Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ CÔNG AN - TỔNG CỤC HẢI QUAN - TỔNG CỤC CẢNH SÁT
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 3012/QCPH/TCHQ-TCCS

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2003

 

QUY CHẾ PHỐI HỢP

GIỮA TỔNG CỤC HẢI QUAN - BỘ TÀI CHÍNH VÀ TỔNG CỤC CẢNH SÁT - BỘ CÔNG AN TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ CÁC HÀNH VI KHÁC VI PHẠM PHÁP LUẬT

Căn cứ Luật hải quan ngày 29 tháng 06 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh cảnh sát nhân dân ngày 28/01/1989
Căn cứ Nghị định 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan.
Căn cứ Quyết định số 12/QĐ/BNV ngày 18/06/1981 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Tổng cục Cảnh sát nhân dân (nay là Tổng cục Cảnh sát).
Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an thống nhất ban hành Quy chế phối hợp hoạt động trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi khác vi phạm pháp luật với những nội dung sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quy chế này quy định sự phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an (sau đây gọi chung là hai lực lượng) trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (gọi chung là tội phạm) và các hành vi khác vi phạm pháp luật.

2. Quan hệ phối hợp phải dựa trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được pháp luật quy định cho từng lực lượng, nhằmt tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nghiêm cấm việc lợi dụng Quy chế này để làm trái pháp luật và ảnh hưởng đến uy tín của mỗi lực lượng.

3. Hoạt động phối hợp phải đảm bảo nguyên tắc và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi lực lượng. Khi phối hợp thực hiện một công việc cụ thể phải có kế hoạch được lãnh đạo có thẩm quyền của hai lực lượng phê duyệt. Những vướng mắc phát sinh phải được bàn bạc, giải quyết trên cơ sở tôn trọng pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của hai lực lượng. Trong trường hợp không thống nhất phương hướng giải quyết thì báo cáo kịp thời với lãnh đạo có thẩm quyền xem xét quyết định.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. TRAO ĐỔI THÔNG TIN, TÀI LIỆU NGHIỆP VỤ:

1. Nguyên tắc trao đổi:

- Việc trao đổi, cung cấp tài liệu nghiệp vụ, hồ sơ vụ, việc và các tài liệu mật phải đúng quy định của pháp luật, chế độ công tác hồ sơ của mỗi lực lượng và phải được phê duyệt của lãnh đạo có thẩm quyền.

- Việc trao đổi thông tin và xử lý tin báo, tố giác tội phạm thực hiện theo Thông tư liên ngành số 03 - TTLN ngày 15/05/1992 của Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổng cục Hải quan.

2. Nội dung trao đổi:

- Những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và hai ngành; Tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi lực lượng liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

- Những sơ hở, thiếu sót hoặc thay đổi trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy trình nghiệp vụ của hai lực lượng; Tình hình, phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên phạm vi cả nước và những tuyến, địa bàn trọng điểm; Những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

- Những thông tin của Tổ chức cảnh sát quốc tế, Tổ chức Hải quan thế giới và các tổ chức quốc tế khác có liên quan về các tổ chức, đối tượng tội phạm quốc tế và trong nước.

- Các tài liệu nghiệp vụ, hồ sơ vụ, việc khi có yêu cầu của mỗi bên.

- Những tài liệu, thông tin để phục vụ tuyên truyền về pháp luật, về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; gương người tốt việc tốt của mỗi lực lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

B. PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG:

1. Trong địa bàn hoạt động Hải quan:

- Khi có yêu cầu của lực lượng Hải quan, lực lượng Cảnh sát có trách nhiệm hỗ trợ lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ để phhối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, bắt giữ, xử lý tội phạm và các hành vi khác vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng chống người thì hành công vụ nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong địa bàn hoạt động hải quan.

- Khi lực lượng Cảnh sát có yêu cầu tiến hành các hoạt động điều tra, bắt giữ, xử lý tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ và các chất ma tuý qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật hải quan thì trao đổi trước với lãnh đạo Hải quan có thẩm quyền để phối hợp thực hiện.

2. Ngoài địa bàn hoạt động hải quan:

- Khi lực lượng Cảnh sát có yêu cầu, lực lượng Hải quan các cấp có trách nhiệm hỗ trợ lực lượng, phương tiện, biện pháp để phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, bắt giữ, xử lý tội phạm và các hành vi khác vi phạm pháp luật. 

- Khi có yêu cầu của lực lượng Hải quan, lực lượng cảnh sát các cấp có trách nhiệm hỗ trỡ lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ thực hiện việc xác minh, truy đuổi, truy tìm, bắt giữ tội phạm hoặc đối tượng có hành vi khác vi phạm pháp luật từ địa bàn hoạt động hải quan chạy ra.

