UBND TỈNH BẮC GIANG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1094/QCPH-YT-NN-CT | Bắc Giang, ngày 28 tháng 08 năm 2015 |
CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm (ATTP) ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐCP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công phối hợp trong quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm (Sau đây viết tắt là Thông tư số 13);
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương và tình hình thực tế tại địa phương;
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương thống nhất xây dựng quy chế phối hợp như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về quan hệ phối hợp giữa Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương (sau đây được gọi chung là “cơ quan”) đối với công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
2. Nguyên tắc phối hợp
a) Quan hệ phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan đã được pháp luật quy định bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP.
b) Việc phối hợp giữa các cơ quan phải bảo đảm tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về ATTP theo chuyên ngành; tránh chồng chéo, hình thức, bỏ trống nhiệm vụ; thực hiện theo đúng nguyên tắc, nghiệp vụ, chuyên môn, chế độ bảo mật của mỗi cơ quan.
c) Thực hiện đúng nguyên tắc quản lý nhà nước và hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm được quy định tại Điều 3, 4, 5 Thông tư số 13; bảo đảm không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
d) Phối hợp giải quyết các vụ việc cụ thể phải thận trọng, khách quan, toàn diện, triệt để, thống nhất quan điểm và đúng pháp luật. Việc chủ trì phối hợp phải do cơ quan thụ lý hồ sơ chịu trách nhiệm.
đ) Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của các đơn vị liên quan. Trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết thì phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền của cơ quan tham gia phối hợp xem xét, quyết định.
3. Phạm vi phối hợp
a) Công tác tham mưu, đề xuất, xây dựng và sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến lĩnh vực ATTP.
b) Trao đổi thông tin liên quan đến công tác quản lý nhà nước về ATTP.
c) Công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP.
d) Công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm về ATTP.
đ) Xây dựng lực lượng và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP.
4. Hình thức phối hợp
Tùy theo từng nội dung, công việc để tiến hành hình thức phối hợp cụ thể:
a) Trao đổi thông tin bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản cho cơ quan liên quan.
b) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn; giao ban định kỳ hoặc đột xuất.
c) Trực tiếp trao đổi thông tin trong quá trình phối hợp triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP.
d) Trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo của các cơ quan, các đơn vị được giao làm đầu mối phối hợp và các đơn vị trực thuộc.
đ) Cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP; xử lý hoặc thông báo, chuyển hồ sơ cho cơ quan khác có thẩm quyền để xử lý vi phạm về ATTP.
1. Phối hợp trong quá trình tham mưu, xây dựng và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm
a) Các cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách... hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản về lĩnh vực ATTP, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trước khi ký ban hành, có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. Cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn yêu cầu.
b) Trước khi tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách... về lĩnh vực ATTP, khi cần thiết cơ quan chủ trì chủ động trao đổi, thống nhất với cơ quan, đơn vị có liên quan về cách thức và biện pháp tổ chức triển khai thực hiện.
2. Phối hợp trao đổi thông tin liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
a) Những thông tin cần trao đổi:
- Các văn bản pháp luật, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và của từng cơ quan có liên quan đến công tác bảo đảm ATTP.
- Diễn biến tình hình về ATTP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ở Việt Nam và trên thế giới có ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ATTP.
- Tình hình vi phạm pháp luật về ATTP do từng cơ quan nắm bắt được.
- Cung cấp danh sách, hồ sơ của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP và các sự cố về ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có yêu cầu của từng cơ quan.
- Cung cấp, chia sẻ thông tin nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng ... các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ATTP; các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị mới, các chỉ tiêu kiểm nghiệm cần thiết phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP.
b) Việc cung cấp, trao đổi, sử dụng và lưu giữ thông tin phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo mật và theo quy định riêng của mỗi cơ quan; chỉ được cung cấp, trao đổi thông tin khi được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền đồng ý.
c) Việc trao đổi thông tin đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, có hiệu quả. Trường hợp đột xuất cần phải phối hợp xử lý thông tin kịp thời thì lãnh đạo các cơ quan trao đổi trực tiếp qua điện thoại vào bất kỳ thời điểm nào.
d) Trường hợp phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn hoặc giao ban định kỳ, đột xuất. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm bố trí kinh phí và bảo đảm các điều kiện để triển khai, thực hiện theo quy định.
3. Công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm
a) Tùy theo tình hình thực tế các cơ quan thống nhất chọn lĩnh vực, địa bàn, hình thức, nội dung trọng điểm để xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và kiến thức, thực hành đúng về ATTP cho các nhóm đối tượng truyền thông, bao gồm: các nhà lãnh đạo, quản lý; người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
b) Nội dung tuyên truyền cần tập trung truyền tải tới đối tượng truyền thông các quy định của pháp luật về ATTP; kiến thức, thực hành đúng về ATTP; ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm; biện pháp phòng chống các sự cố về ATTP... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo đảm chấp hành đúng các quy định pháp luật về ATTP của toàn bộ “chuỗi cung cấp thực phẩm”, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
4. Công tác phối hợp liên ngành trong quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm
a) Các cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đơn vị trực thuộc và các đơn vị thuộc hệ thống của từng ngành ở các địa phương (huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn) để chủ động, chủ trì thực hiện các công việc sau đây:
- Xác định các sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực của từng ngành, địa phương được phân công quản lý để hằng năm tổ chức quản lý và đưa vào kế hoạch kiểm tra chuyên ngành hoặc phối hợp với các cơ quan khác cùng cấp có liên quan kiểm tra liên ngành;
- Triển khai hoạt động kiểm tra chuyên ngành về ATTP đối với tuyến huyện, thành phố: Các đơn vị chức năng của từng ngành ở các huyện, thành phố, hằng năm có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức, thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành thường xuyên, định kỳ, đột xuất đối với các sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm và địa bàn được phân công quản lý; đề xuất với Chủ tịch UBND các cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Riêng đối với tuyến xã, phường, thị trấn không triển khai kiểm tra chuyên ngành về ATTP (chỉ thực hiện kiểm tra liên ngành theo hướng dẫn tại Thông báo số 133/TB-BCĐLN ngày 13/5/2015 của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh về kết quả làm việc của các Đoàn công tác liên ngành với UBND huyện, thành phố).
- Triển khai hoạt động kiểm tra liên ngành về ATTP:
+ Đối với hoạt động kiểm tra liên ngành tại tuyến huyện, thành phố: Đơn vị thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP ở địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan cùng cấp tham mưu với UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra về ATTP hằng năm; quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phân công đơn vị phụ trách đoàn kiểm tra và địa bàn kiểm tra. Việc phân công phụ trách đoàn kiểm tra liên ngành dựa trên cơ sở: Sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm chủ yếu trong kế hoạch kiểm tra thuộc lĩnh vực của ngành nào thì đơn vị chức năng tương ứng thuộc ngành, lĩnh vực ở địa phương đó chịu trách nhiệm phụ trách đoàn kiểm tra liên ngành;
+ Đối với hoạt động kiểm tra liên ngành tại tuyến xã, phường, thị trấn: Đơn vị thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP ở địa phương phối hợp với các đơn vị, bộ phận có liên quan cùng cấp tham mưu với chính quyền địa phương quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP (theo hướng dẫn tại Thông báo số 133/TB-BCĐLN ngày 13/5/2015 của BCĐLN về ATTP tỉnh). UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp chủ trì, chỉ đạo triển khai hoạt động kiểm tra liên ngành thường xuyên, định kỳ, đột xuất về bảo đảm ATTP đối với các chợ; sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý trên địa bàn; đề xuất với Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc cấp trên và cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý các vi phạm về ATTP nhằm khắc phục tình trạng chỉ nhắc nhở, không xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
- Định kỳ 6 tháng, hằng năm, đơn vị thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP và đơn vị chức năng ở địa phương có trách nhiệm tổng hợp tình hình kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý được phân công và báo cáo cơ quan chủ quản, UBND cấp trên theo quy định.
b) Các cơ quan triển khai công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý được phân công:
- Các cơ quan, đơn vị chức năng có trách nhiệm chủ động điều tra, xác định các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý để hằng năm tổ chức quản lý theo quy định. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực ATTP phải tích cực triển khai công tác cải cách hành chính công, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc nhiều cơ quan, đơn vị quản lý thì cơ quan chủ trì mời thành viên của các cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia thẩm định cơ sở; khi tiếp nhận quảng cáo thực phẩm có tác dụng tới sức khỏe con người, các cơ quan chủ trì phải lấy ý kiến của Sở Y tế hoặc đơn vị chức năng thuộc ngành Y tế.
- Theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý về ATTP, mỗi cơ quan chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc ngành mình chủ động tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và xử lý vi phạm về ATTP theo thẩm quyền, tránh bỏ sót, tránh chồng chéo, làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở thực phẩm.
- Trường hợp triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành:
+ Cơ quan chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng cấp phân công cơ quan phụ trách đoàn thanh tra, kiểm tra; thống nhất nội dung, địa bàn kiểm tra với đối tượng thanh tra, kiểm tra được tập trung là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nhiều nhóm hàng thực phẩm do nhiều cơ quan, đơn vị được phân công quản lý. Việc phân công phụ trách đoàn thanh tra, kiểm tra dựa trên cơ sở: Sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm chủ yếu trong kế hoạch kiểm tra thuộc ngành nào thì đơn vị chức năng tương ứng thuộc ngành đó chịu trách nhiệm phụ trách đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Cơ quan chủ trì, cơ quan phụ trách đoàn thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện phục vụ hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành theo quy định tài chính hiện hành;
+ Khi có đề nghị của cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra liên ngành, cơ quan phối hợp hoặc tham gia xử lý phải có trách nhiệm cử cán bộ để tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP;
+ Cơ quan phụ trách đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành có trách nhiệm cử Trưởng đoàn, thư ký đoàn thanh tra, kiểm tra; ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Trưởng đoàn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, kiểm tra và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý, tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra liên ngành cho cơ quan chủ trì tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra và cơ quan chủ quản, các cơ quan tham gia;
+ Thành viên trong đoàn thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thực hiện kiểm tra theo sự phân công của Trưởng đoàn và chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn về kết quả kiểm tra, xử lý;
+ Khi phát hiện sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm không bảo đảm các quy định về ATTP hoặc cơ sở thực phẩm không hợp tác trong việc kiểm tra, cơ quan chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý hành vi vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời thông báo cho cơ quan được phân công quản lý biết việc xử lý, kết quả xử lý để theo dõi, quản lý;
+ Trong khi thi hành công vụ, đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc cơ quan nào gặp tình huống cần sự hỗ trợ về lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị khác thì các cơ quan liên quan phải tạo điều kiện hỗ trợ để giải quyết tình huống kịp thời theo yêu cầu;
+ Trước khi ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra hoặc quyết định xử lý vi phạm về ATTP, cơ quan chủ trì/cơ quan phụ trách đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành phải lấy ý kiến của lãnh đạo các cơ quan tham gia đoàn liên ngành. Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành, việc tổng hợp báo cáo kết quả, ban hành kết luận, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra sẽ do đoàn liên ngành và cơ quan chủ trì, người ra quyết định thanh tra, kiểm tra chỉ đạo, thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ 6 tháng, hằng năm, các cơ quan, đơn vị chức năng có trách nhiệm tổng hợp tình hình thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý được phân công và báo cáo cơ quan chủ quản, đơn vị thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Bắc Giang để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan cấp trên theo quy định.
5. Công tác nghiên cứu khoa học; xây dựng lực lượng và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm
- Công tác xây dựng lực lượng: Các cơ quan có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo hoặc chủ động hướng dẫn kịp thời các địa phương, đơn vị chức năng trong ngành bố trí đủ cán bộ chuyên trách/ kiêm nhiệm làm công tác ATTP tại cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP của huyện, thành phố (phòng Y tế, phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế hạ tầng/phòng kinh tế) và ở các xã, phường, thị trấn để bảo đảm có cán bộ trực tiếp quản lý, theo dõi, triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP theo lĩnh vực quản lý của từng ngành, từng địa phương đã được phân công, phân cấp quản lý.
- Mỗi cơ quan, khi có kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác ATTP trong ngành sẽ chủ động trao đổi, phối hợp với cơ quan liên quan để cử cán bộ tham gia nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác ATTP của các cơ quan, các địa phương.
- Trong nghiên cứu khoa học hoặc tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá định kỳ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ATTP..., các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc chủ nhiệm đề tài chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để trao đổi thông tin, cử cán bộ tham gia hoặc ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp thực hiện.
1. Các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các phòng, đơn vị chức năng thuộc ngành, các địa phương phối hợp triển khai thực hiện quy chế này.
2. Giao cho các đơn vị, phòng chức năng của các cơ quan làm đầu mối phối hợp thực hiện quy chế này, cụ thể:
- Giao cho Thanh tra các sở chủ động phối hợp triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý các vi phạm về ATTP theo quy định.
- Sở Y tế giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Sở NN&PTNT giao cho Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản; Sở Công Thương giao cho phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường làm đầu mối tham mưu, triển khai, thực hiện quy chế này; chủ động phối hợp triển khai thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc các đơn vị làm đầu mối có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu, đề xuất với Giám đốc các cơ quan để trao đổi, thống nhất sửa đổi, bổ sung quy chế này cho phù hợp./.
SỞ NN & PTNT | SỞ CÔNG THƯƠNG | |
| SỞ Y TẾ | |
|
|
|
- 1 Công văn 5272/ATTP-KN năm 2015 về phân nhóm sản phẩm nước trái cây lên men do Cục An toàn thực phẩm ban hành
- 2 Quyết định 708/QĐ-UBND-HC năm 2015 ban hành quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 3 Quyết định 1506/QĐ-UBND năm 2015 Quy định phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 4 Quyết định 4141/QĐ-UBND năm 2014 quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong ngành y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 5 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công thương ban hành
- 6 Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 7 Luật an toàn thực phẩm 2010
- 1 Quyết định 4141/QĐ-UBND năm 2014 quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong ngành y tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 2 Quyết định 1506/QĐ-UBND năm 2015 Quy định phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 3 Quyết định 708/QĐ-UBND-HC năm 2015 ban hành quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 4 Công văn 5272/ATTP-KN năm 2015 về phân nhóm sản phẩm nước trái cây lên men do Cục An toàn thực phẩm ban hành