TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2001/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 03 tháng 1 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 01/2001/QĐ-TCHQ NGÀY 03 THÁNG 01 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI ĐĂNG KÝ TỜ KHAI MỘT LẦN TRONG QUY TRÌNH LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN.
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20/2/1990.
Căn cứ Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27.3.1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát và lệ phí hải quan;
Căn cứ Đề án cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 162/CP-KTTH ngày 17.2.1998 và ý kiến Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2491/VPCP-KTTH ngày 20.6.2000.
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về việc Đăng ký tờ khai một lần trong quy trình làm thủ tục hải quan.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký;
Điều 3: Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan và các tổ chức cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Đặng Văn Tạo (Đã ký) |
QUY CHẾ TẠM THỜI
VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ TỜ KHAI MỘT LẦN TRONG QUY TRÌNH LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2001/TCHQ-QĐ ngày 03 tháng 01 năm 2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
I- QUY ĐỊNH CHUNG:
1- Đăng ký tờ khai một lần trong quy trình làm thủ tục hải quan là việc doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký tờ khai Hải quan một lần để xuất/nhập khẩu một lượng hàng nhất định trong một khoảng thời gian nhất định (dưới đây gọi tắt là Đăng ký tờ khai một lần). Trong khoảng thời gian được chấp nhận, tờ khai đã đăng ký có giá trị để thực hiện việc xuất/ nhập khẩu nhiều lần lượng hàng đã đăng ký.
Hình thức đăng ký tờ khai một lần nhằm đơn giản hoá những thủ tục giống nhau được lặp đi lặp lại nhiều lần, những chứng từ giống nhau phải nộp nhiều lần thành một lần làm thủ tục và một bộ hồ sơ.
2- Đăng ký tờ khai một lần nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng chính sách quản lý xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và chính sách thuế đối với hàng xuất nhập khẩu.
3- Điều kiện để được áp dụng hình thức Đăng ký tờ khai một lần:
- Cùng mặt hàng trong suốt thời gian được đăng ký.
- Hàng hoá xuất/nhập khẩu qua các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý của Hải quan một tỉnh, thành phố.
- Một hợp đồng mua bán (bao gồm cả hợp đồng gia công và các loại hợp đồng xuất nhập khẩu khác không nhằm mục đích mua bán. Nếu là hợp đồng mua bán thì phải có điều khoản được phép giao hàng từng phần).
- Trong thời gian chính sách quản lý xuất nhập khẩu, chính sách thuế đối với mặt hàng đó không thay đổi.
4- Hình thức Đăng ký tờ khai một lần được áp dụng đối với các loại hàng hoá sau:
- Hàng hoá không có thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Hàng hoá được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Hàng hoá thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bằng 0%;
Các loại hàng hoá trên nếu có thuế VAT thì cũng được áp dụng hình thức đăng ký tờ khai này.
5. Hiệu lực của tờ khai đã đăng ký:
a- Tờ khai có hiệu lực trong thời hạn của hợp đồng mua bán.
b- Tờ khai hết hiệu lực trong trường hợp:
- Chính sách quản lý xuất nhập khẩu, chính sách thuế xuất nhập khẩu thay đổi. Trong trường hợp đó, tờ khai hết hiệu lực vào ngày trước ngày có hiệu lực của chính sách mới;
- Hết thời gian được chấp nhận (kể cả trường hợp lượng hàng còn mà không được gia hạn);
- Hết lượng hàng đăng ký.
- Hết thời gian ân hạn thuế VAT mà chủ hàng không nộp thuế.
c- Tờ khai được xem xét gia hạn trong trường hợp hết thời gian được chấp nhận mà lượng hàng xuất/nhập khẩu vẫn còn. Thời gian gia hạn không vượt quá thời gian được chấp nhận. Việc gia hạn chỉ áp dụng một lần cho một tờ khai và do Trưởng Hải quan cửa khẩu quyết định. Trường hợp phải gia hạn thêm khi có lý do hợp lý do Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố quyết định.
6- Thanh khoản tờ khai (kết thúc thủ tục):
a- Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hết hiệu lực của tờ khai, doanh nghiệp phải làm thủ tục thanh khoản tờ khai với cơ quan Hải quan. Nếu trong thời hạn này doanh nghiệp không làm thủ tục thanh khoản tờ khai thì Hải quan lập biên bản vi phạm thủ tục hải quan để xử lý và doanh nghiệp sẽ không được hưởng chế độ Đăng ký tờ khai một lần đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của mình trong thời hạn 01 năm.
b- Khi thanh khoản, nếu tổng lượng hàng xuất/nhập khẩu không đúng với khai báo thì doanh nghiệp phải có văn bản giải thích lý do. Nếu lý do doanh nghiệp giải thích là hợp lý thì coi như doanh nghiệp không vi phạm về khai báo (nhưng trong mỗi lần xuất/nhập khẩu thì doanh nghiệp phải khai báo đúng thực tế hàng hoá xuất/nhập khẩu lần đó). Nếu hàng quản lý bằng hạn ngạch/giấy phép thì tổng lượng hàng hoá thực xuất/nhập không được vượt quá lượng hàng được phép xuất/nhập khẩu ghi trong văn bản hạn ngạch/giấy phép.
Việc thanh toán do bộ phận kiểm hoá thực hiện.
7- Doanh nghiệp được áp dụng hình thức Đăng ký tờ khai một lần phải đảm bảo việc xuất/nhập khẩu hàng hoá đúng thời hạn đã được chấp nhận, đúng chủng loại hàng ghi trong tờ khai; thanh khoản tờ khai đúng thời gian quy định; phải chấp hành đúng các quy định của Hải quan trong quá trình làm thủ tục.
II- CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH LÀM THỦ TỤC ĐĂNG KÝ TỜ KHAI MỘT LẦN:
1- Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký tờ khai tại cơ quan Hải quan cho một lượng hàng nhất định để xuất/nhập khẩu trong một khoảng thời gian nhất định. Bộ hồ sơ đăng ký, ngoài các chứng từ quy định cho từng loại hình hàng hoá xuất nhập khẩu theo Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 01/1999/TT-TCHQ ngày 10.5.1999 của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp còn phải nộp thêm:
- Văn bản đề nghị được Đăng ký tờ khai một lần (văn bản ghi cụ thể chủng loại hàng hoá, lượng hàng hoá của cả lô hàng, khoảng thời gian cần thiết để xuất/nhập hết lô hàng, các cửa khẩu xuất/nhập);
- Phiếu theo dõi hàng hoá xuất nhập khẩu (Phụ lục 1 Quyết định này. Dưới đây gọi tắt là phiếu theo dõi);
- Tờ khai hải quan cho toàn bộ lô hàng;
- Hợp đồng của toàn bộ lô hàng.
Hải quan thực hiện đăng ký tờ khai theo quy định, lập phiếu theo dõi để doanh nghiệp và Hải quan thống kê lượng hàng xuất/nhập từng lần.
2- Trên cơ sở tờ khai đã đăng ký, mỗi lần có hàng hoá xuất khẩu/nhập khẩu, doanh nghiệp nộp phiếu đăng ký kiểm tra hàng hoá (Phụ lục 2 Quyết định này. Dưới đây gọi tắt là phiếu đăng ký) cho cơ quan Hải quan để Hải quan thực hiện việc kiểm tra hàng hoá (không phải làm lại thủ tục đăng ký tờ khai). Khi đăng ký kiểm hoá, doanh nghiệp nộp/xuất trình Hải quan các loại hồ sơ giấy tờ sau:
- Xuất trình: Bộ hồ sơ đã đăng ký.
- Nộp:
+ Chứng từ của lô hàng mới (bản kê chi tiết đối với hàng xuất khẩu B/L, invoice, C/O- nếu là mặt hàng nhập khẩu yêu cầu phải có C/O);
+ Phiếu đăng ký;
Phiếu theo dõi và phiếu đăng ký quy định trên đây là những bộ phận không tách rời của tờ khai hải quan đã đăng ký.
Sau khi tiếp nhận đủ và kiểm tra các chứng từ trên, Hải quan thực hiện việc kiểm hoá lô hàng, ghi kết quả kiểm hoá từng lần vào phiếu đăng ký và phiếu theo dõi.
Trường hợp hàng hoá phải được kiểm tra ở cửa khẩu hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp được kiểm tra hàng hoá ở cửa khẩu (phù hợp quy định tại điểm 3 phần I tên đây) thì trong phiếu đăng ký doanh nghiệp phải ghi rõ đề nghị này. Đơn vị Hải quan đăng ký tờ khai ghi ý kiến đề nghị Hải quan cửa khẩu xuất/nhập thực hiện việc kiểm hoá.
Trường hợp hàng có thuế VAT thì Hải quan thu hoặc ra thông báo thuế VAT cho từng lần xuất/nhập khẩu.
Thời gian ân hạn thuế VAT tính theo từng lần xuất/nhập khẩu, cụ thể là thời gian ân hạn được tính từ ngày cơ quan Hải quan ra thông báo thuế cho số hàng xuất/nhập khẩu lần đó.
Nếu hết thời gian ân hạn mà doanh nghiệp chưa nộp thuế VAT hoặc chưa xuất khẩu một lượng sản phẩm tương ứng lượng nguyên liệu nhập khẩu của lần nhập khẩu đó thì tờ khai sẽ không còn hiệu lực và doanh nghiệp bị xử lý vi phạm như quy định của Luật thuế VAT.
Trường hợp có lệ phí Hải quan thì việc thu lệ phí thực hiện với từng lần xuất nhập khẩu.
3- Sau khi tờ khai hải quan hết hiệu lực, doanh nghiệp phải thực hiện thanh khoản tờ khai để kết thúc thủ tục như quy định tại điểm 6 phần I trên đây.
Trên cơ sở tờ khai đã đăng ký, phiếu theo dõi, phiếu đăng ký Hải quan đối chiếu, ghi tổng lượng hàng thực xuất/nhập khẩu vào tờ khai và chứng nhận hoàn thành thủ tục hải quan vào tờ khai hải quan, kết thúc quá trình Đăng ký tờ khai một lần.
Việc tổng hợp kết quả kiểm hoá cuối cùng để ghi vào tờ khai và phiếu theo dõi do bộ phận kiểm hoá thực hiện. Trong trường hợp hàng hoá được kiểm hoá ở nhiều cửa khẩu khác nhau (phù hợp quy định ở điểm 3, phần I trên đây) thì việc trên do bộ phận đăng ký tờ khai thực hiện.
III- XỬ LÝ VI PHẠM
Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong quy chế này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
IV- KHOẢN THI HÀNH
1- Quy chế tạm thời này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và áp dụng đến hết 30.6.2001. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện quy chế tạm thời này, Tổng cục Hải quan sẽ ban hành quy chế chính thức để thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.
2- Hàng tháng, Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan tình hình thực hiện quy chế này và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo quản lý chặt chẽ, đồng thời tạo được thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu.
3- Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quy chế này.