National technical regulation on state reserve of transport vehicle machine over land and special vehicle machine by the ministry of public security management
Lời nói đầu
QCVN 03: 2011/BCA do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1591/QĐ-BCA-H41 ngày 10/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an biên soạn, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 77/2011/TT-BCA ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ Công an.
1.1. Yêu cầu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc hàng dự trữ nhà nước do Bộ Công an quản lý nhập kho
1.1.1. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc hàng dự trữ nhà nước do Bộ Công an quản lý nhập kho dự trữ nhà nước phải là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng mới, chưa qua sử dụng, đồng bộ, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam, đúng với hợp đồng mua sắm đã ký kết và tiêu chuẩn của nhà sản xuất, có tình trạng kỹ thuật tốt.
1.1.2. Trang thiết bị theo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc hàng dự trữ nhà nước do Bộ Công an quản lý phải đúng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và phải đồng bộ.
1.2. Yêu cầu chung về nhà kho và trang thiết bị phục vụ bảo quản
1.2.1. Kho bảo quản phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc hàng dự trữ nhà nước do Bộ Công an quản lý phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Bảo đảm các tiêu chuẩn về xây dựng hiện hành;
- Kho phải kín, có mái che, tường bao bảo vệ, chống mưa nắng;
- Nền nhà kho phải chịu được tải trọng tối thiểu 10 tấn/m2;
- Phải có hệ thống thông gió bảo đảm thoát khí thải khi vận hành xe và bảo đảm nhiệt độ phù hợp với từng mặt hàng yêu cầu cao về nhiệt độ, độ ẩm;
- Bảo đảm các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, chống sét, bảo vệ, thoát nước;
- Bảo đảm yêu cầu về chiếu sáng cho công tác bảo vệ, kiểm tra, bảo quản.
1.2.2. Kho để phụ tùng, nạp ắc quy, hóa chất phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Được tách thành các gian kho riêng biệt bảo đảm các tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, chống sét hiện hành;
- Bảo đảm thông gió, ánh sáng;
- Nền kho phải chịu được tải trọng tối thiểu 05 tấn/m2;
- Kho nạp ắc quy được trang bị hệ thống nạp ắc quy gồm nguồn điện, máy nạp ắc quy, hệ thống dây nạp, giá để ắc quy.
- Kho để hóa chất có tường ốp gạch men, nền được ốp gạch men chống trượt bảo đảm yêu cầu về cháy nổ cũng như môi trường. Không được để các chất dễ cháy nổ như xăng, dầu gần các nguồn phát sinh lửa; không được để các hóa chất có khả năng ăn mòn như dung dịch axít, bazơ gần các vật làm bằng kim loại.
1.2.3. Nhà kỹ thuật bảo quản phương tiện
- Bảo đảm các tiêu chuẩn về xây dựng hiện hành.
- Được trang bị các thiết bị cơ bản phục vụ cho công tác bảo quản như quy định tại điểm 1.2.4 của Quy chuẩn này.
1.2.4. Trang thiết bị phục vụ quản lý, bảo quản phương tiện
- Trang thiết bị phục vụ công tác quản lý như thẻ treo, biển tên giới thiệu hàng, tủ đựng tài liệu, máy vi tính, máy in, máy FAX và các loại sổ sách khác phải bảo đảm các tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
- Trang thiết bị phục vụ công tác bảo quản, bảo dưỡng như hệ thống cầu, giàn nâng hạ phương tiện, các loại kích, máy nén khí, máy nạp ắc quy, máy hút bụi, mễ kê, bạt che, bộ dụng cụ đồ nghề sửa chữa và các loại thiết bị khác phải bảo đảm các tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
2.1. Vận chuyển
2.1.1. Khi di chuyển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc hàng dự trữ nhà nước do Bộ Công an quản lý từ nơi nhận về nhập kho hoặc giữa các kho dự trữ nhà nước không được kết hợp chở hàng.
2.1.2. Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc hàng dự trữ nhà nước do Bộ Công an quản lý có yêu cầu về nghiệp vụ, bí mật phải được chở trên xe chuyên dùng, Container và được che chắn cần thận, chắc chắn.
2.2. Kiểm tra hồ sơ
Trước khi giao nhận nhập kho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc hàng dự trữ nhà nước do Bộ Công an quản lý phải có các tài liệu sau:
2.2.1. Kế hoạch nhập hàng, phiếu nhập kho
2.2.2. Hợp đồng mua sắm, sản xuất
2.2.3. Các tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất về cấu tạo, hướng dẫn sử dụng, vận hành, bảo quản, bảo dưỡng đối với từng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng (đối với xe nhập khẩu thì phải có 01 bản dịch các tài liệu này sang tiếng Việt) và các loại tài liệu có liên quan khác.
2.3. Kiểm tra sản phẩm khi giao nhận
2.3.1. Kiểm tra số lượng, chủng loại
Số lượng, chủng loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng khi giao nhận phải đúng với số lượng, chủng loại trong phiếu nhập kho và hợp đồng mua sắm, sản xuất.
2.3.2. Kiểm tra bên ngoài
a) Kiểm tra hình dáng, màu sắc
- Kiểm tra tổng quan bên ngoài bảo đảm không bị xây xước, móp, méo tại những vị trí có yêu cầu về thẩm mỹ như cabin, vỏ xe;
- Màu sắc của xe đúng như trong hợp đồng mua sắm, sản xuất, không bị mờ nhạt.
b) Kiểm tra các loại đồng hồ chỉ báo
Kiểm tra khả năng làm việc của các loại đồng hồ chỉ báo trên bảng táp lô cũng như tại các vị trí khác phải hoạt động tốt.
c) Kiểm tra tổng thành
Kiểm tra tất cả các hệ thống, chi tiết bên ngoài tổng thành về sự đồng bộ và mức độ mới; đặc biệt chú ý các vị trí lắp ráp, các bu lông, đai ốc.
2.3.3. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật
a) Kiểm tra hệ thống khởi động
Kiểm tra khả năng khởi động của động cơ bảo đảm khi khởi động máy tối đa 3 lần, động cơ phải hoạt động. Khi động cơ hoạt động, yêu cầu tiếng nổ phải tròn, đều, không có tiếng gõ, kêu lạ.
b) Kiểm tra hệ thống điện
- Kiểm tra ắc quy phải bảo đảm mới, cường độ dòng điện và điện áp phù hợp với chủng loại phương tiện;
- Kiểm tra khả năng làm việc của các loại đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu ở các chế độ pha, cốt, lùi, phanh bảo đảm hoạt động tốt;
- Kiểm tra khả năng làm việc của các loại còi, hệ thống gạt mưa, phun nước rửa kính;
- Kiểm tra khả năng làm việc của radio, đầu đọc đĩa và hệ thống điều hòa, quạt gió ở các chế độ khác nhau bảo đảm hoạt động tốt.
c) Kiểm tra hệ thống bôi trơn
Kiểm tra chất lượng, dung dịch dầu bôi trơn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của xe.
d) Kiểm tra hệ thống làm mát
- Đối với xe làm mát bằng dung dịch:
Kiểm tra chất lượng, dung tích nước làm mát;
Kiểm tra dây đai của mô tơ (trùng hay căng);
Kiểm tra sự rò rỉ dung dịch làm mát trên các đường ống.
- Đối với xe làm mát bằng không khí: Kiểm tra các cánh tản nhiệt có bị móp, méo, vỡ hoặc bị chất bẩn bám vào hay không.
e) Kiểm tra hệ thống truyền lực
- Đối với xe sử dụng số cơ khí: Kiểm tra khả năng làm việc của ly hợp về hành trình tự do, khả năng đóng, ngắt ly hợp khi cho xe di chuyển tại các tay số khác nhau bảo đảm không có hiện tượng trượt, đóng, ngắt không hoàn toàn của ly hợp; khi chuyển số phải êm, toàn bộ hệ thống truyền lực làm việc ổn định, không có tiếng kêu, gõ lạ.
- Đối với xe sử dụng số tự động: Kiểm tra khả năng đi số tại các số khác nhau (tay số R, D, S, L, P) bảo đảm khi chuyển số phải êm, toàn bộ hệ thống truyền lực làm việc ổn định, không có tiếng kêu, gõ lạ.
f) Kiểm tra hệ thống phanh
- Yêu cầu đóng mở dứt khoát, đều cả 2 phía, không bị bó, lệch phanh; bảo đảm đủ lực phanh cần thiết, không bị rò rỉ dầu phanh (đối với hệ thống phanh dẫn động thủy lực) tại các đường ống hoặc trong dầu phanh có lẫn không khí; không bị rò thoát khí trên đường ống dẫn đối với hệ thống phanh dẫn động khí nén;
- Kiểm tra phanh tay trên đường có độ dốc 20%.
g) Kiểm tra hệ thống treo
Tùy theo loại xe mà kiểm tra khả năng làm việc của lò xo, nhíp lá, giảm chấn bảo đảm êm khi cho xe di chuyển trên đường xấu.
h) Kiểm tra hệ thống lái
Kiểm tra hành trình của tay lái, trợ lực lái bảo đảm khi lái xe được nhẹ nhàng.
i) Kiểm tra hệ thống chuyên dùng theo xe
- Khi giao nhận xe phải vận hành hệ thống chuyên dùng theo xe để kiểm tra tình trạng kỹ thuật;
- Đối với hệ thống thang chuyên dùng: Kiểm tra khả năng lao, phóng thang ở các chế độ khác nhau;
- Đối với hệ thống cần cẩu chuyên dùng: Kiểm tra khả năng nâng, hạ và tầm vươn tại các chế độ khác nhau;
- Đối với hệ thống tời chuyên dùng: Kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống;
- Đối với hệ thống bơm hút, bắn nước chuyên dùng: Kiểm tra khả năng hút, bắn nước ở các chế độ khác nhau;
- Đối với các hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng: Kiểm tra khả năng làm việc tại các chế độ khác nhau theo từng chức năng của thiết bị.
j) Kiểm tra, giao nhận các phụ tùng, phụ kiện theo xe
Kiểm tra phụ tùng, phụ kiện bảo đảm đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách sản phẩm.
2.4. Biên bản giao nhận
Sau khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra sản phẩm đúng theo quy định, tiến hành lập biên bản giao chung giữa các bên và biên bản bàn giao chi tiết cho từng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng.
3.1. Bảo quản lần đầu
3.1.1. Quy định chung về bảo quản lần đầu
Xe nhập kho dự trữ nhà nước phải bảo quản lần đầu để đưa vào kho dự trữ.
3.1.2. Chuẩn bị vật tư, thiết bị
Nước sạch, xà phòng, giẻ lau, bàn chải, máy bơm rửa xe, dầu bảo quản, mỡ bảo quản, xăng, dầu diesel và các thiết bị bảo quản.
3.1.3. Các bước tiến hành
3.1.3.1. Bảo quản lần đầu xe cơ sở
a) Rửa xe
- Đưa xe ra khu vực rửa xe;
- Dọn nội thất bên trong xe, dùng máy hút bụi kết hợp với giẻ lau làm sạch toàn bộ phía bên trong xe;
- Đưa xe lên cầu, dùng máy bơm chuyên dùng phun ướt toàn bộ bên ngoài xe, gầm xe bằng nước sạch;
- Dùng giẻ lau, bàn chải nhúng vào thùng nước pha xà phòng với nồng độ phù hợp rửa toàn bộ bên ngoài xe, gầm xe;
- Rửa lại toàn bộ xe bằng nước sạch;
- Dùng giẻ lau kết hợp với máy nén khí thổi lau khô toàn bộ xe.
b) Bảo quản gầm xe
- Đưa xe vào khu vực bảo quản, bảo dưỡng xe;
- Đưa xe lên cầu hoặc giàn nâng;
- Dùng dầu diezel và giẻ lau sạch toàn bộ sát xi, hệ thống treo, cầu xe;
- Dùng bình chứa dầu bảo quản phun vào các vị trí của lá nhíp, bơm mỡ bảo quản vào các vú mỡ khớp chữ thập của các đăng, các vị trí ổ treo nhíp;
- Lau dầu bảo quản lên toàn bộ sát xi, cầu xe và các vị trí dễ bị ô xy hóa.
3.1.3.2. Bảo quản lần đầu hệ thống chuyên dùng
a) Phần hệ thống thang chuyên dùng
- Dùng giẻ lau, chổi cước, bàn chải làm sạch toàn bộ bên ngoài, bên trong hệ thống thang bằng dầu diezel hoặc xăng;
- Dùng giẻ lau, chổi cước sạch nhúng vào dầu hoặc mỡ bảo quản bôi lên các vị trí dễ bị ô xy hóa (dây cáp, thanh trượt, ru lô, bánh răng mâm xoay và một số thiết bị khác) của hệ thống thang.
b) Phần hệ thống cần cẩu chuyên dùng
- Dùng máy bơm chuyên dùng phun ướt bề mặt vỏ ngoài thân cần cẩu và mâm xoay của hệ thống cần cẩu bằng nước sạch;
- Dùng giẻ lau, bàn chải rửa toàn bộ bề mặt vỏ ngoài thân cần cẩu và mâm xoay của hệ thống cẩu bằng nước sạch có pha xà phòng với nồng độ phù hợp;
- Rửa lại toàn bộ bằng nước sạch;
- Dùng giẻ lau kết hợp với máy nén khí thổi lau khô toàn bộ hệ thống cần cẩu;
- Dùng dầu diezel và giẻ lau sạch toàn bộ hệ thống cần cẩu;
- Lau dầu bảo quản lên toàn bộ hệ thống cần cẩu (tay vươn cần cẩu, dây cáp, ru lô, thanh trượt, móc và một số thiết bị khác);
- Tra dầu mỡ thiết bị ngắt kích hoạt và các vị trí dễ bị ô xy hóa.
c) Phần hệ thống tời chuyên dùng
- Dùng dầu diezel hoặc xăng và giẻ lau sạch toàn bộ hệ thống tời;
- Bôi mỡ bảo quản vào toàn bộ dây cáp của hệ thống tời;
- Tra dầu mỡ thiết bị ngắt kích hoạt và các vị trí dễ bị ô xy hóa.
d) Phần hệ thống bơm nước chuyên dùng
- Dùng nước sạch, giẻ lau, bàn chải rửa toàn bộ bên ngoài hệ thống bơm nước bằng nước pha xà phòng với nồng độ phù hợp;
- Rửa lại toàn bộ bằng nước sạch;
- Dùng giẻ lau kết hợp với máy nén khí thổi lau khô toàn bộ hệ thống bơm bước;
- Xả toàn bộ nước trong thùng chứa, ống dẫn qua hệ thống van xả;
- Dùng giẻ khô, chổi cước làm sạch các vết bẩn bám vào lưới lọc của van hút nước;
- Dùng dầu diezel và giẻ lau sạch toàn bộ hệ thống bơm nước;
- Lau dầu bảo quản lên toàn bộ hệ thống bơm nước;
- Bôi mỡ bảo quản vào các vị trí dễ bị ô xy hóa.
e) Phần hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng theo xe
Áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với vật tư, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do Bộ Công an quản lý.
3.1.4. Vệ sinh
Kết thúc bảo quản, phải tiến hành vệ sinh, thu gom toàn bộ các vật tư bảo quản rơi vãi để đưa ra xử lý đúng kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh môi trường.
3.1.5. Quy hoạch và sắp xếp xe trong kho
- Mỗi chủng loại xe được sắp xếp ở kho riêng hoặc từng khu vực riêng trong cùng một kho;
- Các loại xe ôtô tùy theo cấu tạo cụ thể để xếp có khoảng cách cho phù hợp. Khoảng cách chiều ngang giữa các xe hoặc tường, cột kho phải lớn hơn chiều rộng một cửa xe lớn nhất vuông góc với xe. Khoảng cách theo chiều dọc giữa các xe tối thiểu cách nhau 01m;
- Đưa xe vào vị trí và kê kích lên giá hoặc mễ kê bảo quản đúng kỹ thuật, bảo đảm chắc chắn sao cho điểm thấp nhất của lốp xe cách mặt bền kho từ 5cm đến 8cm;
- Các bộ phận trang thiết bị theo xe như ắc quy, bạt, dụng cụ đồ nghề, tài liệu hướng dẫn phải để đúng nơi quy định.
3.1.6. Lập thẻ theo dõi
- Sau khi bảo quản xong phải ghi chép đầy đủ nội dung công việc bảo quản vào phiếu bảo quản để theo dõi;
- Lập thẻ treo cho từng loại xe ghi rõ tên xe, số khung, số máy, ngày nhập, đơn vị nhập.
3.2. Bảo quản thường xuyên
3.2.1. Đối với xe cơ sở
3.2.1.1. Kiểm tra toàn bộ xung quanh nhà kho để phát hiện dấu hiệu mất an toàn và các hiện tượng như chuột cắn, mối xông hoặc các loại côn trùng khác phá hoại. Nếu có phải kịp thời có biện pháp khắc phục, xử lý.
3.2.1.2. Phát động nổ máy
a) Kiểm tra ban đầu các hệ thống: Kiểm tra xung quanh xe (sự rò rỉ xăng, dầu tại các đường ống), lốp xe, mức dầu và chất lượng dầu động cơ, nước làm mát (đối với xe làm mát bằng dung dịch), nếu thiếu phải bổ sung. Kiểm tra độ ổn định của xe trên mễ kê.
b) Chuẩn bị ắc quy: Dùng ắc quy có điện áp và dung lượng theo quy định của xe, ắc quy phải được nạp no điện.
c) Chuẩn bị nhiên liệu: Chuẩn bị nhiên liệu đúng theo xe và bổ sung theo định mức được duyệt.
d) Khởi động máy kiểm tra khả năng làm việc của các hệ thống
- Khởi động nổ máy bằng máy đề, mỗi lần đề không quá 05 giây, thời gian tối thiểu giữa hai lần đề là 20 giây. Nếu sau 03 lần đề mà không nổ máy, cần phải kiểm tra lại toàn bộ các hệ thống trên xe như nhiên liệu, điện áp.
- Mỗi lần nổ máy đều phải kiểm tra khả năng làm việc của các loại đồng hồ chỉ báo trên bảng táp lô, cài số cho bánh xe chạy trơn trên mễ kê để cho dầu mỡ bôi trơn các chi tiết, đạp chân phanh để chống bó kẹt cúp pen.
- Sau khi tắt máy, phải kiểm tra lại toàn bộ các hệ thống xem có hiện tượng lạ hoặc rò rỉ dầu, nhiên liệu hay không.
- Tháo ắc quy của xe đưa vào nhà kỹ thuật bảo quản để nạp ắc quy.
- Hàng tháng phát động nổ máy;
Đối với động cơ sử dụng nhiên liệu diezel: tối thiểu 02 lần, mỗi lần tối thiểu 15 phút;
Đối với động cơ sử dụng nhiên liệu xăng: tối thiểu 04 lần, mỗi lần tối thiểu 15 phút.
3.2.1.3. Vệ sinh xe: Lau chùi xe, quét dọn nhà kho và xung quanh kho.
3.2.2. Đối với hệ thống chuyên dùng trên xe
3.2.2.1. Phần hệ thống thang chuyên dùng
a) Kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống
- Định kỳ ba tháng thực hiện chế độ vận hành lao phóng thang 01 lần để kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống cũng như tập luyện về kỹ năng sử dụng cho cán bộ thủ kho và lái xe;
- Khi thực hiện thao tác cần phải đưa xe ra vị trí thuận tiện nhất, chú ý quan sát các chướng ngại vật ảnh hưởng đến khả năng vươn xa, góc quay của thang.
Thực hiện vận hành toàn bộ hoạt động của hệ thống như duỗi thang, thu thang, quay thang để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của hệ thống. Nếu có biểu hiện bất thường, phải kịp thời khắc phục, sửa chữa.
b) Sau khi thực hiện thao tác vận hành phải tiến hành vệ sinh thiết bị thang chuyên dùng sạch sẽ.
3.2.2.2. Phần hệ thống cần cẩu chuyên dùng
a) Kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống
- Định kỳ ba tháng thực hiện chế độ vận hành nâng, hạ, quay cần cẩu 01 lần để kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống cũng như tập luyện về khả năng thao tác, vận hành cho cán bộ thủ kho và lái xe;
- Khi thực hiện thao tác, cần phải đưa xe ra vị trí thuận tiện nhất, chú ý quan sát các chướng ngại vật ảnh hưởng đến khả năng vươn xa, quay của cần cẩu.
- Thực hiện vận hành toàn bộ hoạt động của hệ thống như duỗi, thu chân chống, nâng, hạ cần cẩu để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của hệ thống. Nếu có biểu hiện bất thường phải kịp thời khắc phục, sửa chữa.
b) Sau khi thực hiện thao tác vận hành, phải tiến hành vệ sinh sạch sẽ thiết bị cần cẩu chuyên dùng.
3.2.2.3. Phần hệ thống tời chuyên dùng
a) Kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống
- Định kỳ ba tháng thực hiện chế độ vận hành thu, nhả tời 01 lần để kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống cũng như luyện tập về khả năng thao tác, vận hành cho cán bộ thủ kho và lái xe.
- Kiểm tra lượng dầu thủy lực trong thùng chứa và sự rò rỉ dầu trên các đường ống.
- Khi thực hiện thao tác, cần phải đưa xe ra vị trí thuận tiện nhất, chú ý quan sát các chướng ngại vật ảnh hưởng đến khả năng nhả tời của hệ thống.
- Thực hiện thao tác vận hành toàn bộ hoạt động của hệ thống như thu, nhả tời để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của hệ thống. Nếu có biểu hiện bất thường, phải kịp thời khắc phục, sửa chữa.
b) Sau khi thực hiện thao tác vận hành, phải tiến hành vệ sinh sạch sẽ thiết bị tời chuyên dùng.
3.2.2.4. Phần hệ thống bơm nước chuyên dùng
a) Kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống
- Định kỳ 06 tháng thực hiện chế độ vận hành hút, bắn nước 01 lần để kiểm tra khả năng làm việc của hệ thống cũng như luyện tập khả năng thao tác, vận hành cho cán bộ thủ kho và lái xe.
- Khi thực hiện thao tác, cần phải đưa xe ra vị trí thuận tiện nhất, chú ý quan sát các chướng ngại vật ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của hệ thống.
- Thực hiện vận hành toàn bộ hoạt động của hệ thống như hút, bắn nước ở các chế độ khác nhau để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của hệ thống. Nếu có biểu hiện bất thường, phải kịp thời khắc phục, sửa chữa.
b) Sau khi thực hiện thao tác vận hành phải tiến hành bảo quản phần hệ thống bơm nước chuyên dùng và xe cơ sở theo quy định tại mục 3.1 của Quy chuẩn này.
3.2.2.5. Máy phát điện
a) Kiểm tra khả năng làm việc của máy phát điện
- Hàng tháng thực hiện chế độ vận hành máy phát điện 01 lần để kiểm tra khả năng làm việc của máy phát điện.
- Khi thực hiện thao tác, cần phải đưa máy phát điện ra vị trí thuận tiện nhất không gây ảnh hưởng đến các thiết bị khác cũng như môi trường xung quanh.
- Thực hiện vận hành máy phát điện ở các chế độ khác nhau để kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Nếu có biểu hiện bất thường phải kịp thời khắc phục, sửa chữa.
b) Sau khi thực hiện thao tác vận hành, phải tiến hành vệ sinh máy phát điện sạch sẽ.
3.2.2.6. Máy nén khí
a) Kiểm tra khả năng làm việc của máy nén khí
- Hàng tháng thực hiện chế độ vận hành máy nén khí 01 lần để kiểm tra khả năng làm việc của máy nén khí.
- Kiểm tra trước khi khởi động máy nén khí: mức dầu động cơ phải trong khoảng giữa mức dầu cực đại và mức dầu cực tiểu trên thanh kiểm tra dầu.
- Khi thực hiện thao tác, cần phải đưa máy nén khí ra vị trí thuận tiện nhất, không gây ảnh hưởng đến các thiết bị khác cũng như môi trường xung quanh.
- Thực hiện vận hành máy nén khí ở các chế độ khác nhau để kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Nếu có biểu hiện bất thường, phải kịp thời khắc phục, sửa chữa.
b) Sau khi thực hiện thao tác vận hành, phải tiến hành vệ sinh sạch sẽ máy nén khí.
3.2.2.7. Máy căng tách thủy lực
a) Kiểm tra khả năng làm việc của máy căng tách thủy lực
- Hàng tháng thực hiện chế độ vận hành máy căng tách thủy lực 01 lần để kiểm tra khả năng làm việc của máy.
- Khi thực hiện thao tác, cần phải đưa máy phát điện ra vị trí thuận tiện nhất, không gây ảnh hưởng đến các thiết bị khác cũng như môi trường xung quanh.
- Thực hiện vận hành máy ở các chế độ khác nhau để kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Nếu có biểu hiện bất thường phải kịp thời khắc phục, sửa chữa.
b) Sau khi thực hiện thao tác vận hành, phải tiến hành vệ sinh sạch sẽ máy căng tách thủy lực.
3.2.2.8. Phần hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng theo xe
Áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với vật tư, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do Bộ Công an quản lý.
3.2.3. Ghi phiếu theo dõi
- Sau khi phát động nổ máy xong, thủ kho phải ghi vào phiếu theo dõi nổ máy của xe về thời gian, tiêu hao nhiên liệu, tình trạng kỹ thuật và ký tên;
- Sau khi vận hành thiết bị chuyên dùng xong, thủ kho phải ghi vào phiếu theo dõi vận hành theo đúng quy định (về thời gian, các công việc đã thực hiện, tình trạng thiết bị chuyên dùng, những khắc phục hư hỏng, nếu có).
3.3. Bảo quản định kỳ 01 năm/lần
3.3.1. Chuẩn bị vật tư, thiết bị
- Nước sạch, xà phòng, giẻ lau, bàn chải, máy bơm rửa xe, dầu bảo quản, mỡ bảo quản, xăng, dầu diesel, dầu cầu, dầu phanh, dầu số, dầu động cơ và các vật tư, thiết bị khác theo đúng định mức của xe.
3.3.2. Các bước tiến hành
3.3.2.1. Đối với xe cơ sở
a) Kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe trước khi bảo quản
- Kiểm tra bằng cảm quan toàn bộ thân, gầm, động cơ và các thiết bị khác của xe;
- Kiểm tra dầu động cơ, nước làm mát. Nổ máy kiểm tra tình trạng kỹ thuật, chế độ làm việc của các thiết bị theo xe;
- Cho xe chạy xung quanh kho để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe như hệ thống lái, hệ thống phanh và các hệ thống khác.
b) Bảo quản
- Đưa xe ra khu vực rửa xe;
- Dọn nội thất bên trong xe, dùng máy hút bụi kết hợp với giẻ lau làm sạch toàn bộ phía bên trong xe;
- Dùng giẻ lau, dầu diezel lau sạch lớp dầu bảo quản cũ;
- Đưa xe lên cầu, dùng máy bơm chuyên dùng phun ướt toàn bộ bên ngoài xe, gầm xe bằng nước sạch;
- Rửa lại toàn bộ xe bằng nước sạch có pha xà phòng;
- Dùng giẻ lau kết hợp với máy nén khí thổi lau khô toàn bộ xe;
- Đưa xe vào khu vực bảo quản, bảo dưỡng xe;
- Đưa xe lên cầu hoặc giàn nâng;
- Dùng dầu diezel và giẻ lau sạch toàn bộ sát xi, hệ thống treo, cầu xe.
- Dùng bình chứa dầu bảo quản phun vào các vị trí của lá nhíp, bơm mỡ bảo quản vào các vú mỡ khớp chữ thập của các đăng, các vị trí ổ treo nhíp.
- Lau dầu bảo quản lên toàn bộ sát xi, cầu xe và các vị trí dễ bị ô xy hóa;
- Thay dầu động cơ, lọc dầu;
- Bổ sung dầu số, dầu cầu, dầu phanh, dầu trợ lực lái đúng chủng loại và đúng tiêu chuẩn;
- Thay nước làm mát (đối với xe làm mát bằng dung dịch):
Xả hết nước làm mát cũ, đổ đầy nước sạch có pha hóa chất DR - 02 vào hệ thống làm mát. Nổ máy khoảng 15 phút, sau đó xả hết nước từ hệ thống làm mát đến khi không còn cặn bẩn thì đổ dung dịch nước làm mát đúng chủng loại vào sao cho đủ định mức;
- Lau sạch toàn bộ bề ngoài động cơ bằng giẻ sạch. Nổ máy kiểm tra khả năng làm việc của động cơ;
- Tháo các má phanh, dùng giấy nhám đánh sạch bẩn, sau đó lắp lại như cũ;
- Đạp phanh kiểm tra áp lực dầu và sự rò rỉ dầu trên đường ống;
- Bôi mỡ vào các đầu dây cáp điện hở tránh bị ô xy hóa.
3.3.2.2. Đối với hệ thống chuyên dùng
a) Phần hệ thống thang chuyên dùng
- Dùng giẻ lau làm sạch bên ngoài thân vỏ hệ thống thang (mâm xoay, vỏ thân thang);
- Dùng giẻ, chổi cước nhúng dầu diezel hoặc xăng làm sạch bên trong hệ thống thang (dây cáp, ru lô, thanh trượt, bán răng mâm xoay);
- Lau dầu, mỡ bảo quản lên toàn bộ hệ thống thang (dây cáp, ru lô, thanh trượt, bánh răng mâm xoay) và các vị trí dễ bị ô xy hóa;
- Bơm mỡ vào các khớp nối qua vú mỡ.
b) Phần hệ thống cần cẩu chuyên dùng
- Dùng máy bơm chuyên dùng phun ướt bề mặt vỏ ngoài thân cần cẩu và mâm xoay của hệ thống cần cẩu bằng nước sạch;
- Dùng giẻ lau, bàn chải rửa toàn bộ bề mặt vỏ ngoài thân cần cẩu và mâm xoay của hệ thống cần cẩu bằng nước sạch có pha xà phòng với nồng độ phù hợp;
- Rửa lại toàn bộ bằng nước sạch;
- Dùng giẻ lau kết hợp với máy nén khí thổi lau khô toàn bộ hệ thống cần cẩu;
- Dùng dầu diezel và giẻ lau sạch toàn bộ hệ thống cần cẩu;
- Lau dầu bảo quản lên toàn bộ hệ thống cẩu (tay vươn cần cẩu, dây cáp, ru lô, thanh trượt, móc);
- Tra dầu mỡ vào thiết bị ngắt kích hoạt và các vị trí dễ bị ô xy hóa;
- Tra dầu mỡ vào giá đỡ, cánh tay với thủy lực, vươn cơ khí và chân chống.
c) Phần hệ thống tời chuyên dùng
- Dùng dầu diezel hoặc xăng và giẻ lau sạch toàn bộ hệ thống tời;
- Bôi mỡ bảo quản vào toàn bộ dây cáp của hệ thống tời;
- Tra dầu mỡ vào thiết bị ngắt kích hoạt và các vị trí dễ bị ô xy hóa.
d) Phần hệ thống bơm nước chuyên dùng
- Xả toàn bộ nước trong thùng chứa, ống dẫn qua hệ thống van xả;
- Dùng giẻ khô, chổi cước làm sạch các vết bẩn, cặn bám vào lưới lọc của van hút nước;
- Dùng dầu diezel và giẻ lau sạch toàn bộ hệ thống bơm bước;
- Thay dầu động cơ và lọc dầu của động cơ lai máy bơm nước;
- Thay nước làm mát động cơ lai máy bơm nước (các bước tiến hành tương tự như đối với động cơ xe cơ sở);
- Lau dầu bảo quản lên toàn bộ hệ thống bơm nước;
- Bôi mỡ bảo quản vào các vị trí dễ bị ô xy hóa;
- Xiết chặt tất cả các khớp nối van, điều chỉnh độ mòn phớt; joăng cổ trục bơm nước. Nếu phớt, joăng quá mòn thì tiến hành thay mới để bảo đảm độ kín của khoang bơm nước;
- Kiểm tra và xiết chặt bu lông tất cả các mối ghép đường ống nước chuyên dùng để bảo đảm kín;
- Kiểm tra độ nhậy các van điện - khí nén đóng, mở van đường nước chuyên dùng. Nếu chưa đạt yêu cầu thì tiến hành bảo dưỡng hoặc thay mới;
- Kiểm tra và điều chỉnh áp suất khí nén hệ thống, các đường ống dẫn khí nén;
- Kiểm tra sự hoạt động và độ kín khít của các van bi đóng, mở họng nước hút, xả của hệ thống (tiêu chuẩn đóng - mở 900). Van bi đóng hết nhưng nước vẫn rò rỉ ra ngoài thì phải lau sạch cặn bẩn và bôi mỡ vào;
- Kiểm tra sự hoạt động của bơm chân không mồi nước. Nếu bơm không hoạt động thì tiến hành bảo dưỡng hoặc thay mới;
- Kiểm tra và khắc phục (nếu có) hệ thống mạch điện điều khiển hệ thống;
- Kiểm tra và khắc phục (nếu có) hệ thống van trộn hóa chất, đường ống dẫn, đồng hồ chỉ báo áp suất;
Sau khi kiểm tra, bảo dưỡng xong hệ thống chuyên dùng, cần xả hết nước, hóa chất trong téc và trên đường ống để chống gỉ và đóng cặn làm tắc hệ thống bơm;
Bơm mỡ vào các vú mỡ, bôi mỡ vào các đầu van mở khóa van nước và các vị trí dễ bị ô xy hóa.
e) Máy phát điện
- Vệ sinh sạch sẽ vỏ bọc bên ngoài máy phát điện khỏi bụi, bẩn;
- Kiểm tra thùng chứa nhiên liệu và các ống dẫn nhiên liệu bảo đảm không bị rò rỉ, hỏng hóc;
- Nghiêm cấm làm thay đổi, điều chỉnh các đinh vít điều chỉnh chất lượng hỗn hợp, máy điều chỉnh tần suất vòng quay và bộ hạn chế van tiết lưu;
- Thay thế dầu động cơ và kiểm tra mức dầu;
- Lau chùi và thay thế bộ lọc khí.
f) Máy nén khí
- Thay dầu cho máy nén khí;
- Kiểm tra van an toàn bảo đảm van được thiết lập tại áp suất đúng mức (sử dụng máy đo áp suất để bảo đảm vận hành đúng);
- Thay bộ lọc đầu vào;
- Xả phần ngưng đọng (phần ngưng đọng = nước + dầu= nhũ tương); nhũ tương này màu trắng giống sữa, một vài vết màu nâu. Trong trường hợp chất nhũ tương màu tối đặc, phải tiến hành bảo dưỡng máy nén khí ngay lập tức;
- Không được thực hiện công tác bảo trì trên máy nén khí nếu không tắt và giảm áp suất của máy.
g) Máy căng tách thủy lực
- Kiểm tra độ rộng khi mở của lưỡi căng tách trên đầu thiết bị căng tách;
- Kiểm tra độ chặt, ổn định của tay cầm;
- Kiểm tra vỏ bọc và mối nối dễ dàng kết hợp với nhau;
- Kiểm tra lưỡi căng tách:
Các lưỡi căng tách có thể mở kéo tự do và không bị méo mó hay bị biến dạng bề mặt;
Các bu lông của lưỡi căng tách phải được đưa ra và theo đúng trật tự làm việc;
Rãnh đầu căng tách phải được lau chùi và điều chỉnh không có hỏng hóc.
h) Đối với các thiết bị sử dụng dầu thủy lực
- Đường ống:
Không để gần các chất như axit, bazơ, cồn, este;
Không sử dụng vượt quá áp suất cho phép trong lòng ống, tránh sức căng và đặt tải trọng lên ống;
Tránh để gập đường ống;
Kiểm tra sự rò rỉ dầu trên đường ống.
- Dầu thủy lực:
Dầu được thay 01 năm/lần. Trong trường hợp sử dụng hoặc vận hành thường xuyên, đặc biệt trong môi trường bụi bẩn, dầu được thay 06 tháng/lần.
i) Phần hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng theo xe
Áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với vật tư, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do Bộ Công an quản lý.
3.3.3. Vệ sinh
Khi kết thúc bảo quản, phải tiến hành vệ sinh, thu gom toàn bộ các vật tư bảo quản rơi vãi để đưa ra xử lý đúng kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh môi trường.
3.3.4. Quy hoạch và sắp xếp xe trong kho
Thực hiện như mục 3.1.5 của Quy chuẩn này.
3.3.5. Ghi phiếu bảo quản
Sau khi bảo quản xong, phải ghi chép đầy đủ nội dung công việc bảo quản vào phiếu bảo quản để theo dõi.
3.4. Bảo quản định kỳ 03 năm/lần
3.4.1. Đối với xe cơ sở
Sau khi thực hiện xong bảo quản định kỳ 01 năm/lần thì tiếp tục các công việc sau:
- Thay lọc gió;
- Thay dầu phanh, dầu cầu, dầu số, dầu trợ lực;
- Thay mỡ ở các moay ơ bánh xe;
- Thay cúp pen của hệ thống phanh;
- Làm sạch máy phát điện, máy khởi động, hệ thống điều hòa.
3.4.2. Đối với hệ thống chuyên dùng
Thực hiện như bảo quản định kỳ 01 năm/lần.
3.5. Bảo quản xe nhập kho sau khi thực hiện nhiệm vụ, điều chuyển
- Trường hợp xe chạy dưới 1000 km: Thực hiện như bảo quản lần đầu;
- Trường hợp xe chạy trên 1000 km: Thực hiện như bảo quản định kỳ 01 năm/lần.
3.6. Phòng, chống cháy nổ và an toàn lao động trong bảo quản hàng hóa
- Kho bảo quản phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng phải được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng, chống cháy nổ như hệ thống báo, chữa cháy tự động, các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy cầm tay và có phương án tổ chức công tác phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định hiện hành;
- Đối với các khâu bảo quản có liên quan đến dầu mỡ, nhiên liệu, phải tuyệt đối cách ly với nguồn lửa, nguồn phát sinh ra lửa;
- Thường xuyên kiểm tra độ ổn định trên giá kê của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng, đặc biệt trước khi vận hành nổ máy định kỳ;
- Khi vận hành phải đúng theo các quy tắc an toàn, quy định kỹ thuật của xe, tránh xảy ra tai nạn;
- Công nhân bảo quản phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động (quần áo, khẩu trang, kính) đúng quy định.
4.1. Quy định chung về quản lý
4.1.1. Hàng dự trữ nhà nước giao cho Bộ Công an quản lý phải thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh dự trữ quốc gia số 17/2004/PL-UBTVQH ngày 29/4/2004 và Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 2/12/2004 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh dự trữ quốc gia, các thông tư hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành chức năng có liên quan.
4.1.2. Hàng dự trữ nhà nước giao cho Bộ Công an thống nhất quản lý tại các kho của Bộ Công an.
4.1.3. Cục trưởng Cục Kho vận Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo các kho của Bộ thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý nhập, xuất, bảo quản, bảo vệ an toàn hàng dự trữ nhà nước trong mạng lưới kho của Bộ Công an.
4.2. Quy định về nhập hàng
4.2.1. Hàng dự trữ nhà nước nhập kho theo kế hoạch của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.
4.2.2. Hàng năm, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kế hoạch mua sắm đã được duyệt, các đơn vị nhập hàng hoặc cơ quan kế hoạch phải thông báo cho Cục Kho vận biết để chủ động nhập hàng.
4.2.3. Trước khi nhập hàng vào kho, đơn vị nhập hàng phải gửi kế hoạch nhập hàng cho Cục Kho vận trước từ 5 đến 7 ngày để Cục trưởng Cục Kho vận chỉ định kho nhập và chỉ đạo các phòng, kho nhập hàng. Kế hoạch bao gồm các nội dung: tên hàng, số lượng, chất lượng, quy cách, ký mã hiệu, thời gian lưu kho, hợp đồng mua sắm, sản xuất và những yêu cầu bảo quản khác để kiểm tra hàng nhập và bảo quản.
4.2.4. Yêu cầu đối với hàng nhập kho áp dụng theo mục 1.1 của Quy chuẩn này.
4.2.5. Kiểm tra hàng hóa nhập kho áp dụng theo mục 2.3 của Quy chuẩn này.
4.2.6. Đối với hàng tạm nhập kho, phải có lệnh của Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật hoặc Cục trưởng Cục Kho vận và tiến hành kiểm tra, lập biên bản cụ thể số lượng, chất lượng, quy cách hàng hóa. Sau 15 ngày, kể từ ngày tạm nhập, đơn vị nhập hàng phải lập phiếu nhập kho. Nếu quá thời hạn này mà chưa lập phiếu nhập kho thì đơn vị nhập hàng phải trả phí lưu kho, bãi. Sau một tháng không làm phiếu nhập kho thì trả lại hàng cho đơn vị nhập hàng.
4.2.7. Đối với hàng đã qua sử dụng, sửa chữa được thu hồi nhập kho phải theo lệnh của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và tiến hành kiểm tra, lập biên bản cụ thể số lượng, chất lượng, tình trạng hàng hóa, xác định trách nhiệm của các bên.
4.3. Quy định về xuất hàng
4.3.1. Việc xuất hàng dự trữ nhà nước phải theo kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4.3.2. Trường hợp cần thiết phải đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, chống phá hoại, chống bạo loạn, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định xuất kho cấp ngay hàng dự trữ nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Pháp lệnh dự trữ quốc gia số 17/2004/PL-UBTVQH ngày 29/4/2004.
4.3.3. Khi tạm xuất hàng dự trữ nhà nước để phục vụ cho nhiệm vụ đột xuất phát sinh, phải có lệnh của lãnh đạo Bộ Công an và được thực hiện bảo quản theo quy định tại mục 3.5 của Quy chuẩn này.
4.4. Giao nhận, điều chuyển hàng dự trữ nhà nước trong phạm vi hệ thống kho của Bộ Công an
4.4.1. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ phục vụ công tác, chiến đấu ở từng khu vực, bảo đảm thuận tiện, phù hợp với việc dự trữ, cấp phát, bảo quản, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chuyển hàng dự trữ nhà nước trong hệ thống kho của Bộ Công an.
4.4.2. Trường hợp đột xuất, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định điều chuyển hàng dự trữ nhà nước trong hệ thống kho của Bộ Công an nhưng sau khi thực hiện xong, phải thông báo ngay cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4.5. Chế độ ghi chép sổ sách theo dõi hàng hóa
4.5.1. Lập thẻ kho
Mỗi lô phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng nhập kho phải được lập một thẻ kho, trong đó ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu S21-H ban hành kèm theo Thông tư số 213/2009/TT-BTC ngày 10/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng cho dự trữ nhà nước.
4.5.2. Sổ treo dõi công tác bảo quản
- Dùng ghi chép hàng ngày hoặc đột xuất về tình hình công tác bảo quản phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng, thay đổi về số lượng, chất lượng. Sổ phải đóng dấu giáp lai, ghi đủ các nội dung theo mẫu, có đầy đủ các thành phần ký tên và đóng dấu của đơn vị;
- Thủ kho bảo quản phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng phải ghi chép đầy đủ các thay đổi về chất lượng, công việc bảo quản, các hư hỏng phát sinh và kết quả xử lý cho từng loại trong quá trình lưu kho;
- Định kỳ 03 tháng/lần, cán bộ theo dõi chuyên trách phải kiểm tra và ghi nhận xét, đánh giá về công tác bảo quản, vào sổ nhật ký bảo quản và báo cáo lãnh đạo biết.
4.5.3. Thẻ treo
Dùng để ghi tên hàng, số khung, số máy, ngày nhập, đơn vị nhập, xuất xứ hàng hóa của từng xe.
4.6. Thời gian lưu kho
- Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng nhập kho thuộc hàng dự trữ nhà nước do Bộ Công an quản lý, thời gian lưu kho luân phiên đổi hàng không lớn hơn 05 năm;
- Đối với ắc quy nhập khẩu trang bị theo xe, thời hạn sử dụng tối đa 36 tháng;
- Đối với ắc quy sản xuất trong nước trang bị theo xe, thời hạn sử dụng tối đa 24 tháng./.