BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 29-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 1997 |
QUY ĐỊNH
"THI HÀNH ĐIỀU LỆ ĐẢNG"
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Chính trị tại điều 17 của Điều lệ Đảng,
Bộ Chính trị ban hành bản quy định thi hành Điều lệ Đảng với một số nội dung chủ yếu sau đây:
1- Điều 3 (điểm 2): Quyền của đảng viên trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng.
a) Quyền ứng cử:
- Tất cả đảng viên chính thức đều có quyền ứng cử vào cấp uỷ các cấp, dù đảng viên đó là đại biểu hay không là đại biểu của đại hội.
Đảng viên không phải là đại biểu của đại hội ứng cử vào cấp uỷ từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên phải có các điều kiện: chậm nhất là 15 ngày trước khi họp đại hội phải gửi đến cấp uỷ triệu tập đại hội đơn xin ứng cử; bản xác nhận lý lịch và bản nhận xét của cấp uỷ cơ sở. Nếu không có đủ các điều kiện đó thì đơn xin ứng cử không có giá trị.
- Cấp uỷ viên các cấp có quyền ứng cử để bầu vào ban thường vụ; uỷ viên thường vụ có quyền ứng cử để bầu bí thư, phó bí thư. Trường hợp cấp uỷ chỉ bầu bí thư, phó bí thư, không bầu ban thường vụ thì cấp uỷ viên có quyền ứng cử để bầu bí thư, phó bí thư.
- Chỉ có đại biểu chính thức (ở đại hội đại biểu) và đảng viên chính thức (ở đại hội đảng viên) mới có quyền ứng cử làm đại biểu đi dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp.
b) Quyền đề cử:
- Đại biểu chính thức của đại hội đại biểu đảng bộ mỗi cấp có quyền đề cử những đảng viên trong số đại biểu chính thức của đại hội cấp đó đi dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên.
- Đại biểu chính thức của đại hội đại biểu đảng bộ mỗi cấp có quyền đề cử đảng viên chính thức trong đảng bộ (kể cả đảng viên không phải là đại biểu của đại hội) tham gia cấp uỷ cấp mình.
Khi đề cử đảng viên không phải là đại biểu của đại hội vào cấp uỷ, người đề cử phải báo cáo bằng văn bản về sơ yếu lý lịch, tư cách của người được đề cử với cơ quan chuẩn bị nhân sự của đại hội và được sự đồng ý của người đó.
- Đảng viên chính thức và đảng viên dự bị trong đại hội đảng viên đều có quyền đề cử đảng viên chính thức làm đại biểu dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên hoặc vào cấp uỷ cấp mình.
- Cấp uỷ triệu tập đại hội có trách nhiệm báo cáo với đại hội về công tác chuẩn bị nhân sự cấp uỷ khoá mới; trình danh sách nhân sự do cấp uỷ giới thiệu để đại hội xem xét bầu cấp uỷ khoá mới.
c) Quyền bầu cử:
- Chỉ có đại biểu chính thức của đại hội đại biểu các cấp và đảng viên chính thức của đại hội đảng viên mới có quyền bầu cấp uỷ cấp mình và bầu đại biểu dự đại hội cấp trên.
2. Điều 4 (điểm 3): Lịch sử chính trị của người vào Đảng.
a) Về quan điểm chỉ đạo thực hiện:
Khi nghiên cứu vận dụng thực hiện các quy định về lịch sử chính trị của người vào Đảng, các cấp uỷ và tổ chức đảng phải thực sự khách quan, xem xét toàn diện, làm rõ thực chất mức độ các mối quan hệ về chính trị của người vào Đảng để có hướng xử lý đúng đắn từng trường hợp cụ thể; không vội vàng kết nạp những người tuy có tinh thần hăng hái, tích cực trong công tác, nhưng chưa có sự thẩm tra, xác minh làm rõ các mối quan hệ về lịch sử chính trị; không lơi lỏng mất cảnh giác kết nạp những người không có đủ sự tin cậy về chính trị vào Đảng; cũng không quy kết "liên quan chính trị", "nghi vấn chính trị" một cách không có căn cứ.
b) Về một số quy định cụ thể đối với những trường hợp không được kết nạp vào Đảng:
+ Những người bản thân là tay sai cho địch, đã có hành động chống phá cách mạng, có tội ác với nhân dân như làm gián điệp, chỉ điểm, mật vụ, CIA, phòng nhì...; hoạt động trong các đảng phái và tổ chức phản động; trong ban chấp hành các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội do địch lập ra từ ấp, khóm trở lên; làm việc trong bộ máy đàn áp cách mạng và các lực lượng vũ trang của địch, giữ các chức vụ chỉ huy và những tên có hành động chống phá cách mạng, có tội ác đối với nhân dân v.v...
+ Những người tuy bản thân không làm tay sai cho địch nhưng có cha, mẹ, vợ, chồng và người nuôi dưỡng là phản động, ác ôn có nợ máu với nhân dân, đã bị nhân dân xử trí (trừ trường hợp đã thoát ly gia đình, tích cực tham gia cách mạng, qua quá trình rèn luyện thử thách, chứng tỏ đã thật sự giác ngộ lý tưởng của Đảng, trung thành với cách mạng, kiên quyết chống lại hành động sai trái của những người nói trên, nếu đủ tiêu chuẩn đảng viên, được tỉnh uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Trung ương đồng ý và đã được kiểm tra thật chặt chẽ thì có thể xem xét kết nạp).
+ Những người đã tham gia cách mạng nhưng sau đó đã phản bội, đầu hàng địch.
+ Những người đã có hành động chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước như: trực tiếp hoặc gián tiếp lưu trữ, truyền bá, tán phát tài liệu phản động; cung cấp tài liệu mật của Đảng và Nhà nước cho các tổ chức phản động và phần tử xấu ở trong nước và ngoài nước.
+ Những người chuyên làm nghề mê tín, dị đoan; lợi dụng các hoạt động tôn giáo làm hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
+ Những người sống chủ yếu bằng nguồn tiền, hàng của người thân tị nạn chính trị ở nước ngoài gửi về.
3. Điều 4: Điều kiện xem xét kết nạp lại và việc tính tuổi đảng cho đảng viên được kết nạp lại.
a) Điều kiện xem xét kết nạp lại:
Chỉ xem xét, kết nạp lại những người:
+ Có đủ tiêu chuẩn, đảng viên nêu tại điểm 1, Điều 1.
+ Phải qua một thời gian thử thách, ít nhất là 12 tháng sau khi đã ra khỏi Đảng trước đó; nếu bị xử lý án hình sự thì ít nhất sau 12 tháng kể từ khi thi hành xong bản án.
+ Phải thực hiện đúng các thủ tục nêu ở các điểm 1, 2, 3 Điều 4.
b) Việc tính tuổi đảng cho đảng viên được kết nạp lại:
Tuổi đảng của đảng viên được kết nạp lại được tính từ ngày đảng viên đó được công nhận là đảng viên chính thức lần đầu, trừ thời gian không tham gia sinh hoạt đảng.
4. Điều 4 (điểm 4): Kết nạp đảng viên trong một số trường hợp đặc biệt.
Trường hợp đặc biệt là trường hợp ở một số lĩnh vực hoạt động chưa có tổ chức đảng; hoặc đã có tổ chức đảng nhưng hoàn cảnh công tác của người vào Đảng không cho phép họ có thể sinh hoạt chi bộ đảng theo quy định... Việc xét kết nạp vào Đảng một số trường hợp đặc biệt nói trên do số ít đồng chí có trọng trách trong Đảng, chủ yếu là ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành sau khi đã báo cáo và được Thường vụ Bộ Chính trị đồng ý.
5. Điều 6: Phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt đảng.
a) Phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên:
Thẻ đảng viên phát cho đảng viên chính thức tại tổ chức cơ sở đảng, do cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng ra quyết định.
Đảng viên được nhận thẻ đảng viên phải chấp hành đúng những quy định về sử dụng và bảo quản thẻ đảng viên, khi mất hoặc làm hỏng thẻ đảng viên phải báo cáo ngay với cấp uỷ để xét việc phát lại hoặc đổi thẻ đảng viên; khi bị khai trừ, xoá tên phải nộp lại thẻ đảng viên cho chi bộ, đảng uỷ cơ sở.
Cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng quản lý sổ phát thẻ đảng viên.
Các tỉnh uỷ, thành uỷ và cấp uỷ trực thuộc Trung ương chỉ đạo và kiểm tra việc phát thẻ đảng viên.
b) Quản lý hồ sơ đảng viên:
Hồ sơ đảng viên gồm: Lý lịch đảng viên (theo mẫu do Ban Tổ chức Trung ương phát hành); các nghị quyết và quyết định của cấp uỷ về kết nạp đảng viên, về công nhận đảng viên chính thức, về đề bạt, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; các bản kiểm điểm, nhận xét đảng viên; giấy chuyển sinh hoạt đảng...
Cấp uỷ cơ sở quản lý hồ sơ đảng viên và danh sách đảng viên. Cấp uỷ cơ sở nào không có điều kiện quản lý và bảo quản hồ sơ đảng viên thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp quản lý.
Cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng quản lý sơ yếu lý lịch và danh sách đảng viên của đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc.
Hàng năm cấp uỷ quản lý hồ sơ đảng viên phải tiến hành việc bổ sung lý lịch đảng viên và hồ sơ đảng viên.
c) Chuyển sinh hoạt đảng:
- Đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang một đơn vị mới, hoặc thay đổi nơi ở mới lâu dài thì phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức.
Khi chuyển sinh hoạt đảng chính thức cho đảng viên, cấp uỷ nơi đảng viên đang sinh hoạt và công tác làm đầy đủ thủ tục, niêm phong hồ sơ, giao cho đảng viên trực tiếp mang theo để báo cáo với các cấp uỷ đảng làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt đảng theo hướng dẫn cụ thể của Ban Tổ chức Trung ương; trường hợp đặc biệt thì hồ sơ đảng viên do tổ chức đảng trực tiếp chuyển.
- Đảng viên có công việc phải thay đổi nơi ở và nơi công tác trong thời gian dưới 1 năm (riêng đảng viên được cử đi học ở các trường trong nước từ 3 tháng đến 2 năm), sau đó lại trở về đơn vị cũ, phải làm thủ tục giới thiệu sinh hoạt đảng tạm thời từ đảng bộ, chi bộ cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt đảng chính thức đến đảng bộ, chi bộ cơ sở nơi công tác, học tập hoặc nơi cư trú mới.
Đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời có nhiệm vụ và các quyền như sau:
- Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định tại điều 2 và các quyền ghi tại điều 3 của Điều lệ Đảng, trừ quyền biểu quyết, quyền ứng cử và quyền bầu cử.
- Nếu cần kéo dài thời hạn sinh hoạt đảng tạm thời, đảng viên phải xin gia hạn và báo cáo với cấp uỷ đảng nơi đảng viên đang sinh hoạt tạm thời để thông báo tổ chức đảng nơi sinh hoạt chính thức của đảng viên đó biết.
- Đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời nếu vi phạm kỷ luật, cấp uỷ nơi đảng viên sinh hoạt tạm thời có trách nhiệm xem xét xử lý tới mức cảnh cáo và thông báo với cấp uỷ nơi sinh hoạt chính thức biết. Trường hợp phải xử lý kỷ luật ở mức cao hơn, cấp uỷ nơi đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời phải thông báo mức độ khuyết điểm để cấp uỷ nơi quản lý chính thức của đảng viên đó xử lý; đồng thời báo cáo với cấp uỷ cấp trên của tổ chức cơ sở đảng nơi quản lý đảng viên đó biết và chỉ đạo việc xử lý theo đúng quy định của Điều lệ Đảng về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm.
Việc quản lý, chuyển sinh hoạt đảng và tổ chức sinh hoạt đảng cho những đảng viên đi ra nước ngoài (có nhiệm vụ được giao hoặc đi làm việc riêng) theo quy định số 17 QĐ/TW ngày 10-12-1996 của Bộ Chính trị.
6. Điều 10 (điểm 2, 3); Điều 21 (điểm 3, 4, 5); Lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng; lập cơ cấu tổ chức ở các cơ sở đảng có đặc điểm khác nhau; lập hoặc giải thể đảng bộ, chi bộ trực thuộc.
a) Việc lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng:
Tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng là tổ chức đảng cấp trên của các tổ chức cơ sở đảng không phải là cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh như quy định chung đối với các tổ chức cơ sở đảng đã nêu ở điểm 2, Điều 10 của Điều lệ Đảng. Các tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng nói trên do cấp uỷ các cấp trên của cơ sở quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, nhằm giúp cấp uỷ tập trung chỉ đạo đối với hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng ở những đơn vị đó.
Ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng (đảng uỷ khối hoặc ban cán sự đảng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ...). Các tổ chức đảng đó giúp cấp uỷ chỉ đạo hoạt động đối với một số tổ chức cơ sở đảng trong cùng một ngành hoặc trong một số ngành có quan hệ với nhau về nhiệm vụ chính trị được giao. Các tổ chức cơ sở đảng lớn, có vị trí quan trọng có thể được đặt trực thuộc tỉnh, thành uỷ.
b) Việc lập cơ cấu tổ chức ở các cơ sở đảng có đặc điểm khác nhau:
- Ở một số đơn vị cơ sở chưa đủ 30 đảng viên nhưng có yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với tình hình, đặc điểm của các đơn vị đó (là đơn vị có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội như ở các cơ quan Trung ương, trường đại học, doanh nghiệp lớn, xã, phường có số dân đông...) thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét quyết định cho lập đảng bộ cơ sở.
- Ở một số khoa của trường đại học, một số phân xưởng, xí nghiệp trực thuộc của doanh nghiệp; một số thôn, xóm, ấp, bản, cụm dân cư ở xã, phường... có hơn 30 đảng viên, do tình hình thực tế và yêu cầu chỉ đạo không thể tách ra nhiều chi bộ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét quyết định cho lập chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở. Chi bộ có từ 30 đảng viên trở lên chia thành nhiều tổ đảng. Tổ đảng có nhiệm vụ chủ yếu là trực tiếp quản lý, giáo dục, hướng dẫn và giúp đỡ đảng viên sản xuất, công tác và học tập tốt, lãnh đạo quần chúng thực hiện nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị; tuyên truyền vận động quần chúng vào Đảng. Tổ đảng sinh hoạt ít nhất mỗi tháng 1 lần.
- Ở một số tổ chức cơ sở đảng có đông đảng viên (chủ yếu là ở các doanh nghiệp, trường đại học lớn) có thể được lập đảng uỷ bộ phận trực thuộc đảng uỷ cơ sở và là cấp trên của các chi bộ. Đảng uỷ bộ phận có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của đảng uỷ cơ sở ở các chi bộ, thẩm định nghị quyết của chi bộ về kết nạp đảng viên, về thi hành kỷ luật đảng viên để đề đạt ý kiến với đảng uỷ cơ sở. Nhiệm kỳ của đảng uỷ bộ phận như nhiệm kỳ của đảng uỷ cơ sở.
c) Việc lập hoặc giải thể đảng bộ, chi bộ:
- Việc lập đảng bộ, chi bộ:
Khi có yêu cầu và có đủ điều kiện như quy định tại điều 21, Điều lệ Đảng thì cấp uỷ cấp trên của đảng bộ, chi bộ quyết định việc lập đảng bộ, chi bộ, chỉ định đảng uỷ, chi uỷ lâm thời, chỉ đạo việc chuẩn bị tiến hành đại hội bầu đảng uỷ, chi uỷ chính thức theo quy định tại điểm 5, điều 13, Điều lệ Đảng và báo cáo cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
- Việc giải thể đảng bộ, chi bộ:
Chỉ giải thể một đảng bộ, chi bộ khi đảng bộ, chi bộ đó đã làm xong nhiệm vụ hoặc không còn phù hợp về mặt tổ chức.
Cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định việc giải thể đảng bộ, chi bộ trực thuộc và báo cáo cấp uỷ cấp trên trực tiếp. Việc giải thể một chi bộ hoặc đảng uỷ bộ phận do đảng uỷ cơ sở quyết định và báo cáo cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
Cấp uỷ của tổ chức đảng nơi có quyết định giải thể thực hiện việc giới thiệu sinh hoạt đảng cho đảng viên và bàn giao cho cấp uỷ cấp ra quyết định giải thể: con dấu, hồ sơ tài liệu, cơ sở vật chất của đảng bộ và danh sách đảng viên hiện có.
7. Điều 11 (điểm 2):Quy định số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu đi dự đại hội đại biểu đảng bộ các cấp.
Số lượng đại biểu đại hội toàn quốc của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Số lượng đại biểu đại hội đại biểu đảng bộ các cấp do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội quyết định theo chỉ thị của Bộ Chính trị trước khi tiến hành đại hội. Cấp uỷ triệu tập đại hội phân bổ số lượng đại biểu cho các đảng bộ trực thuộc căn cứ vào số lượng đảng viên, số lượng đảng bộ trực thuộc, vị trí quan trọng của từng đảng bộ.
Đại biểu dự đại hội đại biểu các cấp gồm các uỷ viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội, các đại biểu do đại hội đại biểu đảng bộ, chi bộ trực thuộc bầu, đại biểu được chỉ định theo quy định tại điểm 4, điều 11 của Điều lệ Đảng.
Khi bầu đại biểu dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên, bầu đại biểu chính thức trước, bầu đại biểu dự khuyết sau. Trường hợp bầu đại biểu chính thức đã lấy đủ số lượng mà vẫn còn một số đại biểu được số phiếu trên một nửa so với tổng số đại biểu hoặc tổng số đảng viên được triệu tập thì đại biểu dự khuyết lấy trong số các đồng chí đó theo số phiếu bầu từ cao đến thấp. Nếu vẫn chưa đủ số lượng đại biểu dự khuyết theo quy định, có bầu nữa hay không là do đại hội quyết định.
Việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức do thường vụ cấp uỷ cấp triệu tập đại hội (ở Trung ương là Bộ Chính trị) quyết định. Việc chuyển tư cách đại biểu này phải được ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội xem xét và báo cáo đại hội thông qua. Đại biểu dự khuyết được chuyển thành đại biểu chính thức ở mỗi đảng bộ theo thứ tự số phiếu bầu ở đại hội đại biểu đảng bộ đó. Trường hợp bằng phiếu nhau thì lấy người có tuổi đảng cao hơn.
Sau khi trúng cử, đại biểu chính thức chuyển công tác và sinh hoạt đảng đến đơn vị mới, nhưng tổ chức đảng ở đơn vị mới đó vẫn trực thuộc cấp uỷ cấp triệu tập đại hội thì đồng chí đại biểu đó vẫn được triệu tập đến dự đại hội; nếu đồng chí đại biểu đó đã chuyển đến đơn vị mới mà tổ chức đảng ở đơn vị mới đó không trực thuộc cấp uỷ cấp triệu tập đại hội thì tổ chức đảng ở đơn vị đó được chuyển đại biểu dự khuyết thành chính thức để thay thế. Trường hợp không có đại biểu dự khuyết để thay thế thì được bầu bổ sung.
Trường hợp đặc biệt, ở đảng bộ đã bầu xong đại biểu lại có quyết định tách đảng bộ đó thành một số đảng bộ mới, thì cấp uỷ triệu tập đại hội có thể quyết định bầu bổ sung một số đại biểu cho các đảng bộ mới đó phù hợp với quy định tại điểm 2 điều 11 của Điều lệ Đảng về phân bổ đại biểu cho các đảng bộ trực thuộc.
8. Điều 11 (điểm 4): Chỉ định đại biểu tham dự đại hội đại biểu đảng bộ các cấp.
Việc chỉ định đại biểu chỉ thực hiện đối với tổ chức đảng ở các đơn vị hoạt động trong điều kiện đặc biệt.
Các tổ chức đảng hoạt động trong trường hợp đặc biệt là tổ chức đảng hoạt động ở ngoài nước, hoặc hoạt động phân tán, hoặc đang làm nhiệm vụ chiến đấu, không thể mở đại hội được.
Cấp uỷ triệu tập đại hội được chỉ định một số đại biểu ở các đảng bộ, chi bộ đó phù hợp với tính chất, đặc điểm, số lượng đảng viên ở các đơn vị đó.
9. Điều 12 (điểm 2); Điều 20 (điểm 2): Quy định số lượng cấp uỷ viên, số lượng uỷ viên ban thường vụ và số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ các cấp.
Việc quy định số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên thường vụ, uỷ viên uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ mỗi cấp căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, vị trí, đặc điểm của mỗi cấp; vào số lượng đơn vị trực thuộc và số lượng đảng viên của mỗi đảng bộ.
