Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

 

SỬA ĐỔI 2: 2018
QCVN 72:2013/BGTVT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ QUY PHẠM PHÂN CẤP VÀ ĐÓNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

National Technical Regulation on Rule of Inland - Waterway Ships Classification and Construction

Lời nói đầu

QCVN 72: 2013/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa) đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 61/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013.

Sửa đổi 1: 2015 QCVN 72: 2013/BGTVT đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 36/2016/TT-BGTVT ngày 24/11/2016.

Sửa đổi 2: 2018 QCVN 72: 2013/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 39/2018/TT-BGTVT ngày 21 tháng 6 năm 2018.

Sửa đổi 2: 2018 QCVN 72: 2013/BGTVT chỉ bao gồm nội dung sửa đổi của Sửa đổi 1: 2015 QCVN 72: 2013/BGTVT. Những nội dung không được nêu trong Sửa đổi 2: 2018 QCVN 72: 2013/BGTVT thì áp dụng theo Sửa đổi 1: 2015 QCVN 72: 2013/BGTVT.

 

PHẦN 10 - TRANG BỊ AN TOÀN

CHƯƠNG 3 - TRANG BỊ HÀNG HẢI, HÀNG GIANG, CỨU ĐẮM

3.2  được sửa đổi, bổ sung như sau:

3.2  Định mức trang bị hàng hải và hàng giang

3.2.1  Trang bị hàng hải cho tàu có động cơ cấp VR-SB lấy theo Bảng 10/3.2.1

Bảng 10/3.2.1 - Định mức trang bị hàng hải cho tàu có động cấp VR-SB

TT

Tên trang bị

Số lượng

1

La bàn từ lái hoặc la bàn từ chuẩn (*)

1 chiếc

2

Máy định vị vệ tinh hoặc thiết bị tương tự (**)

1 chiếc

3

Máy thu thanh

1 chiếc

4

Ống nhòm hàng hải

1 chiếc

5

Thiết bị đo độ nghiêng

1 chiếc

6

Đồng hồ bấm giây

1 chiếc

7

Thiết bị đo sâu

1 chiếc

8

Thước đo mức nước

2 chiếc

9

Thước đo độ, thước đo song song (**)

1 bộ

10

Compa (**)

2 chiếc

11

Kính lúp

2 chiếc

12

Danh mục đèn biển và đài trực canh trên bờ (**)

1 tập

13

Hải đồ chạy tàu cùng thỏi chặn (**)

1 bộ

14

Bảng thủy triều vùng chạy tàu (**)

1 quyển

Chú thích:

(*) Tàu khách có L < 30 m và các tàu khác chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km, có thể thay thế bằng loại la bàn chuyên dùng cho xuồng cứu sinh. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình cụ thể về điều kiện thông tin liên lạc và điều kiện ứng cứu hai đầu tuyến thì có thể được Đăng kiểm xem xét miễn trang bị. Tàu có GT ≥3000 phải trang bị la bàn từ chuẩn.

(**) Tàu khách có L < 30 m và các tàu khác chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km, căn cứ vào tình hình cụ thể về điều kiện thông tin liên lạc và điều kiện ứng cứu hai đầu tuyến thì có thể được Đăng kiểm xem xét miễn trang bị.

3.2.2  Trang bị hàng giang cho tàu có động cơ cấp VR-SI, VR-SII lấy theo Bảng 10/3.2.2

Bảng 10/3.2.2 - Định mức trang bị hàng giang cho tàu có động cấp VR-SI và cp VR-SII

TT

Tên trang bị

Cấp VR-SI

Cấp VR-SII

1

Đồng hồ

1

1

2

Dụng cụ hoặc thiết bị đo sâu

1

-

3

Thước đo mức nước

1

1

4

Thước đo độ nghiêng

1

1

5

Ống nhòm 7 x 50

1

-

6

Máy thu thanh

1

-

7

Cầu lên xuống

1

1

3.2.3  Trang bị vô tuyến điện

1  Trang bị vô tuyến điện cho tàu cấp VR-SB được lấy theo Bảng 10/3.2.3

Bảng 10/3.2.3 - Định mức trang bị vô tuyến điện cho tàu cấp VR-SB

TT

Tên trang bị

Số lượng

1

Thiết bị MF/HF (1)

1

2

Thiết bị VHF DSC

1

3

Thiết bị truyền thanh chỉ huy (2)

1

4

Thiết bị VHF cầm tay (3)

2

Chú thích:

(1) Không yêu cầu trang bị đối với tàu khách có L < 30 m và các tàu khác chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km với điều kiện trong vùng trực canh của ít nhất 01 trạm VHF có hoạt động thông tin cấp cứu liên tục DSC;

Các tàu không động cơ được kéo, đẩy hoặc để lâu dài bên ngoài khu vực cảng và vùng có tàu qua lại mà trên tàu có người thì phải trang bị thiết bị VHF DSC hoặc thiết bị MF/HF để đảm bảo liên lạc với tàu kéo, đẩy hoặc đài vô tuyến điện trên bờ tùy thuộc vào điều kiện cụ thể; Nếu trên tàu không bố trí người ở thì không cần trang bị thiết bị VHF DSC cũng như MF/HF; nhưng khi cần có người để xử lý tình huống trên phương tiện thì phải mang theo thiết bị vô tuyến điện thoại hai chiều (two-way VHF).

(2) Trang bị cho tàu khách, với tàu khách (trừ tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi) có L < 30 m chỉ cần trang bị loa phóng thanh cầm tay nếu đảm bảo việc thông tin đến các hành khách không bị ảnh hưởng.

(3) Chỉ áp dụng cho tàu được trang bị xuồng cấp cứu, xuồng cứu sinh và bè cứu sinh.

2  Trang bị vô tuyến điện cho tàu cấp VR-SI và VR-SII

(1) Các tàu khách phải được trang bị ít nhất một thiết bị VHF;

(2) Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị thiết bị truyền thanh chỉ huy.

(3) Các tàu không phải là tàu khách có tổng dung tích GT ≥ 500 phải được trang bị ít nhất một thiết bị VHF;

(4) Đối với các tàu không phải là tàu khách đã đóng trước ngày quy chuẩn này có hiệu lực:

(a) Tàu có tổng dung tích GT ≥ 1000 hoặc tàu khách trên 50 khách phải được trang bị thiết bị VHF trước ngày 30 tháng 6 năm 2019;

(b) Tàu có tổng dung tích 500 ≤ GT < 1000 hoặc tàu khách từ 20 đến 50 khách phải được trang bị thiết bị VHF trước ngày 30 tháng 6 năm 2020.

3  Tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi phải trang bị thiết bị truyền thanh chỉ huy.

4  Các thiết bị vô tuyến điện phải được lắp đặt cố định chắc chắn trong buồng lái tại vị trí dễ sử dụng.

5  Các thiết bị vô tuyến điện phải có ăng ten riêng biệt đảm bảo hoạt động bình thường của mỗi thiết bị, được đặt trên nóc buồng lái sao cho không vượt quá kim thu sét của tàu.

6  Các thiết bị vô tuyến điện phải được cấp điện từ hai nguồn điện: nguồn điện chính và nguồn điện dự phòng của tàu.

3.2.4  Trang bị ra đa

Các tàu sau đây phải trang bị ra đa:

1  Tàu cao tốc chở khách cấp VR-SB (trừ tàu chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km);

2  Tàu có động cơ cấp VR-SB có tổng dung tích GT ≥ 300 (trừ tàu chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km);

3  Tàu cao tốc chở khách hoạt động vùng SI hoặc SII mà có chiều dài tàu L ≥ 25 m.

3.2.5  Trang bị và bố trí phao vô tuyến chỉ báo vị trí sự cố qua vệ tinh (S.EPIRB)

1  Các tàu sau đây phải trang bị phao S.EPIRB:

(1) Tàu khách và phà cấp VR-SB (trừ tàu khách và phà có L < 30 m chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km);

(2) Tàu cấp VR-SB có tổng dung tích GT ≥ 300 (trừ tàu chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km và tàu không có người ở).

2  Phao S.EPIRB dùng làm phương tiện phát báo động cấp cứu phụ độc lập không có điều khiển từ xa phải được đặt gần trạm vô tuyến trong buồng lái sao cho có thể tiếp cận được ngay vào bất kỳ thời điểm nào để khởi đầu phát báo động cấp cứu cũng như lấy ra được bằng tay và dễ dàng đặt lên xuồng hoặc bè cứu sinh mà chỉ cần một người.

3  Phao S.EPIRB tự nổi trang bị trên tàu phải được xếp gọn trên boong hở của tàu sao cho không bị dịch chuyển khi tàu bị lắc lư. Ngoài ra, phải bố trí lối tiếp cận nhanh chóng để lấy bằng tay và khởi đầu phát báo động cấp cứu, đồng thời chỉ cần một người có thể xếp đặt nhanh chóng và dễ dàng trên xuồng hoặc bè cứu sinh.

4 Tại bất kỳ vị trí đặt EPIRB, phải có biểu tượng rõ ràng phù hợp với yêu cầu ở Chương 2 “Thiết bị cứu sinh” của QCVN 42: 2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang bị an toàn tàu biển.

3.2.6  Trang bị thiết bị nhận dạng tự động (AIS)

Các tàu sau đây phải trang bị thiết bị AIS theo lộ trình quy định tại 3.2.6-4:

(1) Tàu khách chở trên 20 khách;

(2) Tàu cao tốc chở khách chạy trên luồng hàng hải hoặc chạy qua biên giới;

(3) Tàu khách hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo, phà cấp VR- SB;

(4) Tàu tham gia vận chuyển đổ bùn đất trong thi công nạo vét, duy tu luồng, tàu công tác phục vụ công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng; tàu trục, thả phao; tàu điều tiết, chống va trôi đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa;

(5) Tàu có động cơ cấp VR-SB có tổng dung tích GT ≥ 500 (trừ tàu chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km), tàu chở hàng hóa nguy hiểm, tàu chuyên chở container; tàu chở vật liệu xây dựng;

(6) Tàu có động cơ cấp VR-SI và VR-SII có tổng dung tích GT ≥ 800.

Trang bị thiết bị AIS cấp độ A cho tàu có tuyến hoạt động với khoảng cách giữa hai đầu tuyến hoặc cách bờ lớn hơn 15 km;

3  Trang bị thiết bị AIS cấp độ B cho tàu có tuyến hoạt động với khoảng cách giữa hai đầu tuyến hoặc cách bờ không lớn hơn 15 km;

4  Các tàu phải được trang bị thiết bị AIS nêu tại 3.2.6-1 theo lộ trình như sau:

(1) Các tàu nêu tại 3.2.6-1 từ (2) đến (4), muộn nhất vào đợt kiểm tra hàng năm gần nhất;

(2) Các tàu nêu tại 3.2.6-1(1), (5) và (6):

(a) Tàu có tổng dung tích GT ≥ 5000, muộn nhất vào đợt kiểm tra hàng năm gần nhất;

(b) Tàu có tổng dung tích 2000 ≤ GT < 5000, trước ngày 31/12/2019;

(c) Tàu có tổng dung tích 1000 ≤ GT < 2000 và tàu khách chở trên 50 khách, trước ngày 31/12/2020;

(d) Tàu có tổng dung tích 500 ≤ GT < 1000 và tàu khách chở trên 20 khách, trước ngày 31/12/2022;

5.  Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và trường hợp cụ thể, Bộ Giao thông vận tải có thể miễn giảm hoặc gia hạn việc trang bị thiết bị AIS nêu tại từ 3.2.6-1 đến 3.2.6-4 trên cơ sở đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3.2.7  Tàu tham gia thi công, vận chuyển đổ bùn đất, chất nạo vét trong thi công nạo vét, duy tu luồng phải lắp đặt thiết bị ghi hình (ca-mê-ra) cung cấp các hình ảnh khoang chứa bùn đất nạo vét khi bắt đầu di chuyển đi đổ bùn đất và trước khi đổ bùn đất tại vị trí quy định.

3.2.8  Yêu cầu chức năng và kỹ thuật của thiết bị

1  Các thiết bị vô tuyến điện VHF, MF/HF, S.EPIRB sử dụng trên tàu cấp VR-SB phải có tiêu chuẩn chức năng và kỹ thuật phù hợp với QCVN 42: 2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang bị an toàn tàu biển.

2  Các thiết bị hàng hải như La bàn từ, Ra đa, AIS sử dụng trên tàu cấp VR-SB có tổng dung tích GT ≥ 1600 phải có tiêu chuẩn chức năng và kỹ thuật phù hợp với QCVN 42:2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang bị an toàn tàu biển.

3.2.9  Bố trí trang thiết bị hàng hải trên tàu

1  Các thiết bị hàng hải nếu sử dụng nguồn năng lượng điện thì phải được cung cấp điện suốt ngày đêm từ trạm điện tàu hoặc ắc quy để đảm bảo thiết bị sẵn sàng hoạt động.

2  Tất cả các thiết bị hàng hải dùng nguồn năng lượng điện phải được lấy điện theo từng đường dây riêng từ một bảng điện (tủ điện) chung của các thiết bị hàng hải.

3  Ở mỗi đường dây riêng cấp cho mỗi thiết bị hàng hải phải có ngắt điện và cầu chì hoặc thiết bị ngắt điện tự động.

4  Đường dây điện của thiết bị hàng hải phải được bọc kín và phù hợp với các yêu cầu của phần thiết bị điện.

5  Các trang thiết bị hàng hải phải là loại chuyên dùng cho hàng hải và có hồ sơ kỹ thuật của nhà chế tạo.

3.2.10  Bố trí thiết bị truyền thanh chỉ huy

Thiết bị truyền thanh chỉ huy phải được bố trí trên tàu sao cho có khả năng phát các thông báo rõ ràng tới:

- Buồng khách;

- Khu vực công cộng;

- Khu vực thuyền viên và nhân viên phục vụ;

- Khu vực tập trung.

3.2.11  Bộ Giao thông vận tải có thể miễn giảm hoặc gia hạn việc lắp đặt các trang bị thiết bị nêu trên trên cơ sở đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam