BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 90-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2017 |
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII;
- Xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương,
Bộ Chính trị quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như sau:
I- TIÊU CHUẨN CHỨC DANH CÁN BỘ THUỘC DIỆN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG, BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ QUẢN LÝ
1.1- Về chính trị tư tưởng: Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc; luôn đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác. Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng.
1.2- Về đạo đức, lối sống: Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ.
1.3- Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.
1.4- Về năng lực và uy tín: Có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; có khả năng phân tích và dự báo tốt. Nắm chắc tình hình chung và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực, địa bàn, địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công. Kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, vận hội, vấn đề mới, vấn đề khó, hạn chế, yếu kém trong thực tiễn; chủ động đề xuất những nhiệm vụ giải pháp có tính khả thi và hiệu quả. Năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có quyết tâm chính trị cao, dám đương đầu với khó khăn, thách thức; nói đi đôi với làm; gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ. Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.
1.5- Sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm; Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng. Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
2- Tiêu chuẩn chức danh cụ thể
2.1- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung, đồng thời cần có thêm các tiêu chuẩn:
Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm, kiến thức toàn diện để tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công. Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ và khả năng làm việc độc lập. Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương phải là những cán bộ trẻ; cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; qua thực tiễn công tác thể hiện có năng lực, triển vọng phát triển về khả năng lãnh đạo, quản lý; được quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo.
2.2- Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có thêm các tiêu chuẩn: Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm. Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội. Có ý thức, trách nhiệm cao, tham gia đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định. Đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng ban các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong Quân đội thì phải kinh qua chủ trì cấp Quân khu.
2.3- Tổng Bí thư
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… Có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc. Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
2.4- Chủ tịch nước
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có các phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trong một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
2.5- Thủ tướng Chính phủ
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng. Có năng lực nổi trội trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp. Có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế - xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước. Có khả năng cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
2.6- Chủ tịch Quốc hội
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Có khả năng hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
2.7- Đồng chí Thường trực Ban Bí thư
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trong toàn Đảng. Có trình độ lý luận chính trị cao, giàu kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Có kiến thức sâu, rộng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… Nhạy bén về chính trị, quyết liệt trong điều hành và có khả năng điều phối hài hòa, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định).
2.8- Trưởng ban đảng Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ lý luận chính trị cao, giàu kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng. Có kiến thức toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Có khả năng tham gia hoạch định chiến lược phát triển của đất nước; cụ thể hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực được phân công phụ trách; phối hợp hài hòa, hiệu quả mối quan hệ công tác giữa các ban đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; giữa Trung ương và địa phương. Đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên, đồng thời kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc phó trưởng ban đảng Trung ương.
2.9- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có hiểu biết toàn diện về công tác mặt trận; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Có năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Có khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tập hợp quần chúng, xây dựng liên minh chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội và tổ chức giám sát, phản biện xã hội. Có nhiệt huyết và là hạt nhân khối đại đoàn kết toàn dân. Có kinh nghiệm và uy tín cao trong tổ chức mặt trận; có uy tín, ảnh hưởng trong đội ngũ trí thức, chức sắc tôn giáo. Đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.
2.10- Phó Chủ tịch nước
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có các phẩm chất, năng lực: Có kiến thức cần thiết về các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, tư pháp. Có uy tín cao trong xã hội. Có khả năng tập hợp, quy tụ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội theo đường lối của Đảng. Có năng lực lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
2.11- Phó Chủ tịch Quốc hội
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có hiểu biết về pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có kiến thức cần thiết trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước và hiểu biết sâu về lĩnh vực được phân công. Có năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo tổ chức thực hiện, giám sát việc thực thi pháp luật có hiệu quả. Có năng lực phát hiện những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực phụ trách và đề xuất các giải pháp khắc phục; đại diện tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Có năng lực điều hành các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ.
2.12- Phó Thủ tướng Chính phủ
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có năng lực trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp. Có kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước và hiểu biết sâu về lĩnh vực được phân công. Có năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Có năng lực phát hiện những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực phụ trách và đề xuất các giải pháp khắc phục. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ.
2.13- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; đủ tiêu chuẩn chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Có năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công. Có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp; công tâm, khách quan trong chỉ đạo công tác xét xử. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên.
