BỘ THƯƠNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4794-TN-XNK | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 1991 |
Để việc ký kết HĐMBHHNgT phù hợp luật pháp Việt Nam, tập quán thương mại quốc tế và đạt hiệu quả kinh tế;
Căn cứ tình hình hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua, Bộ Thương nghiệp ban hành "Quy định tạm thời hướng dẫn việc ký kết HĐMBHHNgT" như sau:
1. Khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương.
Hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương là hợp đồng mua bán hàng hoá có tính chất quốc tế. Tính chất này của hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương thể hiện ở những mặt sau:
a. Chủ thể của HĐMBHHNgT là các pháp nhân có quốc tịch khác nhau.
b. Hàng hoá là đối tượng của hợp đồng thông thường được di chuyển từ nước này qua nước khác.
c. Đồng tiền thanh toán trong HĐMBHHNgT là ngoại tệ đối với một hoặc cả hai bên ký kết hợp đồng.
2. Chủ thể của Hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương.
Về phía Việt Nam chỉ có các tổ chức kinh tế được Bộ thương nghiệp cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu mới được quyền ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương. Người ký kết HĐMBHHNgT là Giám đốc hoặc là người được giám đốc uỷ quyền bằng văn bản.
Mọi HĐMBHHNgT do các tổ chức kinh tế chưa được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ký kết đều không có giá trị hiệu lực. Các tổ chức nói trên chỉ có quyền tham gia đàm phán với tổ chức kinh tế nước ngoài cùng với tổ chức kinh tế đã được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu và uỷ thác cho tổ chức này ký kết HĐMBHHNgT.
3.Khi chuẩn bị đàm phán ký kết HĐMBHHNgT các tổ chức kinh tế Việt Nam cần tìm hiểu kỹ bạn hàng nước ngoài về năng lực pháp lý, khả năng tài chính v.v... (thông qua Phòng Thương mại -Công nghiệp Việt Nam, Vụ Chính sách thị trường nước ngoài Bộ Thương nghiệp và các vụ hữu quan,các cơ quan đại diện thương nghiệp và các vụ hữu quan, các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài).
4. Hàng hoá là đối tượng của HĐMBHHNgT phải có tính hợp pháp, tức là không thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; và phải theo đúng các quy định về quản lý hạn ngạch (Quota), ngành hàng, mặt hàng đăng ký trong giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu và theo những quy định khác của Nhà nước về xuất nhập khẩu.
5. Hình thức của hợp đồng:
Hợp đồng HĐMBHHNgT phải được làm bằng văn bản. Mọi thoả thuận bằng thư từ, điện tín, telex, fax cũng được coi là HĐMBHHNgT nếu đảm bảo được các nội dung chủ yếu của một hợp đồng. Mọi hình thức thoả thuận bằng miệng hoặc các văn bản không có chữ ký của người có thẩm quyền của hai bên đều không có giá trị hiệu lực.
Mọi sửa đổi, bổ sung HĐMBHHNgT cũng phải được làm bằng văn bản.
II. QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ NGOẠI THƯƠNG
Hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương cần có có những điều khoản chủ yếu như sau:
1. Tên hàng.
2. Số lượng và cách xác định theo tập quán buôn bán thế giới.
3. Quy cách, phẩm chất và cách xác định theo tập quán buôn bán thế giới.
4. Thời hạn và địa điểm giao hàng.
5. Giá cả và điều kiện giao hàng.
6. Phương thức thanh toán và chứng từ thanh toán.
Ngoài các điều khoản chủ yếu trên, tuỳ theo tính chất của từng thương vụ mà hợp đồng có thể quy định thêm một hoặc nhiều điều khoản sau đây:
1. Bao bì - ký mã hiệu.
2. Kiểm tra và giám định hàng hoá xuất nhập khẩu.
3a. Phân biệt việc kiểm tra quy cách phẩm chất hàng hoá trước khi giao hàng là trách nhiệm thông thường của người bán với việc giám định số lượng, khối lượng, trọng lượng, quy cách phẩm chất do một tổ chức giám định độc lập, trung lập làm trước khi giao hàng, khi phát hiện hàng bị tổn thất, hoặc khi hàng đến cảng cuối cùng theo quy định của hợp đồng.
3b. Xác định thời gian, địa điểm giám định và tên tổ chức giám định (nếu có) đối với từng loại hàng cho phù hợp.
4. Các trường hợp miễn trách:
4a. Các trường hợp bất khả kháng.
4b. Lỗi của trái chủ (không cung cấp tài liệu hoặc các thông tin cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng; vi phạm điều khoản giám định v. v...).
4c. Các trường hợp khác theo thoả thuận của hai bên ký kết hợp đồng.
5. Chế tài:
5a. Phạt vi phạm hợp đồng do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng: giao hàng chậm, thông báo giao hàng chậm, thanh toán chậm, thông báo tàu chậm (trong trường hợp mua bán theo điều kiện FOB), giao hàng thiếu hoặc không giao hàng v.v...
5b. Bồi thường thiệt hại: Giao hàng không đúng quy cách phẩm chất, giao hàng thiếu số lượng, trọng lượng; không nhận hàng v.v...
6. Việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐMBHHNgT:
6a. Thương lượng, hoà giải, khiếu nại.
6b. Lựa chọn trọng tài: nên chọn hình thức trọng tài quy chế, tức một tổ chức trọng tài thường trực, trung gian, được thành lập chuyên xét xử các tranh chấp về ngoại thương.
7. Những quy định khác tuỳ theo đặc tính của hàng hoá hoặc của việc giao hàng:
- Bảo hành, bảo dưỡng;
- Cử đại diện sang nước người mua hoặc nước người bán giám sát, kiểm tra việc giao hàng.
- Cử chuyên gia lắp ráp, vận hành, hướng dẫn sử dụng trách nhiệm, thời gian, chi phí...).
III. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ NGOẠI THƯƠNG
1. Bộ Thương nghiệp trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan quản lý ngành dọc có quyền giám sát, kiểm tra việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương của tất cả các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam.
2. Các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu được chủ động ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá ngoại thương theo các quy định của Thông tư này và theo các văn bản pháp luật hiện hành.
3. Chế tài: Mọi hành vi ký kết và thực hiện không đúng Thông tư này tuỳ theo trường hợp sẽ bị Bộ Thương nghiệp xem xét xử lý theo các quy định về quản lý xuất nhập khẩu hiện hành.
Quy chế tạm thời này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
| Hoàng Minh Thắng (Đã ký) |