Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 01/2007/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 08 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 35/2006/CT-THỊ TRƯỜNG NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006;

Căn cứ Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- VP Chính phủ (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy (nt);
- TT HĐND tỉnh (nt);
- Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh (nt);
- Bộ Tư pháp (nt);
- UBMTTQ, các đoàn thể tỉnh;
- Báo GL; Đài PTTH;
- CT, các PCT;
- CVP, các PVP;
- Lưu VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 35/2006/CT-TTG NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo quyết định số: 01/2007/QĐ-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

A/- Mục đích, yêu cầu:

- Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý; Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý;

- Tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý để cán bộ và nhân dân hiểu về chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước; giúp người nghèo, đối tượng chính sách có cơ hội được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, có điều kiện tiếp cận, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật; góp phần lồng ghép có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện dân chủ ở cơ sở và bảo đảm an ninh, trật tự, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo không đúng quy định của pháp luật.

B/- Một số công tác trọng tâm:

I- Kiện toàn tổ chức, bộ máy trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý:

1- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ quan hữu quan thực hiện các công tác sau:

- Rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, viên chức làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý, quy hoạch nguồn cán bộ để cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý.

- Trong quý I năm 2007, Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án củng cố kiện toàn về tổ chức bộ máy và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Việc củng cố kiện toàn về tổ chức bộ máy của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh phải theo hướng chuyên môn hóa, mỗi lĩnh vực pháp luật đều có trợ giúp viên pháp lý chuyên trách nhằm nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Tổ chức khảo sát, đánh giá lại nhu cầu trợ giúp pháp lý và điều kiện của tỉnh để xây dựng Đề án thành lập các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý, nhằm đáp ứng kịp thời, tại chỗ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân.

Từ nay đến hết quý I năm 2007, Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án thành lập 02 Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại các địa phương có điều kiện, có nhu cầu trợ giúp pháp lý cao; từ quý IV năm 2007 trở đi, tiếp tục khảo sát, nghiên cứu xây dựng đề án thành lập thêm các Chi nhánh trợ giúp pháp lý.

2- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các công tác sau:

- Rà soát, đánh giá lại chất lượng đội ngũ cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý, tiếp tục phát triển, mở rộng mạng lưới cộng tác viên theo hướng nâng cao chất lượng, tăng cường cộng tác viên ở cơ sở và thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng trợ giúp pháp lý để cộng tác viên thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn hướng dẫn các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cấp xã duy trì sinh hoạt thường xuyên, có nề nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt. Nghiên cứu nhân rộng mô hình hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cấp xã tại những nơi có điều kiện. Cân đối kinh phí để hỗ trợ các Câu lạc bộ hoạt động.

3- Sở Tư pháp hướng dẫn các Văn phòng luật sư, tổ chức tư vấn có đủ điều kiện tự nguyện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

II- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để triển khai thi hành có hiệu quả Luật trợ giúp pháp lý:

1- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức phổ biến, tuyên truyền nội dung Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức thiết thực, có hiệu quả trong cán bộ và nhân dân, đặc biệt chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng như: người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, người tàn tật không nơi nương tựa, trẻ em.

2- Sở Văn hóa thông tin, các cơ quan Báo, Đài của tỉnh triển khai giới thiệu Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; nâng cao chất lượng chuyên mục trợ giúp pháp lý trên sóng phát thanh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa của công tác trợ giúp pháp lý, diện đối tượng được trợ giúp và quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý.

3- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thường xuyên tăng cường phổ biến, tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các thành viên, hội viên của tổ chức mình và phối hợp triển khai tốt hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định.

4- Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Biên soạn, in ấn, phát hành đề cương, tài liệu phục vụ cho các các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc phổ biến Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biên pháp luật về trợ giúp pháp lý theo chức năng nhiệm vụ.

- Tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành cho những người trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý như: trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật để đảm bảo thực hiện thống nhất Luật trợ giúp pháp lý.

- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tổ chức thực hiện kịp thời các văn bản hướng dẫn công tác trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

* Thời gian triển khai thực hiện các nội dung trên bắt đầu từ quý I/2007 và duy trì thường xuyên, liên tục trong thời gian tiếp theo.

C/ Tổ chức thực hiện:

Căn cứ kế hoạch này, Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đúng tiến độ.

Giao Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, nắm tình hình, định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Tư pháp./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng