Hệ thống pháp luật

Quy định về mức phụ cấp cho lao động nghề độc hại

Ngày gửi: 15/01/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38340

Câu hỏi:

Doanh nghiệp tôi là doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Nhân viên bán xăng dầu, và nhân viên lái xe chở xăng dầu thường xuyên phải tiếp xúc với xăng dầu, mỡ nhờn rất độc hại. Tôi có đọc Quyết định 915 ngày 30 /06/1996 và thông tư 07/2005. và tôi áp dụng trả phụ cấp độc hại cho các nhân viên trên là 30% mức lương cơ sở. Luật Sư cho tôi hỏi: Tôi trả như vậy đã đúng chưa? Xin cảm ơn Luật Sư.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Quyết định 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30 tháng 7 năm 1996

Nghị định 49/2013/NĐ-CP

Nghị định 47/2017/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Căn cứ Quyết định  915/LĐTBXH-QĐ ngày 30 tháng 7 năm 1996 ban hành kèm danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó có nhân viên làm nghề giao nhận,bán buôn, bán lẻ xăng, dầu tại các cửa hàng, công việc độc hại, tiếp xúc thường xuyên với xăng, dầu và các sản phẩm hoá dầu. Do đó nhân viên ấy sẽ được hưởng chế độ khi làm ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Về tiền lương trả cho người làm công việc nặng nhọc, độc hại , nguy hiểm thì Điểm c Khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP như sau:

“Điều 7. Nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương

3. Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:

c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.”

Như vậy, căn cứ quy định trên thì đối với nhân viên bán xăng, dầu và nhân viên lái xe chở xăng dầu thường xuyên phải tiếp xúc với xăng dầu, mỡ nhờn rất độc hại thì doanh nghiệp phải trả thêm ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Doanh nghiệp bạn đang trả thêm cho người lao động làm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thêm 30% mức lương cơ sở. Hiện tại, lương cơ sở do Nhà nước quy định tại Nghị định 47/2017/NĐ-CP là 1.300.000 đồng/tháng. Như vậy, mức trả thêm đang là 390.000 đồng/tháng. Nếu mức trả thêm đó lớn hơn hoặc bằng 5% mức lương của người lao động làm công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường thì việc chi trả thêm đó hoàn toàn hợp pháp.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn