BAN TỔ CHỨC KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN NĂM 2000 | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/1999/QĐ-BTCNN | Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BAN TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN NĂM 2000 SỐ 01/1999/QĐ-BTCNN NGÀY 07 THÁNG 12 NĂM 1999 VỀ CHƯƠNG TRÌNH TỔ CHỨC KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN NĂM 2000
BAN TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN NĂM 2000
Căn cứ Nghị định số 11-NQ/TW ngày 20 tháng 7 năm 1999 của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2000;
Căn cứ Thông báo số 263-TB/TW ngày 19 tháng 11 năm 1999 của Thường vụ Bộ Chính trị;
Căn cứ Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Tổ chức Nhà nước kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2000, Quyết định số 1128/QĐ-TTg ngày 3 tháng 12 năm 1999 về việc bổ sung thành viên Ban Tổ chức Nhà nước kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2000,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2000.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các thành viên của Ban Tổ chức Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được phân công và Chương trình chung, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo tình hình và kết quả tổ chức từng ngày lễ cho bộ phận thường trực của Ban Tổ chức Nhà nước (Bộ Văn hoá - Thông tin) để kịp thời chỉ đạo, rút khinh nghiệm
| Phạm Gia Khiêm (Đã ký) |
CHƯƠNG TRÌNH TỔ CHỨC KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN NĂM 2000
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-BTCNN ngày 07 tháng 12 năm 1999)
I- MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA
Bộ chính trị đã ra Nghị quyết số 11/NQ-TW (ngày 26 tháng 7 năm 1999) về tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2000. Năm 2000 là năm trọng đại, có một ý nghĩa lịch sử đặc biệt đối với dân tộc ta, với nhiều ngày lễ lớn:
- 70 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2000).
- 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2000).
- 25 năm ngày thắng lợi hoàn toàn của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (30/4/1975-30/4/2000).
- 55 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2000).
- Giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng 3 năm Canh Thìn).
- Lễ hội giao thừa Thế kỷ.
Ngoài các ngày lễ chính còn có một số ngày lễ lớn của các đoàn thể, các ngành, lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội...
Về quốc tế, có các ngày kỷ niệm quan trọng như 130 năm ngày sinh V.I.Lê- nin, 180 năm ngày sinh F.Ang-ghen...
Năm 2000 cũng là năm cuối phấn đấu để hoàn thành những mục tiêu do Đại hội VIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra cho kế hoạch 5 năm 1996 - 2000, là năm chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng.
Tổ chức kỷ niệm trọng thể những ngày lễ lớn phải là một biểu hiện cụ thể của việc tiếp nối truyền thống và ý chí tự lực tự cường của dân tộc, của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; làm cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tinh thần chấn hưng dân tộc được nhân lên trong xu thế của thời đại, đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn thách thức, đổi mới toàn diện có đủ bản lĩnh và trí tuệ để tạo nên bước phát triển mới khi bước vào thế kỷ XXI, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Cách kỷ niệm thiết thực nhất là các ngành, các cấp, các đơn vị đẩy mạnh các phòng trào thi đua yêu nước, phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", nâng cao đời sống của nhân dân, xoá đói giảm nghèo; thực hành tiết kiệm; củng cố quốc phòng và an ninh; kiên quyết phòng chống các tệ nạn xã hội...; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2000 và kế hoạch 5 năm 1996-2000.
Việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của ta còn làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ hơn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, hiểu rõ hơn công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chủ động hội nhập để thực hiện quyết tâm của nhân dân ta muốn làm bạn với tất cả các dân tộc trên thế giới, tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.
Tư tưởng chỉ đạo và phương châm tổ chức các ngày lế lớn là: bảo đảm tính nghiêm túc, trang trọng, không phô chương hình thức; tạo được phong trào tham gia của toàn dân, mang tính quần chúng sâu rộng từ cơ sở; an toàn và tiết kiệm; tạo được niềm tin tưởng và phấn khởi trong nhân dân.
II- NỘI DUNG CHỦ YẾU
Để thiết thực kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2000, các hoạt động kỷ niệm tập trung vào một số nội dung chính sau đây:
1. Ban Tổ chức Nhà nước kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2000 chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm mang tính quốc gia.
2. Trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, Đảng và Nhà nước sẽ tuyên bố một số chính sách lớn nhằm động viên và tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, động viên sức dân, nâng cao tinh thần chấn hưng dân tộc... phấn khởi hướng tới chào mừng Đại hội lần thứ IX của Đảng và vững bước tiến vào thế kỷ 21.
3. Các ngành, các cấp, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương chủ động xây dựng chương trình hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn thuộc phạm vi của mình một cách thiết thực, với những nội dung cụ thể sau:
- Tổ chức thật tốt phong trào thi đua yêu nước với những mục tiêu, hình thức và kết quả cụ thể về sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo... lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn, tiến tới đại hội thi đua toàn quốc vào tháng 12 năm 2000.
- Phát động sâu rộng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", học tập gương người tốt việc tốt, kiên quyết phòng chống các tệ nạn xã hội...
- Tổ chức các phong trào chăm sóc, giúp đỡ những người có công với cách mạng, hướng về cội nguồn dân tộc với các hoạt động thiết thực thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa".
- Xây dựng kế hoạch các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, phát thanh, truyền hình mang tính quần chúng rộng rãi, thể hiện bản sắc dân tộc, chào mừng các ngày lễ lớn.
- Tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại địa phương, đơn vị phù hợp với kế hoạch chung.
4. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, học tập lý luận; tổ chức một số hội nghị khoa học, tổng kết và phát huy những bài học kinh nghiệm lớn, những truyền thống quý báu của Đảng, của dân tộc ta.
Tổ chức tốt cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật chào mừng những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2000.
Biên soạn và phát thanh một số sách lịch sử, lý luận và chính trị về công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, các cuộc thi tìm hiểu về đất nước, về Đảng làm cho mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ và tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta.
5. Mở rộng mạng lưới tuyến, điểm và tổ chức phong phú các loại hình hoạt động du lịch.
6. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại với nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng thông tin tuyên truyền đối ngoại.
7. Tất cả các hoạt động trên đều nhằm hướng tới Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI diễn ra vào cuối năm 2000 và chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng lần thứ IX vào cuối quý I năm 2001.
III- CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU KỶ NIỆM CÁC NGÀY LỄ LỚN
(Xếp thứ tự theo thời gian)
1. Tết dương lịch 1999 - 2000 (01/01/2000).
- Tính chất kỷ niệm: đón chào năm chuyển giao thế kỷ và thiên niên kỷ, thể hiện sự hội nhập với cộng đồng thế giới, làm nổi bật ý nghĩa của năm 2000 là năm diễn ra nhiều lễ kỷ niệm các sự kiện vĩ đại của dân tộc ta.
- Các hoạt động:
+ Lời chào mừng của lãnh đạo Nhà nước nhân dịp đón năm chuyển giao thế kỷ.
+ Tuyên truyền về dân tộc ta và thế giới khi bước sang thế kỷ 21.
+ Tổ chức một số hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và một số thành phố lớn, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá - Thông tin.
2. Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2000).
- Tính chất kỷ niệm: đây là ngày lễ trọng tâm trong năm 2000, tổ chức trọng thể. làm nổi bật vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức về đảng cho toàn thể đảng viên, cán bộ, nhân dân trong cả nước, từ đó bồi dưỡng, nâng cao niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, củng cố và nâng cao niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
- Nội dung tuyên truyền và sinh hoạt chính trị: lịch sử oanh liệt của Đảng; sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, dân tộc, những bài học lớn về sự lãnh đạo của Đảng; cuộc vận động chỉnh đốn Đảng; Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, gương đảng viên mẫu mực...
- Các hoạt động:
+ Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mít tinh trọng thể tại Hà Nội. Trong buổi lễ trọng thể đó, đồng chí Tổng bí thư đọc bài diễn văn quan trọng.
+ Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước gặp gỡ các vị lão thành cách mạng và trao Huy chương 70 năm tuổi đảng.
+ Tổ chức cuộc mít tinh kỷ niệm ở cấp tỉnh, thành, gắn với báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2).
+ Tổ chức hội thảo khoa học và sinh hoạt lý luận, tư tưởng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng; tổ chức một số cuộc triển lãm, tìm hiểu về Đảng.
+ Tổ chức các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao, chiếu phim, phát thanh, truyền hình, cầu truyền hình "mừng đất nước, mừng Đảng, mừng xuân" cùng với đón năm mới Canh Thìn.
+ Xuất bản trọn bộ lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam và tiếp tục xuất bản các tập văn kiện Đảng.
- Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức Nhà nước.
3. Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Canh Thìn)
- Tính chất kỷ niệm: Hướng về cội nguồn dân tộc.
- Nội dung tuyên truyền: hướng về cội nguồn dân tộc, nâng cao lòng tự hào dân tộc, truyền thống đại đoàn kết dựng nước, giữ nước, gìn giữ bản sắc dân tộc, tinh thần chấn hưng dân tộc dưới thời đại Hồ Chí Minh.
- Các hoạt động:
+ Tổ chức long trọng lễ Giỗ tổ Hùng Vương mang tính quốc gia tại Phú Thọ; các địa phương trong cả nước có các hoạt động thiết thực hướng về cội nguồn dân tộc.
+ Tổ chức triển lãm, tuyên truyền về thời đại Hùng Vương.
+ Tổ chức triển khai biên soạn bộ sách về lịch sử Việt Nam
+ Tổ chức Hội thảo khoa học về thời đại Hùng Vương.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.
4. Kỷ niệm 25 năm ngày thắng lợi hoàn toàn của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (30/4/1975-30/4/2000 và ngày 1/5).
- Tính chất kỷ niệm: nêu bật ý nghĩa to lớn của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Nội dung tuyên truyền: ý nghĩa của thắng lợi chống Mỹ cứu nước; thành tựu 25 năm xây dựng và bảo vệ tổ quốc; nêu cao tinh thần và ý chí cách mạng, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
- Các hoạt động: Tổ chức mít tinh trọng thể tại thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày giải phóng địa phương.
+ Tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
+ Tổ chức một số hoạt động văn hoá - nghệ thuật, thể dục thể thao, phát thanh, truyền hình.
+ Tổ chức một số triển lãm về công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
5. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2000).
- Tính chất kỷ niệm: trọng thể, nêu bật công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc và thế giới; nêu bật thời đại Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc.
- Nội dung tuyên truyền: giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh; học tập nhân cách, tấm gương cao quý về đạo đức lối sống và phong cách của Người; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính Nhà nước.
- Các hoạt động:
+ Tuyên truyền sâu rộng về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, về tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác.
+ Tổ chức mít tin trọng thể ở Hà Nội.
+ Các tỉnh, thành phố tổ chức kỷ niệm bằng các hoạt động thiết thực, gắn với việc kiểm điểm thực hiện Di chúc của Bác Hồ và báo cáo kết quả sinh hoạt phê bình và tự phê bình trong Đảng.
+ Tổ chức các cuộc viếng thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, quê Bác và các nơi lưu niệm về Bác.
+ Tổ chức một số hoạt động văn hoá - nghệ thuật, phát thanh, truyền hình; chiếu phim, triển lãm về Bác.
+ Xuất bản bộ sách giới thiệu có hệ thống về tư tưởng Hồ Chí Minh; qua phong trào thi đua, báo chí nêu gương người tốt, việc tốt.
+ Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng.
- Cơ quan chủ trì: Bộ văn hoá - Thông tin.
6. Kỷ niệm 55 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2000).
- Tính chất kỷ niệm: trọng thể, làm nổi bật thời đại Hồ Chí Minh, thời đại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
- Nội dung tuyên truyền: về cách mạng tháng Tám; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; thành tựu 55 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bài học về khối đại đoàn kết toàn dân; "chính quyền của dân, do dân, vì dân" dưới sự lãnh đạo của Đảng; về thời cơ và thách thức đối với dân tộc ta khi bước sang thế kỷ 21; về ý chí và quyết tâm của dân tộc ta vượt lên như mong muốn của Bác Hồ "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"...
- Các hoạt động:
+ Mít tinh trọng thể tại Quảng trường Ba Đình, diễu hành quần chúng.
+ Tổ chức bắn pháo hoa ở Hà Nội và một số thành phố khác.
+ Chọn một số công trình trọng điểm lấy tên "công trình 55 năm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - chào thế kỷ 21".
+ Hội thảo khoa học về Việt Nam trước thềm thế kỷ XXI.
+ Các tỉnh, thành phố có hoạt động kỷ niệm thích hợp.
+ Triển lãm về thành tựu 55 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
+ Tổ chức các hoạt động văn hoá - nghệ thuật, thể dục thể thao, phát thanh, truyền hình. Các địa phương, cơ sở tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có tính quần chúng rộng rãi.
+ Xuất bản một số sách về 55 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
+ Đảng, Quốc hội, Nhà nước tổ chức chiêu đãi trọng thể Đoàn Ngoại giao, khách quốc tế.
+ Tổ chức các hoạt động văn hoá, thông tin đối ngoại trong năm 2000.
+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về 55 năm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá - Thông tin.
7. Lễ hội giao thừa thế kỷ 2000 - 2001 (31/12/2000).
Tính chất lễ hội: đón thiên niên kỷ mới - một giai đoạn phát triển mới của nhân loại, của đất nước ta.
- Nội dung tuyên truyền: về những thành tựu của đất nước ta và sự phát triển của thế giới trong thế kỷ 20 và dự báo những triển vọng trong thế kỷ 21; cơ hội và thách thức đối với dân tộc ta; dân tộc Việt Nam với thế và lực mới bước vào thế kỷ 21; vì một thế giới hoà bình, tiến bộ, công bằng và hạnh phúc.
- Các hoạt động:
+ Tổ chức lễ hội giao thừa thế kỷ:
* Lãnh đạo Nhà nước có thông điệp gửi đồng bào cả nước. Tuyên bố một số chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên và tăng cường hơn nữa khối Đại đoàn kết toàn dân, động viên sức dân, nâng cao tinh thần chấn hưng dân tộc... phấn khởi chào mừng đại hội IX của Đảng và vững bước tiến vào thế kỷ 21.
* Chương trình văn hoá - văn nghệ, phát thanh, truyền hình đặc biệt "chào thế kỷ 21".
* Tổ chức một số hoạt động văn hoá, văn nghệ có tính chất quần chúng rộng rãi ở các địa phương, cơ sở .
* Tổ chức cầu truyền hình phản ánh hoạt động chào đón thế kỷ 21 của các địa phương trong cả nước và đưa tin về đón giao thừa thế kỷ 21 của các nước
* Bắn pháo hoa ở Hà Nội và một số thành phố.
- Cơ quan chủ trì: Bộ văn hoá - Thông tin.
8. Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Nội dung kỷ niệm: nêu bật truyền thống dựng nước và giữ nước của Thủ đô Hà Nội trong 990 năm qua gắn với truyền thống oanh liệt tự hào của dân tộc, khơi dậy ý thức hướng về cội nguồn của người dân Việt Nam, xây dựng Thủ đô nước ta văn hiến và phát triển cao về mọi mặt, xứng đáng với danh hiệu "Thành phố vì Hoà bình" mà UNESCO đã công nhận.
- Cơ quan chủ trì: Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
IV- TỔ CHỨC TRIỂN KHAI
- Trên cơ sở Chương trình này, Ban Tổ chức Nhà nước kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2000 chỉ đạo các cơ quan chủ trì đã được phân công xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức kỷ niệm từng ngày lễ.
Tại Bộ Văn hoá - Thông tin thành lập một bộ phận giúp việc cho Ban Tổ chức Nhà nước. Các thành viên chủ trì đã được phân công, có thể tổ chức các bộ phận giúp việc cần thiết, có hiệu quả.
- Các thành viên của Ban Tổ chức Nhà nước được phân công phụ trách chỉ đạo từng nội dung cụ thể, xây dựng kế hoạch triển khai đối với từng ngày lễ, phù hợp với kế hoạch chung, gửi báo cáo Đề án cụ thể về bộ phận thường trực của Ban Tổ chức (Bộ Văn hoá - Thông tin) trước ngày 15 tháng 12 năm 1999. Sau khi kế hoạch được thông qua, từng thành viên chủ động tổ chức triển khai công việc phù hợp với kế hoạch.
- Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chương trình chung này xây dựng Chương trình tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn một cách thiết thực tại đơn vị, địa phương mình, theo tinh thần trang trọng, vui tươi, tiết kiệm và có hiệu quả, nhằm tạo nên một khí thế mới, phấn khởi, hồ hởi xây dựng đơn vị, quê hương, đất nước.
- Sau mỗi ngày kỷ niệm có tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời.
- 1 Chỉ thị 31-CT/TW năm 2013 tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2014 - 2015 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Quyết định 940/QĐ-TTg năm 1999 về việc thành lập Ban Tổ chức Nhà nước kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Hướng dẫn số 03/HĐTĐKTTW về việc tổ chức phát động thi đua 2 năm 1999-2000 thành lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn, chào đón thế kỷ thứ 21 và tiến tới Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc vào cuối năm 2000 do Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương ban hành