National technical regulation on the workflow of establishing the national topographic maps at scales 1:2 000, 1:5 000, 1:10 000 from the national fundamental geographic database
Lời nói đầu
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
2. Đối tượng áp dụng
3. Tài liệu viện dẫn
II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
1. Quy trình thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
2. Yêu cầu kỹ thuật thực hiện các bước quy trình thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
III. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
1. Phương thức đánh giá sự phù hợp
2. Quy định về công bố hợp quy
3. Phương pháp thử
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Phụ lục A (Quy định) Trình bày các đối tượng địa lý theo ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 quy định tại Phụ lục A, Phụ lục B QCVN 72:2023/BTNMT
Phụ lục B (Quy định) Trình bày các đối tượng địa lý theo ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 quy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT
Phụ lục C (Quy định) Trình bày tên và ghi chú các đối tượng địa lý trên bản đồ địa hình quốc gia
Phụ lục D (Quy định) Mẫu nhập thông tin siêu dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia
Phụ lục E (Quy định) Đóng gói giao nộp sản phẩm
Phụ lục F (Tham khảo) Mẫu biên tập trình bày địa hình đặc trưng
Lời nói đầu
QCVN 81:2024/BTNMT do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo Thông tư số 24/2024/TT-BTNMT ngày 26 tháng 11 năm 2024.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ QUY TRÌNH THÀNH LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH QUỐC GIA TỶ LỆ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 TỪ CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ QUỐC GIA
National technical regulation on the workflow of establishment the national topographic maps at scales 1:2 000, 1:5 000, 1:10 000 from the national fundamental geographic database
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định kỹ thuật về quy trình thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia cùng tỷ lệ.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.
3. Tài liệu viện dẫn
QCVN 42:2020/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở.
QCVN 72:2023/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000.
QCVN 73:2023/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000.
Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.
Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000.
II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
1. Quy trình thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
1.1 Để thực hiện việc thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 tương ứng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cần thực hiện các bước công việc chính theo sơ đồ quy trình tại Hình 1.
1.2 Sau mỗi bước công việc 3, 4 ,5, 6 trong quy trình phải thực hiện kiểm tra chất lượng theo quy định tại phần III.
Hình 1 - Sơ đồ quy trình thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
2. Yêu cầu kỹ thuật thực hiện các bước quy trình thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
2.1.1 Chuẩn bị thiết bị máy vi tính, phần mềm có chức năng biên tập bản đồ địa hình quốc gia từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các thiết bị khác có liên quan.
2.1.2 Chuẩn bị cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ bản đồ địa hình quốc gia cần thành lập.
2.1.3 Chuẩn bị thư viện ký hiệu số bản đồ địa hình quốc gia đối với tỷ lệ bản đồ cần thành lập.
2.2 Lập tài liệu biên tập kỹ thuật
2.2.1 Thành lập bộ mẫu bản đồ địa hình quốc gia
2.2.1.1 Sử dụng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia thuộc phạm vi cần thành lập bản đồ địa hình quốc gia tiến hành lựa chọn một số khu vực có đặc điểm địa hình, địa vật điển hình như: vùng núi, trung du, đồng bằng, khu vực đô thị có dân cư đông đúc để thành lập bộ mẫu bản đồ địa hình quốc gia. Đối với mỗi khu vực điển hình được lựa chọn phải thành lập tối thiểu 01 mảnh bản đồ địa hình quốc gia mẫu.
2.2.1.2 Từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, theo phạm vi từng khu vực đã được lựa chọn tại 2.2.1.1, trên cơ sở Phụ lục A đối với tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và Phụ lục B đối với tỷ lệ 1:10.000 kết hợp với thư viện ký hiệu số bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng tiến hành thể hiện, trình bày các yếu tố nội dung bản đồ địa hình quốc gia theo nguyên tắc đối tượng địa lý và thông tin thuộc tính của đối tượng đó sẽ được liên kết với ký hiệu tương ứng.
2.2.1.3 Các nhóm lớp dữ liệu của bản đồ địa hình quốc gia được đặt tên và sắp xếp thứ tự hiển thị lần lượt như sau:
- Nhóm lớp cơ sở toán học;
- Nhóm lớp dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính;
- Nhóm lớp dữ liệu giao thông;
- Nhóm lớp dữ liệu thủy văn;
- Nhóm lớp dữ liệu dân cư;
- Nhóm lớp dữ liệu địa hình;
- Nhóm lớp dữ liệu phủ thực vật.
2.2.1.4 Trong mỗi nhóm dữ liệu của bản đồ địa hình quốc gia, thứ tự hiển thị các lớp dữ liệu lần lượt như sau:
- Lớp tên và ghi chú các đối tượng địa lý trong nhóm lớp dữ liệu đó;
- Các lớp dữ liệu của đối tượng địa lý có kiểu dữ liệu dạng điểm;
- Các lớp dữ liệu của đối tượng địa lý có kiểu dữ liệu dạng đường;
- Các lớp dữ liệu của đối tượng địa lý có kiểu dữ liệu dạng vùng.
2.2.1.5 Chi tiết từng lớp dữ liệu được hiển thị lần lượt theo thứ tự quy định tại Phụ lục A đối với tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và Phụ lục B đối với tỷ lệ 1:10.000.
2.2.1.6 Quy tắc trình bày tên và ghi chú cho đối tượng địa lý
2.2.1.6.1 Tên và ghi chú các đối tượng địa lý được trình bày trong một lớp và được hiển thị từ thuộc tính tên và các thuộc tính có chứa thông tin cần ghi chú thuyết minh trên bản đồ địa hình quốc gia theo quy định từ 2.2 đến 2.9 Phần II của QCVN 72:2023/BTNMT đối với tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và từ Điều 8 đến Điều 15 của Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT đối với tỷ lệ 1:10.000.
2.2.1.6.2 Tên và ghi chú các đối tượng địa lý dạng điểm được ưu tiên trình bày bên phải ký hiệu, căn cứ theo kích thước ký hiệu để xác định khoảng cách từ tâm ký hiệu đến vị trí đặt tên và ghi chú thích hợp, đảm bảo khoảng cách từ mép ngoài của ký hiệu đến vị trí đặt tên hoặc ghi chú là 0,5 mm trên bản đồ. Đối với đối tượng dạng điểm là điểm độ cao khoảng cách từ vị trí điểm độ cao đến vị trí đặt ghi chú là 0,3 mm.
2.2.1.6.3 Tên và ghi chú các đối tượng địa lý dạng đường được đặt trên đối tượng địa lý đó và lặp lại với khoảng cách từ 10 cm đến 15 cm trên bản đồ.
2.2.1.6.4 Tên và ghi chú cho đối tượng địa lý dạng vùng được đặt ở trung tâm của vùng. Trường hợp vùng nhỏ không thể đặt tên và ghi chú ở trong vùng thì tiến hành xê dịch vị trí của tên và ghi chú theo thứ tự ưu tiên quy định tại C.3 của Phụ lục C.
2.2.1.6.5 Không hiển thị tên và ghi chú cho các doanh trại quân đội, trụ sở quốc phòng.
2.2.2 Kiểm tra, đánh giá bộ mẫu bản đồ địa hình quốc gia
2.2.2.1 Sau khi thể hiện, trình bày các yếu tố nội dung bản đồ địa hình quốc gia mẫu cho các khu vực cần tiến hành đánh giá sự phù hợp của từng mảnh bản đồ mẫu với việc thể hiện nội dung quy định từ 2.2 đến 2.9 Phần II của QCVN 72:2023/BTNMT đối với tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và từ Điều 8 đến Điều 15 của Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT đối với tỷ lệ 1:10.000.
2.2.2.2 Trường hợp phần lớn tên và ghi chú được thể hiện trên bản đồ phù hợp cần tiến hành ghi nhận kết quả bản đồ mẫu và in ra trên máy in Plotter để làm cơ sở lập tài liệu biên tập kỹ thuật.
2.2.2.3 Trường hợp còn tồn tại nhiều tên và ghi chú thể hiện trên bản đồ không phù hợp với quy định hoặc chồng đè nhiều lên nhau cần tiến hành thực hiện lại bước công việc tại 2.2.1.6 trên cơ sở đặt lại các thông số cho phù hợp.
2.2.3 Tài liệu Biên tập kỹ thuật
2.2.3.1 Tài liệu biên tập kỹ thuật được thành lập sau khi kết thúc quá trình thành lập bộ mẫu bản đồ địa hình quốc gia. Tài liệu biên tập kỹ thuật là văn bản tổng hợp hướng dẫn các bước biên tập, trình bày bản đồ địa hình quốc gia cho toàn bộ khu vực cần thành lập bản đồ trên cơ sở bộ mẫu bản đồ địa hình quốc gia.
2.2.3.2 Tài liệu biên tập kỹ thuật được bố cục thành ba phần gồm phần mở đầu, phần nội dung chính và phần Phụ lục.
2.2.3.3 Phần mở đầu giới thiệu khái quát tình hình và các nét đặc trưng của khu vực thi công.
2.2.3.4 Phần nội dung chính
2.2.3.4.1 Phân tích và đánh giá cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia khu vực cần thành lập bản đồ địa hình quốc gia, lưu ý những vấn đề còn tồn tại (nếu có) của cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia liên quan đến việc trình bày, biên tập bản đồ địa hình quốc gia. Đề xuất phương án kỹ thuật xử lý dữ liệu đáp ứng các yêu cầu biên tập, trình bày bản đồ.
2.2.3.4.2 Trên cơ sở bộ mẫu bản đồ địa hình quốc gia và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, căn cứ từng mảnh bản đồ mẫu để tiến hành phân loại phạm vi áp dụng cho toàn bộ khu vực cần thành lập bản đồ địa hình quốc gia. Việc áp dụng các mảnh bản đồ mẫu phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa vật đặc trưng của khu vực đó trong cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.
2.2.3.4.3 Lập bản hướng dẫn chi tiết cho từng khu vực để làm căn cứ áp dụng, thực hiện.
2.2.3.5 Phần Phụ lục bao gồm các sơ đồ phân vùng hướng dẫn trình bày bản đồ, bộ mẫu bản đồ địa hình quốc gia.
2.3 Thành lập bản đồ địa hình quốc gia
2.3.1 Căn cứ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và phạm vi phân vùng đã được xác định tại 2.2.1.1 tiến hành trình bày hiển thị các yếu tố nội dung bản đồ địa hình quốc gia theo từng vùng đã được xác định. Việc trình bày hiển thị phải tuân thủ theo các nguyên tắc được quy định tại 2.2.1.2 đến 2.2.1.6.
2.3.2. Biên tập bản đồ địa hình quốc gia
2.3.2.1 Việc biên tập bản đồ địa hình quốc gia được thực hiện theo phạm vi từng mảnh bản đồ đã quy định cụ thể trong tài liệu biên tập và đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật thể hiện các yếu tố nội dung bản đồ địa hình quốc gia tại QCVN 72:2023/BTNMT đối với tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT đối với tỷ lệ 1:10.000.
2.3.2.2 Biên tập đối với ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia
2.3.2.2.1 Việc biên tập đối với nhóm ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia được thực hiện do việc trình bày hiển thị tại 2.3.1 chưa đảm bảo đúng so với quy định của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng.
2.3.2.2.2 Đối với các đối tượng địa lý trùng nhau hoặc quá gần nhau việc biên tập được thực hiện theo 2.2.8 Phần II của QCVN 72:2023/BTNMT đối với tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và khoản 6 Điều 8 của Thông tư 12/2020/TT-BTNMT đối với tỷ lệ 1:10.000.
2.3.2.2.3 Trường hợp các đối tượng hình tuyến sử dụng ký hiệu cùng màu với ký hiệu chữ hoặc ký hiệu độc lập mà không thể xê dịch vị trí thì được phép ngắt các đối tượng hình tuyến tạo khoảng cách 0,2 mm trên bản đồ giữa các ký hiệu để có thể phân biệt rõ hai ký hiệu cùng màu.
2.3.2.2.4 Đối với nhóm lớp dữ liệu giao thông cần biên tập: ký hiệu taluy theo hướng dốc địa hình; các đối tượng trên đường bộ, đường sắt có ký hiệu không theo tỷ lệ phải theo hướng đường bộ, đường sắt; đối tượng cống có ký hiệu không theo tỷ lệ phải theo hướng vuông góc với đối tượng thủy văn; tại các ngã ba, ngã tư đường phải biên tập để đảm bảo tính liên thông của hệ thống đường bộ.
2.3.2.2.5 Đối với nhóm lớp dữ liệu thuỷ văn cần tạo thêm lớp ký hiệu hướng dòng chảy trong đó ký hiệu hướng dòng chảy được đặt tại vị trí phù hợp với độ dốc địa hình. Các ký hiệu bờ kè, bờ cạp, taluy bờ kênh mương, taluy đê đặt theo hướng dốc địa hình.
2.3.2.2.6 Đối với nhóm lớp dữ liệu dân cư cần lưu ý biên tập đối với các đối tượng thành lũy, tường vây đảm bảo ký hiệu của các đối tượng này theo đúng quy định của ký hiệu.
2.3.2.2.7 Đối với nhóm lớp dữ liệu địa hình cần tạo thêm lớp ký hiệu nét chỉ dốc, trong đó ký hiệu nét chỉ dốc được đặt tại vị trí phù hợp với độ dốc địa hình và lưu ý biên tập cho đúng hướng của ký hiệu đối với các đối tượng địa lý sau:
- Các đối tượng được thể hiện bằng ký hiệu theo tỷ lệ: các loại hố nhân tạo, gò đống, khe rãnh xói mòn, phễu castơ;
- Các đối tượng thể hiện bằng ký hiệu không theo tỷ lệ: địa hình bậc thang, khu vực đào đắp, khối đá, lũy đá không biểu thị được bằng bình độ, vách đứng không biểu thị được bằng đường bình độ, sườn sụt lở, sườn đứt gãy, địa hình cắt xẻ nhân tạo, bờ dốc tự nhiên.
2.3.2.2.8 Đối với nhóm lớp dữ liệu phủ thực vật cần biên tập các ký hiệu cây độc lập sao cho tránh chồng đè với các đối tượng ưu tiên cấp cao hơn. Những vùng có diện tích nhỏ mà quy định thể hiện bằng việc trải ký hiệu theo vùng cần đảm bảo thể hiện tối thiểu 01 ký hiệu đại diện vào trung tâm vùng.
2.3.2.3 Biên tập đối với tên và ghi chú
2.3.2.3.1 Trường hợp tên và ghi chú các đối tượng địa lý được trình bày tại 2.2.1.6 chưa đảm bảo đúng so với quy định của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng cần phải được biên tập theo quy định.
2.3.2.3.2 Kiểm tra, rà soát và biên tập tên gọi của khu dân cư trong toàn bộ khu vực. Lựa chọn giữ lại tên các khu dân cư cấp thôn, làng, bản, lọc bỏ tên tổ dân phố ở khu vực đô thị. Giữ lại danh từ chung khi tên dân cư có danh từ riêng chỉ có một âm tiết.
2.3.2.3.3 Rà soát các đối tượng địa lý có đồ hình rộng lớn, nằm trên nhiều mảnh bản đồ như nông, lâm trường, trang trại, khu di tích lịch sử, khu chế xuất, khu công nghiệp, sân gôn, bãi thải, công trình để trình bày tên nhắc lại theo mật độ thích hợp.
2.3.2.3.4 Kiểm tra, rà soát và biên tập tên và ghi chú của các đối tượng hình tuyến trong toàn bộ khu vực. Đối với các đối tượng hình tuyến thể hiện bằng ký hiệu theo tỷ lệ, có đủ độ rộng để thể hiện tên và ghi chú thì giữ nguyên. Đối với các đối tượng hình tuyến thể hiện bằng ký hiệu nửa theo tỷ lệ cần tiến hành biên tập, xê dịch tên và ghi chú của đối tượng hình tuyến lên phía trên hoặc phía dưới đối tượng hình tuyến đó có tính đến mật độ của các đối tượng địa lý khác lân cận để tránh chồng đè. Hướng chữ của tên và ghi chú được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Khi hướng của địa vật là Đông - Tây thì đầu chữ hướng về phía Bắc.
- Khi hướng địa vật là Bắc - Nam thì đầu chữ hướng về phía Tây.
- Khi hướng địa vật là Tây Bắc - Đông Nam thì đầu chữ hướng về phía Đông Bắc.
- Khi hướng địa vật là Đông Bắc - Tây Nam thì đầu chữ hướng về phía Tây Bắc.
- Trường hợp đối tượng hình tuyến có dạng đường cong kéo dài thì đầu chữ hướng về phía Bắc.
2.3.2.3.5 Trường hợp tên và ghi chú chạm, dính hoặc chồng đè nhau thì tiến hành xê dịch vị trí của tên và ghi chú của các đối tượng địa lý đó theo thứ tự ưu tiên quy định tại C.1, C.2 và C.3 của Phụ lục C.
2.3.2.3.6 Trường hợp mật độ tên và ghi chú quá dày đặc ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung, khả năng dung nạp của bản đồ địa hình quốc gia, cần tiến hành biên tập theo các bước như sau:
- Rà soát tên của đối tượng địa lý có thể viết tắt được danh từ chung thì viết tắt theo quy định tại Phụ lục C của QCVN 72:2023/BTNMT đối với bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và Phụ lục 3 của Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT đối với bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000.
- Lựa chọn giữ lại tên và ghi chú cho các đối tượng địa lý nổi tiếng hoặc có ý nghĩa định hướng.
- Sau khi thực hiện các bước biên tập ở trên mà mật độ tên và ghi chú vẫn ảnh hưởng đến việc trình bày bản đồ thì được phép thu nhỏ cỡ chữ bằng 2/3 cỡ chữ quy định trong ký hiệu.
2.3.2.3.7 Trong quá trình biên tập, đối với các đối tượng địa lý nằm trên hai hoặc nhiều mảnh bản đồ cần lưu ý biên tập để thể hiện đầy đủ tên và ghi chú của đối tượng địa lý đó trên các mảnh bản đồ theo đúng quy định.
2.3.2.3.8 Trong quá trình biên tập khi các ký hiệu không theo tỷ lệ có tâm nằm trong mảnh bản đồ và phần ký hiệu chờm ra ngoài khung không quá 1/4 ký hiệu thì cần trình bày hoàn chỉnh ký hiệu đó. Trường hợp tâm ký hiệu nằm sát mép khung trong thì cần trình bày đầy đủ ký hiệu trên cả hai mảnh bản đồ kề nhau và biên tập nét khung dừng cách ký hiệu 0,2 mm.
2.3.2.4 Trình bày khung bản đồ
Kết thúc quá trình biên tập thực hiện trình bày ngoài khung cho từng tờ bản đồ địa hình quốc gia. Việc trình bày khung tuân thủ theo các quy định tại 2.4 Phần II của QCVN 72:2023/BTNMT đối với bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và Điều 9 của Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT đối với bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000.
2.4 Xuất bản đồ theo các định dạng sản phẩm quy định
2.4.1 Xuất tệp dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia sang định dạng GeoTiFF - 24 bit với chế độ màu là 24-bit.
2.4.2 Xuất tệp dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia sang dạng GeoPDF độ phân giải từ 300 dpi trở lên. Sản phẩm bản đồ địa hình quốc gia ở định dạng GeoPDF phải được phân lớp theo quy định tại 2.2.1.3 và 2.2.1.4. Chi tiết tổ chức phân lớp dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia ở định dạng GeoPDF tại E.1 của Phụ lục E.
2.5 Xây dựng siêu dữ liệu bản đồ
2.5.1 Xây dựng siêu dữ liệu bản đồ là bước công việc cuối sau khi hoàn thành các nội dung biên tập bản đồ địa hình quốc gia.
2.5.2 Nội dung siêu dữ liệu tuân theo quy định tại Phụ lục I của QCVN 42:2020/BTNMT. Thực hiện xây dựng siêu dữ liệu theo mẫu quy định tại Phụ lục D. Sản phẩm của bước công việc này là tệp siêu dữ liệu được đóng gói ở định dạng XML ISO 19139.
2.5.3 Sau khi xây dựng xong siêu dữ liệu bản đồ cần kiểm tra chất lượng siêu dữ liệu trước khi tích hợp vào tệp dữ liệu bản đồ số quy định tại 2.4.
2.6.1 Sản phẩm bản đồ địa hình quốc gia tại 2.4, 2.5 được đóng gói theo phiên hiệu mảnh bản đồ. Sản phẩm trung gian là cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia dùng để thành lập bản đồ địa hình quốc gia ở định dạng GDB kèm tệp trình bày bản đồ địa hình quốc gia ở định dạng MXD đóng gói theo phạm vi phân loại tại 2.2.1.1 và phải phủ kín theo phạm vi khung các mảnh bản đồ địa hình quốc gia, kèm theo tài liệu biên tập kỹ thuật và bộ mẫu bản đồ địa hình quốc gia.
2.6.2 Sản phẩm giao nộp được ghi trên các thiết bị lưu trữ, nhãn thiết bị lưu trữ phải ghi đầy đủ các thông tin cơ bản và được xác nhận tính pháp lý, bao gồm: Phiên hiệu mảnh bản đồ, tên chủ đầu tư, tên đơn vị thi công, tên đơn vị kiểm tra chất lượng, thời gian giao nộp sản phẩm. Trường hợp sản phẩm giao nộp được ghi trên nhiều thiết bị lưu trữ thì trên từng thiết bị lưu trữ phải ghi rõ số thứ tự của thiết bị lưu trữ đó trên tổng số thiết bị lưu trữ giao nộp. Trường hợp danh mục phiên hiệu mảnh bản đồ trong phạm vi khu vực cần thành lập bản đồ không thể hiện đủ trên phạm vi mặt thiết bị lưu trữ thì được ghi ra giấy A4 và đính kèm thiết bị lưu trữ.
2.6.3 Chi tiết quy cách đóng gói sản phẩm giao nộp tại E.3 của Phụ lục E.
III. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
1. Phương thức đánh giá sự phù hợp
Sử dụng Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Nội dung và trình tự thực hiện các hoạt động chính trong Phương thức 3 thực hiện như sau:
1.1 Lấy mẫu
Tiến hành lấy mẫu điển hình tại các bước công việc quy định tại 2.2, 2.4, 2.5. Số lượng mẫu theo quy định tại Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT.
1.2 Đánh giá sự phù hợp của mẫu thử nghiệm
1.2.1 Mẫu sản phẩm được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định của pháp luật, có thể bao gồm cả phòng thử nghiệm của nhà sản xuất. Ưu tiên sử dụng phòng thử nghiệm hoặc tổ chức được chỉ định và được công nhận.
1.2.2 Các đặc tính của Bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 cần thử nghiệm và phương pháp thử nghiệm được quy định trong QCVN 72:2023/BTNMT; Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT.
1.3 Đánh giá sự phù hợp của quá trình sản xuất
Việc đánh giá quá trình sản xuất phải xem xét đầy đủ tới các điều kiện kiểm soát của nhà sản xuất liên quan đến việc tạo thành sản phẩm nhằm đảm bảo duy trì ổn định chất lượng sản phẩm. Các điều kiện kiểm soát bao gồm:
a) Kiểm soát hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm (tài liệu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm);
b) Kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ đầu vào, qua các giai đoạn trung gian cho đến khi hình thành sản phẩm;
c) Kiểm soát trang thiết bị công nghệ;
d) Kiểm soát trình độ tay nghề công nhân và cán bộ kỹ thuật;
đ) Các nội dung kỹ thuật cần thiết khác.
Trường hợp nhà sản xuất đã có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận hoặc được thừa nhận đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm được đánh giá, không cần phải đánh giá quá trình sản xuất. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng về việc không duy trì hiệu lực hệ thống quản lý chất lượng, tổ chức chứng nhận cần tiến hành đánh giá quá trình sản xuất, đồng thời báo cáo về Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.
1.4 Xử lý kết quả đánh giá sự phù hợp
Xem xét các đặc tính của sản phẩm qua kết quả thử nghiệm mẫu so với yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Xem xét sự phù hợp của quá trình sản xuất so với yêu cầu quy định tại mục 1.3.
1.5 Kết luận về sự phù hợp
Kết luận về sự phù hợp của sản phẩm so với yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Sản phẩm được xem là phù hợp nếu đảm bảo đủ 2 điều kiện sau:
a) Tất cả các chỉ tiêu của mẫu thử nghiệm phù hợp với mức quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
b) Kết quả đánh giá quá trình sản xuất phù hợp với yêu cầu.
2. Quy định về công bố hợp quy
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Điều 3 Phần III trước khi đưa sản phẩm vào sử dụng.
3. Phương pháp thử
3.1 Lấy mẫu điển hình tại từng bước công việc của quy trình theo quy định tại Điều 1 Phần III để phục vụ kiểm tra.
3.2 Lựa chọn sử dụng các công cụ phần mềm, các thiết bị công nghệ đang sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm để kiểm tra các sản phẩm tương ứng. Kết quả đánh giá sự phù hợp theo quy định tại 1.5 Phần III.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
1. Tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan đến việc thành lập bản đồ địa hình quốc gia phải tuân thủ các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ và thông tin địa lý tại các địa phương có trách nhiệm tổ chức quản lý việc triển khai các hoạt động liên quan đến việc thành lập bản đồ địa hình quốc gia trên địa bàn theo phân cấp quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đo đạc và bản đồ đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
2. Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam có trách nhiệm tổ chức phổ biến, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, quyết định./.