Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82/2004/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 4 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI QUẬN 12, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Quyết định số 532/TTg ngày 12 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996 - 2010 ;
Căn cứ Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 ;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 1946/QĐ-UB-KT ngày 05 tháng 4 năm 1999 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức triển khai đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ ;
Căn cứ Quyết định số 78/QĐ-UB-QLĐT ngày 06 tháng 01 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt quy hoạch chung quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 ;
Theo đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo Hậu quy hoạch tại Tờ trình số 01/VKT-HQH ngày 07 tháng 01 năm 2004 và Công văn số 02/VKT-HQH ngày 07 tháng 01 năm 2004 ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 với những nội dung định hướng chính sau :

1. Vị trí, chức năng :

Quận 12 là quận ven đô, là cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố, có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi cả đường bộ và đường thủy; là mét trong những hành lang phát triển công nghiệp - dịch vụ. Ngoài ra, quận 12 còn là mét trung tâm công nghệ phần mềm lớn với sự ra đời và phát triển Công viên phần mềm Quang Trung; là địa bàn dân cư kết hợp với dịch vụ du lịch cảnh quan sinh thái.

Cơ cấu kinh tế-xã hội của quận phát triển theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp.

2. Mục tiêu phát triển chung :

Mục tiêu phát triển của quận là : Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trên cơ sở khai thác tốt nhất lợi thế của quận ven đô ; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp ; nâng cao trình độ học vấn, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ; đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ; bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, lành mạnh hóa môi trường sống.

3. Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu chủ yếu :

3.1- Dân số và lao động :

3.1.1- Giai đoạn 2003-2005 : Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,41%/năm, tỷ lệ tăng cơ học đạt 6,17%/năm. Giai đoạn 2006-2010 : Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,35%/năm, tỷ lệ tăng cơ học đạt 3,98%/năm.

3.1.2- Giảm tỷ lệ lao động chưa có việc làm từ 6,2% năm 2002 xuống còn 6% năm 2005 và còn 4% năm 2010. Tăng tỷ lệ lao động đang làm việc trong độ tuổi từ 70% năm 2002 lên 71,9% năm 2005 và 73,8% năm 2010.

3.2- Phát triển kinh tế :

3.2.1- Tốc độ tăng trưởng :

+ Giai đoạn 2003-2005 : Tốc độ tăng trưởng của khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng bình quân 14,1%/năm ; khu vực III (các ngành thương mại - dịch vụ) tăng bình quân 18,2%/năm ; khu vực I (các ngành nông, lâm, thủy sản) giảm bình quân 1,7%/năm.

+ Giai đoạn 2006-2010 : Khu vực II tăng bình quân 15,8%/năm ; khu vực III bình quân tăng 20,4%/năm ; khu vực I tăng bình quân 0,5%/năm.

3.2.2- Cơ cấu kinh tế :

Tỷ trọng khu vực II đạt 84,1% năm 2005 và 81,8% năm 2010. Tỷ trọng khu vực III đạt 15,0% năm 2005 và 17,7% năm 2010. Tỷ trọng khu vực I đạt 0,9% năm 2005 và 0,5% năm 2010.

+ Ngành nông nghiệp :

Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với loại hình du lịch nhà vườn. Phát triển một số nông sản phẩm chủ yếu như : Hoa kiểng các loại, cây ăn trái, gia cầm, bò sữa, cá giống, vật nuôi đặc sản,…

Về trồng trọt : Diện tích cây ăn trái đạt 580 ha năm 2005 và 690ha năm 2010. Hoa kiểng và cây hương liệu ổn định 400 ha đến năm 2010. Về chăn nuôi : Đến năm 2010, đàn bò sữa đạt 5.000 con ; đàn heo đạt 12.000 con. Về thủy sản : Cá giống, cá kiểng đến năm 2010 đạt 6 triệu con. Phát triển mạnh nuôi tôm càng xanh trong vùng vườn ven sông rạch và đồng ruộng trũng.

Giảm lao động trong nông nghiệp trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ, đặc biệt phát triển loại hình du lịch sinh thái mà trọng tâm là nhà vườn nhằm tạo việc làm cho lao động nông nghiệp. Từ nay đến năm 2005, xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tiến với diện tích 28,28 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 64 tỷ đồng.

+ Ngành công nghiệp :

Phấn đấu tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất đạt 14,1%/năm giai đoạn 2003-2005 và 15,8%/năm giai đoạn 2006-2010. Đến năm 2005, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chiếm 49,1% lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Đến năm 2010, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chiếm 52,1% lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Ưu tiên cho các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường như : Chế biến thực phẩm (bia các loại, nước giải khát) ; dệt, may ; giày da ; sản xuất sản phẩm từ kim loại (tôn tráng kẽm, tấm lợp) và những doanh nghiệp được trang bị hệ thống xử lý môi trường hữu hiệu.

Cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp chính :

- Công nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống đạt 70,3% vào năm 2005 và 72% vào năm 2010 ;

- Công nghiệp dệt đạt 4,8% năm 2005 và 4,3% năm 2010 ;

- Công nghiệp may đạt 9,5% năm 2005 và 9,2% năm 2010 ;

- Sản xuất va li, túi xách, giày đạt 5% năm 2005 và 4,9% năm 2010 ;

- Sản xuất sản phẩm kim loại đạt 5,2% năm 2005 và 5,5% năm 2010.

Huy động mọi nguồn vốn thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, chú trọng nguồn vốn các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Đào tạo những ngành nghề thích hợp cho đội ngũ lao động có trình độ học vấn thấp được chuyển từ ngành nông nghiệp sang ; nâng cao trình độ học vấn cho đội ngũ lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp để có thể được đào tạo chuyên sâu phù hợp.

+ Thương mại-dịch vụ-du lịch :

Phấn đấu tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất đạt 18,2%/năm giai đoạn 2003-2005 và 20,4%/năm giai đoạn 2006-2010. Phấn đấu tốc độ tăng bình quân tổng mức hàng hóa bán ra đạt 25%/năm giai đoạn 2003-2005 và 35%/năm giai đoạn 2006-2010. Phát triển thương nghiệp, xuất-nhập khẩu, tài chính-tín dụng, vận tải hàng hóa và hành khách, vui chơi, giải trí, nhà cho thuê.

Cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ :

Tỷ trọng ngành thương mại đạt 56% năm 2005, trong đó tỷ trọng bán buôn đạt 81,6%, bán lẻ đạt 18,4%. Năm 2010 đạt 43,2%, trong đó tỷ trọng bán buôn đạt 80,5%, bán lẻ đạt 19,5%. Tỷ trọng các ngành dịch vụ khác đạt 44% năm 2005 và 57,8% năm 2010. Trong đó, tỷ trọng các ngành dịch vụ chủ yếu : Kinh doanh tài sản và tư vấn đạt 25,5% năm 2005 và 40,5% năm 2010 ; dịch vụ ăn uống đạt 10,2% năm 2005 và 7,5% năm 2010 ; dịch vụ du lịch đạt 1,5% năm 2005 và 2,5% năm 2010. Công viên phần mềm Quang Trung thu hút đầu tư trên 500 tỷ đồng và đạt trên 4.000 người làm việc vào năm 2005 và có trên 10.000 người làm việc vào năm 2010.

Phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại gồm 18 chợ, 2 siêu thị, 9 trung tâm thương mại. Trong đó sửa chữa, nâng cấp 3 chợ hiện hữu, xây dựng mới 15 chợ, xây dựng mới 2 siêu thị, 9 trung tâm thương mại. Giải tỏa 5 chợ gồm : Chợ Cầu, chợ Tân Hưng, chợ Bàu Nai, chợ tạm Trung Mỹ Tây, chợ tạm Ngã Tư Ga.

Định hướng phát triển dịch vụ thương mại gắn với việc phát triển các trục đường chính và bờ hữu sông Sài Gòn. Phát triển mô hình du lịch sinh thái, làng nghề, hoa kiểng, cây cá cảnh tại bờ hữu sông Sài Gòn và phát triển dịch vụ thương mại, tài chính tín dụng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin trên các trục lộ chính đường Xuyên á, đường Trường Chinh.

3.3- Các lĩnh vực xã hội :

3.3.1- Giáo dục :

- Hệ mầm non : Từng bước nâng cao tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường trên cơ sở đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất như trường, lớp, phương tiện học tập,… Phấn đấu đến năm 2005 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt 98% và đạt 100% vào năm 2010.

- Hệ phổ thông :

+ Cấp tiểu học : Đến năm 2005, đạt mức chuẩn quốc gia về số học sinh bình quân/lớp là 35 học sinh/lớp và diện tích bình quân/học sinh từ 6 đến 8 m2/học sinh.

+ Cấp trung học cơ sở : Đến năm 2005, đạt mức chuẩn quốc gia về số học sinh bình quân/lớp là 45 học sinh/lớp và diện tích bình quân/học sinh từ 10 đến 12 m2/học sinh.

+ Cấp trung học phổ thông : Đến năm 2005, đạt mức chuẩn quốc gia về số học sinh bình quân/lớp là 45 học sinh/lớp và diện tích bình quân/học sinh từ 10 đến 12 m2/học sinh.

3.3.2- Y tế :

Từ nay đến năm 2005, xây dựng trung tâm y tế quận ; xây dựng mới một bệnh viện 100 giường ; xây dựng ở mỗi phường một trạm y tế. Phấn đấu đạt 4 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2005 và 5,5 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2010. Thực hiện các chương trình phòng, chống dịch bệnh ; chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình ; chương trình phòng chống HIV/AIDS. Bảo đảm 100% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vacxin ; 100% trẻ em dưới 5 tuổi uống vaccin phòng bại liệt. Thực hiện chương trình ch¨m sãc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 01 tuổi và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Đẩy mạnh xã hội hóa về y tế, khuyến khích các thành phần kinh tế mở phòng khám, nhà hộ sinh, bệnh viện để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

3.3.3- Văn hóa, thể thao :

a) Văn hóa :

Phát triển gia đình văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 có 80-90% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Từ nay đến năm 2005, xây dựng mới mét trung tâm văn hóa ở khu công nghiệp Tân Thới Hiệp và khu dân cư phường Hiệp Thành với diện tích từ 5 đến 7 ha ; xây dựng hai cụm văn hóa liên phường Thạnh Lộc (diện tích 4.700m2) và phường Tân Thới Nhất (diện tích 3 ha) ; xây dựng mét thư viện quận, mở rộng và xây dựng nhiều phòng đọc sách ở các phường ; xây dựng phòng chiếu phim với qui mô khoảng 200 ghế trong trung tâm văn hóa của quận.

Thông qua hoạt động văn hóa, tuyên truyền, vận động nhân dân trong quận thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, sống và làm việc theo pháp luật ; xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh; tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội.

b) Thể thao :

Phát triển rộng khắp phong trào thể dục-thể thao cho mọi người, trước tiên cần tập trung cho thanh-thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên thể dục thể thao, đáp ứng nhu cầu phát triển các loại hình thể dục-thể thao trong quận.

Phấn đấu tỷ lệ tập luyện thể dục-thể thao thường xuyên đạt 20% vào năm 2005 và 50% vào năm 2010. Trong giai đoạn 2003-2005 sẽ đầu tư nâng cấp các sân bóng đá hiện có gồm : Sân Cây Sộp, sân Tân Thới Nhất, sân Tân Thới Hiệp, sân Hiệp Thành, sân Trường Quân sự, sân Hội chợ Quang Trung, sân Thạnh Lộc ; xây dựng trung tâm thể thao của quận tại phường Hiệp Thành ; phát triển câu lạc bộ thể dục-thể thao liên phường tại Thạnh Xuân với nhà thi đấu đa môn ; phát triển các sân tập thể dục dưỡng sinh ; xây dựng hệ thống sân chơi gồm sân bóng đá mini, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông,… phù hợp với quy mô của từng trường, từng phường.

3.4- Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị :

3.4.1- Giao thông :

Tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường do quận, phường quản lý đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng đường bé và lộ giới. Phấn đấu đến năm 2010, số km đường trên km2 đạt hệ số từ 5 đến 6 ; số km đường/1.000 dân đạt hệ số 1,2 và diện tích đất giao thông trên diện tích đất tự nhiên đạt 18-20% ; mạng lưới giao thông trên địa bàn quận có tæng chiều dài là 420 km. Đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách với qui mô lớn, tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông. Mở rộng các Quốc lộ 22, 1A, các Tỉnh lộ, Hương lộ. Nâng cấp các tuyến đường liên phường thành đường nhựa. Mở rộng và nhựa hóa các tuyến đường nội bộ của các phường.

3.4.2- Cấp nước :

Từ nay đến năm 2005, tiếp tục cải tạo, nâng cấp và phát triển mới hệ thống cấp nước toàn quận. Bảo đảm đến năm 2010, đủ nước sinh hoạt cho dân cư và nước cho sản xuất-kinh doanh trên địa bàn quận. Trong đó, có các khu dân cư tập trung mới phát triển và các khu công nghiệp trên địa bàn quận : Đối với các khu dân cư tập trung và các phường trung tâm quận, 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt đã qua xử lý ; đối với các khu vực xa trung tâm và dân cư phân bố rãi rác được sử dụng nước giếng khoan đúng tiêu chuẩn và trang bị hệ thống lọc nước gia đình. Xây dựng hệ thống cấp nước từ nhà máy nước đến các khu vực trung tâm và các khu dân cư tập trung.

3.4.3- Thoát nước và vệ sinh đô thị :

Từ nay đến năm 2010, tập trung đầu tư nạo vét các kinh rạch trên địa bàn quận, kết hợp củng cố nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống kè sông Sài Gòn và một số kinh rạch chính, củng cố nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống bờ bao ven sông rạch phục vụ thủy lợi, chống úng ngập và chống ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện hệ thống thu gom rác thải và các giải pháp đồng bộ để kiểm tra và hạn chế ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận và vùng lân cận của các địa phương bạn. Đến năm 2005, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, ứ động ở các khu vực trung tâm ; hình thành các trạm xử lý nước thải. Đến năm 2010, có hệ thống thoát nước mặt và nước bẩn hoàn chỉnh.

3.4.4- Cấp điện :

Phấn đấu phát triển mạng lưới điện theo hướng hiện đại hóa, xây dựng các trạm cung cấp điện, trạm biến thế, cải tạo mạng lưới điện hạ thế, đảm bảo an toàn, mỹ quan, phù hợp với kiến trúc đô thị và giao thông trên địa bàn quận. Đến năm 2005, lắp đặt mới 16 tuyến cáp ngầm, 38,65 km đường dây trên không; cải tạo 120 trạm biến áp với tổng công suất 180.240 KVA. Đến năm 2010, đảm bảo sự truyền tải an toàn cho các đường dây cao thế, đặc biệt là tuyến 500 KV khu vực.

3.4.5- Thông tin liên lạc :

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các nghiệp vụ truyền thông hiện có, phát triển các nghiệp vụ mới ; nâng cấp tổng đài điện tử thành tổng đài đa dịch vụ ; số trạm điện thoại là 7 trạm, số máy thuê bao là 35.000 máy, mật độ điện thoại là 13 máy/100 dân vào năm 2005 ; bán kính phục vụ của bưu cục là 1,9 km/bưu cục vào năm 2005 ; 1,6 km/bưu cục và khoảng 10% dân số trên địa bàn quận sử dụng internet vào năm 2010.

Đến năm 2010, phát triển mạng lưới, chuyển dần từ cáp treo qua cáp ngầm: Lắp đặt 90 km cáp ngầm, 998 km cáp treo các loại ; xây dựng bưu điện trung tâm của quận (cấp 2) ; lắp đặt thêm các điểm điện thoại công cộng dùng thẻ.

3.4.6- Nhà ở :

Triển khai các chương trình xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung. Các khu dân cư phát triển mới phải đảm bảo yêu cầu đồng bộ về quy hoạch kiến trúc và các dịch vụ công cộng. Trong giai đoạn 2003-2005, bố trí dân cư xen cài bên cạnh các khu công nghiệp. Đến năm 2005, xây dựng khu dân cư tại phường Đông Hưng Thuận với diện tích 65 ha, dân số khoảng 12.000 người ; xây dựng khu nhà chung cư Tân Thới Hiệp diện tích 30 ha, dân số 8.000 người ; xây dựng khu nhà ở Tân Thới Nhất dân số khoảng 20.000 người ; xây dựng khu dân cư xen cài khu công nghiệp Hiệp Thành diện tích 60 ha, dân số khoảng 13.000 người ; xây dựng mới khu nhà vườn Thạnh Lộc, An Phú Đông dân số khoảng 1.400 người ; chỉnh trang đô thị phường Đông Hưng Thuận, khu dân cư phường Trung Mỹ Tây. Đến năm 2010, xây dựng khu dân cư Tân Chánh Hiệp diện tích 60 ha, dân số 9.000 người ; cải tạo và chỉnh trang khu dân cư xen cài Trung Mỹ Tây diện tích 23 ha, dân số 9.000 người ; xây dựng khu quy hoạch nhà vườn Thạnh Lộc - An Phú Đông dân số 20.000 người ; tiếp tục chỉnh trang đô thị phường Đông Hưng Thuận, khu vực ngã tư An Sương.

3.4.7- Bảo vệ môi trường :

Quận phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của thành phố xây dựng kế hoạch theo dõi, quản lý tốt và có các giải pháp xử lý nghiêm ngặt tất cả các nguồn chất thải từ sản xuất-kinh doanh và sinh hoạt nhằm bảo đảm môi trường sống lành mạnh và bảo vệ sức khỏe của nhân dân ; tăng cường giám sát, kiểm soát giao thông đường bộ để giảm ô nhiễm về độ bụi, tiếng ồn, nồng độ các chất độc hại trong không khí ; hạn chế tối đa việc thải chất bẩn ra sông rạch.

4. Các giải pháp và chính sách thực hiện mục tiêu quy hoạch :

Quận cần phối hợp chặt chẽ với Viện Kinh tế, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Viện Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở-ngành thành phố có liên quan để xây dựng các giải pháp và biện pháp cụ thể, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn trong đề án quy hoạch kinh tế-xã hội và quy hoạch chung của quận được phê duyệt.

4.1- Những điểm cần chú ý khi thực hiện quy hoạch :

4.1.1- Cần tiến hành xây dựng kế hoạch thực thi thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả trên cơ sở kết hợp cả hai đề án : Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội quận đến năm 2010 và quy hoạch chung của quận đến năm 2020 đã được phê duyệt.

4.1.2- Cần tính toán kỹ dựa trên các nguồn lực mang tính khả thi, đặc biệt chú ý yếu tố bố trí mặt bằng hợp lý, để đảm bảo quy hoạch có giá trị cao, ổn định, ít thay đổi.

4.1.3- Công khai hóa quy hoạch chi tiết đã hoàn tất và đã được phê duyệt, thông báo rộng rãi cho nhân dân trong quận và các nhà đầu tư biết để thực hiện.

4.1.4- Xác định hiện trạng nhà cửa, vật kiến trúc tại thời điểm quy hoạch để làm cơ sở đền bù, giải tỏa. Tăng cường việc kiểm tra, quản lý xây dựng trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng không phép, tránh hình thành các khu nhà lụp xụp trên địa bàn quận hoặc gây phức tạp cho việc đền bù giải tỏa sau này.

4.2- Ủy ban nhân dân quận có trách nhiệm phối hợp với các sở-ngành có liên quan tập trung hoàn chỉnh và trình Ủy ban nhân dân thành phố danh mục các chương trình đầu tư, các dự án phát triển kinh tế-xã hội theo thứ tự ưu tiên nhằm thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội và quy hoạch chung (mặt bằng xây dựng) của quận đã được phê duyệt và dựa vào danh mục các chương trình, dự án đã được luận chứng theo thứ tự ưu tiên này để lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và từng năm của quận.

Trong quá trình thực hiện quy hoạch phải cập nhật tình hình, nếu phát sinh những vấn đề không phù hợp, cần sớm trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét để có quyết định điều chỉnh kịp thời.

Điều 2.Ủy ban nhân dân quận có kế hoạch kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch một cách chặt chẽ. Các sở-ngành thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân quận trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch chung của quận với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội và quy hoạch chung của thành phố.

Điều 3.Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4.Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như điều 4
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Ủy ban nhân dân thành phố
- Ban chỉ đạo “Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế-Xã hội của thành phố thời kỳ 1996-2010”
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
- Các Đòan thể thành phố
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố
- Ủy ban nhân dân các quận-huyện
- VPHĐ-UB : các PVP
- Các Tổ NCTH
- Lưu (TH/ĐH)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Hải