2.14- Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; đủ tiêu chuẩn chức danh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Có năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công. Có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp và công tố. Công tâm, khách quan trong chỉ đạo điều tra, truy tố. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
2.15- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ hiểu biết sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế thuộc lĩnh vực phụ trách. Có năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước để tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công và giám sát thực hiện có hiệu quả. Có khả năng phối hợp với các cơ quan hành pháp và tư pháp trong thực hiện các chức năng, quyền hạn của cơ quan Quốc hội. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phó các ủy ban, hội đồng của Quốc hội hoặc cấp thứ trưởng, phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.
2.16- Bộ trưởng và tương đương
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu về quản lý nhà nước. Có năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoạch định phương hướng, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Có khả năng phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với địa phương, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách chung của Đảng, Nhà nước. Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.
2.17- Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có hiểu biết toàn diện về công tác đoàn thể được phân công phụ trách, đại biểu quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên. Có năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành các phong trào, chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong lĩnh vực được phân công. Có khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tập hợp quần chúng, đoàn viên, hội viên và giám sát, phản biện xã hội. Nhiệt huyết, gương mẫu, nêu cao tinh thần đoàn kết toàn dân. Có kinh nghiệm và uy tín cao trong tổ chức, đoàn thể và đoàn viên, hội viên. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc cấp phó đoàn thể hoặc cấp thứ trưởng, phó trưởng ban, ngành Trung ương.
2.18- Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ, có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong ban chấp hành, ban thường vụ và đảng bộ, không cục bộ địa phương và lợi ích nhóm. Có trình độ, kiến thức toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… và nắm chắc tình hình chung của địa phương và của đất nước. Có quyết tâm chính trị cao, quyết đoán, quyết liệt để quyết định xử lý những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến địa phương. Am hiểu sâu, rộng về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng và hoạt động của hệ thống chính trị. Có năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào việc hoạch định chiến lược xây dựng, phát triển và lãnh đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả ở địa phương. Có khả năng chỉ đạo tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện và đề xuất với Trung ương những chủ trương, cơ chế, chính sách và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn địa phương. Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện) và kinh qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chức danh phó bí thư cấp ủy cấp tỉnh.
2.19- Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố
Bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương, của đất nước. Có năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy thành nghị quyết, quy định của hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương; đồng thời chỉ đạo tổ chức giám sát thực hiện có hiệu quả. Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại tại địa phương. Có khả năng phối hợp, giữ mối liên hệ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và công dân; chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cử tri; đại diện tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tổ chức, điều hành hoạt động của hội đồng nhân dân hiệu quả và đúng pháp luật. Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và kinh qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một trong các chức danh phó chủ tịch hội đồng nhân dân hoặc phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc ủy ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
2.20- Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
Bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương và đất nước. Có năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy, hội đồng nhân dân thành chương trình, kế hoạch của ủy ban nhân dân và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc quyền và ủy ban nhân dân cấp dưới; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước ở địa phương. Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển địa phương. Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và kinh qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một trong các chức danh phó chủ tịch hội đồng nhân dân hoặc phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
1.1- Chính trị tư tưởng
- Chấp hành nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
- Có quan điểm, tư tưởng chính trị vững vàng; kiên định lập trường; không dao động trước khó khăn, thách thức.
- Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
- Tích cực nghiên cứu, tham gia đầy đủ việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị và cập nhật kiến thức mới.
1.2- Đạo đức, lối sống
- Không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi; không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
- Có lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị.
- Có tinh thần đoàn kết, xây dựng, gương mẫu, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp.
- Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
1.3- Tác phong, lề lối làm việc
- Nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Có phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, quyết đoán, đúng nguyên tắc.
- Có tinh thần hợp tác, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.
1.4- Ý thức tổ chức kỷ luật
- Thực hiện nghiêm các quy định, quy chế, nội quy địa phương, cơ quan, đơn vị nơi công tác.
- Chấp hành sự phân công của tổ chức, yên tâm công tác.
- Thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định.
- Báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan.
2- Nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao
2.1- Tiêu chí chung
- Tích cực, chủ động và thực hiện tốt việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Kịp thời, có hiệu quả trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát; sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Quan tâm chăm lo đầy đủ, kịp thời đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, người lao động.
- Quan hệ, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa cấp ủy và tập thể lãnh đạo, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Xây dựng và thực hiện tốt chương trình hành động hằng năm của cá nhân để tập thể chi bộ góp ý và kiểm tra, giám sát thực hiện.
2.2- Tiêu chí đặc thù theo từng nhóm chức danh cán bộ
2.2.1- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan tham mưu của Đảng
- Tổ chức thực hiện kịp thời, có chất lượng các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, ban hành, sơ kết, tổng kết các chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp của cấp ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nhiệm vụ chính trị được giao.
- Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra thường xuyên, kịp thời, có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
- Thẩm định, thẩm tra bảo đảm chất lượng các nghị quyết, chính sách, giải pháp của cấp ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và các nhiệm vụ chính trị được giao.
2.2.2- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước
- Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước; tổ chức và theo dõi việc thi hành, thanh tra, kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công.
- Tham mưu, hoạch định, cụ thể hóa kịp thời; chỉ đạo thực hiện, hướng dẫn kiểm tra có hiệu quả các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, cải cách hành chính… theo ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương.
- Thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, chế độ công chức, công vụ ; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền.
2.2.3- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan dân cử
- Chủ động, tích cực xây dựng, thẩm định, thẩm tra, cụ thể hóa có chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
- Tham mưu kịp thời, có chất lượng để cơ quan có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng.
- Thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát hoặc chức năng khác được giao theo luật định.
- Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả việc tổ chức tiếp xúc, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của cử tri.
2.2.4- Đối với cán bộ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội
- Nắm chắc tình hình nhân dân và của tổ chức trong hệ thống; chủ động tổ chức nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp về thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các nhiệm vụ khác.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; thường xuyên giữ mối liên hệ và gắn bó mật thiết với nhân dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các nghị quyết, chương trình, kế hoạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
2.2.5- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý lực lượng vũ trang
- Tham mưu, trực tiếp hoặc phục vụ tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tích cực, chủ động góp phần xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong mọi tình huống.
- Tích cực, chủ động đấu tranh có hiệu quả làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
- Thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi, chức trách, nhiệm vụ được giao.
2.2.6- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tòa án nhân dân
- Tổ chức các hoạt động xét xử, thi hành án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ; không để xảy ra án oan, sai, bị hủy trong hoạt động xét xử.
- Kịp thời tổng kết có chất lượng công tác xét xử; chủ động tham mưu xây dựng các văn bản luật, ban hành các văn bản quy phạm phát luật theo thẩm quyền; hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp; quản lý, xây dựng ngành; tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
- Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân theo thẩm quyền.
2.2.7- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý viện kiểm sát nhân dân
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm chất lượng hoạt động công tố, truy tố đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai.
- Tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác điều tra; tham mưu xây dựng pháp luật; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp; quản lý xây dựng ngành; tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
- Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
1- Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan liên quan cụ thể hóa tiêu chuẩn các chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Trung ương quản lý đã nêu trong Quy định này cho sát hợp với đặc điểm, điều kiện, thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng, ban hành tiêu chuẩn các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý chưa có trong Quy định này, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
2- Đảng đoàn, Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành cho phù hợp với Quy định của Bộ Chính trị.
3- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương, cơ quan, đơn vị phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
- 1 Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 1 Dự thảo Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức
- 2 Quy định 89-QĐ/TW năm 2017 khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3 Hiến pháp 2013
- 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011
- 5 Quyết định 286-QĐ/TW năm 2010 ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức do Bộ Chính trị ban hành
- 6 Quyết định 22/2002/QĐ-BNV ban hành quy định nội dung, quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức thuộc Bộ Nội vụ
- 1 Dự thảo Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức
- 2 Quy định 89-QĐ/TW năm 2017 khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3 Quyết định 286-QĐ/TW năm 2010 ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức do Bộ Chính trị ban hành
- 4 Quyết định 22/2002/QĐ-BNV ban hành quy định nội dung, quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức thuộc Bộ Nội vụ