Trước mỗi kỳ đại hội đại biểu đảng bộ các cấp, căn cứ vào nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ra chỉ thị và Ban Tổ chức Trung ương ra văn bản hướng dẫn cụ thể về việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đại biểu đảng bộ các cấp, có quy định về số lượng (tối đa, tối thiểu) cấp uỷ viên, uỷ viên thường vụ, uỷ viên uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ mỗi cấp. Từ đó, cấp uỷ từng cấp tiến hành công tác chuẩn bị nhân sự khoá mới trình đại hội đại biểu đảng bộ cấp mình xem xét, quyết định số lượng cấp uỷ viên trước khi tiến hành công tác bầu cử. Cấp uỷ khoá mới sau khi được bầu thảo luận và quyết định về số lượng uỷ viên thường vụ và số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra cấp mình trước khi tiến hành bầu cử các chức vụ đó theo quy định hiện hành.
10. Điều 14 (điểm 1): Lập các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ.
Ban thường vụ cấp uỷ từ cấp huyện và tương đương trở lên được lập các ban chuyên trách giúp việc của cấp mình; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế, và việc bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan này theo quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
11. Điều 27 (điểm 4): Chỉ định đồng chí bí thư cấp uỷ và một số đồng chí ngoài đảng bộ quân sự địa phương tham gia đảng uỷ quân sự tỉnh, thành, huyện, quận, thị xã.
Trước mỗi kỳ đại hội đại biểu đảng bộ quân sự địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) hoặc khi có yêu cầu điều động cán bộ giữa nhiệm kỳ, cấp uỷ quân sự địa phương đề nghị với cấp uỷ địa phương cùng cấp chỉ định đồng chí bí thư cấp uỷ địa phương và một số đồng chí khác công tác và sinh hoạt đảng ngoài đảng bộ quân sự địa phương tham gia đảng uỷ quân sự địa phương. Số lượng, vị trí, chức vụ công tác của các đồng chí được chỉ định tham gia đảng uỷ quân sự ở mỗi địa phương có thể khác nhau, tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ công tác quốc phòng và công tác quân sự ở từng địa phương.
12. Điều 30: Công tác kiểm tra của Đảng.
Các tổ chức đảng vừa phải tiến hành công tác kiểm tra, vừa chịu sự kiểm tra của Đảng là: cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ các cấp; đảng uỷ, chi uỷ cơ sở và các chi bộ; uỷ ban kiểm tra, các ban của cấp uỷ ở các cấp; các ban cán sự đảng, đảng đoàn.
Các cấp uỷ đảng, trước hết là ban thường vụ cấp uỷ đề ra phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra trong từng thời gian; nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo quy chế làm việc, xem xét và giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của các tổ chức đảng về công tác kiểm tra; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hoạt động của uỷ ban kiểm tra; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra; có chương trình, kế hoạch kiểm tra việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ cấp trên và cấp mình về mọi lĩnh vực hoạt động; kiểm tra việc ra các quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định của cấp uỷ cấp mình và cấp dưới.
Ban cán sự đảng, đảng đoàn căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế làm việc của mình để xác định nội dung, đối tượng kiểm tra cho phù hợp, bảo đảm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh.
Các tổ chức đảng ở cơ sở kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị và Điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh ở cơ sở mình. Chi bộ kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, trước hết là thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị gắn với thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
13. Điều 32 (điểm 4): Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên.
Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên theo đúng Quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
- Đảng viên phải nêu cao tinh thần dân chủ trong tự phê bình và phê bình; khi tố cáo với Đảng, Nhà nước những việc làm sai trái của tập thể và cá nhân, phải nói đúng sự thật, dám ký tên, chịu trách nhiệm về thư tố cáo của mình và chỉ gửi đến tổ chức đảng và cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
- Tổ chức đảng phải bảo đảm quyền dân chủ của đảng viên và quần chúng trong việc giám sát, tố cáo những tổ chức và đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước, giữ bí mật cho người tố cáo; giải quyết dứt điểm và kịp thời các vụ việc bị tố cáo; chậm nhất là 3 tháng đối với cấp tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương, 6 tháng đối với cấp Trung ương. Trường hợp hết thời hạn mà chưa giải quyết xong thì thông báo cho người tố cáo biết. Nghiêm cấm và kiên quyết xử lý những tổ chức và cá nhân truy tìm, trù dập, trả thù người tố cáo; không để người bị tố cáo chủ trì, giải quyết những tố cáo liên quan đến bản thân.
- Những trường hợp tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận và thông báo thì người tố cáo phải chấp hành, không tố cáo đi, tố cáo lại nhiều lần, nếu không cung cấp được thông tin cần thiết để làm rõ thêm sự việc. Người tố cáo dựng chuyện vu khống phải bị xử lý theo Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Trong tình hình có một số người viết thư tố cáo với tinh thần trách nhiệm, dám nói sự thật, nhưng vì sợ bị trù dập nên dấu tên; và qua thực tế xem xét nội dung thư dấu tên có thư đúng sự thật, cũng có thư sai sự thật. Đối với những thư tố cáo không ký tên, mạo tên, nhưng nội dung thư có căn cứ cụ thể và có điều kiện xác minh thì uỷ ban kiểm tra cần nghiên cứu báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của thường vụ cấp uỷ, nếu được thường vụ cấp uỷ đồng ý thì tổ chức kiểm tra xem xét theo đúng quy định của Điều lệ Đảng.
- Tổ chức đảng và đảng viên bị tố cáo, khi được kiểm tra phải báo cáo trung thực với tổ chức đảng có thẩm quyền, được quyền đưa ra bằng chứng xác thực để bác bỏ nội dung tố cáo không đúng.
- Trong thời gian tổ chức có thẩm quyền đang kiểm tra và chưa kết luận thì đảng viên bị tố cáo vẫn làm việc và được hưởng các quyền của đảng viên.
14. Điều 32 (điểm 4): Giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng.
- Cấp uỷ và Uỷ ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng.
- Khi giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng, cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên có quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật do cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp dưới quyết định. Trường hợp cần thay đổi hình thức kỷ luật cao hơn vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo lên tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 36, chương VIII, Điều lệ Đảng.
Uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ cơ sở có trách nhiệm xem xét khiếu nại kỷ luật của đảng viên do chi bộ quyết định nhưng không có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật mà phải đề nghị với cấp uỷ cơ sở xem xét quyết định.
- Tổ chức đảng cấp trên chỉ giải quyết những khiếu nại kỷ luật do tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp quyết định hoặc đã giải quyết khiếu nại. Tổ chức đảng cấp trên khi nhận được những khiếu nại vượt cấp thì chuyển cho tổ chức đảng cấp dưới có thẩm quyền giải quyết.
Tổ chức đảng khi nhận được khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, đồng thời báo cho người khiếu nại biết. Cơ quan chức năng sau khi giải quyết phải thông báo kết quả cho tổ chức đảng đã chuyển thư khiếu nại và người khiếu nại biết.
- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có trách nhiệm xem xét, đề xuất ý kiến giải quyết và chuẩn bị hồ sơ các vụ khiếu nại kỷ luật thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Quá trình xử lý, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm đúng quy trình và theo sự phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Chính trị.
- Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật tiến hành tuần tự từ uỷ ban kiểm tra và cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đã quyết định thi hành kỷ luật. Sau khi được giải quyết, nếu đảng viên hoặc tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật không đồng ý, có khiếu nại tiếp thì cấp trên nữa mới giải quyết, lần lượt cho đến Ban Chấp hành Trung ương. Những trường hợp khiếu nại cần trình Ban Chấp hành Trung ương giải quyết, do Bộ Chính trị quyết định.
Những trường hợp Ban Chấp hành Trung ương xử lý kỷ luật, nếu có khiếu nại thì do Ban Chấp hành Trung ương xem xét giải quyết.
- Khi nhận được khiếu nại kỷ luật, cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra phải thông báo cho tổ chức đảng hoặc đảng viên khiếu nại biết. Kể từ ngày nhận được khiếu nại, chậm nhất ba tháng đối với cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận và tương đương, sáu tháng đối với cấp Trung ương, cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra phải xem xét, giải quyết, trả lời cho tổ chức đảng và đảng viên khiếu nại biết.
Nghiêm cấm các hành vi cản trở, dìm bỏ không xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.
- Không giải quyết những trường hợp khiếu nại sau đây: quá thời hạn một tháng kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật theo quy định tại điểm 7, Điều 39 của Điều lệ Đảng; đã được cấp có thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận; bị toà án xử phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên chưa được cơ quan pháp luật có thẩm quyền huỷ án cá nhân, tập thể và tổ chức đảng khiếu nại hộ cho đảng viên bị thi hành kỷ luật.
Trường hợp người bị thi hành kỷ luật có khiếu nại chưa được giải quyết mà đã chết, nếu thân nhân của người đó có yêu cầu thì tổ chức đảng vẫn xem xét, giải quyết.
15. Điều 34: Khen thưởng đối với tổ chức đảng và đảng viên.
- Tặng huy hiệu Đảng đối với những đảng viên có đủ 40 năm, 50 năm, 60 năm, 70 năm tuổi Đảng.
- Biểu dương, khen thưởng bằng những hình thức thích hợp như bằng khen, giấy khen, phần thưởng bằng hiện vật đối với những đảng viên ưu tú, có thành tích xuất sắc: Chi bộ đề nghị, đảng uỷ cơ sở xem xét công nhận, biểu dương, khen thưởng đảng viên có thành tích xuất sắc hằng năm. Các cấp trên cơ sở (tỉnh, huyện) khen thưởng, biểu dương những đảng viên có thành tích đặc biệt xuất sắc theo định kỳ hoặc bất thường do cấp uỷ cơ sở đề nghị.
- Biểu dương, khen thưởng bằng những hình thức thích hợp như cờ, bằng khen, giấy khen, phần thưởng bằng hiện vật... đối với các tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu "trong sạch, vững mạnh": Đảng uỷ, chi bộ cơ sở đề nghị, cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét và ra quyết định công nhận biểu dương, khen thưởng theo định kỳ (tối thiểu 5 năm 2 lần); cấp uỷ tỉnh và tương đương lựa chọn, biểu dương, khen thưởng những tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu theo định kỳ (tối thiểu 5 năm 1 lần).
Nguồn kinh phí đối với các hình thức khen thưởng quy định trên có kèm theo phần thưởng bằng hiện vật được trích từ quỹ khen thưởng chung của các ngành và địa phương hoặc từ ngân sách đảng.
16. Điều 35, Điều 36: Thi hành kỷ luật trong Đảng.
- Đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh: Vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xoá tên; cấp uỷ viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không áp dụng hình thức thôi chức; đảng viên dự bị vi phạm kỷ luật thì khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách đảng viên thì xoá tên.
- Đảng viên tham gia nhiều cấp uỷ, vi phạm đến mức phải cách chức cấp uỷ viên ở một cấp uỷ nào đó thì ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của cấp uỷ cao nhất mà đảng viên đó là thành viên quyết định.
- Đảng viên giữ nhiều chức vụ, vi phạm kỷ luật phải cách một hay tất cả các chức vụ hoặc khai trừ, thì tổ chức đảng có thẩm quyền cách chức vụ cao nhất quyết định. Nếu chỉ cách chức bí thư, phó bí thư thì vẫn còn là uỷ viên thường vụ; nếu cách chức uỷ viên thường vụ thì vẫn còn là cấp uỷ viên; khi bị cách chức cấp uỷ viên thì không còn chức bí thư, phó bí thư, uỷ viên thường vụ.
- Đảng viên bị cách chức vụ đảng thì cấp uỷ quản lý đảng viên đó chỉ đạo xem xét, xử lý chức vụ chính quyền, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
17. Điều 40 (điểm 4): Đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên, đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng.
a) Việc đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên, đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng nhằm ngăn chặn hành động gây trở ngại cho việc xem xét, kết luận của tổ chức đảng có thẩm quyền hoặc có hành động cụ thể làm cho vi phạm trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, chỉ áp dụng trong các trường hợp như sau:
- Đảng viên bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra lệnh truy tố, tạm giam; hoặc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng mà có hành động cụ thể cố ý gây trở ngại cho công tác lãnh đạo và kiểm tra của Đảng.
- Cấp uỷ viên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng mà có hành động cụ thể cố ý gây trở ngại cho hoạt động của cấp uỷ và công tác kiểm tra của Đảng.
- Tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng mà có hành động cụ thể cố ý gây trở ngại cho hoạt động của tổ chức đảng, cho công tác lãnh đạo và kiểm tra của Đảng.
b) Thời hạn đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ đối với cấp uỷ viên là ba tháng; trường hợp cần thiết phải gia hạn, thì thời gian đình chỉ kể cả gia hạn nhiều nhất không quá sáu tháng. Thời hạn đình chỉ hoạt động đối với tổ chức đảng nhiều nhất không quá ba tháng.
- Thời hạn đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đảng viên, cấp uỷ viên bị tạm giam được tính theo thời hạn tạm giam (kể cả gia hạn nếu có) của cơ quan pháp luật có thẩm quyền.
c) Quyết định đình chỉ do cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp có thẩm quyền quyết định kỷ luật khai trừ đảng viên, cách chức cấp uỷ viên hoặc giải tán tổ chức đảng quyết định. Cụ thể là:
- Đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên (kể cả chi uỷ viên trong đảng bộ cơ sở), do chi bộ và đảng uỷ cơ sở đề nghị, uỷ ban kiểm tra cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền quyết định. Đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý, chi bộ và đảng uỷ cơ sở đề nghị, cấp uỷ quản lý cán bộ đó quyết định.
Trường hợp đảng viên bị tạm giam, bị truy tố thì tổ chức đảng ở cơ quan ra quyết định truy tố, tạm giam có trách nhiệm thông báo với cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên đó sinh hoạt để phối hợp thực hiện.
- Đình chỉ sinh hoạt đảng hoặc đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên do chi bộ và cấp uỷ cùng cấp đề nghị, cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định. Nếu đảng viên tham gia nhiều cấp uỷ thì cấp uỷ phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm đề nghị, cấp uỷ có thẩm quyền cách chức, khai trừ đảng viên đó quyết định.
- Đình chỉ hoạt động của một tổ chức đảng do cấp uỷ cấp trên trực tiếp đề nghị, cấp uỷ cấp trên cách một cấp quyết định. Đình chỉ hoạt động của một cấp uỷ (hoặc ban thường vụ cấp uỷ) trực thuộc Trung ương do Bộ Chính trị quyết định và báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương. Sau khi có quyết định đình chỉ, cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức bị đình chỉ được chỉ định một tổ chức đảng tạm thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đảng đã bị đình chỉ hoạt động. Nếu tổ chức đảng bị đình chỉ được quyết định trở lại hoạt động hoặc bị kỷ luật giải tán và đã lập tổ chức đảng mới thì tổ chức đảng tạm thời đương nhiên phải giải thể.
- Khi có đủ căn cứ phải đình chỉ mà tổ chức đảng cấp dưới không đề nghị đình chỉ hoặc không đình chỉ và trong trường hợp cần thiết thì tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên hoặc đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng. Quyết định đó được thông báo cho đảng viên, cấp uỷ viên bị đình chỉ sinh hoạt, tổ chức đảng bị đình chỉ hoạt động và các tổ chức đảng có liên quan để chấp hành.
d) Trong thời gian đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, cấp uỷ viên bị đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ, tổ chức đảng bị đình chỉ hoạt động phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi yêu cầu của tổ chức đảng có thẩm quyền (tường trình sự việc, tự kiểm điểm sai lầm, thực hiện các việc được giao v.v...); được đề đạt ý kiến của mình với tổ chức đảng có thẩm quyền; không được lấy danh nghĩa tổ chức đảng hoặc danh nghĩa cấp uỷ viên đã bị đình chỉ để điều hành công việc.
đ) Tổ chức đảng có thẩm quyền phải xem xét, kết luận rõ ràng nội dung vi phạm của đảng viên, cấp uỷ viên bị đình chỉ sinh hoạt, tổ chức đảng bị đình chỉ hoạt động. Nếu đảng viên vi phạm chưa đến mức khai trừ, cấp uỷ viên vi phạm chưa đến mức phải cách chức, tổ chức đảng vi phạm chưa đến mức phải giải tán, thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định để đảng viên, cấp uỷ trở lại sinh hoạt, tổ chức đảng trở lại hoạt động và xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức thích hợp.
e) Khi đảng viên, cấp uỷ viên không còn bị tạm giam, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét việc cho đảng viên, cấp uỷ viên trở lại sinh hoạt; xem xét, kết luận vi phạm và xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức thích hợp (nếu có vi phạm đến mức phải xử lý).
Tổ chức đảng nào quyết định đình chỉ sinh hoạt của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên, đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng thì tổ chức đảng đó quyết định cho đảng viên, cấp uỷ viên, tổ chức đảng trở lại sinh hoạt, hoạt động và chỉ đạo xem xét xử lý kỷ luật đảng (nếu có vi phạm đến mức phải xử lý).
18. Điều 42, Điều 43: Việc thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng ở những nơi không lập đảng đoàn, ban cán sự đảng.
Nơi không lập đảng đoàn hoặc ban cán sự đảng thì về mặt tổ chức, cấp uỷ cùng cấp lãnh đạo các cơ quan nhà nước và đoàn thể cấp đó thông qua vai trò trách nhiệm của cấp uỷ viên và đảng viên là cán bộ phụ trách các cơ quan, đoàn thể đó; đồng thời thông qua hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan đó theo chức năng nhiệm vụ đã được Ban Bí thư khoá VII quy định. Khi tập thể lãnh đạo cơ quan, đoàn thể thảo luận quyết định về chủ trương, nhiệm vụ và công tác cán bộ của ngành, đoàn thể và cơ quan thì đảng viên là thủ trưởng cơ quan và lãnh đạo đoàn thể đó mời đại diện của đảng uỷ, chi uỷ cơ quan tham gia. Khi cấp uỷ cơ quan họp bàn về việc thực hiện nghị quyết của Đảng thì đảng uỷ, chi uỷ mời thủ trưởng (nếu thủ trưởng không trong cấp uỷ hoặc không phải là đảng viên) tham dự.
19. Điều 46: Nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng.
- Cấp uỷ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tài chính và quản lý tài sản của Đảng ở các tổ chức đảng cấp dưới; chịu trách nhiệm trước cấp uỷ cấp trên và các tổ chức đảng cấp dưới về các hoạt động tài chính và tài sản ở cấp mình.
- Cấp uỷ các cấp có thể lập các hình thức tổ chức phù hợp (ban, phòng...) hoặc cử cán bộ giúp cấp uỷ thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính và tài sản của Đảng ở cấp mình theo sự hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tài chính quản trị Trung ương. Các tổ chức đó có trách nhiệm giúp cấp uỷ hướng dẫn, kiểm tra cấp uỷ và cơ quan tài chính, quản trị của tổ chức đảng cấp dưới về nghiệp vụ tài chính, quản lý và sử dụng tài sản của Đảng, định kỳ báo cáo với cấp uỷ cấp mình xem xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính và tài sản được giao.
- Uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ các cấp có trách nhiệm kiểm tra tài chính của cấp uỷ cấp dưới và của cơ quan tài chính cấp uỷ cùng cấp.
Ngoài những vấn đề nêu trên Bộ Chính trị sẽ có quy định riêng về: đảng viên phải là người "có lao động, không bóc lột" (điểm 1 Điều 1); mức đóng đảng phí và chế độ sử dụng đảng phí của đảng viên (Điều 46).
Bộ Chính trị giao cho Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban kiểm tra Trung ương và một số cơ quan đảng có liên quan nghiên cứu, cụ thể hoá để hướng dẫn những điểm thuộc về phương pháp, quy trình, thủ tục và nghiệp vụ để thực hiện đúng những quy định của Điều lệ Đảng, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới.
Quy định này được lưu hành trong hệ thống Đảng tới các chi bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với nội dung quy định này đều bãi bỏ.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
- 1 Quy định 45-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Hướng dẫn 03-HD/BTCTW về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Tổ chức Trung ương ban hành
- 3 Quy định 23-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng do Bộ Chính trị ban hành
- 4 Quy định 14-QĐ/TW năm 2001 về thi hành Điều lệ Đảng do Bộ Chính trị ban hành
- 1 Quy định 45-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Hướng dẫn 03-HD/BTCTW về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Tổ chức Trung ương ban hành
- 3 Quy định 23-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng do Bộ Chính trị ban hành
- 4 Quy định 14-QĐ/TW năm 2001 về thi hành Điều lệ Đảng do Bộ Chính trị ban hành