Hệ thống pháp luật

Quy định về xác định mức độ khuyết tật

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32460

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư! Tôi có một vấn đề muốn nhờ Luật sư giúp, cụ thể như sau: Mẹ tôi trước đây là viên chức nhà nước, có thời gian công tác từ năm 1972 đến năm 1992, bà nghỉ việc do dôi dư biên chế và hưởng chế độ trợ cấp 1 lần. Hiện nay, sức khỏe của bà yếu do căn bệnh thoái hóa khớp gối hành hạ, biến chứng nên việc vận động đi lại rất khó khăn. Tôi mong Luật sư cho tôi hỏi, như vậy mẹ tôi có được hưởng trợ cấp của xã hội hàng tháng theo diện nào và thủ tục thực hiện như thế nào? Mong sự quan tâm hồi đáp của Luật sư! Chúc quý anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật người khuyết tật 2010

Nghị định 28/2012/NĐ-CP

Nghị định 136/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn:

Khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010 quy định như sau:

"Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn."

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Dạng tật được quy định tại Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP gồm:

'"1. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển. 

2. Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói. 

3. Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường. 

4. Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường. 

5. Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc. 

6. Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này."

Theo như bạn trình bày, mẹ bạn trước đây là viên chức nhà nước, có thời gian công tác từ năm 1972 đến năm 1992, nghỉ việc do dôi dư biên chế và đã được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần. Hiện nay, sức khỏe của mẹ bạn yếu do căn bệnh thoái hóa khớp gối hành hạ, biến chứng nên việc vận động đi lại rất khó khăn. Như vậy mẹ bạn có thể thuộc trường hợp khuyết tật vận động.

Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:

"Điều 5. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

6. Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật."

Khoản 1 Điều 44 Luật người khuyết tật 2010 quy định về Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng như sau:

"1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;

b) Người khuyết tật nặng."

Theo quy định trên, nếu mẹ bạn là người khuyết tật thì sẽ thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng áp dụng đối với người khuyết tật nặng hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng. Do đó, mẹ bạn phải đi giám định mức độ khuyết tật của mẹ bạn là nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng mới được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. 

Điều 18 Luật người khuyết tật 2010 quy định thủ tục xác định mức độ khuyết tật như sau:

– Khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.

– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.

Sau khi có giấy xác nhận khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng thì mẹ bạn làm hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng.

Hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội bao gồm:

Bị tâm thần có được coi khuyết tật thần kinh không?

– Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

– Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

– Bản sao Sổ hộ khẩu;

– Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân;

– Bản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển người khuyết tật về gia đình đối với trường hợp đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội;

– Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mẹ bạn đang có hộ khẩu thường trú.

Thời gian giải quyết: 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Mức trợ cấp hằng tháng = hệ số tính trợ cấp x mức chuẩn trợ cấp xã hội.

Hệ số trợ cấp xã hội hàng tháng của mẹ bạn theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2012/NĐ-CP như sau:

"Điều 16. Hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ chi phí mai táng

1. Hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình được quy định như sau:

a) Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;

b) Hệ số hai phẩy năm (2,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em;

c) Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật nặng;

d) Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật nặng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng là trẻ em."

Hiện nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật là 270.000 đồng.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn