Hệ thống pháp luật

Quyền yêu cầu ly hôn của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL35625

Câu hỏi:

Chào công ty luật Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam. Tôi và chồng lấy nhau chưa được 1 năm, qua thời gian sống chúng tôi và anh ấy nhận thấy 2 người sống không được hạnh phúc và không hợp nhau. Nhiều lần cãi vã. Và đến nay tôi và chồng quyết định ly hôn để giải thoát cho nhau. Tôi muốn công ty có thể giúp đỡ tôi làm thủ tục ly hôn có được không ạ Tôi xin cảm ơn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý.

 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

2. Nội dung tư vấn

Trước hết, ly hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa Án (theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

"Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được trích dẫn nêu trên, thì quyền yêu cầu ly hôn là quyền của mỗi cá nhân của vợ, chồng, hoặc của cả hai vợ chồng trong quan hệ hôn nhân. Trong trường hợp của bạn, thì sau một thời gian chung sống, cảm thấy cuộc sống nhân không phù hợp, mâu thuẫn, nếu bạn hoặc chồng bạn, hoặc cả hai vợ chồng bạn muốn chấm dứt cuộc nhân này thì bạn, chồng bạn hoặc hai vợ chồng bạn đều có quyền yêu cầu ly. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì trong trường hợp này, cả hai vợ chồng bạn đều quyết định ly hôn để giải quyết cho nhau, do vậy, việc yêu cầu ly hôn của hai vợ chồng bạn ở đây được xác định là thuận tình ly hôn.

Về vấn đề thuận tình ly hôn, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

"Điều 55. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn."

Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì thuận tình ly hôn là việc hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, thể hiện ở việc cùng đồng thuận ký kết vào đơn xin ly hô . Cũng căn cứ vào quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì đối với ly hôn thuận tình cần đáp ứng các điều kiện:

Hai bên thật sự tự nguyện trong vấn đề ly hôn, thể hiện ở việc cùng đồng thuận, tự nguyện ký vào đơn ly hôn.

Hai vợ chồng đã cùng nhau thỏa thuận được về vấn đề trông nom, nuôi dưỡng giáo dục con; về vấn đề chia hay không chia tài sản chung của hai vợ chồng.

Những thỏa thuận về tài sản chung, con chung của hai bên đều đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của người vợ và con.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật về giải quyết thuận tình ly hôn: 024.6294.9155

Về trình tự thủ tục thực hiện ly hôn thuận tình của bạn và chồng bạn được thực hiện theo thủ tục chung về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể:

Bạn cần chuẩn bị các hồ sơ, gồm những giấy tờ sau:

– Đơn yêu cầu Toà án công nhận thuận tình ly hôn .

– Bản chính giấy Chứng nhận đăng ký kết hôn;

– Bản sao có chứng thực của Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng.

Thủ tục ly hôn với người nước ngoài, người đi nước ngoài

– Bản sao Giấy khai sinh của các con (nếu có);

– Các giấy tờ chứng minh tài sản chung (nếu có) như Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; sổ tiết kiệm; giấy đăng ký xe… 

 Bạn sẽ nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú. Nơi cư trú được xác định là nơi mà vợ, chồng có hộ khẩu thường trú hoặc nơi vợ, chồng đang sinh sống, làm việc và có sổ tạm trú.

Sau khi Tòa án tiến hành mở phiên hòa giải, phân tích cho các bên đương sự về vấn đề ly hôn, quyền và lợi ích của các bên, để các bên có thể thỏa thuận về việc có ly hôn hay không, nếu ly hôn thì thỏa thuận về vấn đề con chung và tài sản chung như thế nào. Trong trường hợp hòa giải thành và hai vợ chồng quyết định không ly hôn nữa thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và hướng dẫn các bên rút đơn. 

Trong trường hợp hòa giải không thành, các bên không thay đổi quyết định về việc ly hôn thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải không thành, nếu các bên không thay đổi ý kiến, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

Trong trường hợp hòa giải không thành, các bên không thay đổi về quyết định việc ly hôn, nhưng đồng thời cũng không thỏa thuận được về vấn đề nuôi con, có tranh chấp về tài sản thì trong vòng 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải không thành, nếu các bên không thay đổi ý kiến, thì Toà án sẽ ra quyết định hòa giải không thành và đưa vụ án ly hôn ra xét xử, giải quyết tranh chấp theo thủ tục chung về ly hôn đơn phương theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn