Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1289/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 6 năm 1977

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC QUẢN LÝ TIÊU DÙNG VÀ PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Từ sau ngày giải phóng, việc sản xuất lương thực tại các vùng ngoại ô thành phố có nhiều cố gắng, theo đó sản lượng và mức huy động lương thực đã tăng hơn. Nguồn lương thực hàng hóa tại chỗ góp phần với lực lượng tiếp trợ của Trung ương bảo đảm đời sống về lương thực tại địa phương tương đối ổn định. Nhận thức của cán bộ, công nhân viên và nhân dân ngày càng đúng với tình hình lương thực trên thực tế, có nhiều biểu hiện tốt cùng ngành lương thực khắc phục khó khăn chung. Hai năm liền thời tiết không thuận lợi, lạnh chưa từng có ở miền Bắc, hạn nhiều nơi và kéo dài ở các hai miền, sản xuất vụ hè thu hiện nay không đạt diện tích, tình hình lương thực đã và sẽ còn khó khăn.

Trong thời gian trước mắt, khả năng cung ứng lương thực chưa cân đối với nhu cầu tiêu dùng. Nhà nước đã và đang tiến hành nhiều biện pháp khắc phục tình hình đó. Tại địa phương, Ủy ban nhân dân Thành phố đã hết sức chăm lo bằng nhiều biện pháp tận dụng mọi khả năng diện tích có thể sản xuất được và nguồn nhân lực phong phú của từng phường xã, từng quận huyện để đẩy mạnh sản xuất, chủ yếu các loại sản phẩm lương thực, nêu cao ý thức tự lực cánh sinh của nhân dân thành phố. Đồng thời với việc chăm lo đúng mức cải tạo và tích cực phát triển sản xuất tại chỗ, yêu cầu quản lý tiêu dùng và phân phối lương thực phải được xem trọng và chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm.

Căn cứ tinh thần chỉ đạo trong chỉ thị 01 và 120 của Trung ương, để đảm bảo phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân lao động trong tình hình lương thực còn nhiều khó khăn, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định việc quản lý tiêu dùng và phân phối lương thực cho một số đối tựợng như sau:

I.- SỬ DỤNG VÀ PHÂN PHỐI LƯƠNG THỰC CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG NÔNG NGHIỆP

1/ Đối với nông dân thiếu ăn, người sản xuất nông nghiệp vừa làm nghề khác (bán nông bán phi), Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo các cơ quan trực thuộc cùng Ủy ban phường, xã cân đối tích cực khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu dùng địa phương, vừa để vận động thực hiện tốt việc phân bố lại dân cư, vừa để hướng dẫn sản xuất tập thể các loại cây trồng phù hợp tính chất đất đai, giao mức tự túc lương thực quy gạo cho từng xã để cụ thể hóa cho từng đơn vị sản xuất tập thể và từng hộ nôngdân, tránh xu hướng sử dụng diện tích có khả năng sản xuất lương thực để trồng các loại sản phẩm nông nghiệp khác thu lợi nhuận cao.

Trên cơ sở hình thành chủ động các ngành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quận, huyện, Nhà nước sẽ giải quyết lương thực như sau :

a/ Thông qua tổ chức nông hội, cho mượn phần lương thực qy gạo (gồm cả hoa màu) còn thiếu ăn sau khi đã vận động điều hòa tốt trong nội bộ nông dân, và sẽ thu hồi đủ số lượng đó ngay vụ sau. Mọi phí tổn cho việc thu hồi lương thực này sẽ do Nhà nước đài thọ.

b/ Đối với nông dân sản xuất các loại cây công nghiệp (mía, đậu, thuốc lá, cói, dừa...), trồng rau, cây ăn trái và nông dân chăn nuôi gia súc, nuôi cá, Nhà nước sẽ căn cứ vào hợp đồng trao đổi sản phẩm hàng hóa và thực tế họ đã bán cho Nhà nước sản phẩm sản xuất được từ 70% trở lên để bán phần còn thiếu trong cân đối lương thực cho chủ yếu là các cơ sở sản xuất tập thể, cho hộ nông dân cá thể, để có mức tiêu dùng lương thực bằng mức ăn bình quân của nông dân sản xuất lúa trong quận huyện đối với một lao động và 9kg lương thực quy gạo cho từng người ăn theo. Trường hợp thất thu do thiên tai, Nhà nước sẽ nghiên cứu cụ thể để giải quyết thỏa đáng từng vụ.

c/ Những hộ nông dân có đất đai quá ít, khó khăn thường xuyên trong đời sống, chưa kịp hồi hương lập nghiệp hay tham gia xây dựng các vùng kinh tế mới, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban, Nông hội xã chủ trì hội nghị nông dân bình nghị loại được bán lương thực thiếu ăn và loại được cứu tế trong từng vụ để được xét giải quyết lương thực.

Gia đình nông dân thiếu ăn là liệt sĩ, tử sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, những người già yếu, neo đơn là những đối tượng được ưu tiên điều hòa lương thực. Sau khi đã điều hòa, nếu mức tiêu dùng lương thực chưa bằng mức ăn của nhân dân phi nông nghiệp, đối tượg này sẽ được ưu tiên trong diện bình nghị nói trên.

d/ Những nông dân có đất hoặc được chia đất, không tích cực chăm lo sản xuất nông nghiệp, chạy theo lợi nhuận trước mắt của thị trường tự do hoặc bán sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cho Nhà nước không tương xứng với sản lượng, trước mắt Nhà nước tạm thời chưa phân phối lương thực.

e/ Những người không thuộc các đối tượng trên đây, Ủy ban nhân dân quận, huyện cần nghiên cứu khả năng lao động, bố trí hợp lý hoạt động tập thể trong các ngành nghề có ích cho quốc kế dân sinh hoặc vận động chấp hành chủ trương phân bố lại dân cư trong xã hội, trên cơ sở đó để được giải quyết lương thực.

2/ Tại những vùng chưa có điều kiện sản xuất lúa, Nhà nước chủ trương thu mua lương thực các loại và bán đổi gạo cho phần lưong thực tiêu dùng trong bảng cân đối, để nông dân có tỷ lệ các loại lương thực trong bữa ăn bằng tỷ lệ áp dụng cho nhân dân phi nông nghiệp.

II-ĐỐI TƯỢNG CÓ KHẢ NĂNG TỰ MUA LƯƠNG THỰC Ở THỊ TRƯỜNG TỰ DO

1/ Tất cả các hộ trong diện A, B đã được Ban Đăng ký kinh doanh xác định, kể cả những hộ khá giả khác, cần được vận động thuyết phục để thấy rõ khó khăn chung về lương thực mà tự nguyện nhường phần gạo gia đình mình được cung cấp cho nhân dân lao động nghèo.

2/ Những người hành nghề mua bán lương thực chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp và những người tự mua gạo để chế biến kinh doanh bánh, bún, hủ tiếu..., không có giấy phép hành nghề và không có hợp đồng gia công cho các cơ quan được Nhà nước giao thực hiện chỉ tiêu kinh doanh các mặt hàng sản xuất từ lương thực, thì trước mắt nhà nước chưa phân phối lương thực.

3/ Các đối tượng có sức lao động, làm những nghề không chính đáng, không hưởng ứng tích cực các điều kiện giúp đỡ để tiến bộ, cố tình theo đuổi lối sống cũ, hoạt động theo các phương thức kinh doanh bóc lột lỗi thời, chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình, làm hại đến quyền lợi và tính mạng của nhân dân thành phố, đều không được Nhà nước phân phối lương thực.

III.- CHẾ BIẾN KINH DOANH VÀ BUÔN BÁN LƯƠNG THỰC

1/ Chợ nông thôn là nơi được phép giao lưu hàng hóa lương thực các loại giữa những người sản xuất và tiêu dùng trong phạm vi xã. Mọi việc mua đi bán lại hàng hóa lương thực trên thị trường này đều phi pháp. Đối tượng và lương thực tham gia thị trường nông thôn chỉ được xem hợp lệ khi đã hoàn thành việc thực hiện chỉ tiêu bán và nộp thuế bằng hiện vật cho Nhà nước.

Số lượng lương thực được phép chuyển vận vẫn áp dụng như quy định trong điều B của Thông tri 01/TT-UB ngày 1-1-1977. Cụ thể là :

a/ Từ các tỉnh vào Thành phố, nhân dân được phép mang về ăn, cho bà con, nhiều nhất là 30 ki-lô (ba mươi), nhưng phải có giấy phép của Ủy ban nhân dân phường, xã cấp ; nếu chỉ mang từ 10 ki-lô trở lại, không phải có giấy phép.

b/ Nhân dân trong thành phố được phép mang gạọ để ăn, cho bà con nằm bệnh viện, từ quận này sang quận khác, nếu dưới 10 ki-lô không phải có giấy phép, nếu trên 10 ki-lô phải có giấy phép của Ủy ban nhân dân phường, xã.

c/ Nhân dân các quận lân cận với thành phố được phép vào thành phố mua từ 10 ki-lô gạo trợ lại để ăn, không phải có giấy phép.

d/ Nông dân ở các quận, huyện trong thành phố đi làm ruộng, làm mướn ở các tỉnh được mang lúa, gạo về thành phố không hạn chế, nhưng phải có giấy phép do Ủy ban nhân dân phường, xã cấp có ghi rõ số lượng lúa gạo chở về thành phố.

đ/ Nông dân ở các tỉnh đến canh tác trên ruộng ngoại thành của Thành phố phải làm nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp, bán lương thực cho thành phố. Sau khi đã làm xong nghĩa vụ, nông dân được phép chở số lương thực còn lại ra khỏi thành phố, nhưng phải có giấy phép của Ủy ban nhân dân phường, xã nơi mình làm ruộng.

2/ Tất cả các cơ sở lớn nhỏ của tư nhân dùng gạo chế biến bánh, bún, hủ tiếu.. để kinh doanh phải đăng ký và chỉ được hành nghề khi có giấy phép của Ủy ban nhân dân huyện, quận cấp. Những người hành nghề, có sản phẩm truyền thống xây dựng mặt hàng xuất khẩu, ngành ngoại thương thông qua, hợp đồng sản xuất để duy trì một số cơ sở đủ gia công thực hiện kế hoạch Nhà nước. Ngành thương nghiệp nghiên cứu quy hoạch, tổ chức và quản lý những cơ sở gia công tập thể trong từng khu vực để được cấp giấy phép hành nghề đảm nhận việc gia công bún bánh các loại cho nhu cầu hiếu hỉ của nhân dân.

Những người còn lại trong đối tượng này cần đuợc giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện chuyển sang các ngành nghề sản xuất khác theo phương hướng phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa và phù hợp vớI khả năng của họ, đặc biệt bài trừ có hiệu quả tệ nấu rượu kinh doanh.

3/ Hệ thống máy xay nhỏ của tư nhân chỉ đảm nhận xay xát phần lúa để lại tiêu dùng trong cân đối lương thực của nông dân từng xã. Mọi việc làm tiếp tay gian thương vi phạm chính sách Nhà nước sẽ bị xử phạt tùy lỗi nặng nhẹ.

4/ Lương thực các loại, kể cả phần lương thực do cơ quan, xí nghiệp và các đơn vị tập thể (Thành, quận, huyện và phường, xã) sản xuất tự túc đều là sản phẩm của xã hội đã được cân đối. Việc mua và bán đều phải thông qua ngành lương thực là ngành kinh tế được Nhà nước phân công thực hiện chức năng điều phối cho các nhu cầu làm nguyên liệu sản xuất và tiêu dùng. Lương thực thu hồi hoặc thu mua của thị trường tự do cũng phải được thống nhất phân phối theo nguyên tắc này. Mọi việc làm sai trái tinh thần trên đây của bất cử đơn vị hoặc cấp nào đều là vi phạm chánh sách của Nhà nước.

IV.-NHỮNG NGƯỜI TẠM TRÚ, AN DƯỠNG, ĐIỀU TRỊ Ở BỆNH VIỆN, DỰ HỘI NGHỊ, LỚP TẬP HUẤN

1/ Những người tạm trú không thuộc đối tượng được phân phối lương thực thường xuyên tại thành phố. Tuy vậy, để tạo điều kiện cho đốI tượng này chủ động thu xếp sinh hoạt của mình, ngành lương thực cần xét duyệt từng tháng một để tiếp tục phân phối lương thực tối đa không quá 3 tháng kể từ ngày ký bản quy định này cho những người tạm trú lâu nay tại Thành phố. Những trường hợp tạm trú là khách vãng lai không thuộc đối tượng được xét phân phối lương thực trên đây.

2/ Những người đã được phân phối lương thực (bao gồm khu vực phi nông nghiệp và nông nghiệp), trong thời gian nằm điều trị tại các bệnh viện hoặc an dưỡng, tham gia hội nghị, dự các lớp huấn luyện dù là ngắn ngày, muốn ăn cơm tại những nơi đó đều phải mang theo phần lưong thực của bản thân mình.

Dựa vào nội dung quy định trên đây, Sở Lương thực nghiên cứu hướng dẫn, vận dụng cụ thể, sát hợp thực tế, cùng với Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo thực hiện thống nhất, chặt chẽ trong toàn thành phố. Sở Lương thực có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện những quy định này , đề xuất nội dung cần bổ sung đầy đủ hơn.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã cần nhận thức kịp tình hình thực tế hiện nay, xác định rõ trách nhiệm, tích cực và khẩn trương chỉđạo thực hiện tốt những quy định này, trên cơ sở phát động tinh thần cách mạng trong địa phương mình. Đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước và các lực lượng tiên tiến trong xã hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong tình hình lương thực khó khăn để tự giác, gương mẫu chấp hành, cùng toàn dân thành phố chúng ta góp phần thiết thực khắc phục khó khăn trước mắt về lương thực, giữ vững và phát triển sản xuất, phục vụ tốt đời sống nhân dân lao động, đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 1977.

 ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