Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ: 01/2003/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 01 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ SỞ VẬT CHẤT NGÀNH THỂ DỤC-THỂ THAO THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 ;
Căn cứ Chỉ thị số 274/TTg ngày 27 tháng 4 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch và sử dụng đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển Thể dục-Thể thao ;
Căn cứ Quyết định số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thể dục-Thể thao đến năm 2010 ;
Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26 tháng 3 năm 1999 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển thể dục-thể thao thành phố ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thể dục-Thể thao tại Công văn số 513/TDTT ngày 31 tháng 5 năm 2002 và của Kiến trúc sư trưởng thành phố tại Công văn số 4780/KTST-QH ngày 18 tháng 12 năm 2002 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở vật chất ngành thể dục-thể thao thành phố đến năm 2020, với các nội dung chính như sau :

1. Quan điểm và mục tiêu :

1.1- Quan điểm :

1.1.1- Khẳng định thể dục-thể thao là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, góp phần nâng cao thể lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hóa và tinh thần cho nhân dân thành phố.

1.1.2- Xây dựng nền thể dục-thể thao phát triển, tiến bộ có tính dân tộc, khoa học và nhân dân ; giữ gìn, phát huy bản sắc và truyền thống dân tộc, đồng thời nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học hiện đại.

1.1.3- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể dục-thể thao.

1.2- Mục tiêu :

1.2.1- Gắn chiến lược xây dựng, phát triển ngành thể dục-thể thao thành phố với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đảm bảo điều kiện vật chất kỹ thuật để thành phố là một trung tâm lớn của cả nước về hoạt động và thành tích thể dục-thể thao.

1.2.2- Quỹ đất dành để xây dựng công trình và phục vụ hoạt động thể dục-thể thao thành phố đến năm 2020 phải đạt bình quân 2m2/người.

1.2.3- Ưu tiên đầu tư phát triển cho khu vực 5 quận mới và các huyện. Tùy theo thế mạnh, truyền thống của từng quận-huyện có các bộ môn chủ đạo để tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho phù hợp.

2. Nội dung :

2.1- Quỹ đất dành cho phát triển ngành thể dục-thể thao :

+ Khu vực 8 quận nội thành gồm : Các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11 và Phú Nhuận, có diện tích đất cơ sở vật chất thể dục-thể thao hiện hữu là 76,7 ha, cần tăng thêm 38,81 ha.

+ Khu vực 4 quận ven gồm : Các quận 8, Gò Vấp, Tân Bình và Bình Thạnh, có diện tích đất hiện hữu 35,4 ha, cần tăng thêm 168,3ha.

+ Khu vực 5 quận mới gồm : Các quận 2, 7, 9, 12 và Thủ Đức, có diện tích đất hiện hữu 350,4 ha, cần tăng thêm 373,3 ha.

+ Khu vực ngoại thành gồm : Các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, có diện tích đất hiện hữu 62,2 ha, cần tăng thêm 938,5 ha.

2.2- Các chỉ tiêu quy hoạch gồm :

2-2.1- Chỉ tiêu đất thể dục-thể thao bình quân m2/người :

+ Khu vực 8 quận nội thành : Khoảng 0,6 m2/người ;

+ Khu vực 4 quận ven : Khoảng 1,0 m2/người ;

+ Khu vực 5 quận mới : Khoảng 3,0 m2/người ;

+ Khu vực ngoại thành : Khoảng 2,7 m2/người.

2.2.2- Tiêu chuẩn đất thể dục-thể thao bình quân/chỗ học :

+ Nhà trẻ, mẫu giáo : Từ 0,5m2 đến 0,8 m2/cháu ;

+ Trường phổ thông : Từ 2 m2 đến 4m2/học sinh ;

+ Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề : 12m2/học sinh.

2.3- Phát triển cơ sở hoạt động thể dục-thể thao trong các công viên, cây xanh : Gắn kết việc phát triển mạng lưới công viên cây xanh với việc sử dụng từ 8% đến 10% diện tích đất dành cho hoạt động thể dục-thể thao.

2.4- Phát triển cơ sở hoạt động thể dục-thể thao thuộc các ngành : Đồng thời với sử dụng có hiệu quả cao nhất cơ sở vật chất nội bộ ngành, cần có chính sách thu hút mở rộng nhiều đối tượng trong xã hội tham gia rèn luyện thể dục-thể thao.

3. Các giải pháp phát triển hoạt động ngành thể dục-thể thao :

3.1- Các khu vực đã có quỹ đất dành cho xây dựng cơ sở vật chất của ngành thể dục-thể thao cần kêu gọi đầu tư sớm.

3-2- Ngoài việc giữ đất cho mục đích xây dựng cơ sở vật chất của ngành thể dục-thể thao lâu dài, có thể đầu tư ngắn hạn một số loại hình hoạt động thể dục-thể thao để sử dụng ngay trước mắt, khi chưa đủ vốn đầu tư.

3-3- Đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cho thể dục-thể thao từ quận-huyện và các doanh nghiệp.

3.3.1- Khu vực 8 quận nội thành :

+ Tùy theo điều kiện từng dự án mà giữ nguyên hoặc mở rộng các cơ sở thể dục-thể thao hiện hữu, tập trung lớn vào cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại.

+ Tăng diện tích xây dựng các công trình ngành thể dục-thể thao tại phần diện tích mở rộng, phát triển mới các khu công viên cây xanh (chiếm từ 8% đến 10% diện tích).

+ Ưu tiên dành đất đầu tư cho thể dục-thể thao tại các khu dân cư mới, các khu chung cư, các khu cải tạo nhà lụp xụp theo quy chuẩn.

3.3.2- Khu vực 4 quận ven : Ưu tiên đầu tư vào các khu vực có quỹ đất, có quy hoạch được duyệt dành cho công trình thể dục-thể thao theo quy chuẩn.

3.3.3- Khu vực các quận mới và các huyện :

+ Phát triển đồng bộ các loại hình thể dục-thể thao, nâng cấp các công trình hiện hữu, trang bị thiết bị hiện đại, nâng công suất sử dụng.

+ Ưu tiên đầu tư các công trình còn thiếu trên các địa bàn quận-huyện như : Sân bóng đá, nhà thi đấu, hồ bơi và hệ thống sân tập luyện.

+ Tăng cường chỉ tiêu sử dụng đất cho thể dục-thể thao, để bổ sung, hỗ trợ cho các quận nội thành.

4.- Các công trình thể dục-thể thao đầu tư giai đoạn trước mắt :

4.1- Cải tạo và nâng cấp các công trình hiện có.

4.2- Tập trung đầu tư vào các công trình đã có kế hoạch để đầu tư xây dựng, đảm bảo chuẩn bị tốt cho việc tổ chức SEA Games năm 2003.

4.3- Ưu tiên đầu tư vào khu vực các quận mới và các huyện hiện đã có hồ sơ và hoàn thành thủ tục, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2.-

2.1-Giao Kiến trúc sư Trưởng thành phố gắn kết quy hoạch mạng lưới cơ sở vật chất ngành thể dục-thể thao khi đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và quy hoạch chung thành phố ; khi phê duyệt quy hoạch chi tiết từng khu vực phải tính đến mạng lưới cơ sở vật chất ngành thể dục-thể thao đã được duyệt.

2.2- Giao Giám đốc Sở Thể dục-Thể thao và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chậm nhất trong vòng 6 (sáu) tháng kể từ ngày ban hành quyết định này, phải báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về các nội dung : Xác định ranh giới các khu đất, công trình thể dục-thể thao để lập danh mục đầu tư theo phân kỳ từng 5 năm; đề xuất giải pháp tạo vốn đền bù, giải phóng mặt bằng.

2.3- Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Giám đốc Sở Thể dục-Thể thao chịu trách nhiệm quản lý mặt bằng, quỹ đất dành cho ngành thể dục-thể thao.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Địa chính-Nhà đất, Giám đốc Sở Thể dục-Thể thao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Thủ trưởng các sở-ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận :
 - Như điều 3  
- Thủ tướng Chính phủ
- Ủy ban Thể dục-Thể thao
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Ủy ban nhân dân thành phố
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
 và các Đoàn thể
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố
- Các Sở-Ngành, Viện Quy hoạch xây dựng
- VPHĐ-UB : CPVP, Tổ ĐT, DA, VX, TH  
- Lưu (VX-Hg)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Hải