Quy định về lao động nữ? Các lưu ý khi sử dụng lao động là phụ nữ?
Ngày gửi: 17/10/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Phụ nữ luôn là đối tượng yếu thế, mang những đặc thù riêng của giới tính cần được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, nhất là trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động. Sau đây là những quy định của pháp luật cũng như các lưu ý cho người sử dụng lao động khi sử dụng lao động nữ:
1. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới
Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật lao động năm 2019 và khoản 1 Điều 5 Nghị định 85/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử giữa các lao động nam và lao động nữ và phải thực hiện các biện pháp khác nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình tuyển dụng, sắp xếp, bố trí việc làm, chế độ tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đào tạo và các chế độ khác theo quy định.
2. Không sử dụng lao động nữ để làm một số công việc
Vì để đảm bảo cho sức khỏe, khả năng sinh sản của lao động nữ pháp luật quy định cụ thể những công việc hoặc điều kiện làm việc doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ. Cụ thể được quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH, trong đó có 77 công việc mà doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ, một số công việc điển hình như: trực tiếp nấu chảy, rót kim loại nóng chảy ở các lò; bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện trong cống ngầm hoặc trên cột ngoài trời, đường dây điện cao thế, lắp dựng cột điện cao thế; thợ lặn; đổ bê tông dưới nước; nạo vét cống ngầm (trừ nạo vét tự động, bằng máy); làm việc dưới nước bẩn hôi thối,…
Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
3. Phải tham khảo ý kiến khi có quyền lợi liên quan
Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc người đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Nếu không làm tròn nghĩa vụ này, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
4. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
4.1. Tổ chức khám sức khỏe, khám chuyên khoa phụ sản định kỳ:
Doanh nghiệp phải tổ chức cho lao động nữ được khám sức khỏe đồng thời khám chuyên khoa phụ sản 06 tháng/lần theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
4.2. Quy định khi sử dụng lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi:
– Tương tự như thời gian lao động nữ mang thai, trong thời gian đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, doanh nghiệp không được bố trí, sắp xếp để lao động nữ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa nếu người lao động không đồng ý.
– Mỗi ngày lao động nữ có 60 phút trong khung giờ làm việc để cho con bú, trữ sữa, vắt sữa và nghỉ ngơi. Trong khoảng thời gian này người lao động vẫn sẽ được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ sao cho phù hợp với khả năng của mình, điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Đối với các lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên thì pháp luật khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho họ được vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc, thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa hai bên thỏa thuận với nhau.
– Mỗi ngày được đi muộn và về sớm hơn 60 phút so với giờ làm việc bình thường và vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Nếu vi phạm các quy định nêu trên thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
4.3. Quy định khi sử dụng lao động nữ trong thời gian hành kinh
Theo quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật lao động năm 2019 và Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP, trong thời gian hành kinh, lao động nữ phải được nghỉ 30 phút/ngày và tối thiểu 03 ngày/tháng mà vẫn được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Hai bên thỏa thuận với nhau về thời gian nghỉ cụ thể căn cứ vào nhu cầu của lao động nữ và sự phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc.
Trường hợp doanh nghiệp không cho lao động nữ nghỉ theo quy định nêu trên bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
5. Các quy định về bảo vệ thai sản
5.1. Quyền lợi khi lao động nữ mang thai:
– Người đang mang thai từ tháng thứ 07 trở đi hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo sẽ không bị người sử dụng lao động sắp xếp làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa.
– Được nghỉ để đi khám thai theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cụ thể được nghỉ việc đi khám thai 05 lần, mỗi lần được nghỉ tối đa 01 ngày; nếu người lao động ở xa các cơ sở khám, chữa bệnh hoặc có các bệnh lý hay thai nhi phát triển không bình thường thì mỗi lần khám thai được nghỉ tối đa 02 ngày.
– Sẽ không bị người sử dụng lao động sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, ngoại trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân mà chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật do cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo.
– Được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới sau khi hợp đồng lao động cũ hết hạn trong khoảng thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
5.2. Quyền lợi khi lao động nữ nghỉ thai sản:
– Được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ thai sản.
– Thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng tuy nhiên chỉ được nghỉ trước sinh thời gian không quá 02 tháng. Nếu lao động nữ sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, lao động nữ được nghỉ thêm 01 tháng.
– Đối với lao động nam khi có vợ sinh con, người nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ thì cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thời gian hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ mới nhất– Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có thể trở lại làm việc nhưng thời gian nghỉ chế độ thai sản ít nhất từ 04 tháng trở lên và người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động, được người sử dụng lao động đồng ý và phải có văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động nếu họ đi làm sớm hơn thời gian luật quy định. Trong thời gian đi làm này lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đồng thời cũng được nhận tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động chi trả.
– Nếu sau khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định mà lao động nữ có nhu cầu nghỉ thêm thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời gian đó. Thời gian này người lao động sẽ không được hưởng lương cũng như trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
– Sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định người lao động vẫn được bảo đảm việc làm cũ khi quay trở lại làm việc và sẽ không bị người sử dụng lao động cắt giảm tiền lương và các quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ chế độ thai sản. Trong trường hợp công việc cũ không còn nữa thì người lao động sẽ được người sử dụng lao động phải bố trí một việc làm khác với mức lương không được thấp hơn so với mức lương trước khi nghỉ thai sản của người lao động.
6. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ khi mang thai
– Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động khi mang thai, pháp luật quy định lao động nữ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn thực hiện hợp đồng nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ tiếp tục làm việc thì sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Trường hợp này người lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động biết về việc đơn phương chấm dứt hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng của mình trong đó có kèm theo văn bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc nếu tiếp tục làm việc sẽ gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
– Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng sẽ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau nhưng thời gian tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định người lao động được tạm nghỉ. Nếu không có sự chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì sẽ do hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với nhau.
7. Trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai
Trường hợp lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau, sẩy thai, khám thai, nạo, hút thai, phá thai bệnh lý, thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai hoặc triệt sản thì người lao động sẽ được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691