp điều hành thương mại trong nước, xuất nhập khẩu và cán cân thương mại.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ quan thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo liên Bộ (Kế hoạch và Đầu tư - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Tài chính - Công Thương) do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, các thành viên bao gồm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương.
2. Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên Bộ:
a) Thành viên Ban Chỉ đạo liên Bộ có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành các đơn vị, cá nhân liên quan thuộc thẩm quyền thực hiện Quy chế này.
b) Mỗi cơ quan thành lập Tổ điều phối với thành phần là đại diện các đơn vị trực thuộc có liên quan, là đầu mối thực hiện: phối hợp với Tổ điều phối của các cơ quan khác; tổng hợp, phân tích và tham vấn chính sách; tham mưu thực hiện các nội dung điều phối chính sách quy định tại quy chế này và các quy định có liên quan. Quy chế hoạt động của mỗi Tổ điều phối sẽ do cơ quan Thành viên Ban chỉ đạo xây dựng và ban hành căn cứ vào chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm phối hợp của mình.
c) Các cơ quan thống nhất thành lập Tổ Công tác liên Bộ do Tổ trưởng Tổ điều phối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo liên Bộ; thành viên của Tổ Công tác liên Bộ là đại diện của Tổ điều phối tại bốn cơ quan.
d) Ban Chỉ đạo liên Bộ họp định kỳ hàng quý để trao đổi, thảo luận, tham vấn các nội dung được quy định tại Quy chế này.
e) Ban Chỉ đạo liên Bộ, Tổ công tác liên Bộ cần phối hợp hoạt động với một số nhóm công tác khác như Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Tổ Công tác liên ngành về thị trường trong nước.
h) Ban Chỉ đạo liên Bộ, thường trực Tổ Công tác liên Bộ được nhận các thông tin hàng tháng và thông tin đột xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số cơ quan khác.
3. Vào Quý I hàng năm, các cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch hành động thực hiện nhiệm vụ phối hợp trong năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, định kỳ hàng quý tập hợp, đánh giá kết quả phối hợp trong điều hành các mục tiêu kinh tế vĩ mô được nêu tại Chương III của Quy chế này báo cáo Thủ tướng Chính phủ; gửi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, và các cơ quan khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc quyết định của Ban Chỉ đạo liên Bộ.
5. Chế độ làm việc của Tổ Công tác liên Bộ:
a) Tổ Công tác liên Bộ họp định kỳ hàng quý, trước khi cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên Bộ diễn ra ít nhất 1 tuần.
b) Tổ Công tác liên Bộ có thể họp bất thường khi xét thấy cần trao đổi về thực hiện hoạt động phối hợp và những vấn đề liên quan cần phối hợp công tác.
c) Tổ Công tác liên Bộ có thể tổ chức sinh hoạt chuyên đề để tham khảo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học.
6. Cung cấp, chia sẻ thông tin:
a) Tổ Công tác liên Bộ tiến hành trao đổi, thống nhất danh mục thông tin mỗi cơ quan cần cung cấp cho các cơ quan khác trong từng thời kỳ để thực hiện Quy chế này.
b) Tổ điều phối của mỗi cơ quan định kỳ cung cấp, chia sẻ thông tin cho các Tổ điều phối khác theo điểm a, khoản 6, Điều 9 của Quy chế này.
c) Ngoài danh mục chỉ tiêu thông tin thống kê định kỳ, thông tin dưới các hình thức khác như kết quả khảo sát, số liệu ước tính, kết quả dự báo, báo cáo tình hình thực hiện, báo cáo đánh giá, và những thông tin cụ thể khác theo yêu cầu đều được chia sẻ cho các Tổ điều phối có liên quan. Thông tin cung cấp chỉ được sử dụng để soạn thảo, theo dõi và đánh giá thực hiện các nội dung trong phạm vi phối hợp của Quy chế này.
Đối với những thông tin thuộc Danh mục bảo vệ bí mật nhà nước, các bên thống nhất hình thức cung cấp thông tin phù hợp đối với từng loại thông tin và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
d) Thông tin được cung cấp dưới hình thức văn bản, dữ liệu dưới dạng điện tử (email và/hoặc trang tin điện tử chung); văn bản giấy; quyền truy cập, khai thác thông tin và hệ thống dữ liệu.
e) Thời điểm cung cấp thông tin:
- Báo cáo tháng: trước ngày 25 hàng tháng.
- Báo cáo quý: trước ngày 15 của tháng đầu tiên trong quý tiếp theo.
- Báo cáo năm: trong tháng đầu tiên của năm tiếp theo.
- Thời điểm và nội dung cung cấp thông tin có thể thay đổi tùy thuộc vào yêu cầu kịp thời và mức độ quan trọng của thông tin tại từng thời điểm cụ thể.
7. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo liên Bộ, Tổ công tác liên Bộ và các Tổ điều phối do Ngân sách Nhà nước đảm bảo, được bố trí trong phạm vi dự toán chi quản lý hành chính được giao hàng năm của cơ quan chủ trì để thực hiện.
8. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề mới, các cơ quan tiến hành trao đổi, thống nhất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
BỘ TRƯỞNG
| THỐNG ĐỐC |
BỘ TRƯỞNG | BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
- 1 Thông báo 109/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp quý I năm 2015 của các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 215/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 3 Nghị định 156/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- 4 Quyết định 1317/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị định 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 6 Nghị định 36/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 7 Nghị định 08/2012/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ
- 8 Công văn 1788/VPCP-KSTT về xây dựng Đề án cải cách thể chế và tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011 - 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9 Nghị định 116/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- 1 Thông báo 109/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp quý I năm 2015 của các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 1788/VPCP-KSTT về xây dựng Đề án cải cách thể chế và tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011 - 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành