Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

QCVN 01-34:2010/BNNPTNT

VỀ QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH TUYẾN TRÙNG LÀ DỊCH HẠI KIỂM DỊCH THỰC VẬT CỦA VIỆT NAM

Ditylenchus dipsaci (Kühn, 1857) Filipjev, 1936 VÀ Ditylenchus destructor  Thorne, 1945

National technical regulation on Procedure for identification

of  Ditylenchus dipsaci (Kühn, 1857) Filipjev, 1936 and Ditylenchus destructor Thorne, 1945 – Plant quarantine pests of Vietnam

Lời nói đầu

QCVN 01-34 : 2010/BNNPTNT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm dịch thực vật biên soạn,  Cục Bảo vệ thực vật  trình duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Thông tư số  71/2010/TT-BNNPTNT ngày  10 tháng 12 năm 2010.

QCVN 01-34 : 2010/BNNPTNT được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu đồng bộ và làm căn cứ áp dụng thống nhất trong công tác kiểm dịch thực vật ở Việt Nam.

 

I . QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm  vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định Quy trình giám định tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kühn, 1857) Filipjev, 1936 và Ditylenchus destructor  Thorne, 1945 là dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam (viết tắt là KDTV) thực hiện giám định tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kühn, 1857) Filipjev, 1936 và Ditylenchus destructor Thorne, 1945 là dịch hại kiểm dịch thực vật (KDTV) thuộc Danh mục dịch hại KDTV của Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 73/2005/QĐ-BNN ngày 14/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Dịch hại kiểm dịch thực vật: Là loài dịch hại có nguy cơ gây hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật trong một vùng mà ở đó loài sinh vật này chưa xuất hiện hoặc xuất hiện có phân bố hẹp và phải được kiểm soát chính thức.

1.3.2. Thực vật: Là cây và những bộ phận của cây còn sống, kể cả hạt giống và sinh chất có khả năng làm giống.

1.3.3. Tuyến trùng ký sinh thực vật (phytonematoda): Là những loài tuyến trùng chủ yếu sống trong đất và có quan hệ chặt chẽ với thực vật đang phát triển. Chúng sống và ký sinh ở tất cả các phần của thực vật bao gồm rễ, củ, thân, lá và hoa của các thực vật đang phát triển.

1.3.4. Mẫu:  Là khối lượng thực vật, sản phẩm thực vật, tàn dư của sản phẩm thực vật hoặc đất được lấy ra theo một qui tắc nhất định.

1.3.5. Mẫu ban đầu: Là khối lượng mẫu thực vật, sản phẩm thực vật, tàn dư của sản phẩm thực vật hoặc đất được lấy ra từ một vị trí trong lô vật thể.

1.3.6. Mẫu chung: Là mẫu gộp các mẫu ban đầu.

1.3.7. Mẫu trung bình: Là khối lượng thực vật, sản phẩm thực vật, tàn dư của sản phẩm thực vật hoặc đất được lấy từ mẫu chung theo một qui tắc nhất định, dùng làm mẫu lưu và mẫu phân tích.

1.3.8. Mẫu phân tích: Là khối lượng thực vật, sản phẩm thực vật, tàn dư của sản phẩm thực vật hoặc đất được dùng để phân tích, giám định dịch hại trong phòng thí nghiệm.

1.3.9. Tiêu bản: Là mẫu vật điển hình tiêu biểu của dịch hại được xử lý để dùng cho việc định loại, nghiên cứu, giảng dạy, phổ biến kỹ thuật và trưng bày thành các bộ sưu tập.

II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Phương pháp thu thập và bảo quản mẫu

2.1.1.     Thu thập mẫu

- Đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu, quá cảnh hoặc vận chuyển, bảo quản trong nước: Tiến hành lấy mẫu theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4731-89, qui chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-21:2010/BNNPTNT, QCVN 01-22: 2010/BNNPTNT, QCVN 01-23: 2010/BNNPTNT.

- Đối với cây trồng ngoài đồng ruộng: Lấy mẫu theo phương pháp của qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng.

2.1.2.     Bảo quản mẫu

Mẫu được lưu giữ và bảo quản như sau:

- Các bộ phận tươi có triệu chứng nghi là tuyến trùng (cành, lá, thân, củ, rễ...) được để trong các túi ni-lông có lỗ thông khí, có đính nhãn và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 5oC.

- Các sản phẩm khô có triệu chứng nghi là tuyến trùng (hạt, quả khô,...) được để trong các túi ni-lông hoặc hộp nhựa kín có dán nhãn và bảo quản ở nhiệt độ phòng.

- Mẫu đất được cho vào túi ni-lông có lỗ thông khí, có đính nhãn và để ở những nơi thoáng mát hoặc ở nhiệt độ phòng.

- Dung dịch có tuyến trùng được tách ra từ bộ phận bị hại để trong các llọ kín có dán nhãn và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 5 – 10oC.

- Tiêu bản lam phải có nhãn ký hiệu mẫu, để trong hộp chuyên dụng đựng tiêu bản lam và được bảo quản ở nhiệt độ phòng.

2.2. Thiết bị, dụng cụ, hoá chất dùng làm tiêu bản và giám định

- Kính lúp soi nổi có độ phóng đại 10 – 40 lần (10x – 40x), kính hiển vi có độ phóng đại 40 – 1.000 lần (40x – 1000x).

- Chậu thuỷ tinh có dung tích 4 lít, cốc thuỷ tinh 100ml, chén thuỷ tinh 4ml, đũa thuỷ tinh, khay men, giấy lọc.

- Kim gắp tuyến trùng, đĩa đồng hồ, kim dầm mẫu, đĩa petri, lam, lamen.

- Rây lọc tuyến trùng có đường kính mắt rây là: 25mm, 75mm, 150mm, 250mm, 700mm, 1.000mm, lưới lọc có đường kính mắt lưới 2mm.

- Máy ly tâm, tủ định ôn, bình hút ẩm

- Dung dịch ZnSO4 hoặc MgSO4 hoặc đường sacazosa (tỷ trọng 1,18), formaldehyde (40%), glycerol (tinh khiết), triethanolamine (tinh khiết), nước cất.

2.3. Phương pháp tách lọc tuyến trùng

2.3.1.     Phương pháp tách tuyến trùng từ các bộ phận của cây

2.3.1.1.  Phương pháp kiểm tra trực tiếp

Các bộ phận của cây (rễ, thân, lá, củ, hạt...) được rửa sạch, chọn các bộ phận của cây có vết tổn thương, biến dạng, biến màu hoặc không bình thường đặt vào đĩa petri. Thêm nước vào đĩa để giữ cho mẫu không bị khô. Đặt đĩa petri có mẫu dưới kính lúp soi nổi có độ phóng đại từ 10 đến 40 lần.

Dùng kim dầm nhẹ mẫu và quan sát tìm tuyến trùng. Nếu phát hiện thấy tuyến trùng, dùng kim gắp tuyến trùng lên lam và quan sát dưới kính hiển vi có độ phóng đại từ 40 – 1.000 lần.

2.3.1.2.  Phương pháp lọc tĩnh

Mẫu thực vật (thân, rễ, lá...) được rửa sạch, cắt thành những đoạn thật nhỏ (khoảng 0.5mm). Đặt mẫu đã cắt lên trên rây và thêm nước vừa xâm xấp rây. Sau 24 giờ, đổ nước dưới rây vào cốc thuỷ tinh. Dùng ống hút lấy dung dịch thu được ở cốc thuỷ tinh cho vào đĩa đồng hồ và kiểm tra dưới kính lúp soi nổi có độ phóng đại từ 10 – 40 lần. Nếu phát hiện thấy tuyến trùng, dùng kim gắp tuyến trùng lên lam và quan sát  dưới kính hiển vi có độ phóng đại 40 – 1.000 lần. Kiểm tra lần lượt cho đến khi hết nước trong cốc thuỷ tinh.

2.3.1.3. Phương pháp ly tâm

Mẫu thực vật (thân, lá, rễ...) được rửa sạch, cắt thành từng đoạn 0,5cm, trộn đều và cân lấy 5-10 gram (tuỳ theo lượng mẫu có). Thêm 250ml nước sạch, nghiền nhỏ mẫu bằng máy xay sinh tố. Lọc qua rây có đường kính 1200mm, dùng vòi nước nhỏ rửa sạch từ phía trên xuống cho đến khi phần mẫu nghiền phía trên rây sạch. Thu phần nước phía dưới và thêm nước cho đủ 1 lít, khuấy đều.

Lấy 100ml dung dịch thu được ở trên cho vào ống nghiệm. Thêm 01 thìa (cà phê) bột cao lanh vào ống và khuấy đều bằng máy khuấy. Đặt ống nghiệm vào máy ly tâm và ly tâm với vận tốc 1.800 vòng/phút trong 4 phút. Sau đó, bỏ phần dung dịch phía trên, giữ lại phần cặn phía dưới. Thêm dung dịch ZnSO4 ­ hoặc MgSO4 hoặc đường sacazosa (cao hơn 1cm so với bề mặt của lớp cặn) và khuấy đều trong 1 phút. Tiếp tục ly tâm với vận tốc 1.800 vòng/phút trong 4 phút.

Đổ phần dung dịch phía trên của ống ly tâm qua rây lọc có đường kinh 5mm vào cốc thuỷ tinh để kiểm tra. Dùng ống hút lấy dung dịch thu được ở cốc thuỷ tinh cho vào đĩa đồng hồ và kiểm tra dưới kính lúp soi nổi có độ phóng đại từ 10 – 40 lần. Nếu phát hiện thấy tuyến trùng, dùng kim gắp tuyến trùng lên lam và quan sát dưới kính hiển vi có độ phóng đại 40 – 1.000 lần. kiểm tra lần lượt cho đến khi hết nước trong cốc thuỷ tinh.

Rửa phần trên rây bằng nước sạch và dùng bình xịt nước để rửa, thu tuyến trùng bám dính trên rây vào cốc thuỷ tinh và tiến hành kiểm tra tuyến trùng tương tự như trên.

2.3.2.     Phương pháp tách tuyến trùng từ đất

2.3.2.1.  Phương pháp rây Cobb

Cân 100 gram đất cho vào chậu thuỷ tinh, cho thêm 2 – 3 lít nước vào chậu thuỷ tinh và ngâm trong 1 – 2 giờ cho đất tan. Khuấy đều đất và nước, để lắng trong 10 giây. Sau đó lọc qua rây có đường kính 1.000mm, rửa sạch rây và phần cặn trên rây. Dung dịch được thu vào chậu thuỷ tinh thứ 2. Bỏ phần cặn còn lại trên rây và trong chậu thuỷ tinh ban đầu. Quá trình này lặp lại 2-3 lần nhằm loại bỏ cát, sạn, rác và đá.

Khuấy đều dung dịch đã thu được ở trên và tiếp tục lọc bằng rây có đường kính 700mm, dung dịch được thu vào chậu thuỷ tinh. Phần cặn trên rây được rửa sạch và cho vào cốc thuỷ tinh. Tiếp tục lọc dung dịch thu được ở chậu thuỷ tinh qua các rây có đường kính 250mm, 150mm và 25mm. Phần cặn trên rây cũng được rửa sạch và cho vào cốc thuỷ tinh. Riêng với rây 25mm có thể lọc lại 3 – 4 lần.

Nếu lượng nước thu được trong cốc thuỷ tinh quá đầy, để lắng trong 2 giờ và đổ bớt nước phía trên. Tiếp đó, chuyển dung dịch trên sang rây lọc tĩnh. Sau 24 – 48 giờ, đổ nước dưới rây vào cốc thuỷ tinh. Dùng ống hút lấy dung dịch thu được ở cốc thuỷ tinh cho vào đĩa đồng hồ và kiểm tra dưới kính lúp soi nổi có độ phóng đại từ 10 – 40 lần. Nếu phát hiện thấy tuyến trùng, dùng kim gắp tuyến trùng lên lam và quan sát  dưới kính hiển vi có độ phóng đại 40 – 1.000 lần. Kiểm tra lần lượt cho đến khi hết nước trong cốc thuỷ tinh.

2.3.2.2.   Phương pháp phễu lọc Baermann cải tiến

Chuẩn bị khay và lưới lọc có đường kính mắt lưới 2mm. Đặt lớp giấy lọc lên trên mặt lưới. Cân lượng đất cần kiểm tra (tối thiểu là 100gram) và rải đều trên mặt giấy. Thao tác đặt giấy và rải đất phải thật nhẹ để tránh rách, thủng giấy lọc. Đổ nước theo mép khay sao cho nước vừa ướt đất. Sau 24 – 48giờ, đổ nước dưới rây vào cốc thuỷ tinh và kiểm tra dần bằng đĩa đồng hồ dưới kính lúp soi nổi có độ phóng đại từ 10 – 40 lần. Nếu phát hiện thấy tuyến trùng, dùng kim gắp tuyến trùng lên lam và quan sát  dưới kính hiển vi có độ phóng đại 40 – 1.000 lần. Kiểm tra lần lượt cho đến khi hết nước trong cốc thuỷ tinh.

Chú ý: Lưới lọc phải có chân hoặc quai (gác lên thành khay) để khi đặt trong khay, đáy của lưới lọc không chạm sát đáy khay.

2.3.2.3.   Phương pháp ly tâm

Cân 100 gram đất vào cốc thuỷ tinh, thêm 250ml nước, khuấy đều. Lọc qua rây có đường kính 1.200mm, dùng vòi nước rửa kỹ phần trên rây, loại bỏ phần cặn còn lại trên rây. Thu phần nước dưới rây, thêm nước cho đủ 1 lít và khuấy đều.

Lấy 100 ml dung dịch thu được ở trên vào ống nghiệm. Thêm 01 thìa cà phê bột cao lanh vào ống và khuấy đều bằng máy khuấy. Đặt ống nghiệm vào máy và ly tâm với vận tốc 1.800 vòng/phút trong 4 phút.

Bỏ phần dung dịch phía trên, giữ lại phần cặn phía dưới. Thêm dung dịch ZnSO4 hoặc MgSO4 hoặc đường sacazosa (cao hơn 1cm so với bề mặt của lớp cặn). Khuấy đều trong 1 phút. Tiếp tục ly tâm với vận tốc 1.800 vòng/phút trong 4 phút.

Đổ dung dịch phía trên qua rây lọc có đường kính 5mm. Rửa phần trên rây bằng nước sạch và dùng bình xịt nước để rửa, thu tuyến trùng bám dính trên rây vào cốc.

Dùng ống hút lấy dung dịch thu được ở cốc thuỷ tinh cho vào đĩa đồng hồ và kiểm tra dưới kính lúp soi nổi có độ phóng đại từ 10 – 40 lần. Nếu phát hiện thấy tuyến trùng, dùng kim gắp tuyến trùng lên lam và quan sát dưới kính hiển vi có độ phóng đại 40 – 1.000 lần. Kiểm tra lần lượt cho đến khi hết nước trong cốc thuỷ tinh.

2.4. Phương pháp làm tiêu bản tuyến trùng

2.4.1. Dung dịch bảo quản tuyến trùng

Tuyến trùng ký sinh thực vật thu được từ một trong các phương pháp tách lọc nêu trên được đưa vào một trong ba loại dung dịch dưới đây để bảo quản tuyến trùng.

* Chú ý: để tiêu bản tuyến trùng giữ được hình dáng đặc trưng, trước khi cho vào dung dịch bảo quản nên xử lý nhiệt tuyến trùng bằng nước ở nhiệt độ 70–80oC trong 5 phút.

- Dung dịch 1: Formalin

Dung dịch Formadehyde 4%.

- Dung dịch 2: Formalin - glycerol (FG)

Formalin (40%) Formaldehyde): 10ml

Glycerol:                                                           01ml

Nước cất:                                                         89ml

- Dung dịch 3: TAF

Triethanolamine:                                                02ml

Formalin (40% formaldehyde):                           07ml

Nước cất:                                                         91ml

2.4.2. Phương pháp xử lý và làm tiêu bản tuyến trùng

2.4.2.1.   Phương pháp xử lý tuyến trùng

- Dung dịch xử lý:

Dung dịch 1:     Cồn (96%)                     25ml

                        Glycerol                        01ml

                        Nước cất                      79ml

Dung dịch 2:     Cồn (96%)                     95ml

                        Glycerol                        05ml

- Cách tiến hành:

Gắp tuyến trùng từ dung dịch bảo quản vào chén thuỷ tinh có chứa 0,5ml dung dịch xử lý (dung dịch 1) . Đặt chén này trong bình hút ẩm đậy kín có chứa 1/10 thể tích cồn 96o. Bình hút ẩm được đặt trong tủ ấm ở điều kiện nhiệt độ cố định 40oC với thời gian tối thiểu là 12 giờ.

Lấy chén thuỷ tinh ra khỏi bình hút ẩm, thêm dung dịch 2. Đậy nắp một phần miệng chén để cồn bay hơi từ từ. Chén thuỷ tinh có chứa tuyến trùng tiếp tục giữ trong tủ ấm ở điều kiện nhiệt độ cố định 40oC. Sau 2-3 giờ bổ sung thêm dung dịch 2 vào chén thuỷ tinh cho gần đầy, làm lại 2 – 3 lần. sau khi tuyến trùng chỉ còn lại trong Glycerol  có thể sử dụng làm tiêu bản được.

Hoặc đặt chén thuỷ tinh chứa tuyến trùng trong glycerol nguyên chất trên trong bình hút ẩm có chứa vôi. Bảo quản lâu dài để làm tiêu bản cố định.

2.4.2.2.  Phương pháp làm tiêu bản

Lấy lam kính sạch và làm vòng parapin hoặc sáp ong (đường kính khoảng 1cm) trên lam kính. Cho 1 giọt glycerol nguyên chất vào giữa vòng parapin hoặc sáp ong. Dùng kim gắp, gắp 5 con tuyến trùng (đã xử lý trong dung dịch cố định) đặt vào giữa giọt glycerol, chỉnh cho các cá thể tuyến trùng nằm cùng một hướng. Đậy lamen và đặt lam kính trên bàn nhiệt cho parapin hoặc sáp ong tan chảy. Nhấc nhanh lam kính và đặt ra chỗ mát. Gắn keo bảo vệ.

2.5. Trình tự giám định

2.5.1. Quan sát tiêu bản dưới kính hiển vi có độ phóng đại từ 40 – 1.000 lần các chỉ tiêu sau

- Hình dạng kim hút, môi, đuôi, tuyến thực quản, đường bên của tuyến trùng, gai giao cấu của con đực, cơ quan sinh sản,  tử cung sau của con cái.

- Hình dạng và đo kích thước của tuyến trùng cái và đực.

- Hình dạng và đo kích thước trứng.

2.5.2.     So sánh đặc điểm đã quan sát và kết quả đo đếm được với đặc điểm hình thái và giải phẫu của tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kuhn) Filipjev và Ditylenchus destrutor Thorne (phụ lục A) để kết luận.

III. THẨM ĐỊNH KẾT QUẢ GIÁM ĐỊNH VÀ BÁO CÁO

Sau khi khẳng định kết quả giám định tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kuhn) Filipjev hoặc Ditylenchus destrutor Thorne là dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đơn vị giám định phải gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật kèm theo phiếu kết quả giám định (xem phụ lục B).

Đối với đơn vị lần đầu tiên giám định và phát hiện được tuyến trùng Ditylenchus dipsaci(Kuhn) Filipjev hoặc Ditylenchus destrutor Thorne phải gửi mẫu hoặc tiêu bản về Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật để thẩm định.

Đơn vị giám định phải đảm bảo thời gian lưu mẫu theo quy định kỹ thuật hiện hành.

 

PHỤ LỤC A

 

A.1. Thông tin về dịch hại

A.1.1.  Tuyến trùng Ditylenchus destrutor Thorne

A.1.1.1. Phân bố và ký chủ

- Phân bố:Châu Mỹ: Canada, Mỹ; Châu Âu: Belgium, Bulgary, Czech Slovakia,  France, Greece, Netherland, Hungary, Ireland, Luxembourg, , Poland, Romania, Spain, Swetzerland, UK; Châu Phi: South Africa; Châu Á: Bangladesh, China, Japan, Korea...;Châu Đại Dương: Australia

- Ký chủ: 90 loại cây trồng và cỏ dại được ghi nhận là ký chủ của loài tuyến trùng này (Esser,1985): khoai tây, củ cải đường, lạc, tỏi, hoa diên vĩ,...

A.1.1.2. Tên khoa học và vị trí phân loại:

- Tên khoa học:Ditylenchus destrutor Thorne, 1945

Tên tiếng Việt: Tuyến trùng gây thối củ

- Vị trí phân loại

Ngành:giun tròn

Lớp: Nematoda

Bộ: Tylenchida

Bộ phụ: Tylenchina

Họ: Anguinidae

A.1.2.  Tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kuhn) Filipjev

A.1.2.1. Phân bố và ký chủ

- Phân bố:Châu Âu: Albani, Belgium, Austria, Bosnia, Herzegovina, Bulgari, Croatia, Czech Republic, Slovakia, Denmark,  Estonia, Finland, France, Germany, Greece, Hungari, Iceland, Ireland, Italia, Latvia, Lithuania, Macedonia, Malta, Moldova, Netheland, Norway, Poland, Portugal, Romania, Russian Federation, Slovenia, Spain, Sweden, Swetzerland, Ukraina, UK, Yugoslovakia; Châu Á: Armenia, Azerbaijan, China, Cyprus, Georgia, India, Iran, Iraq, Israel, Japan, Jordan, Kazakstan, Kirgizia, Korea, Oman, Pakistan, Syria, Uzbekistan, Yemen; Châu Phi: Algeria, Kenya, Morocco, Nigeria, South Africa, Tunisia; Tây bán cầu: Argeltina, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Dominican Republic, Haiti, Mexico, Paraguay, Peru, USA, Uruguay, Venezuela; Châu Đại dưong: Australia, New Zealand

Việt Nam: Hậu Giang

- Ký chủ: Phạm vi ký chủ rất rộng. Chúng được ghi nhận gây hại cho hơn 450 loài thực vật: hành, tỏi, tỏi tây, hoa thuỷ tiên, hoa tuylip, lan dạ hương, cỏ linh lăng, đậu,  khoai tây, củ cải đường,...

A.1.2.2. Tên khoa học và vị trí phân loại

- Tên khoa học:Ditylenchus dipsaci (Kuhn, 1857) Filipjev, 1936

- Tên tiếng Việt: Tuyến trùng thân

- Tên khác (Synonym):

Anguilula dipsaci Kuhn, 1857

Anguinilula similis (Kuhn, 1857) Gervais & Van Beneden, 1859

Tylenchus dipsaci var allocotus Steiner, 1934

Ditylenchus allcotus (Steiner, 1934) Filip & Sch. Stek, 1941

Anguilulina dipsaci var ansinckiae Steiner & Scott, 1935

Ditylenchus ansinckiae (Steiner&Scott 1935) Filip&Sch.Stek ,1941

- Vị trí phân loại

Ngành: giun tròn

Lớp: Nematoda

Bộ: Tylenchida

Bộ phụ: Tylenchina

Họ: Anguinidae

A.2. Đặc điểm nhận dạng

A.2.1. Đặc điểm chung

- Cơ thể hình giun, cutin mỏng, phân đốt. Môi thấp, hơi bằng, liền với cơ thể.

- Khung đầu cutin hoá yếu. Kim hút mảnh, gốc kim hút bé. Thực quản tuyến dạng củ hành rõ ràng hoặc có hình thuỳ. Đuôi hình chóp, mut đuôi tròn hoặc nhọn.

- Con cái có một buồng trứng, lỗ sinh dục nằm phía sau cơ thể. Buồng trứng với các noãn bào xếp thành 1 hoặc 2 dãy. Collumella xếp thành 4 hàng, mỗi hàng có 4 tế bào.

- Con đực: gai giao cấu hơi cong về phía bụng. Tinh trùng lớn. Cánh đuôi kéo dài gần hết mút đuôi.

A.2.2. Đặc điểm nhận dạng tuyến trùng Ditylenchus destructor Thorne là dịch hại kiểm dịch thực vật nhóm I của Việt Nam

- Con cái: L=0,8-1,4mm, a=34-35, b=8-10, c=15-20, V=78-83%. tử cung sau kéo dài khoảng ¾ chiều dài từ lỗ sinh dục đến lỗ hậu môn. Đuôi hình nón, dài 3-5 lần chiều rộng cơ thể tại lỗ hậu môn. Mút đuôi tròn. Có 6 đường bên.

- Con đực: L=0,8 – 1,3mm, a= 34 – 40, b= 7 – 8, c= 12 – 16, T= 73 – 80%. Cơ thể cong về phía bụng. Gai giao cấu lớn, nhô ra cong về phía bụng. Cánh đuôi kéo dài khoảng 4/5 chiều dài đuôi.

- Ấu trùng: Có đặc điểm hình thái tương tự trưởng thành nhưng cơ quan sinh dục chưa phát triển.

- Trứng: Hình oval, chiều dài bằng 2 lần chiều rộng.

Ghi chú:

L: Tổng chiều dài cơ thể (mm hoặc mm)

a: chiều dài cơ thể (mm)/chiều rộng lớn nhất (thường là vị trí vulva) (mm)

b: chiều dài cơ thể (mm)/chiều dài từ đỉnh đầu cơ thể đến van ruột-thực quản (mm)

c: chiều dài cơ thể (mm)/chiều dài đuôi (mm)

V (%): chiều dài cơ thể từ đỉnh đến vulva (mm)x 100/chiều dài cơ thể (mm)

T (%): chiều dài từ lỗ huyệt đến đỉnh của tinh hoàn (mm) x 100/chiều dài cơ thể (mm)

Gai giao vĩ

 

Đường bên

 

Đầu con cái

 

Đầu con đực

 

Hình 1. Tuyến trùng Ditylenchus destructor Thorne

(Nguồn: D.J. Hooper, 1973)

A.2.3. Đặc điểm nhận dạng tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kuhn) Filipjev là dịch hại kiểm dịch thực vật nhóm II của Việt Nam

- Con cái: L= 1 – 1,3mm, a= 36 - 40, b= 6,5 – 7,1, c=14 - 18, V= 80%. Tử cung sau kéo dài khoảng ½ chiều dài từ lỗ sinh dục đến lỗ hậu môn. Đuôi hình nón, dài 4-5 lần chiều rộng cơ thể tại lỗ hậu môn. Mút đuôi nhọn. Có 4 đường bên, r ộng kho ảng 1/6 – 1/8 chiều rộng c ơ thể.

- Con đực: L= 1 - 1,3mm, a= 37 – 41, b= 6,5 – 7,3, c= 12 – 15, T= 65 - 72%. Cơ thể gần thẳng khi xử  lý bằng nhiệt. Gai giao cấu lớn, dài 23 - 28mm, cong về phía bụng. Trợ gai ngắn và đơn giản. Cánh đuôi kéo dài khoảng 3/4 chiều dài đuôi.

- Ấu trùng: Có đặc điểm hình thái tương tự trưởng thành nhưng cơ quan sinh dục chưa phát triển.

- Trứng: Hình oval, chiều dài bằng 2 lần chiều rộng.

 

Hình 2. Tuyến trùngDitylenchus dipsaci(Kuhn) Filipjev

(Nguồn: D.J. Hooper, 1972)

Lưu ý:

Thông thường số lượng cá thể nghiên cứu phải đảm bảo là 30 (n=30). Trong trường hợp số lượng cá thể ít hơn hoặc chỉ phát hiện duy nhất một cá thể có các đặc điểm phân loại như trên có thể cho phép kết luận là tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kuhn) Filipjev và Ditylenchus destrutor Thorne (chỉ áp dụng đối với các đơn vị đã từng giám định được  tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kuhn) Filipjev và Ditylenchus destrutor Thorne)

 

PHỤ LỤC B(Qui định)

MẪU PHIẾU KẾT QUẢ GIÁM ĐỊNH

CƠ QUAN BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

....................................................

................................................

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

...... ngày ... tháng ... năm 20…..

 

PHIẾU KẾT QUẢ GIÁM ĐỊNH

Tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kuhn) Filipjev/Ditylenchus destructor Thorne là dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam

 

1.   Tên hàng hoá                                       :

2.   Nước xuất khẩu                                    :

3.   Xuất xứ                                                :

4.   Phương tiện vận chuyển                       :                                           Khối lượng:

5.   Địa điểm lấy mẫu                                  :

6.   Ngày lấy mẫu                                       :

7.   Người lấy mẫu                                     :

8.   Tình trạng mẫu                                      :

9.   Ký hiệu mẫu                                         :

10. Số mẫu lưu                                         :

11.Người giám định                                  :

12.Phương pháp giám định: Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Quy trình giám định tuyến trùng Ditylenchus dipsaci (Kuhn) Filipjev và Ditylenchus destructor Thornelà dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam”.

13.Kết quả giám định                                :

Tên khoa học:

Bộ: Tylenchida

Bộ phụ: Tylenchina

Họ: Anguinidae

Là dịch hại kiểm dịch thực vật thuộc danh mục dịch hại kiểm dịch thực  vật của Việt Nam.

 

TRƯỞNG PHÒNG KỸ THUẬTTHỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(hoặc người giám định)                                                (ký, ghi rõ họ và tên, đóng dấu)

           (ký, ghi rõ họ và tên)