3. Đối với những vụ, việc cụ thể:

a) Những vụ án điều tra, xử lý theo trình tự tố tụng hình sự:

- Các vụ án do lực lượng Hải quan xác lập, điều tra theo thẩm quyền, khi có yêu cầu phối hợp bằng văn bản và được lãnh đạo lực lượng cảnh sát có thẩm quyền phê duyệt thì lực lượng Cảnh sát phải thực hiện theo đúng những quy định phối hợp được nêu tại điểm 1, 2 trên. Trong trường hợp phải tạm giam, tạm giữ đối tượng vi phạm thì lực lượng cảnh sát tiếp nhận theo đúng quy định của phát luật. Khi lực lượng Hải quan chuyển giao hồ sơ vụ án thì lực lượng cảnh sát có trách nhiệm tiếp nhận, điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Kết thúc điều tra, lực lượng cảnh sát phải thông báo bằng văn bản kết quả điều tra, xử lý cho lực lượng Hải quan.

- Đối với các chuyên án do lực lượng cảnh sát xác lập, điều tra, khi có yêu cầu phối hợp bằng văn bản và được lãnh đạo lực lượng Hải quan có thẩm quyền phê duyệt thì lực lượng Hải quan phải thực hiện theo đúng những quy định phối hợp được nêu tại điểm 1.2 trên. Khi kết thúc điều tra, lực lượng Cảnh sát thông báo bằng văn bản kết quả điều tra, xử lý những vấn đề liên quan cho lực lượng Hải quan phối hợp.

- Trong trường hợp khẩn cấp để ngăn chặn hành vi phạm tội, bắt giữ đối tượng, phương tiện, tang vật phạm pháp, lực lượng được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng kịp thời, đồng thời báo cáo ngay lên cấp trên trực tiếp.

b) Những vụ, việc xử lý theo trình tự hành chính:

Với những vụ, việc vi phạm hành chính hoặc những vụ, việc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà hai lực lượng phối hợp điều tra thì phải bàn bạc để thống nhất hình thức, mức độ xử lý theo đúng các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp không thống nhất, phải báo cáo cấp trên trực tiếp của hai lực lượng để chỉ đạo.

C. NHỮNG QUAN HỆ PHỐI HỢP KHÁC

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ của mỗi lực lượng có dấu hiệu, hành vi tiêu cực hoặc vi phạm pháp luật thì thông báo kịp thời  cho lãnh đạo trực tiếp của cán bô, chiến sĩ đó để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giáo dục, quản lý và xử lý

- Quá trình xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm, hai lực lượng hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và tham gia ý kiến chỉ đạo khi có đề nghị. Mỗi bên phải có trách nhiệm giữ bí mật những thông tin, tài liệu đã cung cấp.

- Hai lực lượng hỗ trợ, phối hợp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

- Hỗ trợ tư vấn trang bị, huấn luyện sử dụng những phương tiện nghiệp vụ, trang thiết bị mới đựơc trang bị.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế - Tổng cục Cảnh sát giúp lãnh đạo hai tổng cục tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

- Định kỳ hàng năm, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Cảnh sát sơ kết kết quả thực hiện Quy chế và đề ra phương hướng tiếp tục phối hợp.

- Định kỳ 6 tháng một lần, Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát Kinh tế tổ chức trao đổi, đánh giá kết quả phối hợp, kiến nghị và giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền.

- Phòng Tham mưu chống buôn lậu và Phòng Cảnh sát Kinh tế là đầu mối liên lạc giữa Cục hải quan và Công an cấp tỉnh, thành phố định kỳ 3 tháng một lần tổ chức giao ban, đánh giá kết quả phối hợp hoạt động và kiến nghị những vấn đề vướng mắc.

- Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát Hải quan và Công an cấp quận, huyện và tương đương (trên địa bàn có lực lượng Hải quan) định kỳ hàng thágn giao ban để đánh giá kết quả phối hợp.

- Trong trường hợp cấn thiết phải bàn bạc để giải quyết những vấn đề cụ thể mở mỗi cấp thì lãnh đạo cấp đó của hai lực lượng trao đổi thống nhất biện pháp giải quyết.

- Lãnh đạo đơn vị Hải quan và cảnh sát các cấp khi cần thiết có thể phối hợp kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, tổ chức, cá nhân có thành tích thì được khen thưởng ; nếu vi phạm thì bị xử lý kỷ luật.

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung thì báo cáo kịp thời lãnh đạo hai Tổng cục xem xét giải quyết./.

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Túc

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC CẢNH SÁT
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Ngọc Oánh