Hệ thống pháp luật

Quy định của luật hôn nhân và gia đình về tài sản của vợ chồng

Ngày gửi: 12/02/2018 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL35247

Câu hỏi:

Em có 1 vấn đề về sử dụng đất như sau muốn anh chị tư vấn ạ. Em năm nay 27 tuổi  vợ chồng em có 1 cô con gái 15 tháng tuổi , hiện đang ở chung với mẹ chồng (bố chồng e mất rồi). Vợ chồng em đang có ý định muốn làm lại nhà, nhưng em muốn xin bà một miếng đất để đứng tên chồng em, (ví dụ sau này chẳng may vợ chồng có vấn đề gì thì ngôi nhà đó đứng tên chồng em, giữa vợ chồng tài sản đó sẽ được chia đôi) nhưng mẹ chồng em không đồng ý, vì bà cho rằng bà chỉ có 1 cậu con trai sau này là của chồng em hết, làm như thế được không?  Em rất băn khoăn không biết như thế nào, để sau này em có quyền lợi trên pháp luật về ngôi nhà em đang làm, và miếng đất đứng tên mẹ chồng em. Nếu miếng đất đứng tên mẹ chồng em thì sau nay có vấn đề gì thì bao nhiêu công sức của em sẽ biến mất và không được gì. Mong anh chị giúp đỡ làm sao để hợp lý nhất.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định tại Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.

_ Đầu tiên xin nói về trường hợp nếu mẹ chồng bạn cho tặng riêng mảnh đất đó cho chồng bạn, trong hợp đồng tặng cho tài sản chỉ ghi nhận riêng tên của chồng bạn thôi. Với trường hợp này thì đây được coi là tài sản riêng của chồng bạn và chồng bạn sẽ có quyền sở hữu hoàn toàn với mảnh đất đó mà bạn không hề có quyền, bạn chỉ có quyền đối với ngôi nhà mà vợ chồng bạn xây dựng trên đó. Vì đây mới được coi là tài sản chung của vợ chồng bạn. Nếu bạn muốn mảnh đất đó trở thành tài sản chung vợ chồng thì vợ chồng bạn sẽ tiến hành thỏa thuận để gộp tài sản riêng vào tài sản chung theo khoản 1, Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”.

_ Thứ hai, trường hợp mà  như bạn nói nếu mẹ chồng bạn không tiến hành cho tặng tài sản này cho chồng bạn mà  trực tiếp muốn đứng tên trên mảnh đất này, thì đó là tài sản của mẹ chồng bạn. Nếu vợ chồng bạn sau này nếu có vấn đề xảy ra với vợ chồng bạn thì ngôi nhà bạn xây dựng trên đó sẽ được giải quyết theo quy định về tài sản chung của vợ chồng, bởi nó là tài sản phát sinh trong thời kì hôn nhân. Còn mảnh đất đó sẽ không được mang ra chia bởi nó không phải tài sản của vợ chồng bạn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn