Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 299-TMDL/XNK

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 1992

QUY ĐỊNH

SỐ 299-TMDL/XNK NGÀY 09-4-1992CỦA BỘ THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH VỀ VIỆC KÝ KẾT VÀ QUẢN LÝ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ NGOẠI THƯƠNG

Trong khi chờ ban hành Luật thương mại;
Để việc giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán ngoại thương phù hợp với Luật pháp Việt Nam, tập quán thương mại quốc tế;
Để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu;
Bộ Thương mại và Du lịch quy định như
sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mọi việc mua bán trao đổi hàng hoá dịch vụ quy định tại Điều 1, Nghị định số 114-HĐBT ngày 7-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng phải được thực hiện bằng hợp đồng mua bán ngoại thương.

Điều 2. Chủ thể về phía Việt Nam của hợp đồng mua bán ngoại thương:

2.1. Chỉ các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu do Bộ Thương mại và Du lịch cấp mới được quyền giao dịch, ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương.

Các doanh nghiệp chưa có giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu không có quyền giao dịch ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương; mọi hợp đồng mua bán ngoại thương do các doanh nghiệp này ký đều không có hiệu lực.

2.2. Người có thẩm quyền thay mặt cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương do là giám đốc (hoặc phó giám đốc), hoặc người được giám đốc uỷ quyền hợp pháp bằng văn bản.

Điều 3. Đối tượng của hợp đồng mua bán ngoại thương:

3.1. Hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán ngoại thương phải là hàng không thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, nếu là hạng quản lý bằng hạn ngạch thì phải có phiếu hạn ngạch.

3.2. Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu chỉ được ký kết hợp đồng mua bán những hàng hoá ghi trong giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu.

Điều 4. Hình thức hợp đồng mua bán ngoại thương:

4.1. Hợp đồng mua bán ngoại thương phải được làm bằng văn bản mới có hiệu lực. Thư từ, điện tín, telex, fax cũng được coi là văn bản. Mọi hình thức thoả thuận bằng miệng đều không có hiệu lực.

4.2. Mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán ngoại thương phải được làm bằng văn bản.

Điều 5. Giao dịch, ký kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài.

5.1. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam, khi giao dịch ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài, phải nắm được năng lực quản lý, khả năng tài chính và tín nhiệm thương mại của họ.

5.2. Không giao dịch và ký kết hợp đồng với những người không có thẩm quyền đại diện như các văn phòng đại diện của người nước ngoài tại Việt Nam hoặc các đại diện bất hợp pháp của nước ngoài.

II. QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG MUA BÁN NGOẠI THƯƠNG

Điều 6. Những điều khoản chủ yếu của hợp đồng:

6.1. Tên hàng:

- Ghi đúng tên thương mại và nhãn hiệu thương mại của hàng hoá.

- Khi cần thiết phải ghi rõ cả công dụng của hàng hoá để phân biệt các loại hàng cùng tên.

6.2. Số lượng:

- Số lượng được xác định bằng đơn vị đo lường theo tập quán thương mại quốc tế.

- Phương pháp xác định số lượng.

- Địa điểm xác định số lượng.

- Tỷ lệ dung sai (tuỳ theo từng loại hàng).

6.3. Quy cách phẩm chất:

- Những yếu tố chủ yếu về quy cách, phẩm chất của hàng hoá và phương cách xác định.

- Trách nhiệm của người bán và người mua đối với việc kiểm tra quy cách, phẩm chất, thời gian và địa điểm kiểm tra.

6.4. Thời hạn và địa điểm giao hàng:

- Thời hạn giao hàng.

- Địa điểm giao hàng.

6.5. Giá cả và điều kiện giao hàng:

- Giá hàng phải căn cứ theo giá quốc tế, phù hợp với những quy định của Nhà nước và thích ứng với từng điều kiện giao hàng cơ sở.

- Giá hàng không được tách rời các điều kiện giao hàng cơ sở (FOB, CF, CIF... theo Incoterm nào).

- Điều kiện giao hàng cơ sở phù hợp với khả năng và hiệu quả về giao nhận, vận chuyển, bảo hiểm...

6.6. Phương thức thanh toán và chứng từ thanh toán:

- Đồng tiền thanh toán (lựa chọn đồng tiền thanh toán thích hợp).

- Thanh toán theo L/C: điều kiện của L/C phải phù hợp với các điều kiện của hợp đồng; số liệu, chứng từ thanh toán phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của L/C.

- Uỷ thác thu (D/A, D/P).

- Thanh toán theo TTR: chỉ áp dụng đối với các bạn hàng quen biết và có tín nhiệm.

- Đổi hàng: Phải thanh toán qua ngân hàng Việt Nam; phải quy định cụ thể số lượng và trị giá hàng đổi; phải cân đối giá trị giữa hàng xuất và hàng nhập.

Điều 7. Những điều khoản khác của hợp đồng:

7.1. Bao bì mã hiệu.

7.2. Giám định hàng hoá (số lượng, quy cách, phẩm chất, tổn thất).

- Phải chọn một tổ chức giám định trung lập và có uy tín.

- Thời gian và địa điểm giám định (nơi giao hàng hay nơi nhận hàng).

- Giá trị pháp lý của biên bản giám định (có giá trị cuối cùng hay không).

7.3. Các trường hợp miễn trách:

- Trường hợp bất khả kháng.

- Lỗi của bên kia hoặc bên thứ ba.

- Các trường hợp miễn trách do hai bên thoả thuận.

7.4. Chế tài:

- Phạt vi phạm hợp đồng (giao hàng chậm, thanh toán chậm, thông báo tin tàu, tin hàng chậm...).

- Bồi thường thiệt hại (giao hàng không đúng quy cách, phẩm chất, thiếu số lượng, không giao hàng, không nhận hàng).

7.5. Giải quyết tranh chấp:

- Khiếu nại đối tượng, trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại...

- Giải quyết bằng trọng tài (chọn tổ chức trọng tài thích hợp; chọn luật áp dụng...).

7.6. Bảo hành, bảo dưỡng: giám sát, kiểm tra việc giao hàng cử chuyên gia lắp ráp, vận hành, hướng dẫn sử dụng...

7.7. Điều kiện có hiệu lực và thời hạn hiệu lực hợp đồng:

7.8. ....

Đối với hợp đồng mua bán thiết bị toàn bộ, sở hữu công nghiệp, dây chuyền sản xuất, hợp đồng dịch vụ, ngoài các điều khoản chung nêu trên, cần có thêm:

- Luận chứng kinh tế kỹ thuật.

- Các bản chào giá có kèm theo catalogue.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Bộ Thương mại và Du lịch có quyền giám sát, kiểm tra và có trách nhiệm hướng dẫn việc giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán ngoại thương.

Điều 9: Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu có quyền chủ động và chịu trách nhiệm chính trong việc giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán ngoại thương đúng luật pháp và tập quán thương mại, bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước.

Chậm nhất 20 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng mua bán ngoại thương, các doanh nghiệp phải gửi một bản chính (nếu bản sao, phải có công chứng) về Bộ Thương mại và Du lịch (Phòng cấp giấy phép khu vực). Sau 7 ngày kể từ ngày nhận hợp đồng (đối với hàng hoá thông thường), nếu Phòng giấy phép không có ý kiến gì khác thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu được nhận giấy phép xuất nhập khẩu.

Điều 10. Những hành vi vi phạm các quy định nói trên sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Lê Văn Triết

(Đã ký)