VỀ QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ BỆNH THÁN THƯ (Colletotrichum spp.) HẠI ỚT TRÊN ĐỒNG RUỘNG
National technical regulations on control process to chili anthracnose (Colletotrichum spp.) in the field
Lời nói đầu
QCVN 01 - 138 : 2013/BNNPTNT do Cục Bảo vệ thực vật biên soạn, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành tại Thông tư số 32/2013/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 6 năm 2013.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ QUY TRÌNH PHÒNG TRỪ BỆNH THÁN THƯ (Colletotrichum spp.) HẠI ỚT TRÊN ĐỒNG RUỘNG
National technical regulations on control process to chili anthracnose (Colletotrichum spp.) in the field
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định việc phòng trừ bệnh thán thư (Colletotrichum spp.) hại ớt trên đồng ruộng trong phạm vi cả nước.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc phòng trừ bệnh thán thư (Colletotrichum spp.) hại ớt trên đồng ruộng trên lãnh thổ Việt Nam.
1.3. Giải thích từ ngữ
1.3.1. Bệnh thán thư hại ớt
Là bệnh do nấm Colletotrichum spp. gây ra.
1.3.2. Chỉ số bệnh
Là cường độ bệnh, biểu thị mức độ nhiễm bệnh hại nặng hay nhẹ của cây ở một thời điểm nào đó.
1.3.3. Tỷ lệ bệnh
Là số lượng cá thể bị hại tính theo phần trăm (%) so với tổng số các cá thể điều tra trong quần thể.
1.3.4. Điều tra định kỳ
Là hoạt động điều tra thường xuyên của các cán bộ theo một thời gian định trước trên tuyến điều tra thuộc khu vực điều tra nhằm nắm được diễn biến của bệnh thán thư trên ớt.
1.3.5. Điều tra bổ sung:
Là mở rộng tuyến điều tra hoặc tăng số lần điều tra vào các thời kỳ xung yếu của cây ớt và của bệnh thán thư, đặc thù của các vùng sinh thái hoặc trong vùng dịch, vùng đệm, vùng có nguy cơ nhiễm bệnh nhằm xác định chính xác thời gian phát sinh, diện phân bố và mức độ gây hại của của bệnh ở địa phương, cũng như sự lây lan hoặc tái phát dịch.
2.1. Yêu cầu chung
- Điều tra đầy đủ chính xác diễn biến bệnh thán thư và các yếu tố ngoại cảnh tác động đến sự phát triển của bệnh.
- Đánh giá tình hình bệnh thán thư gây hại, dự báo khả năng phát sinh phát triển và gây hại của của bệnh trong thời gian tới.
- Phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách.
2.2. Các bước thực hiện
2.2.1. Chuẩn bị đất trước khi gieo trồng
- Dọn sạch tàn dư, tiêu hủy cây trồng vụ trước và cỏ dại
- Bón vôi bổ sung để nâng pH lên 5,5 – 6,5. Tùy từng loại đất mà bón lượng vôi phù hợp từ 800 - 1000 kg/ha. Cày trộn đều vôi trong đất, sau đó phơi ải từ 1 - 2 tuần để tiêu diệt mầm bệnh trong đất.
- Bón lót: 10-20 tấn phân chuồng, 300-500 kg super lân, 30-60 kg Kali, 20-30 kg Canxi và 100-150 kg phân NPK (16-16-8) cho 1ha.
- Lên luống: Mùa khô lên luống cao 15 - 20 cm. Mùa mưa lên luống cao 30 – 50 cm.
2.2.2. Xử lý hạt giống
Ngâm hạt giống trong nước nóng tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh (khoảng 500C) trong 30 phút hoặc sử dụng một số thuốc trừ nấm như KMnO4 (1%) ngâm trong 1 – 2 giờ hoặc Kasuran hoà tan 5-7g/1 lít nước, ngâm hạt trong 1 giờ.
2.2.3. Phòng trừ bệnh trong quá trình trồng cây
2.2.3.1. Phòng trừ bệnh trước khi cây có hoa và quả non
- Sau khi trồng ớt 20-25 ngày, tiến hành bón phân và khoáng chất theo tỷ lệ 40-50 kg ure + 30-40 kg Kali + 100-150 kg NPK (16-16-8) + 20-30 kg Canxi cho 1ha.
- Cắt bỏ, tiêu hủy các cành, lá bị bệnh.
- Điều tra định kỳ 7 ngày 1 lần. Tiến hành điều tra ngẫu nhiên 5 điểm chéo góc trên ruộng ớt, mỗi điểm điều tra 10 cây, mỗi cây điều tra 10-20 lá. Khi tỷ lệ lá bệnh từ cấp 3 trở lên bị nhiễm 5-10% thì tiến hành phun thuốc. Loại thuốc, nồng độ và liều lượng thuốc sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất (tham khảo phụ lục 1)
2.2.3.2. Phòng trừ bệnh khi cây có hoa và quả
- Khi cây hình thành quả: Tiến hành bón thúc phân và khoáng chất theo tỷ lệ 60-70 kg ure + 50-60 kg Kali + 100-150 kg NPK (16-16-8) + 20-30 kg Canxi cho 1ha.
- Khi bắt đầu thu hoạch tiếp tục bón theo tỷ lệ 60-70 kg ure + 50-60 kg Kali + 100-150 kg NPK (16-16-8) + 30-40 kg Canxi cho 1ha.
- Khi thu hoạch rộ bón thúc theo tỷ lệ 40-50 kg ure + 40-50 kg Kali + 100-150 kg NPK (16-16-8) + 30-40 kg Canxi cho 1ha.
- Cắt bỏ và tiêu hủy các cành, lá, quả bị bệnh. Đào hố, sau đó cho cành, lá, quả bị bệnh vào hố rồi rắc vôi bột lên trên.
- Điều tra định kỳ 7 ngày 1 lần. Tiến hành điều tra ngẫu nhiên 5 điểm chéo góc trên ruộng ớt, mỗi điểm điều tra 10 cây, mỗi cây điều tra 10-20 quả. Khi tỷ lệ quả bị bệnh từ 5-10% thì tiến hành phun thuốc. Loại thuốc, nồng độ và liều lượng thuốc sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất (tham khảo phụ lục 1)
2.2.3.3. Phòng trừ bệnh sau khi thu hoạch
- Thu gom và tiêu hủy triệt để toàn bộ các bộ phận của cây bị nhiễm bệnh thán thư.
- Tiến hành luân canh với cây trồng khác không thuộc họ cà.
Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm tổ chức triển khai việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến phòng trừ bệnh thán thư hại ớt trên đồng ruộng.
MỘT SỐ LOẠI THUỐC PHÒNG TRỪ BỆNH THÁN THƯ HẠI ỚT
(Tham khảo)
TT | Tên thuốc | Hoạt chất | Liều dùng |
1 | Score 250ND/EC | Difenocozazol (min 96%) | 0,3-0,5 l/ha |
2 | Daconil 75 WP | Chlorothalonil (min 98%) | 1,5-2,5 kg/ ha |
3 | Melody duo 66,75WP | Iprovalicarb 55g/kg + Propineb 612,5 g/kg | 1 kg/ha |
4 | Lilacter 0,3 SL | Eugenol | 1-1,6 l/ha |
5 | CocMan 69 WP | Copper Oxychloride 39% + Mancozeb 30% | 2.0-2.5 kg/ha |
6 | Sat 4 SL | Cytosinpeptidemycin | 0,8 l/ha |
7 | Bactecide 0AS, 60WP | Kasugamycin (min 70 %) | 2 l/ha |
MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG ĐIỂN HÌNH CỦA BỆNH THÁN THƯ HẠI ỚT
Bộ phận bị hại | Triệu chứng |
Trên lá | Ban đầu là các đốm tròn màu xám, sau đó vết bệnh lớn dần tạo thành các đốm màu nâu, khô, hình tròn hoặc bầu dục, vết bệnh phát triển lớn lên và liên kết nhau làm khô cháy một mảng lá, lá vàng úa và rụng.
|
Trên quả | Chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn quả chín. Ban đầu là những vết bệnh dạng ngậm nước và sau đó trở nền mềm nhũn đồng thời xuất hiện những vết lõm, sạm lại (có màu nâu vàng hay màu rám nắng). Vết bệnh có thể bao trùm hầu hết bề mặt quả và xuất hiện những tổn thương phức tạp. Bề mặt của vết bệnh trở nên ẩm ướt, khi nhìn dưới kính lúp soi nổi có thể thấy đĩa cành với những lông gai màu đen. Những vòng tròn đồng tâm thường xuất hiện bên trong vết lõm (chỉ ở trong phạm vi vết lõm). Trong một số trường hợp xuất hiện vết bệnh màu nâu mà không phải là màu da cam và sau đó cũng hình thành những lông cứng khi nhìn dưới kính lúp soi nổi. |
CÔNG THỨC TÍNH TỶ LỆ BỆNH VÀ CHỈ SỐ BỆNH
Tỷ lệ bệnh/tỷ lệ hại (%) = | Tổng số lá (hoặc quả) bị bệnh | X 100 |
Tổng số lá (hoặc quả) điều tra |
Chỉ số bệnh/chỉ số hại (%) = x 100
N1 là số lá (hoặc quả) bị bệnh ở cấp 1;
N3 là số lá (hoặc quả) bị bệnh ở cấp 3; …
Nn là số lá (hoặc quả) bị bệnh ở cấp n.
N là tổng số lá (hoặc quả) điều tra.
n là cấp bệnh cao nhất (cấp 9).
Bảng phân cấp bệnh :
Cấp 1: ≤ 1% diện tích lá/ quả bị bệnh, vết bệnh tròn, nhỏ
Cấp 3: > 1% - 5% diện tích lá/ quả bị bệnh, vết bệnh lõm xuống
Cấp 5: > 5% - 25% diện tích lá/ quả bị bệnh, vết bệnh có màu đen
Cấp 7: > 25% - 50% diện tích lá/ quả bị bệnh, vết bệnh biến màu, thối đen
Cấp 9: > 50% diện tích lá/ quả bị bệnh, xuất hiện nhiều vết bệnh trên lá/ quả, các vết bệnh có thể liên kết lại với nhau.